Saturday 13 June 2015

Danh tướng Lý Ông Trọng

Kính thưa quý thính giả, Hàng ngàn năm trước, thời An Dương Vương có một vị tướng trấn giữ biên thùy, đánh đuổi quân Hung Nô và vị tướng này còn là một nhà ngoại giao đại tài đã làm cho nhà Tần kiêng nể. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Danh tướng Lý Ông Trọng" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh, để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp,
Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng.

Tạm dịch

Văn Lang thành cổ non trùng điệp,
Ông Trọng đền thiêng mây nhạt nồng.

Đó là hai câu thơ của tác giả Phạm Sư Mạnh viết về đền thờ Lý Ông Trọng.
Ngày xưa, cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý, tên Thân, thân hình to lớn, cao hai trượng ba thước, sức mạnh vô cùng. Lý Thân lỡ tay làm chết người, bị tội tử hình, nhưng vua Hùng Vương thấy tiếc khi thấy tướng người to lớn, dũng mãnh nên không nỡ giết.

Năm 221 Trước Công Nguyên (Năm thứ 26 triều Tần Thủy Hoàng), nước Tần thôn tính cả 6 nước vùng Trung Nguyên và xưng Hoàng đế. Đến đời Thục Phán - An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn xua quân sang chiếm Việt Nam, An Dương Vương bèn đưa tướng Lý Thân đi xứ.

Khi ấy, giặc Hung Nô đánh phá phía Bắc Trung Hoa, tuy Tần Thủy Hoàng đã cho xây Vạn Lý Trường Thành nhưng vẫn không yên. Nhân có tướng tài của nước Âu Lạc là Lý Thân sang sứ nên vua Tần ngỏ ý mời Lý Thân giúp Tần trừ giặc Hung Nô, phong làm Tư lệnh Hiệu úy mang quân ra đóng giữ bờ cõi vùng Lâm Thao.
Ông Trọng cầm quân ra giữ đất Lâm Thao (vùng Cam Túc, Trung Hoa hiện nay), hễ quân Hung Nô kéo đến bao nhiêu là bị đánh tan bấy nhiêu. Trông thấy hình thù khổng lồ của Lý Thân, quân sĩ nước Hung Nô khiếp sợ không dám quấy nhiễu và từ đó không dám xâm phạm biên cương nhà Tần nữa. Tần Thủy Hoàng liền phong cho Lý Thân làm Vạn Tín Hầu và cho phép được trở về Nam thăm xứ sở.
Khi biết tin Lý Thân đã về nước, quân Hung Nô lại kéo sang đánh Tần. Vua Tần lại sai sứ sang Âu Lạc mời Lý Thân. Lý Thân không muốn đi nên vua Thục nói rằng ông đã mất. Vua Tần bất đắc dĩ phải đúc một pho tượng đồng đen khổng lồ hình Lý Thân đem dựng ở cửa thành Tư Mã đất Hàm Dương, gọi là tượng Lý Ông Trọng.

Tượng cao lớn hai trượng, thân hình khổng lồ, bụng rất to, trong bụng làm rỗng có thể chứa được nhiều người, hai tay và đầu có cổ máy chuyển động. Mỗi khi có người nước ngoài đến viếng, người ở trong bụng tượng kéo máy cho tượng cử động. Giặc Hung Nô lầm tưởng Lý Thân lại sang giúp Tần nên sợ oai mà không dám xâm phạm vào cửa ải.

Đến đời Đường, Triệu Xương sang đô hộ đất Giao Châu, nghe tiếng Lý Ông Trọng nên lập đền thờ. Đến khi Cao Biền qua đất Việt đánh quân Nam Chiếu, đã cho trùng tu lại ngôi đền và tạc tượng để thờ và gọi là đền Lý Hiệu Úy, ở làng Thị Hiện, huyện Từ Liêm, ngay bên sông Cái, cách phía Tây thành Đại La (Hà Nội ngày nay) trên năm mươi dặm.

Dân Âu Lạc lập đền thờ và tôn Lý Ông Trọng là Đức Thánh Chèm. Đền thờ Đức Thánh Chèm được xây dựng từ thời Bắc Thuộc (năm 603 đến năm 938) ở Thị Điềm, Thụy Phương (Hà Nội ngày nay). Để tưởng nhớ Lý Ông Trọng, mỗi năm, 3 làng Thụy Phương, Hoàng Mạc và Liên Mạc đều tổ chức lễ hội đền Chèm từ 14 đến 16 tháng 5 âm lịch.

Thần tích đình Chèm ghi chép: "Lý Ông Trọng được Hùng Vương phong chức Chỉ huy sứ. Ngài giúp vua dẹp yên các loại giặc hay quấy nhiễu biên giới phía Tây và phía Nam khiến chúng sợ không dám xâm phạm bờ cõi nước Văn Lang".
Do đó, Lý Ông Trọng được xem như một biểu trưng đối kháng trong tâm linh người Việt.

Theo tin tức của các nhà bình luận thời cuộc thì Tàu cộng đang dàn quân gần biên giới Việt – Trung, chuẩn bị cho Việt Nam thêm một bài học nữa sau chuyến đi Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người dân trong nước đang hy vọng có được một Lý Ông Trọng xuất thế để ngăn chận lũ giặc phương Bắc tràn sang xâm chiếm nước Việt. Và sau đó chỉ huy toàn dân dẹp tan chế độ cộng sản thối nát, mang lại ấm no hạnh phúc cho dân tộc Việt.

Việt Thái