Sunday 21 June 2015

" PETRIFIED FOREST NATIONAL PARK ARIZONA."

Đang lơ mơ trong giấc mộng chì thì tôi được đánh thức dậy và trao cho một hộp đồ ăn sáng trên xe.

Nhìn ra, trời đã khá sáng có lẽ gần 7.30am. Cũng thiếp đi được hơn 1 tiếng, đỡ lắm vì tối qua, chỉ ngủ được chừng 3,4 tiếng đồng hồ.

Không biết mình đang ở chỗ nào thì nghe tiếng của chàng trai trẻ đất Việt John " Good Morning cô bác lần nữa nhé, mới cô bác dậy ăn sáng"

À! breakfast! breakfast trên xe. 

Nghe thấy mừng. Đã ăn thì phải có muổng nĩa, khăn khiếc, đồ ăn, nước uống và tráng miệng chứ?

Khỏi phải thắc mắc, tất cả những thứ cần thiết đó lần lượt được 2 nhân viên của Family tours phục vụ và cung cấp cho mọi người y như các tiếp viên hàng không trong các chuyến bay quốc nội USA và chuyến bay quốc tế. Hơn thế nữa là miễn phí. Free, khỏi trả tiền. Hoan hô.

Chỉ khác là không có xe đẩy đồ ăn như trên máy bay. Họ phải đi lên đi xuống trên xe liên tục vì đồ ăn phải để cuối xe. Đi xuống cuối xe, bưng vài hộp lên phát rồi au retour về cuối xe, bưng một mâm khác lên phát tiếp.

Kiếp con tằm quay tơ. Tội nghiệp.

Cái xe bus chạy thì lắc lư nghiêng ngả như thần lưu linh chứ không như máy bay thiên thần ì ầm bay êm ấm, hai tay vừa bưng  đồ hộp ăn chất chồng, đôi khi, không có tay để vịn khi xe bẻ cua, họ chới với là thường . Thỉnh thoảng, vai mình, đầu mình đã được mông họ, hông họ hoặc cùi chỏ hỏi thăm nhè nhẹ liên tục trên xe.

Family tours mà, thắc mắc làm gì? Đã bảo mọi người như trong nhà cả.

Nhìn việc phân phát đồ ăn sáng này làm tôi chạnh lòng nhớ tới các chuyến bay quốc nội USA hiện nay. Không kể chuyến bay quốc tế,  ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối với một khúc bánh mì, một hộp cơm gà hay một mâm salad nhỏ, đều phải order và trả tiền tại chỗ bằng credit card trên máy bay từ 6-12 dollars/ 1 order. 

Ngày xưa, làm gì có chuyện đó. Đấy là không kể tiền valy thứ nhất cũng phải đóng từ $30,40 1 cái.

Khổ thiệt! ngày xưa và ngày nay là hai ngày khác nhau. Thế thì cái ngày nào hay hơn?
Hỏi ông thi sĩ Nguyễn Tất  Nhiên, thì ông bảo: 

"Thà như giọt mưa rớt trên tượng đá...". Nghe nó mát tấm lòng làm sao vì........mưa.

Ở đây, trên xe, mỗi người được phát một hộp đồ ăn gồm 1 đĩa xôi lạp xưởng và gà xé phay, một cái bánh ít nhân đậu, một trái chuối, một thoi kẹo chocolate và một khăn giấy, kèm theo 1 chai nước lạnh.

 Khi tiệm ăn trên xe mở cửa thì chắc chắn tiếng muổng nĩa chén đũa sẽ khua leng keng và tiếng khách hàng sẽ bắt đầu ồn ào.

Ồn ào thì có nhưng leng keng thì không bởi chỉ có muổng nĩa plastic. Coi bộ mọi người cũng bằng lòng cho phần ăn sáng này, không thấy ai lên tiếng như thường nghe trong tiệm ăn ở Santa Ana, nào là:

- cô ơi, cho tôi xin chút ớt, cho chút tương, thêm chút tiêu, chút giá, chút rau, chút hành ngò đủ thứ hay…Đôi khi còn lên tông:  sao ít thế, sao lâu dzậy vv…

Cuối cùng, một bao đựng rác được cột vào mỗi hàng ghế cho khách. Thế là cứ y như là ở tiệm McDonald, chúng tôi tự động hân hoan thanh toán rác cho vào bao gọn gàng và sạch sẽ, không cần phải lau bàn. 

Nói theo kiểu đỉnh cao trí tuệ thì chúng tôi, khách hàng, đã có một trình độ văn hóa cao cấp, giáo dục bài bản, tự biên tự diễn đúng chức năng được giao phó, xử lý tình huống tuyệt vời, không bức xức, không bao che….

Trời! nói thêm nữa là chết liền.

Nào! bây giờ là tới giờ làm việc.

John mở đầu lời giới thiệu cho mọi người biết sơ qua ngày thứ 1 của chuyến đi, chúng tôi sẽ được xem cái gì và ở đâu?
Theo Jo
hn, chặng đi đầu tiên này là chặng dài nhất trong 9 ngày du lịch. Cứ 2 tiếng hơn, sẽ ghé rest area để bà con xả hơi, xả nước và giãn gân cốt.

Đó là Petrified Forest National Park ở Arizona, hay là Công Viên Quốc Gia Rừng Cây Hóa Đá, một nơi cách thành phố LA khoảng 580miles về phía đông với 8 tiếng lái xe. 

Inline image

Công viên quốc gia Rừng Cây Hóa Đá ở Arizona là một nơi mà hơn 225 triệu năm qua, thời kỳ các con Khủng Long còn sống trong những cánh rừng cây xanh cao tới 200 foot. Thế rồi, núi lửa bùng nổ động đất xẩy ra dữ dội, phun tro bụi bao phủ lên các rừng cây, quật ngã, xé vụn tan các thân cây và chôn sống mọi thứ từ cây cỏ tới thú vật. Sau đó, thân xác cây cối bị mưa giông bão tố băng tuyết cuốn trôi đi mang theo tro bụi, rồi bị biến hóa qua hàng triệu năm, các thân cây, khúc gỗ, mảnh vụn dần dần trở thành đá đã dừng lại ở một nơi gần, tụ tập với nhau trong một khu vực được coi là nghĩa địa của cây hóa đá. 

Công viên dài khoảng 30 dặm hướng Bắc Nam, bề ngang phía bắc rộng khoảng 12 dặm tới chỗ hẹp phía nam rộng khoảng 1 dặm. 

Công viên được công nhận là di tích quốc gia năm 1906 và trở thành công viên quốc gia từ năm 1962, có cao độ 5400 feet hay 1600m trên  mặt biển. Nhiệt độ mùa hè lên tới 100F vào  tháng 8 nóng nhất và đông lạnh dưới 32F, từ tháng 10 tới tháng 3. Có tuyết mỏng phủ trong mùa đông này nhưng mưa ít.

Điều đặc biệt lưu ý du khách tới xem là KHÔNG ĐƯỢC LẤY BẤT KỲ CỤC CÂY HÓA ĐÁ HAY ĐỒ VẬT THUỘC LOẠI KHẢO CỔ HAY LỊCH SỬ Ở ĐÂY RA ( nghĩa là chà đồ nhôm), nếu bị bắt, sẽ bị phạt tiền tối thiểu $275.00 và tù hay cả hai như sau:

Federal law prohibits collection or removal of petrified wood or any other natural, archaeological or historical object from its setting. Violators can be fined (minimum fine is $275.00), imprisoned or both.
 
 Lời dặn dò của John trên xe về việc cấm này tại cửa trạm mua vé vào xem làm chúng tôi hồi hộp quá xá. John còn nói thêm, họ sẽ cân xe mình trước khi vào và sau khi ra để xem nhẹ nặng thế nào. Nếu ra mà nặng hơn, là phải xuống xe để tái khám xem bao nhiêu đá đã được bỏ vào túi mình"

Trời, dzì mà ghê dzậy? Nghe thế, tôi đã phải hộc tốc  liếc ngang liếc dọc thật nhanh để quan sát chiến trường và chuẩn bị đào hầm chông phòng thủ vững chắc. Còn miệng thì nhẩm chú " sắc sắc không không, không không không nhắc" nghĩa là cái túi cái sắc của mình phải  không không, không có cái gì, còn có thấy cái gì trước mắt thì không không, không nhắc đi kẻo oan mạng, mất $275.00 tì  hay tù hay oẳn tù tì cả tù lẫn tì thì khổ.

Qua khỏi trạm bán vé, tin nóng hổi John cho biết: " cân hư rồi, hôm nay không tính, cô bác khỏi lo."

 Hóa ra tin quack quack. Mọi người cười ùa thở phì ra nhưng miệng vẫn chú " Sắc sắc không không, không không không nhắc"

Nhìn đồng hồ cũng khoảng 2.30pm hơn, thế  ra mà đúng. Con đường vượt qua từ 5.30am sáng tới giờ là 9 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã lăn hơn 580miles đường dài để đến chỗ này.

Không hiểu sao, du khách đến không nhộn nhịp và nhiều như Grand Canyon hay Yosemite, nơi chúng tôi đã có dịp đến thăm.

 Xe bus của Family Tours là xe bus duy nhất chở đông khách đến. Gần 45  người bước xuống xe vào khoảng gần 3pm chiều nhưng thời tiết giữa núi đồi khô quạnh cũng không hừng hực mấy nghĩa là không phải la oai oái và chạy ngược lên xe lại vì nắng và vì nóng.

Như thường lệ và bao giờ cũng thế, thủ tục " tiền đâu"  là các bà nhao nhao lên hỏi thăm xem Rest Room ở mô. Chưa kịp lên tiếng thì John đã thông báo tức thì : " cái nhà trước mặt cô bác bên tay trái là rest room đó". 
Cũng như thường lệ và bao giờ cũng thế, chỉ có giới quần thoa là xếp hàng và xếp hàng có trật tự kỷ luật, ai cũng chăm chú quan sát cánh cửa thiên đường để xem hể địch xông ra là ta xông vô, một đổi một, năm ăn năm thua.
Cuối cùng, chiến thắng bao giờ cũng về phe ta. 

Inline image
"Cho em một tấm chỗ này nghe".

Mọi người bước ra tươi rói. Việc đầu tiên là chấm tọa độ để phóng viên chúng tôi làm việc ngay tại chỗ.
" Chụp cho em một tấm chỗ này nghe!" " Chụp cho em một bức chỗ kia nghe!" 

Tiếng click click máy hình rộn rã vang lên lia chia và lung tung tứ phía.

Con đường dẫn vào khu vực coi cây hóa đá khá dài và đủ rộng nhưng không đủ chỗ cho chúng tôi làm việc phóng sự bằng hình vì tất cả cứ chỗ này một cái, chỗ kia một cái ở ngay đầu đường làm tắc nghẽn giao thông  qua lại.
Cho nên, cảnh sát giao thông bất đắc dĩ John phải lên tiếng nhắc nhở mọi người " Cô chú vào sâu trong kia đi, còn nhiều cái đẹp hơn ngoài này"

OK.! OK ! khỏi thổi còi và biên phạt, giao thông giải tỏa, mọi người đã bắt đầu bước sâu vào thám hiểm vùng cây hóa đá.

Đường dẫn vào loanh quanh bề ngang chừng 2m, lửng thửng bước đi nhìn ngang nhìn ngửa, nhìn trước nhìn sau, nhìn trên nhìn dưới, nhìn xa nhìn gần, nghĩa là quay đầu nhìn một vòng 360 độ, toàn là cây hóa đá  và  đá hóa cây.
 
 Khổng lồ như thân cây thông già, nhỏ nhắn như hộp diêm quẹt, bự chần dần như cái thớt me chặt thịt quay, tất cả nằm nghiêng nằm ngả chả có hệ thống gì với nhau, nằm la liệt bên cạnh đường cho tới xa tít mù khơi, nằm chơ vơ cô đơn một mình, một khúc giang sơn, một cõi ở ven đồi, nằm một đống chen lấn quạu cọ với nhau, nằm chung với láng giềng hàng xóm quanh co vừa to vừa nhỏ cho vui ở một hốc đá, nằm ì một khúc dài gác lên dốc chịu trận trăm năm, nằm dài như cái bánh tét bị chặt ra từng khúc để chuẩn bị chiên ăn Tết, nằm vểnh môi ra ngoài để cho quạ xỉa răng, nằm gác lên nhau như mẹ con hay tình nhân ôm ấp, nằm như có bàn tay ai xếp đặt nghệ thuật em ở chỗ này nhưng nơi kia vẫn thế, nằm như thân mình ví xẻ làm đôi, nửa trên trần thế nửa vùi dưới sâu và nằm mãi phát mệt, phải nghển mặt lên với đời.
 
Inline image
" Thạch Xoài Thạch Mít mắt xanh mắt đỏ" 
Có tả ngàn cách nằm của cây hóa đá cũng không đủ chữ. Chỉ có cái hay nhất và cái đồng nhứt như một là khi sống chúng mang họ Mộc như Mộc Thông, Mộc Me, Mộc Xoài, Mộc Mít…. Lúc bị giết bởi núi lửa, chúng sợ quá, đành đổi sang họ Thạch và trở thành Thạch Kiều như Thạch Thông, Thạch Me, Thạch Xoài, Thạch Mít, không chừng có họ với Thạch Sanh Lỹ Thông,  đôi khi có đôi mắt xanh da trời hay trong như cẩm thạch pha lê hoặc nâu như dân Mít ta.
Và từ đó, Thạch Kiều xin chọn nơi này làm quê hương.
Inline image
" Thạch Kiều nằm một đống chen lấn quạu cọ với nhau "

Thạch Kiều nhiều như vạn sự, có chấm tọa độ để chụp hình làm phóng sự, có lựa được mắt xanh, mắt nâu, mắt đỏ làm phông, có dựa lưng hay đứng cạnh cái trơ gan cùng tuế nguyệt làm cảnh, du khách như tôi và các giai nhân trong đoàn, hình như sao thấy mình ở nơi này …vẫn thế, không đẹp hơn lúc chưa đến.

Bèn chán chê, đồng thanh thổi kèn rút quân nhanh hơn thủ trưởng ra lệnh.

Hàng binh lướt thướt ra tụ tập trước "cái nhà trước mặt cô bác bên tay trái"  núp dưới bóng nhà, ngồi dưỡng quân.

Lúc đó, mới hiểu cuộc hành quân 10 tiếng đồng hồ từ 5.30am sáng tới giờ 3.30pm chiều đã đốt hết bin của bữa ăn sáng, bữa ăn trưa và kể luôn bữa ăn hôm trước.
 
Inline image
" Hàng binh dưỡng quân."


Hết bin rổi

Không bin không sạc là không hình.
Không hình là không có hòa bình, chỉ có mình với ta.

Chấm dứt Tập 2 - 05/30/2015 : " Petrified Forest National Park "
Xin xem tiếp Tập 3 - 05/31/2015

Nguyễn Ngọc Phúc