Monday 8 June 2015

Hiến chương 2015

Ngày 5.6.2015, một bản Hiến chương của các nhà hoạt động vì dân chủ - nhân quyền tại Việt Nam đã ra đời.
Mục đích của bản Hiến chương này nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và trách nhiệm đối với những người cùng dấn thân khác.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, ra đời một văn bản thể hiện rõ nét sự liên kết, gắn bó của các nhà hoạt động trước sự trấn áp, gây chia rẽ của chính quyền. Đặc biệt trong số những người tham gia có nhiều gương mặt trẻ lứa tuổi đôi mươi, tương lai rộng mở.
Theo dự kiến, sẽ có hàng trăm người cùng ký vào bản Hiến chương này.
Toàn văn bản Hiến chương 2015:
HIẾN CHƯƠNG 2015
Chúng tôi, những người ký tên trong Hiến chương này, nhận thấy:
Hiện nay, phong trào đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực và nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, những lực lượng cản trở sự tiến bộ trong chính quyền đã và đang tăng cường các hình thức kiểm soát và trấn áp nhằm phá hoại phong trào: từ theo dõi, giám sát, đến vu khống, bôi nhọ, hành hung và bắt bớ tùy tiện, thậm chí bỏ tù các nhà hoạt động.
Do vậy, với tất cả danh dự và trách nhiệm, chúng tôi, những người ký tên trong Hiến chương này, cùng đồng thuận rằng tất cả chúng tôi có nghĩa vụ tương trợ và bảo vệ lẫn nhau. Cụ thể:
1. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi bị câu lưu, tạm giữ, tạm giam, thì tất cả những người còn lại, nếu ở cùng địa phương đó tại thời điểm xảy ra hành động bắt giữ, phải hợp lực đấu tranh, đòi trả tự do ngay lập tức cho người đó; không ai được thoái thác. (Đòi người tại đồn công an nơi người đó bị giữ; trong trường hợp không biết người đó bị giữ ở đâu thì có thể tổ chức biểu tình tại Bộ Công an).
2. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi bị hành hung, bị khủng bố tinh thần hoặc thể chất, thì những người còn lại phải chăm sóc, hỗ trợ về tài chính và pháp lý cho người đó.
3. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi bị gây sức ép về kinh tế, chỗ ở, học tập, ảnh hưởng tới cuộc sống, thì những người còn lại, trong điều kiện của mình, phải trợ giúp khôi phục khả năng ổn định cuộc sống, đòi lại quyền lợi chính đáng cho người đó.
4. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi bị gây khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến chính quyền, thì những người còn lại phải hỗ trợ về truyền thông và pháp lý cho người đó, buộc chính quyền phải thực hiện đúng trách nhiệm của họ.
5. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi bị kết án tù hoặc cải tạo giam giữ, thì những người còn lại phải thăm nuôi người đó và chu cấp, bảo vệ, chăm sóc thân nhân (bố mẹ, vợ/chồng, con cái) của người đó.
Chúng tôi thực hiện các nghĩa vụ này trong tinh thần đoàn kết, tương trợ và phi bạo lực.
Các nghĩa vụ này chỉ áp dụng đối với những người ký tên trong Hiến chương và bị trấn áp vì các hoạt động chính trị-xã hội ôn hòa và đúng mục đích dân chủ, nhân quyền.
Bất kỳ ai đã ký tên vào Hiến chương đều phải thực hiện các nghĩa vụ nêu trên. Nếu thoái thác, vì bất kỳ lý do gì, người đó sẽ bị nêu tên trên các phương tiện truyền thông và chịu sự phán xét của công luận. Vi phạm 03 lần sẽ bị khai trừ khỏi Hiến chương.
Hiến chương có hiệu lực đối với từng cá nhân kể từ thời điểm ký.
Hà Nội, ngày 5 tháng 6 năm 2015