Saturday 4 January 2014

BÁO CHÍ NGƯỜI VIỆT NAM TỴ NẠN CỘNG SẢN Ở CANADA - Nguyễn Vy Khanh

Đầu tháng 5 năm 1975, chính phủ Canada đã bắt đầu đón nhận người Việt miền Nam đến tị nạn chính-trị; báo-chí tiếng Việt cũng từ đó xuất hiện liên tiếp gần 38 năm qua với sứ mạng, mục-đích và sinh-hoạt mỗi thời. Chúng tôi trình bày sơ lược theo thứ tự xuất hiện và dĩ nhiên thể nào cũng còn nhiều thiếu sót, nhất là những vùng ngoài các tỉnh bang o­ntario và Quebec.

GIAI ĐOẠN ĐẦU 1975-1979

Chương trình Trợ giúp Đồng bào Tỵ nạn do sinh-viên Việt-Nam ở Montréal đảm trách trong chương trình di trú của chính phủ Canada đã cho phát hành 6 sốViệt Báonhắm thông tin giúp đỡ những người mới đến tỵ nạn từ sau ngày 30-4-1975; tờ báo đình bản và chương trình này chấm dứt khoảng giữa năm 1976.

Về báo chí lưu vong của người Việt sau ngày 30-4-1975, tờ báo đáng gọi là mở đầu, đi tiên phong, là tờChân Trời Mới ra đời ngay đầu tháng 5-1975 ở các trại tỵ nạn đảo Guam rồi ở trại Pendleton, CA; đặc biệt là những người chủ động biên tập sau đó di tản đến nhiều nước khác nhau, họ đã tiếp nối tiếng nói tỵ nạn qua báo-chí. Ở Úc tiếp nối ra tờNgười Việt Tự Do số đầu ra ngày 01-11-1975 nhưng không sống được lâu. Nhóm thứ hai khá đông đảo ở Hoa-Kỳ, tiếp tục ra tờ Đất Mới /New Land, bán nguyệt san phát hành ở Seatlle WA. Nhóm Montréal (Canada) dùng lại tên Chân Trời Mới làm “tiếng nói của những người yêu chuộng hòa bình đấu tranh cho tự do dân-chủ thực sự”, sau giao lại cho nhóm Dân Quyền Trương Trí Vũ biến thành tờ Dân Quyền. Chân Trời Mới Montréal chủ-nhiệm Lam Khê, chủ-bút Việt Doãn, tổng-thư-ký Nguyễn Đình (vào giai đoạn đầu các nhà báo và tranh đấu chính-trị thường ký biệt hiệu hơn là dùng tên thật; lý do khác với việc dùng biệt hiệu, tên giả để chống phá nhau trên báo-chí sau đó và qua Internet thời nay), số đầu ra ngày 1-9-1975, đến số 24 (12-1977) thì đình bản; những người chủ trương xem như xong “sứ mệnh chuyển tiếp”, “đánh dấu sự thành công của nỗ lực kết hợp các anh chị em cùng chí hướng” và chuyển thành tờDân Quyềncho một “giai đoạn đấu tranh mới””tiếp nối nỗ lực đấu tranh cho quyền làm người của nhân dân ta” (Trích Quan điểm, số 24) như sẽ nói ở phần sau.

Một trong số những tờ báo đầu tiên khác xuất phát từ Montréal là tờ Dân Tộc, “cơ quan biên-khảo nghị-luận; tiếng nói của sinh viên Việt-Nam tại Canada”, số 1 ra tháng 3-1976 do Phan Nguyên (Nguyễn Văn Sơn) chủ-nhiệm cùng Lã Mạnh Hùng, Đàm Quang Long thay nhau điều khiển duy trì tờ báo, mỗi số khổ tabloid giá 25 cents. Trong Thư Ngỏ số 1,Dân Tộc cho biết trong hoàn cảnh mới của người Việt “sự hiện diện của một cơ quan thông tin ngôn luận trở nên vô cùng cần thiết. Một mặt để đáp ứng với những nhu cầu tìm hiểu, theo dõi những biến chuyển liên quan đến quê-hương Việt-Nam chúng ta, mặt khác đây còn là khí-cụ giúp chúng ta góp phần hữu hiệu trong việc thực-hiện những lý tưởng … (=vai trò mói (của người Việt): xây dựng, kiến thiết quốc-gia sau bao nhiêu năm chiến-tranh đổ vỡ; xóa bỏ mọi hiềm thù để hàn gắn vết thương chiến-tranh; đoàn kết để tranh-đấu cho một nền chính-trị tự-do dân-chủ, một xã-hội công bằng, nhân bản phù-hợp với trào lưu tiến hóa của nhân-loại...”). Tấm ảnh Tiếc Thương với người thiếu nữ cầm thẻ bài, khóc ngưòi yêu của nhiếp-ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh trên trang bìa số 2 đã là một cú sốc lớn đối với người đọc tỵ nạn! Từ năm 1979, tờ báo đổi khổ 8×11, chủ-nhiệm Đàm Quang Long, chủ-bút Hoàng Cao Chuy, Phan Nguyên phụ trách phần Nghiên cứu và tăng cường thêm các cây viết biên-khảo nghị luận như Nguyễn Khắc Ngữ, nhà văn như Minh-Đức Hoài-Trinh, … và báo cũng là nơi xuất hiện những văn thơ bước đầu của Vy Hùng, Bắc Phong, …

Tập san Y Sĩ do Hội Y Sĩ Việt-Nam tại Canada chủ trương, xuất-bản từ năm 1976 với hình-thức đơn sơ 8.5×11, đến năm 1987 thì thay đổi hình-thức theo khổ tạp-chí cho đến nay (sau Đại hội quốc tế Y sĩ Việt-Nam đầu tiên), lúc đầu thiên về thông tin, liên lạc với các hội viên y sĩ, không chỉ tại Canada mà cả ở nhiều quốc-gia khác, về sau thêm phần chuyên khoa, biên khảo và văn-nghệ khiến cho tạp-chí thêm phong phú. Chủ-nhiệm thường là chủ tịch Hội đương-nhiệm, còn chủ-bút thì thay đổi luôn: Phạm Hữu Trác (1986-1995), Từ Uyên, Trang Châu, Nguyễn Hữu Nam, Nguyễn Thanh Bình, Thân Trọng An, … Có những số chủ đề như về “Nguyệt san Tình Thương” (184, 2010), tập san còn tổ chức hội thảo, bàn tròn và còn là nhà xuất-bản cho một số tuyển tập và tác-phẩm như Chết Em Rồi, Bác Sĩ Ơi !(Tôn Kàn, 1995),Nẻo Mới Vào Văn Học (Trần Đức Cương, Lê Phụng, 1997), Sấm Truyền Ca(Lữ Y Đoan 2000), Vàng Máu Và Nước Mắt: Khảo Sát Về Tù Cải Tạo và Vượt Biên Trong Giới Y Sĩ, 2000), Những Gì Còn Nhớ (Từ Uyên, 2001),

Dân Quyền “nguyệt san thông tin nghị luận, tiếng nói của người Việt đấu tranh cho dân quyền”, chủ trương “góp mặt trên làng báo hải-ngoại như một diễn đàn, một cơ sở thông tin nghị luận, một phương-tiện trao đổi ý kiến để tiến tới việc thống nhất tư tưởng và hành động với các tổ chức, các đoàn thể bạn trong dòng vận động cách-mạng dân-tộc cứu nước và dựng nước”- chủ trương và nội-dung trùng hợp với đa số các cơ quan truyền thông khác ở nhiều nước, riêng ở Montréal thì nhóm chỉ thu phục được một số nhỏ cùng tin tưởng lúc đầu vì ngoài nhóm còn có ít nhất 2 khuynh hướng đấu tranh chính-trị khác, nhóm Dân Tộc-Hành Trình-Focus Vietnam và nhómVượt Biển- Nắng Mới- Kháng Chiến. Tờ Dân Quyền số 1 (Xuân Mậu Ngọ) ra đầu tháng 2-1978 đến số 106 ra tháng 6-1987 thì ngưng mặt báo chí, thông tin văn nghệ để tham gia các liên minh và mặt trận đấu tranh trên các diễn đàn hải ngoại, và nay đã rơi vào quên lãng. Lúc đầu ghi là do một Ủy ban thực hiện nhưng trong thực tế chủ-biên gồm Trương Trí Vũ, Trần Hà Việt với sự góp mặt của Bắc Phong, Lạp Chúc (Nguyễn Huy), Vũ Kiện, Đoàn Văn Toại, Nguyễn Ngọc Ngạn, Võ Kỳ Điền, … Ngoài một số nhận định chính-trị theo thời sự, nhiều bài lấy lại từ tài liệu và tác-phẩm đã xuất-bản như các biên-khảo chính-trị, danh nhân, học tập cách-mạng và tiểu-thuyết của Nhất Linh; riêng nhà văn Phan Nhật Nam lúc bấy giờ còn ở trong nước qua Đào Vũ Anh Hùng đã công bố toàn tập Nhật ký trong lao tù cải tạo (các số 39-42, năm 1981). Theo báo cáo tài chánh sau 3 năm sinh hoạt, chi phí cho tờ báo chỉ là một nửa các khoản chi, nửa kia là phát triển cơ sở của tổ chức.

Tờ Niềm Tin song ngữ Pháp-Việt, “tiếng nói cộng đồng Công-giáo Việt-Nam Montréal” số 1 khổ tabloid 8 trang ra ngày 15-8-1979, giá 1 dollar, từ số 12 (9-1980) đổi sang khổ 8×11. Có sự góp mặt của Phạm Xuân Thu, Nguyễn Khắc Ngữ, Đỗ Quí Toàn, Phạm Văn Thiết, … Hội thánh Tin Lành ở Montréal có tập san Phục Vụ. Các chùa đều có báo và đặc san riêng nhưThuyền Tôn,…

Đuốc Thiêng, “tiếng nói Cộng đồng người Việt tại Canada vùng Montréal”, thay thế Bản Tin lúc đầu của Hội Việt Kiều tai Canada vùng Montreal – được thành lập từ tháng 3-1976 (chủ tịch nhiệm kỳ đầu là ông Nguyễn Xuân Khương). Năm 1982, Hội đổi danh xưng là Cộng đồng người Việt quốc-gia tại Montréal (chủ tịch Trần Xuân Đức), báo ra Giai phẩm Xuân.

Nếu sinh-viên đại học ở thủ đô Ottawa từng có tờTấc Đấtt thì thủ đô tỉnh bang Québec có tờ đặc san Đất Lạnh / Terre Froide của Hội Việt kiều Québec bất định kỳ từ thập niên 1960, lúc đầu là tiếng nói sinh-viên VNCH theo học tại đại học Laval gồm “quốc-gia” và “thân Cộng, phản chiến” lúc lằn ranh chưa rõ (trong Ban biên tập từng có Lương Châu Phước), sau trở thành tiếng nói của Việt kiều (từ biến cố tháng Tư 1975) và cựu sinh-viên “quốc-gia”. Một số báo có thời được cơ quan thông tin của chính phủ Québec giúp in ấn.

GIAI ĐOẠN HAI 1980-1988

Năm 1980 đánh đấu sự tham gia sinh hoạt báo-chí của đợt thuyền nhân /boat people 1979, chính-trị rõ hơn với kinh nghiệm sống với cộng-sản Hà-nội của người miền Nam và cả Bắc (thường là bộ-nhân sang Trung Cộng và Hương Cảng) và sự xuất hiện tích cực một thời của các Mặt Trận chống Cộng và đấu tranh lật đổ chế độ cộng-sản trong nước. Cho đến khoảng năm 1981, trên các báo, tiếng Việt được đánh dấu tay, sau 1982, kỹ thuật máy điện tử photo-typesetter dùng quang-ảnh laser, sau đó với những thảo chương điện toán VPS, VNI, v.v. và cuối cùng với Unicode, tất cả dùng với các máy vi tính bàn rồi laptop xách tay đã khiến việc đọc, viết và in tiếng Việt ngày càng dễ dàng và phổ cập tới mọi người. Ngoài những nhà xuất-bản dựng tên nhưng in chụp lại sách miền Nam trước 1975, nhà gọi là xuất-bản đầu tiên là nhà Bố Cái ở vùng Quận Cam CA, chữ dùng dấu đánh của tiếng Tây Ban Nha và trong số các tác-phẩm đầu có cuốn in số lượng khá lớn.

Vượt Biển nguyệt san của Hội Ái hữu Người Việt Nam Vượt Biển tại Montréal, lúc đầu là Bản Tin ra năm 1980 in roneo, từ đầu năm 1981 thành đặc san Vượt Biển, Tiếng nói của người Việt tranh đấu cho tự do và nhân quyền” in typo, tăng trang, của cùng Hội, đồng thời hổ trợ một lực lượng đấu tranh giải phóng Việt-Nam. Số 59 XuânVượt Biển thành tạp-chí Nắng Mới  tạp-chí văn-nghệ thông tin nghị luận” theo hoàn cảnh đấu tranh chính-trị mới, số 1 ra tháng 2&3 năm 1988, và cuối cùng đổi khổ báo tabloid cùng đổi tênNắng Mới Thời Báo thêm mục điện ảnh, phim bộ nhưng không tồn tại được lâu, số cuối năm 1994. Chủ-nhiệm Nguyễn Đăng, chủ-bút Vũ Ngọc Hiến, ban chủ trương ngoài ra còn thêm Lưu Nguyễn, Lê Quang Xuân, Đỗ An, Biên Cương. Nắng Mới đã có một thời là tạp-chí văn-nghệ đúng nghĩa ở vùng Montréal, với sự cộng tác của nhiều bỉnh bút chính-trị và nhà văn Bắc Mỹ cũng như Âu châu, đã thành danh từ trước hoặc mới vào nghiệp báo nghiệp văn ở hải-ngoại; tạp-chí liên hệ nhiều với Trung tâm Văn Bút Québec, từng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt văn-nghệ và ra mắt sách thành công.

Lửa Việt, ra đời ở Toronto từ 1981, với danh nghĩa Cộng đồng Người Việt Tự Do, Bùi Bảo Sơn chủ-nhiệm, chủ-bút Nguyễn Hữu Nghĩa – đến 1984 thì tách ra làm riêng tờ Làng Văn, Hải Triều thay thế từ sau năm 1986 Lửa Việt bị tòa phạt tôi chụp mũ báo Bạn Việt của Hội Người Việt Toronto, nhưng rồi đình bản trong năm 1986 sau số 118. Nhóm còn chủ trương nhà xuất-bản Quê Hương in sách của nhà giáo Bùi Văn Bảo.

 

Sóng cũng xuất-bản ở Toronto từ 6-1982, chủ-nhiệm Nguyễn Tăng Chương (từng chủ trương nhóm Sóng Việt văn đoàn), Minh Đức Hoài Trinh chủ-bút, Chu Vương Miện tổng-thư-ký, sau này có thời Lê Tấn Lộc làm thư ký tòa soạn.

Làng Văn nguyệt san, số 1 (9-1984, đình bản năm 2009), của Nguyên Hương và Nguyễn Hữu Nghĩa, 5 năm sau ông bà ra thêm tờ tạp-chí Văn Xã (1990, X. giai đoạn 3) rồi lần xa văn-học đi vào đấu tranh phe phái nên thêm tuần báoChiến Sĩ Tự Do (1987-1994, chủ trương “đả đảo bọn sâu mọt chính-trị, chống Cộng để làm giàu, làm “lãnh tụ”, bọn đâm sau lưng chiến sĩ” (X. Ý nghĩa của sự góp mặt, tr. 1, số 1) để đẩy mạnh chiến dịch tố cáo người của cùng cộng đồng lưu vong là ‘Việt-cộng’ và ‘tay sai’, cả những người từng cộng tác hoặc văn/nhạc hữu một thời với ông bà chủ báo và nhà xuất-bản Làng Văn/ Viet Publications. Có công khám phá một số nhà văn thơ nhưng cũng quậy rối làng văn và cộng đồng hải-ngoại với chiêu bài chống Cộng; chủ trương sao thì về sau tự chứng tỏ cá nhân cơ hội chủ nghĩa như vậy! Năm 1988 (từ số 41, 1-1988) tung thảo luận về Quốc Ca, gây sôi nổi ý kiến nhưng cuối cùng phải bỏ ngang. Khoảng năm 1997 giáo sư họ Lê hạ bệ nhạc sĩ Phạm Duy trước và sau những hạ bệ, (Sắc Không Chém Đá Nguyễn Hữu Nhật ở Na-Uy tiếp tay) các nhà văn Hà Thúc Sinh, Võ Kỳ Điền, Nhật Tiến và cả Nguyễn Ngọc Ngạn – phần lớn từng cộng tác cho tờLàng Văn và đưa sách cho NHN làm lớn mạnh nhà xuất-bản.Từ những tấn công Nguyễn Ngọc Ngạn lòi ra chuyệnLàng Văn cưỡng hiếp bản quyền của tác-giả do LV xuất-bản. Người Việt Nam cực đoan khi tấn công ai thì cắt nghĩa luật lệ theo luật rừng, cũng như trong vụ lên án cuộc triễn lãm tranh của Võ Đình ở Montreal, nhóm NHN cắt nghĩa điều lệ Văn Bút Quốc Tế rất tùy tiện khác với cách hiểu của Trung tâm Văn bút Québec, trong vụ tranh chấp với NNN, NHN cắt nghĩa copyright thành publishingright, nhà xuất-bản in cái gì thì cái ấy thuộc về nhà xuất-bản, được luật Canada bảo vệ (?) và người làm lay-out thành editor (X. cuốnHậu B-40 (1997) của Làng Văn & NNN. “Tường trình chuyện tác quyền”.Tự Do số 111, 5-1998). Vụ kiện hình như đã được giải quyết ngoài tòa.
Trước đó ông bà từng làm tờ tabloid Sài-Gòn Thời Báo bán nguyệt san, có số thêm phần Anh ngữ, phát hành tại Toronto, từ 1983, lúc đầu giá 25 xu. Trúc Sơn chủ-nhiệm, chủ-bút Hạ Hồng Kỳ (Nguyễn Hữu Nghĩa?), tổng-thư-ký Nguyên Hương, người viết đa số sau cùng làm tờ Làng Văn.
Phổ Thông số ra mắt tháng 9-1984 tại Toronto, cựu dân biểu Nguyễn Văn Tiết chủ-nhiệm, 1987 đổi khổ nhỏ rồi đình bản. Sau này Nguyễn Văn Tiết tái xuất chủ-nhiệm tờ tạp-chí Kinh Doanh, “diễn đàn của người Việt còn quan tâm đến vận mạng đất nước” với 3 chủ-biên chính-trị Nguyễn Long Ân, kinh tế Nguyễn Bá Lộc và tài chánh Phạm Vi Cẩn xuất-bản từ 1998 đến 2000, ngoài nhóm cựu sinh-viên Quốc gia Hành chánh như với tờ Phổ Thông, lần này có sự cộng tác của nhiều chuyên viên và nhà văn khắp nơi, đề tài sâu sắc chuyên khảo hơn.

Việt-Nam Canada là nguyệt san văn-hóa xã-hội của Fondation Vietnam-Canada, giá 50 xu. Tân Văn (Ngô Văn Tân) chủ-nhiệm, nhiều bài viết và nghiên cứu giá trị của Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Tường Bách, … Số ra mắt ngày 1 tháng 7-1982 và số cuối tháng 4-1986.

Báo hội đoàn ở Gia Nã Đại đầu tiên là Đất Lạnh, kế làBạn Việt của Hội Ái hữu Việt Kiều Toronto sau đổi tên là Hội Người Việt Toronto. Cùng với đoàn người tỵ nạn, các hội đoàn và báo chí tiếp nhau ra mắt theo biến thiên của thời thế chính trị và cuộc sống mới nơi xứ người, tiếp nối làm nhịp cầu thông tin và sinh hoạt tập thể.

Liên Hội từ cuối năm 1982, tòa soạn theo người tổng-thư-ký Liên Hội (Nguyễn Hải Bình, Đặng-Vũ Tuấn-Kiệt) lúc đầu ở Sherbrooke, Montréal và cuối cùng trở về Trung tâm người Việt ở Ottawa (Tăng Quyền Vinh,…) với chủ-bút dài năm Trịnh Vũ Điệp, lúc đầu có những bài viết tiếng Anh, Pháp. Ban đầu 3 rồi 2 tháng ra một số, sau này trở thành đặc san mỗi năm một số vào dịp Xuân và từ 2001 có thêm Bản Tin Liên Hội có tính cách nội bộ các hội thành viên. Thời thịnh của tờ báoLiên Hội là trước sau lúc Liên Hội Người Việt Canada tham gia việc thành lập Tổng Liên Hội Người Việt Tự Do Hải Ngoại, với các chủ biên Tỵ nạn (Nguyễn Xuân Cung), Biên khảo (Lạp Chúc Nguyễn Huy), Xây dựng cộng đồng (Phạm Kim Thư), Chính-trị (Ng Vy Khanh), Hội nhập (NVK rồi Phan Tấn Khôi), Tuổi trẻ (Đặng Đình Thịnh rồi Võ Như Mai), Thiếu nhi (Võ Như Mai rồi Ngô Thị Ngọc Lan), Thời sự (Nguyễn Phước Hùng), … Diệp Chu Xẽ v.v vừa trình bày, minh họa và thư ký tòa soạn nhiều năm. ViVi cũng góp nhiều trang bìa nghệ-thuật.

Báo Quốc Gia trở thành cơ quan thông tin của Cộng đồng Người Việt Quốc Gia tại Canada vùng Montréal, thời chủ tịch Nguyễn Văn Cường, số ra mắt tháng 12 năm 1988, dưới hình thức tabloid, đến năm 1997 bộ mới lại đổi hình-thức gây xáo trộn cộng đồng vì có bàn tay phù thủy văn-nghệ từ bên ngoài. Chủ nhiệm là chủ tịch cộng đồng, chủ-bút hiện nay là BS Trần Mộng Lâm và hình như đang định hướng hình-thức xuất-bản cho phù hợp với tình hình cộng đồng và kinh tế chung. Nội-dung tờ báo ngày càng thiên về một phía, lão hóa và thiếu tiếp nối, cùng tình trạng với nhiều cơ quan truyền thông không thương mại hóa.

Gia Vàng“tiếng nói người Việt tị nạn cộng-sản tại British Columbia” – tỉnh bang cực Tây của Canada.

Thép Súng của Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH sau thành Liên Hội Cựu Quân Nhân Canada xuất-bản tại Toronto từ 1987, …

Hành Trình tiếng nói của thanh niên Việt-Nam tự do tại Canada”, chủ-nhiệm Nguyễn Văn Sơn, số 1 tháng 9-1987, xuất-bản ở Québec rồi Montréal.

Giới trẻ còn có những tờ Góp Gió (Trung tâm Thanh niên Việt Nam Toronto), Tuổi Trẻ, “tiếng nói của tuổi trẻ Việt-Nam hải-ngoại” của Liên hội Sinh viên Montréal, xuất-hiện từ 1987, lúc đầu 3 tháng 1 số, đình bản không lâu sau đó, Ngàn Thông(Montréal), v.v., tất cả có liên hệ đến chính trị theo nghĩa rộng đào luyện con người trẻ. Và những tờ này là những tờ không bị (?) giới lợi dụng chính-trị điều khiển!

GIAI ĐOẠN 3 TỪ SAU BIẾN CỐ BỨC TƯỜNG BÁ-LINH (9-11-1989) ĐẾN NAY

Bức tường Bá Linh sụp đổ kéo theo sự biến dạng của chủ nghĩa cộng-sản ở nhiều quốc-gia làm nức lòng hy vọng nơi người Việt hải-ngoại. Nhiều nỗ lực chính-trị và cộng đồng đã được các tổ chức và cá nhân tham gia, nhưng thiếu sức, thiếu đồng thuận, đoàn kết, đã phải thay đổi chiến lược, chiến thuật nhiều lần với nhân sự ngày thêm lão hóa. Chính quyền trong nước cũng đã phải sử dụng nhiều chiến thuật khác (bá đạo cũng có mà tiền cũng có) để đương đầu với những chống đối của cộng đồng người Việt hải-ngoại.

Trăm Con, tạp-chí “chính-trị văn-hóa văn-học nghệ-thuật” xuất-bản ở Toronto, số 1 ra tháng 6-1992, chủ biên Trân Sa, tổng-thư-ký Tư Đồ Tuệ, trị sự Hà Vũ Trọng, nhóm chủ trương ngoài ra thêm 6 người khác trong số có Nguyễn Văn Sơn và Hồ Đình Nghiêm, có sự cộng tác của nhiều cây bút trong và ngoài nước như Hồ Sĩ Khuê, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Phạm Xuân Đài, Diễm Châu, Nguyễn Văn Sâm, Nhật Tiến, Trương Vũ, Thụy Khuê, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Cung Tích Biền, Khế Iêm, Nhật Chiêu, Hồ Đình Nghiêm, Bùi Chánh Thời, Đỗ Quyên, Đỗ Hữu Tài, Nguyễn Vy Khanh, v.v.Trăm Con sống không lâu nhưng một thời đã đóng vai trò vận động đổi thay văn-hóa cho thời hậu cộng-sản. Tạp-chí bị Nguyễn Hữu Nghĩa của tờ Làng Văn chụp mũ nằm trong chiến dịch Bông Hồng Xám của Việt Cộng (!) và tố Trăm Con “chối bỏ cờ vàng” (“Về vụ ‘khủng bố văn-nghệ’tại Montreal… ”Chiến Sĩ Tự Do 42, 8-1992, tr. 7).

Văn Xã số 1 ra tháng 1-1990, Nguyên Hương và Nguyễn Hữu Nghĩa chủ trương, đình bản sau số 3 tháng 7-1990. Trong bài mở đầu số 1, chủ biên cho biết : “… “xã” ở đây là xã-hội, khu vực. Rộng hơn nữa, là căn cứ, là tổ chức, là đoàn thể. Trong khi làng văn là văn giới, thìvăn xã là một tổ-chức của văn giới, qui tụ những người chung lý tưởng, chủ trương dùng văn-chương để phụng sự tổ quốc và dân-tộc…Làng Văn mang yếu tính đại chúng,Văn Xã đào sâu chuyên môn … chú trọng về nghiên cứu, phê-bình…”(tr. 2-3). Số 2 đặc biệt về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, số 3 đặc biệt 15 năm văn-học lưu vong, với những tổng kết hoặc ghi nhận về văn-học lưu vong và /hoặc hải-ngoại, về thơ, về xuất-bản và phát hành sách báo ở hải-ngoại, ở Úc châu, báo Việt ở Âu châu, báo-chí ở Gia-nã-đại, phỏng vấn một số văn-nghệ sĩ Việt-Nam tại hải-ngoại, v.v.

Truyền Thông / Communications của BS Phạm Hữu Trác số ra mắt tháng 11-2001, với chủ trương “nhận định, trình bày những vấn đề hiện đại trên mọi lãnh vực văn hóa cũng như xã hội trong trào lưu tiến hoá hoàn cầu. Tạo lập một diễn đàn mới cho người Việt, đặc biệt là giới trẻ đang sống khắp nơi trên thế giới”, “xuất bản một năm bốn kỳ. Bài vở trong mỗi số do một chủ biên chọn lọc. Bài viết hoặc bằng tiếng Việt hoặc bằng Anh ngữ hoặc Pháp ngữ”. Đề tài thời sự, lịch-sử hoặc liên quan đến cộng đồng người Việt cần minh định, trao đổi để định hướng, mở ra hướng đi mới, bên cạnh những cái nhìn mới về văn-chương học thuật. Từ hình-thức ấn phẩm đon sơ lúc đầu, tạp-chí ngày càng dày thêm nội-dung và trình bày mỹ thuật. Đình bản sau số 41-42 (Thu-Đông 2011) chủ đề “Nhìn qua cửa sổ” và bắt đầu chuyển sang hình-thức xuất-bản tác-phẩm (Vài Câu Chuyện Lịch Sử 2012, …).

Đi Tới tờ báo của người Việt xa xứ”, sau thêm phụ đề “dân-tộc-nhân bản-khai phóng”, số ra mắt tháng 5 năm 1994, chủ-nhiệm Đoàn Minh Hóa, chủ-bút Nguyễn Minh Đức, giám đốc Ngô Xuân Vinh, với ban tham vấn và cộng tác viên hùng hậu. Lời Thưa mở đầu số 1 cho biết “tờ báo được hình thánh từ những ban khoăn, suy nghĩ của chúng tôi, những người Việt xa xứ, đã qua nhiều khó khăn , nhọc nhằn về vật chất cũng như tinh thần, để mới có thể có mặt thành bước đầu trên quãng đường dài phía trước. (…)Tạp-chí Đi Tới sẵn sàng và hân hạnh là diễn đàn trình bày ý kiến của những người dân không có cơ hội lên tiếng, làm nhiệm vụ thông tin cho các sinh-hoạt của các hội đoàn, đảng phái, tôn giáo để phục vụ độc giả Việt-Nam xa xứ. Từ đó, trên lập trường quốc-gia dân-tộcTạp-chí Đi Tới cố gắng đóng góp phần khả năng của mình để phục vụ khuynh hướng phát huy tinh thần dân-tộc, và chủ trương tôn trọng tự do, dân-chủ và nhân quyền”. Bộ cũ ngưng với số 37 (6-6-1997). Bộ mới số 1 ra tiếp ngày 1-8-1997, Đoàn Minh Hóa chủ-nhiệm chủ-bút, Lê Quốc Uy tổng-thư-ký, Nguyễn Minh Đức chủ biên văn-nghệ, chủ biên mỹ thuật Nguyễn Tài, họa sĩ Nguyễn Quốc Tuấn phụ trách trình bày và tác-giả nhiều hình bìa. Từ số 24 bộ mới tháng 8-1999, chủ-nhiệm là Đoàn Minh Quân, chủ-bút vẫn là Đoàn Minh Hóa và vẫn tổng-thư-ký Lê Quốc Uy. Được sự cộng tác của nhiều cây viết Bắc Mỹ, nhiều số theo chủ đề. Số cuối 84 ra tháng 10&12-2005 sau 12 năm góp mặt sinh hoạt văn-hóa và chính-trị của người Việt hải-ngoại, đã thành công gây thao thức về tương lai dân-tộc và đất nước cũng như nhìn lại một số biến cố lịch-sử với những quan điểm và tầm nhìn khác nhau,…
Ngoài ra, Montréal còn có đặc sanVietnamologica, xuất thân từ một Trung tâm Việt-Nam học, ban chủ biên đầu tiên gồm giáo-sư Lê Hữu Mục, luật sư Ngô Văn Hoa, giáo-sư Vũ Tiến Phúc, Nguyễn Vy Khanh tổng-thư-ký.Vietnamlogica từ đa dạng văn hóa đã thu nhỏ lại trong lãnh vực vật chất của văn hóa (thổ nhưỡng, địa lý, canh nông). Số ra mắt năm 1994, xuất-bản hàng năm rồi bất định kỳ và đã đình bản.

Người Việt Hải Ngoại xuất-bản ở miền cực Tây Canada, Vancouver BC, tuyển tập biên-khảo và sáng tác văn-nghệ của một số những cây viết trong và ngoài nước xuất-bản hàng năm, từ 1998, chủ-nhiệm Nguyễn Tiến Lộc, ban biên tập và nhóm chủ trương có Đỗ Quyên, Nguyễn Đức Tùng, … Mỗi số một chuyên đề : Nỗi nhớ hai đầu (1998), Vòng đời-vòng trăng (1999), Có một thời Xuân (2000), Gió sang mùa (2001), Gửi về bên ấy (2002), Bóng mây mẹ (2003), Độc thoại chiều Thu (2004), … Đỗ Quyên, Nguyễn Đức Tùng gần đây tham gia hội thảo và xuất-bản tác-phẩm ở trong nước.

FocusVietnam “diễn đàn đấu tranh dân-chủ nhân bản tự do” tam ngữ Anh-Pháp-Việt, số 1 tháng 6-1990. Nguyễn Văn Sơn chủ-nhiệm, Lê-Văn Anh-Dũng tổng-thư-ký với nhóm chủ biên và cộng tác của những cây bút trung niên quan tâm đến những vấn-đề Việt-Nam.

Người Việt Montreal Canada, nguyệt san “thông tin, nghị luận văn-hóa”, ra mắt tháng 4 năm 2009, chủ-nhiệm Trần Mộng Lâm và chủ-bút đầu tiên Lâm Vĩnh Bình với ban chủ-biên ngoài 2 vị trên gồm thêm các ông Trang Châu, Nguyễn Lương Tuyền, Nguyễn Vy Khanh và Nguyễn Văn Lục; từ số 5 thay đổi chủ-bút và một số thành viên Ban biên tập, sau đó Ban quản trị gồm 4 vị và Giám đốc trị sự là ông Lê Văn Trang, ban chủ-biên gồm 3 ông NL Tuyền, TM Lâm và Trang Châu. Những người cộng tác sống ở Montreal, Canada, Hoa-Kỳ và Pháp. Báo rõ rệt gồm hai phần chính-trị và văn-nghệ bên cạnh y tế, xã-hội. Đến số 44 tháng 2-2013 thì báo trở thành “cơ quan ngôn luận của Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH/Montréal”, chủ nhiệm LV Trang, chủ-bút TM Lâm và Nguyễn Lương Tuyền phụ tá.

Thẩm Mỹ của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, số 1 ra tháng 12-1994 chuyên về nghệ-thuật trình diễn; trước đó nhạc sĩ đã ra tờ Đêm Màu Hồng.

Nghệ Thuật (số 1, 6-1994) bán nguyệt san rồi nguyệt san “văn-nghệ điện ảnh thông tin” của nhạc sĩ Lê Dinh, nội-dung văn-nghệ, lập trường chính-trị vững, nay đã đình bản.

Ngọn Đuốc, tạp-chí “văn-học nghệ-thuật thông tin-giải trí-đời sống”, 3 tháng ra 1 số, ra mắt tháng 4-2007 (đến nay được 23 số, 10-11-12/2012), của Nhóm cùng tên, Chu Diệp chủ-nhiệm, Sỏi Ngọc chủ-bút, thường có chủ đề và nghiêng về văn-học nghệ-thuật bên cạnh những mục thông tin, giải trí, đời sống như mục-đích của tờ báo đã đề ra.

Ngoài ra vùng Montréal còn có những đặc san bất định kỳ nhưThời Luận, Thời Nay, Văn Lâm Xã Tuyển tập, S.A.I.M. Đặc San,Báo-chí hội đoàn ngoài ra còn có những tờ Quân Lực, “tiếng nói Tập Thể Cựu Quân Nhân QLVNCH tại Canada vùng Montréal”, ra những số đặc san Xuân 1985 … Gia-đình Mũ Đỏ Việt-Nam – Chi hội Canada có những số đặc san Cánh Dù Viễn XứHội Phụ nữ Việt-Nam có đặc san Phụ Nữ ra bất định kỳ từ đầu thập niên 1980. Gia-đình Cựu giáo chức Việt-Nam tại Québec đều đặn mỗi 2 năm ra những tuyển tập Nội San từ năm 1995 với sự cộng tác của nhiều thành viên văn nghệ sĩ thuộc Gia-đình.

Báo chính-trị ở vùng Toronto có tờ báo biếu Đối Lực và tập san Khai Thác Thị Trường (từ 1990, của Phong trào Hiến chương). Toronto còn có các tờ Tuổi Hạc của Hội Cao Niên,Chánh Giác của chùa Hoa Nghiêm,S ống Đạo của Cộng đồng Công-giáo,Hải Đăng của Hội thánh Tin lành, Sắp Sẵn của Hội Hướng đạo. Về báo-chí thương mại, thời thượng và quảng cáo, Toronto có tờ VietSun Magazine, “the perspective of a new generation/ Tương lai thế hệ trẻ” có mặt từ năm 2009.

Vùng Vancouver (nơi hiện sẽ hoặc không có một khu thương mại mang tên Little Saigon) có Nguyệt san Việt-Nam“tạp chí văn học đấu tranh cho một Việt Nam tự do dân chủ”, chủ-biên Hải Triều – từng là chủ-bút tờ Lửa Việt Toronto, nội-dung đấu tranh lý luận với cộng-sản (sau xuất-bản như các tập thơ Đường Tổ Quốc, Sỏi Đá Còn Hờn Cơn Quốc Biến, Thắp Lửa Vào Thơ, Đoạn Trường Lưu Vong, .. và 2 tập biên ký Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử (2003, 2006), và tranh đấu với những người họ tưởng cùng chiến tuyến (X.Vũng Lầy Văn Báo Hải Ngoại,2004) vàChụp Mũ (2009), … Vùng Alberta cạnh đó thì có tờ Dân Luận.

Phía thân Cộng trước năm 1975 sinh viên miền Nam du học theo học bổng của chương trình Colombo hoặc tự túc đã có các tờThế Hệ (số đầu tháng 12-1967, đình bản năm 1974, có bài và phụ bản của Võ Đình), Tiền Phong (của Hội Việt kiều Yêu nước tại Canada, số 1 ra tháng 6-1970), Đất Việt (số 1 ngày 15-2-1975, số cuối bộ 20 số 6&7 tháng 6&7-1989, có sự cộng tác của Nam Dao, …) – đến cuối năm 1987 thì Hội tan vỡ, phía báo chí rẽ ra thành Người Việt (Lương Châu Phước, số 1 tháng 3-1989 và số cuối tháng 3-1990) rồiDiễn Đàn Người Việt (1992, chủ-bút Nguyễn Thị Thanh)phe thứ 2 duy trì tờ Đất Việt rồi phải đổi thành Đất Mới số 1 tháng 8-1989 số cuối tháng 9&10-1992,…Lương Châu Phước với bút hiệu Vĩnh Xương là nhân-vật năng nổ nhất về văn-hóa, báo-chí của phong trào “Yêu nước”!

Phía chối bỏ miền Nam quốc-gia ở Canada và hải-ngoại này nói chung trước 1975, hoạt động chính trị và báo chí thân cộng mạnh thế nào thì sau 1975 lại trở thành thiểu số, một lật ngược thế cờ một cách … tự nhiên. Các cơ quan truyền thông trước thân cộng sản đa số cũng nối tiếp nhau chống đối chế độ CS trong nước hoặc đình bản. Người Việt lưu vong trước 1975 một phần trung lập hay thiên tả thì nay đa phần trở thành chống cộng. Nhưng với những người này, sự chung sống hay sinh hoạt với cộng đồng tỵ nạn luôn là 1 vấn nạn, 1 trở ngại, lớn nhỏ tùy người, tùy nhóm; do đó họ giữ khoảng cách và rồi tiếp tục làm báo với nhau và đến sau 1990 thì một số vùng lên trở lại quay về theo trong nước, ra Tâm thư, làm “thầy” cộng-sản nhưng không được như ý! Chanh đã vắt hoặc vắt chưa hết nước thì được/ bị vắt đi vắt lại, nhưng luôn vẫn chỉ là miếng chanh để vắt mà thôi!

Đã có thời báo-chí hải-ngoại phát triển rồi trưởng thành với những tạp-chí thuần túy văn-chương nhưng các tạp-chí này không sống lâu vì với thời-gian, tạp-chí văn-học nghị luận dần chết theo đà lão hóa của cộng đồng và giới trí thức (người đọc, người viết đều lớn tuổi, bệnh tật, chết; tuổi trẻ tiếp nối rất ít hoặc hội nhập dòng chính Âu Mỹ). Các tạp-chí văn-chương thì lâm vào khủng hoảng thứ nữa vì tinh thần gìn giữ văn-học truyền thống, dân-tộc dần yếu đi, bớt cấp thiết, và cuối cùng, mạng Internet lớn mạnh khiến khó có bài vở độc đáo cho báo giấy, … Các tạp-chí văn-học, nghị luận, tư tưởng lần lượt đình bản, báo-chí văn-nghệ đích thực ở Canada cũng không ra ngoài tình trạng chung đó.

Trong khi đó hiện-tượng báo chợ bao sân, chiếm gần hết thị trường báo-chí. Báo chí cạnh tranh và chửi bới gây thành hiện-tượng báo chửi và báo chợ. Định nghĩa báo chợ, báo chửi: Báo chợ vì cho không ở các tiệm tạp hóa (khác với thời đầu ngay sau 1975, các tiệm tạp hóa ít ỏi đã là nơi ban đầu bán sách báo tiếng Việt); vì đăng quảng cáo nghề nail, đấm bóp, phân bón ‘trồng cỏ’, bán nhà, thuê phim bộ,…Báo chửi vì có báo nên ‘độc quyền’ chửi người khác hoặc ra báo để đối đáp lại, để đở bị chửi, để báo khác phải kiêng dè, … Phía báo chợ sống bằng quảng cáo, cách tổ chức và nội-dung không văn-hóa, còn phía người đọc càng chứng tỏ trình độ xuống cấp và dễ dãi! Bán nhà, bán thuốc, bán mỹ phẫm, bán dịch vụ đấm bóp, rửa tiền, ca nhạc lớn nhỏ, v.v. đều có thể ra báo chợ riêng. Có tiền quảng cáo rồi, bài vở, tin tức không còn quan-trọng vì có thể cóp nhặt từ Internet (lúc đầu chụp lại truyện chưởng và tiểu-thuyết xuất-bản trước 1975) mà khỏi trả bản quyền, không sợ thưa kiện vì luật rừng hoặc tác-giả đã chết hoặc không hề biết đến. Tin địa phương không có sẵn trên Internet thì dịch nhưng trò hề là có người nhờ google, yahoo hoặc một bộ phận điện toán dịch ra tiếng Việt, hoặc người dịch không biết đủ sinh ngữ, do đó có những bản tin đầu voi đuôi chuột chẳng ai hiếu muốn nói gì. Montreal đã có một tờ kỷ lục in nhiều nhất nhưng tiếng Việt cũng ngớ ngẩn nhất! Về chuyện Ban biên tập trước 1975 và với một số tạp-chí hải-ngoại đàng hoàng đều đăng tên những người thuộc BBT hoặc cộng tác, nhưng báo chợ thì không hề, vì chủ-nhiệm là con buôn, hầu như chưa hoặc ít ai tốt nghiệp báo-chí, và bài vở 99% là ăn cắp từ sách báo đã xuất-bản trước sau 1975 và từ Internet hay báo khác, thì làm gì có BBT hoặc cộng tác (nếu có thì cũng là quyền lợi qua lại) ! Cũng vì đó mà có những tiểu-thuyết lịch-sử hoặc tuyên truyền cho VC, huyền hoặc v.v đã được các báo chợ trích đăng lại như là những bài nghiên cứu nghiêm chỉnh hay có tính lịch-sử, càng gây dị ứng cho người đọc, và người Việt ở hải-ngoại dần dà sẽ hiểu sai về lịch-sử văn-hóa dân-tộc ta – như người trong nước đang phải học thứ lịch-sử bị bẻ quặt của một nền giáo dục tuyên truyền và nhồi sọ !

Vì hết còn quốc-gia lãnh thổ cho nên người ta hết còn tôn trọng bản quyền dù tối thiểu, làm báo hết còn là việc văn-hóa mà trở thành dịch vụ thương mãi, không văn-hóa, không hề có hoặc nếu có những cái gọi là quan điểm, lập trường (editorial) thì cóp nhặt cùng bài viết từ báo khác hoặc từ Internet, tất cả đều cũng do mục-đích thương mãi, tranh ăn giành độc giả, quảng cáo, … ngay cả khi chống Cộng hoặc tự phong hoặc tự cho là có tinh thần cộng đồng, tập thể (ThB, SGN, NV v.v.), vấn-đề nằm ở chỗ các báo-chí loại này thường nhân danh cộng đồng, tập thể người Việt (?!), hoặc đấu tranh, chống Cộng,… để lờ di chuyện trả bản quyền và che lấp những mưu đồ cá nhân. Nếu có ai thắc mắc thì loại báo-chí này trả lời là lấy từ mạng lưới Internet bản quyền không rõ ràng. Vì không quốc-gia, lãnh thổ nên không có … luật pháp, nhưng có những luật bất thành văn và văn-hóa tự nó chẳng bao giờ có luật nhưng lệ và nếp thì người có tí văn-hóa cũng phải biết là có! Đúng là

“Ngồi xổm chửi thằng này
Chổng mông chửi con nọ
Chửi đổng đã mươi năm (…)
Chửi đã đời bằng miệng
Rồi in báo chửi thêm
Mỗi năm một vài cuốn
Chửi đổng kẻo buồn mồm (…)
Rác rưởi trôi lềnh bềnh
Cặn bả đầy trong ruột
Vui gì đời lưu vong
Xây dựng gì chửi láo …”
(Chu Vương Miện, “Bèo bọt”, Lửa Việt Toronto 61, 1-1986).

Hiện nay, nếu các ca - kịch - sĩ trong nước trình diễn ở hải-ngoại gần như hàng tuần, tổ chức riêng hoặc chung với một số ca kịch sĩ gốc hải-ngoại, mập mờ nghệ-thuật, làm việc nghĩa với kinh tài, rửa tiền, thì với các báo cũng có những hiện-tượng tương tự, nhẹ (hoặc thử) đăng bài viết của trong nước xuyên tạc Việt-Nam Cộng-Hòa (nhưThời Báo số 127 ngày 30-8-2008 đăng truyện “Chuyện vui điện ảnh” của 1 nhà văn trong nước xuyên tạc lịch-sử Việt Nam Cộng Hòa), xa hơn thì đã có những nhà báo tiếp xúc với cộng-sản ở ngoài (báoNgười Việt) và về Việt-Nam dự hội nghị này nọ (Nguyễn Phương Hùng, Vũ Hoàng Lân, Hứa Trung Quân, và Etcetera Nguyễn củaViet WeeklyNgười Việt ở Little Sài-Gòn, Cali, v.v.) – ở đây tôi chỉ nhắc lại sự kiện đã xảy ra và không có ý kiến cá nhân về các tờ này.

Báo chợ đầu tiên ở Canada là tờThời Báo ở Toronto năm 1986 với nhiều ấn bản địa phương Montréal, Vancouver. Toronto còn có những tờ Saigon Times, Viet Times, …Thành phố Montreal số báo chợ cũng không kém những nơi khác, ngay sau ngày 30-4-1975 cho đến nay. Báo-chợ thì lúc đầu có Saigon Media (số 1 ngày 3-12-1992, Nguyễn Tấn Phát chủ-nhiệm) sống không lâu. Nay thì nào là Phố Việt của Ngô Văn Tân, Sài-Gòn Nhỏ, Ánh Nắng (sau đổi làViệt Báo), Tuần Tin Montreal, ...

Cuối cùng thì chuyện đăng quảng cáo thì không chỉ riêng với báo-chí Việt-Nam vả lại thời nào cũng có và nhiều lúc là nguồn lợi tức chính cho sự sống còn của tờ báo; đó cũng là lý do mà các báo giấy hiện những năm gần đây bị khủng hoảng tài chánh và có tờ phải đóng cửa. Nhưng phải ra đến hải-ngoại thì tính cách quảng cáo biến các báo thành báo chợTrang bìa hoặc trang 1 của tờ báo nay hầu như không còn là những thông tin quan-trọng như thời Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn với tờ Đông Tây để cho tờ báo trở nên sinh động và hấp dẫn, mà nay chỉ toàn là quảng cáo vì là nơi trả giá cao nhất, nhất là báo chợ.

TỔNG KẾT

Báo chí hải-ngoại trong suốt gần 38 năm đã giữ một vai-trò rất quan trọng trong sinh-hoạt cộng đồng và các vận động chính trị của người Việt. Ngay sau 1975, những tờ báo đầu như Chân Trời Mới, Văn Nghệ Tiền Phong, Hồn Việt, Trắng Đen,... đã chính trị, về sau lý thuyết nghị luận hơn với Quan Điểm, Việt Nam Hải-Ngoại, Thời Luận,…Nội dung dứt khoát chống Cộng và hừng lửa gây ấm lòng người xa xứ, mất nước. Nhan đề tên báo nào là Lửa Việt, Bút Lửa, Hồn Việt,… và phụ đề hay mục-đích khẳng định nào là “tiếng nói của người Việt xa xứ”, “tiếng nói của những tâm hồn Việt Nam bất khuất muôn đời”, v.v. Trong số là những cơ quan thông tin muốn dựng một Mặt Trận Văn Hóa thay cho vũ khí và chiến tranh như Quan Điểm của Phạm Kim Vinh,Việt-Nam Hải-Ngoại của Đinh Thạch Bích, … Biết sức mạnh của thông tin, báo chí trong việc vận động chính trị, vận động quần chúng, một số báo của các tổ-chức chính trị , đoàn thể muốn đi xa hơn, muốn lãnh đạo dư luận, do đó từ từ nảy sinh những hiện tượng bất thường trong làng báo. Những ngọn lửa và niềm tin đó đã lên cao độ rồi xuống thấp hơn bao giờ sau một số biến cố kháng chiến, tranh đấu, …

Xã hội tự do, dân-chủ cho nhà báo và giới truyền thông đủ thứ quyền nhưng cũng có luật lệ, đạo đức thành văn hoặc không, nhưng có người quên bổn phận và thiên chức nghề nghiệp khiến đánh mất niềm tin nơi quần chúng một thời-gian đầu đã đặt nhiều tin tưởng nơi các cơ quan và nhân sự truyền thông, báo-chí. Rồi lương tâm nghề nghiệp dần dà nhẹ hơn mối làm ăn, tranh chức tước này phần nào cũng đã xâm nhập giới truyền thông thuần chính trị. Nếu lúc đầu nhà báo chống Cộng bằng cách làm báo chống Cộng và chỉ ủng hộ báo chống Cộng (Việt Nam Hải Ngoại, Kháng Chiến, Làng Văn,…) và không nói đến, không đăng bài từ trong nước cũng như không đăng quảng cáo gửi tiền và quà cũng như du lịch về Việt Nam. Dần dà chính các báo này đăng bài viết của người trong nước và tệ hơn nữa lại đăng lại bài của báo trong nước. Hiện nay các báo đều đăng tin sốt dẻo trong nước theo kiểu tin của tờ Côn An thành Hồ và sống nhờ quảng cáo, nhất là từ khi nghề làm móng tay (nail) và văn-nghệ cuối tuần ở các casino trở thành hiện tượng kinh-tế xã-hội của người Việt hải ngoại.

Sôi động chính-trị nhất là những năm ngay sau năm 1989 nhómThông Luận khởi từ Pháp lan sang Âu châu và Bắc Mỹ. Cộng-sản Hà-nội qua trung gian các báo-chí thân cộng như Đoàn Kết ở Pháp, Đất Việt ở Canada rồi báo trong nước luôn theo dõi và đánh phá, xuyên tạc các báo-chí của người Việt tỵ nạn ở hải-ngoại. Năm 1997, tờ An Ninh Thế Giới (55, ngày 29-11) cuả VC đã điểm mặt các báo-chí thông tin cũng như văn-nghệ ở hải-ngoại mà họ đếm được trên 200 tờ, kết án nào là “tất cà vì tiền”, “nội-dung nấm độc sau mưa”, gọi các nhà báo như Nguyễn Gia Kiểng, Võ Văn Ái, là “những kẻ cầm đèn chạy giữa ban ngày”.

Tóm lại, về báo-chí hải-ngoại kể cả ở Canada, chúng tôi đã phân biệt 3 thời điểm với những đặc điểm riêng của mỗi giai đoạn nhưng có thể nói đến 2 điểm chính:

1- Chống Cộng: mỗi giai đoạn chống Cộng cập nhật theo tình thế nhưng nói chung vẫn tinh thần không chấp nhận chủ nghĩa và con người cộng-sản, có những thiết yếu, căn bản nhưng cũng có những phong trào và con người quá đà, thiển cận – như vụ phủ nhận văn-học phản kháng của các nhà văn trong nước, …

2- Hòa hợp và thương mại nói chung trong hiện tình chỉ có lợi cho nhóm và cá nhân người làm báo, không chút lợi nào cho tương lai dân-tộc. Cuộc chiến quốc-cộng ít khi thật mà thường là ân oán cá nhân, tập đoàn hay mục-đích bán báo, làm tiền. Không thể có hòa hợp và phi chính-trị ! Và ở đâu vẫn còn độc tài chính-trị thì không có tự do ngôn luận, do đó báo-chí không thể đóng trọn vai trò !
Nhưng dù có tệ, khuyết, dù chưa thật sự tạo uy tín vững bền với cộng đồng và dù chưa có cơ sở tầm cở quốc tế về truyền thông, báo chí người Việt trong gần 38 năm qua vai trò quả quan trọng và có công đầu là duy trì một nếp sống văn-hoá, với ngôn ngữ và những bảo tồn văn-hoá dân-tộc!

Nguyễn Vy Khanh
11-2012 & 3-2013