Friday 10 July 2015

Chiến Tranh Kinh Tế Thương Mại - Đặng Tấn Hậu

Bài viết thử tìm hiểu về chiến tranh kinh tế thương mại giữa Hoa Kỳ và TC mà chúng tôi tin chắc phần thắng nghiêng về HK và TC sẽ thất bại nặng nề trong tương lai. Yếu tố “nhân công rẻ” của TC không còn là ưu điểm trong chiến trường kinh tế thương mại vì HK sẽ có kỹ thuật sản xuất tân tiến mới với máy in 3 chiều (printer 3D) sẽ làm giảm giá thành sản xuất và kỹ thuật đào dầu qua phiến đá (cracking oil) sẽ làm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa của HK trong tương lai.

Kinh tế TC sẽ gặp nhiều khó khăn vì kinh tế TC lệ thuộc vào HK, vì HK sẽ hạn chế đầu tư và nhập cảng hàng hóa TC. Kinh tế TC sẽ chậm phát triển hay sẽ bị giảm phát trong tương lai, nhất là người dân TC có khuynh hướng để dành tiền nhiều hơn là tiêu xài. Kinh tế TC sẽ có hiện tượng bong bóng nổ, thị trường bất động sản sẽ bị sụp đổ. Người dân TC sẽ bị thất nghiệp trầm trọng; trong khi đó, HK hô hào “xã hội dân sự” nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân và đề cao tinh thần tự do “dân chủ”; đó là khí giới chiến lược của HK sẽ kích thích niềm mơ ước chung của tất cả người dân sống trong chế độ độc tài như TC, CSVN, Cuba.   

Khái Niệm Chiến Tranh
Chiến tranh là sự phân tranh giữa hai bên hay nhiều bên. Chiến tranh quân sự có tính cách phân tranh giết người và tàn phá thành trì bằng bom đạn. Bên thắng thường áp đặt những gì họ muốn mà bên thua phải chịu thiệt, có khi trở thành nô lệ cho phe thắng cuộc; kể cả trường hợp họ có cùng huyết thống. Thí dụ, csBV và VNCH, nên có câu “vào, vơ, vét, về” của đảng cướp csBV hay chiếm lấy nhà cửa của người dân miền nam VN. Chúng ta chỉ cần nhìn các tiệm lớn phố xá ở Saigon ngày nay thì biết ai là dân cướp?

Chiến tranh kinh tế thương mại là sự phân tranh mua bán giữa các quốc gia. Kẻ thua thường bị phá sản, cũng có thể tình nguyện làm nô lệ cho đối phương; nhưng không có sự tàn phá giết chóc như chiến tranh quân sự. Thí dụ, csBV bại trận kinh tế nên xuất cảng thanh niên thiếu nữ VN đi làm nô lệ lao công và tình dục, nạn đĩ điếm tràn lan trong nước hay nạn lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn hoặc các cô gái VN bị đem đi bán cho TC để họ lấy gan, thận của họ mà bán cho bệnh nhân giàu có cần thay gan, thận. 

Kinh Tế Thương Mại
Cơ thể con người cần ăn uống, hít thở không khí trong lành để khoẻ mạnh và cần có tự do để tinh thần minh mẫn; đôi khi thể xác hay tinh thần có yếu đuối thì cần đến sự trợ duyên bên ngoài như thuốc men hay khung cảnh đẹp đẽ chung quanh giúp cho tinh thần thoải mái và an vui. Vấn đề kinh tế thương mại cũng không khác. Ngày nay, chúng ta có hai nền kinh tế “kiểu mẫu” là kinh tế tập trung và kinh tế tự do.

CS áp dụng kinh tế tập trung bảo vệ quyền lợi cho một nhóm nhỏ chóp bu cầm quyền; đại đa số quần chúng không có cái quần để mặc hay miếng cơm để ăn nên các quốc gia cộng sản thường có tên “xã hội chủ nghĩa”, viết tắt là “XHCN” tức là “xếp hàng cả ngày” để lãnh phần “ăn xin” do nhà cầm quyền ban phát. Mặt của người dân y như bánh bao chiều nên sự sáng tạo hay sản xuất của họ gần như không có. Người dân chỉ còn có con đường duy nhất là “đăng lính” đi làm ăn cướp mới có hy vọng có miếng cơm cho gia đình. Do đó, nền kinh tế tập trung CS kể như phá sản; thí dụ Liên Xô đã bị sụp đổ vào năm 1991 (Cách mạng Nga tháng 8-1991).

Kinh tế tự do dựa trên mức cung cầu, tiền lời kích thíc h thị trường và sáng kiến nên kinh tế tự do vừa phát triển mau chóng, vừa thoả mãn khách hàng. Chính phủ của các quốc gia tự do chủ trương “tổng số của các con buôn giàu có, thành công là sự cường thịnh của một quốc gia”. Người dân có công ăn việc làm; đôi khi sự cạnh tranh đưa tới bóc lột thợ thuyền nên chính phủ phải can thiệp và ban hành một số luật lệ cần thiết để cân bằng nền kinh tế thương mại trong xã hội. Thí dụ, luật cấm độc quyền (antitrust), luật bảo vệ người tiêu thụ hay tự do thành lập nghiệp đoàn “độc lập” bảo vệ quyền lợi thợ thuyền.

Đôi khi kinh tế tự do có xảy ra vài hiện tượng như “lạm phát” (inflation) vì đồng tiền mất giá, hàng hóa thiếu hụt (thí dụ, giá dầu cao) hay “giảm phát” (deflation) vì dù hàng bán thặng dư với giá rẻ, nhưng không có người mua nên kinh tế không phát triển và dân bị thất nghiệp.Người dân TC để dành tiền không tiêu xài cũng có thể đưa tới tình trạng giảm phát. Lúc đó, chính phủ phải dùng nhiều biện pháp can thiệp vào hệ thống kinh tế y như bệnh nhân cần uống thuốc hay cần bác sĩ mổ xẻ. Thí dụ,
- đánh thuế người dân để xây cầu cống, vừa tạo công ăn việc làm, vừa xây dựng cơ cấu hạ tầng cho sự giao thông nhanh chóng y như máu huyết lưu thông dễ dàng trong cơ thể;
- làm tăng hay giảm tiền lời để vay tiền của dân chúng hay khuyến khích dân chúng vay tiền để đầu tư sản xuất, vừa làm giàu cho quốc gia, vừa tạo công ăn việc làm cho dân chúng.

Chính phủ tự do chỉ can thiệp vào sinh hoạt kinh tế thương mại khi cần thiết y như uống thuốc hay mổ xẻ (nếu cần); chứ không phải lúc nào cũng uống thuốc hay trị bệnh kiểu mấy ông thầy thuốc lang băm. Chính phủ tuyệt đối không làm thương mại vì ai cũng biết “công chức” khó mà có khả năng cạnh tranh, làm việc có hiệu năng trong lãnh vực thương mại; điển hình là các ông cán bộ CSVN chỉ biết tham nhũng, lấy tiền công bỏ vào túi riêng của mình để làm cho các ngân hàng, các hãng đóng tàu, phi trường, hàng không v.v chỉ đi từ lỗ đến sập tiệm và làm cho người dân VN phải còng lưng trả nợ thế cho cán bộ CS.

Khi nói đến cạnh tranh buôn bán, thương gia phải có sự hiểu biết tối thiểu về hàng hóa, nhu cầu của người tiêu thụ và đối phương cạnh tranh; do đó, sự hiểu biết căn bản trong lãnh vực thương mại vẫn là biết nắm bắt thông tin; có khi chỉ nghe ngóng khách hàng nói chuyện hay ăn thử món ăn của tiệm cạnh tranh coi họ có bỏ thêm chất gì không mà làm cho khách hàng thích. Người Tầu thường có bí quyết dấu nghề. Người Ấn Độ chỉ truyền nghề cho những người cùng tầng lớp nên đưa tới sự phân chia giai cấp. Nếu quân sự có cơ quan tình báo thì thương mại còn cần hơn nữa việc làm thu thập tin tức đối phương.          

Xuất Nhập Cảng
Nếu thế giới chỉ có một quốc gia thì bài viết có thể chấm dứt nơi đây. Nếu quốc gia có đầy đủ tài nguyên thiên nhiên thì bài viết cũng không cần tiếp tục. Sự đời không đơn giản nên mới có sự giao thương trao đổi giữa các quốc gia, có đế quốc và có chế độ thực dân. Mục đích chánh của xuất nhập cảng là làm sao xuất cảng nhiều, nhập cảng ít để làm cho quốc gia giàu có thêm. Thực dân bắt quốc gia thuộc địa cung cấp tài nguyên cần thiết cho họ; ngược lại họ bắt dân thuộc địa mua hàng hóa do họ sản xuất. Thi dụ, thực dân Pháp nhập cảng cao su từ VN, bắt dân Việt mua rượu của Pháp và cấm dân Việt bán rượu đế.  

Khi chế độ thực dân chấm dứt, các tiểu quốc cộng sản phải nhập cảng súng ống của đế quốc cộng sản là Liên Xô để có súng đạn đi ăn cướp các quốc gia láng giềng như csBV. Các quốc gia tây phương có chính sách nhẹ nhàng hơn bằng cách bán thực phẩm thặng dư cho các quốc gia bị chiến tranh tàn phá hay cho vay để lấy tiền lời; thí dụ, kế hoạch Marshall hay ngân hàng thế giới (World Bank) mà người vay (thọ ơn) phải xử dụng đồng tiền của cường quốc cho vay để mua hàng của họ. Hai tổ chức cho vay lớn của Tây Phương là Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (World Bank). Tóm lại, một bên bắt chư hầu đi vào cửa tử (đi ăn cướp) như Liên Xô; một bên cho vay lấy lời dựa trên sự tự do như HK.

Khi nói đến xuất nhập cảng là nói đến sự phân tranh giữa hai hay nhiều quốc gia trong lãnh vực thương mại. Nước nào cũng muốn xuất cảng thật nhiều, nhập cảng thật ít để có dự trữ  thặng dư (giàu có thêm) nên chính phủ của mỗi quốc gia thường ban hành thuế nhập cảng cao để giảm mức nhập cảng; ngược lại, chính phủ hỗ trợ cho các nhà xuất cảng để họ có thể xuất cảng với giá thấp hầu cạnh tranh với hàng hóa của xứ người. Có điều nếu ai cũng làm như vậy thì ai bán? ai mua? ai nhập cảng? ai xuất cảng? 

Vì thế, các quốc gia thường tạo thế liên kết đồng minh với các điều khoản luật lệ vô cùng phức tạp; thí dụ, hàng nào được xuất cảng? hàng nào được nhập cảng? điển hình là thị trường chung Âu Châu, Hiệp định tự do mậu dịch giữa HK, Mễ và Canada gọi tắt là NAFTA (North America Free Trade Agreement) vì Canada có nhiều tài nguyên, chất xám; HK có vốn, chất xám và Mễ Tây Cơ có nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ lớn; nhưng không phải người Mễ nào cũng có thể vào Canada hay HK làm việc dễ dàng vì luật lệ không cho phép.

Do đó, mặc dù hai quốc gia có tiếng là đồng minh, nhưng lãnh vực kinh tế thương mại thường không có đồng minh đúng nghĩa, họ có thể vừa là đồng minh, cũng có thể vừa là kẻ thù cạnh tranh. Thí dụ, Nhật Bản cho người dân đi ra nước ngoài để chụp hình các mẫu hàng HK mà họ có thể bắt chước sản 

xuất cạnh tranh với HK. Họ bán hàng với giá rẻ mà chúng ta thường coi hàng Nhật là hàng “dỏm” dễ hư  trước đây (vào thập niên 50-60). Về sau, Nhật biết xử dụng kỹ thuật “phẩm chất” do tiến sĩ W. Deming chỉ dạy nên hàng hóa Nhật Bản mới đi từ dỏm trở nên có chất lượng đánh bại hàng hóa HK. Thí dụ, máy in, xe hơi Nhật.

Toàn Cầu Hóa
Đại chiến thứ hai chấm dứt. Chiến tranh lạnh không còn. Các quốc gia tây phương nhất là HK áp dụng các phương pháp sản xuất tinh vi như dây chuyền, người máy (robot), điện toán, thông tin (điện thoại không dây), các trang mạng (internet), chuyên chở nhanh chóng (phi cơ, tàu bè) v.v làm cho hàng hóa sản xuất gia tăng mà không cần xử dụng guồng máy nhân công khổng lồ. Nếu hàng hóa không có người tiêu thụ, nhân công sẽ thất nghiệp, kinh tế sẽ bị trì trệ; do đó, HK bắt buộc phải tìm thị trường mới vì người tiêu thụ HK không còn có nhu cầu mua thêm các món hàng cần thiết như tủ lạnh, xe hơi, máy giặt, TV. 

Do đó, khái niệm “toàn cầu hóa” mới thành hình để có thị trường tiêu thụ mới và sự buôn bán xuất nhập cảng trở nên vô cùng phức tạp. Thí dụ, VN đặt mua máy điện tử từ người bán hàng ở Canada (đây là chuyện có thật đã xảy ra tại Toronto vào thập niên 80), người ở Canada đặt hàng mua ở Nhật, Nhật Bản mua đất hiếm và vật dụng cần thiết từ TC để sản xuất máy điện tử và chở hàng về VN. VN trả tiền cho người bán ở Canada và Canada trả tiền lại cho nhà sản xuất ở Nhật. Như vậy, Canada là nhà xuất cảng hay Nhật Bản là nhà xuất cảng?; còn người nhập cảng vẫn là VN. Vấn đề thuế má như thế nào? luật lệ đôi bên ra sao? (nếu khách hàng không vừa ý món hàng thì chuyện gì sẽ xảy ra? ai chịu trách nhiệm?).  

Lấy thí dụ khác, nếu Nhật mua khí giới sát thương của HK rồi bán cho CSVN, anh CSVN đem bán khí giới này cho TC để TC nghiên cứu ưu-khuyết của khí giới HK nhằm sáng chế ra khí giới khác tối tân hơn của HK để chống lại HK thì chuyện gì sẽ xảy ra? Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng chửi Mỹ trong ngày diễn binh 30.4.2015 và người lính CSVN cầm súng M16 của Mỹ đi diễn hành. Như vậy, CSVN vừa chửi Mỹ, vừa xử dụng súng ống do HK bán (hay viện trợ? ). Luật lệ buôn bán toàn cầu rất phức tạp mà người định ra trò chơi buôn bán này trên thế giới, không ai khác hơn là HK.

Như đã trình bày, chiến tranh lạnh chấm dứt; bây giờ là chiến tranh thương mại. Nga Xô là quốc gia có địa lý lớn, nhưng dân số ít và nghèo vì không có nhiều đất trồng trọt, tài nguyên thiên nhiên gần như không có. Nga Xô chỉ có dầu khí  xuất cảng qua Âu Châu, nhưng giá dầu đã giảm trên thế giới nên ngân sách của Nga Xô bị giảm hơn phân nửa. Ông Putin chỉ còn nước năn nỉ CSVN mua vài cây súng sát thương và mấy chiếc tàu lặn để CSVN coi tàu của TC đi qua, đi lại trên Biển Đông. CSVN mới mua thêm vài phi đạn của Nga Xô để cho người dân đánh cá VN lên tinh thần mà vững tin đem thuyền thúng chống lại tàu TC vì ai cũng biết hải quân CSVN không bao giờ dám tham chiến chống lại “tàu lạ” trên Biển Đông.

Cơ quan phản gián của các quốc gia không còn đóng vai điệp viên James Bond 007 mà họ chỉ chú trọng đến lãnh vực kinh tế thương mại vì nếu đối phương đánh cắp tài liệu sáng chế của một hãng hay một người của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến hàng tỷ mỹ kim của nước đó, có thể làm cho hàng triệu người dân của nước đó bị thất nghiệp. Các cơ quan phản gián như CIA, KGB,  v.v. đã thay đổi công việc từ chuyện thâu thập tin tức quân sự sang cách lấy tin tức từ kinh tế thương mại. 

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới biết xử dụng cơ quan phản gián sau thế chiến thứ hai vào trong lãnh vực kinh tế thương mại. Nhật Bản đã lập ra cơ quan JETRO để thâu lượm tin tức, phân tích và đề nghị cho các hãng xưởng của Nhật Bản sản xuất hàng hóa theo thị hiếu của khách hàng, nhất là đề nghị chiến lược “nhảy cóc” (leapfrog) vượt qua mặt đối phương. Thông thường, 90% tin tức có thể tìm thấy dễ dàng qua báo chí, hội thảo; chỉ có 10% tin tức có tính cách quyết định và thường là phạm pháp đánh cắp tài liệu của đối phương. Thí dụ, HK ra lệnh bắt chuyên viên điện toán Edward Snowden vì ông này đã công bố việc làm phi pháp của cơ quan CIA cho thế giới biết về chuyện CIA theo dõi điện thoại, lấy tin tức của các chính khách đồng minh của HK mà chính thủ tướng Đức là bà Angela Merkel đã lên tiếng đòi hỏi tổng thống HK phải giải thích việc làm sai trái của HK. Mục tiêu chính của CIA cũng không nằm ngoài sự theo dõi việc đánh cắp các tài liệu sáng chế “bí mật” của HK mà chúng ta biết TC chuyên ăn cắp tài liệu HK để chế ra hàng nhái hay hàng dỏm.

Ba Chiến Lược
Có người luận HK ngu si đem bán đồng minh của mình như Đài Loan, VNCH cho cộng sản, rồi còn đầu tư vào TC để cho người dân TC có công ăn việc làm và người dân HK bị thất nghiệp; cuối cùng TC lớn mạnh trở thành chủ nợ của HK với hơn 3,000 tỷ mỹ kim; lại còn thách thức sức mạnh quân sự và kinh tế của HK. Thực tế, nếu HK không đầu tư vào TC, chuyện gì sẽ xảy ra? Hàng hóa HK vẫn không có người mua vì mỗi nhà của người HK đã có (mua) dư thừa hàng hóa “cần thiết” như xe đạp, xe hơi, TV, tủ lạnh, máy điện thoại, máy giặt, máy sấy v.v. 

Do đó, kinh tế HK cũng không phát triển được và chắc chắn nạn thất nghiệp vẫn xảy ra. HK phải làm sao trước vấn nạn trên? HK chỉ còn nhắm vào thị trường rộng lớn của TC với hơn 1 tỷ người dân nghèo đói thiếu thốn đủ mọi thứ là khách hàng “tiềm năng” (potential customers) có thể giúp cho HK giải quyết vấn nạn phát triển kinh tế thương mại của HK qua 3 giai đoạn với 3 chiến lược như sau: 

1. chiến lược đầu là “sức mạnh nhu” (soft power) tức là dụ địch dính “chấu” (mật ngọt chết ruồi) nên 
TC đòi cái gì HK cũng đều chấp thuận; kể cả HK làm ngơ khi TC đàn áp sinh viên TC tại Thiên An Môn;
2. chiến lược hai là “sức mạnh cương” (hard power) tức là con ruồi đã quen ăn mật rồi thì bắt con ruồi dễ dàng dù cho con vật hết sức vùng vẫy tìm đường thoát thân;
3. chiến lược thứ ba là “sức mạnh khôn” (smart power) gồm có “nhu”và “cương” tức là con ruồi biết nguy hiểm, nhưng vẫn cứ nhào vô để bị đập cho chết. 

* Chiến lược “sức mạnh nhu” (soft power)
Các quốc gia cộng sản như TC, CSVN nghèo đói, thiếu thốn đủ mọi thứ nên các nhà tư bản HK mượn chính bàn tay của chóp bu cộng sản (bộ chính trị CS) bóc lột chính người dân của họ để phục vụ cho người dân tư bản HK với lương thấp, không có nghiệp đoàn bảo vệ, không có hệ thống y tế lo cho họ (vì  chi phí y tế ảnh hưởng trực tiếp đến tiền vốn sản xuất) nên giá thành sản xuất tại TC rất thấp đưa tới nhiều lợi ích cho nền kinh tế HK như sau: 
-  người dân HK có thể mua hàng với giá thấp đồng nghĩa với sự tăng lương; thí dụ, giá 1 chiếc xe đạp $2; bây giờ chỉ bằng $1 tức là với mức lương không thay đổi, giới tiêu thụ HK mua được 2 chiếc; 
-  người thợ HK có thể di dân sang TC để làm cai (supervisor) chỉ dạy cho TC kỹ thuật “căn bản” sản xuất hàng hóa. Người HK có công ăn việc làm với lương cao, lại còn là thầy của người dân cộng sản;
- người thợ HK có thể học hỏi và xử dụng các kỹ thuật “tối tân” để sáng chế hay tạo ra các vật dụng đòi hỏi kỹ thuật cao mà người thợ TC không thể nào cạnh tranh lại; thí dụ, xử dụng máy móc robot; 
- hãng HK có thể bán hàng hóa cho người dân TC (thị trường lớn với hơn 1 tỷ người) có nhu cầu mua các hàng hóa “căn bản” của HK như xe hơi, xe gắn máy, áo quần thời trang mà HK đã có thặng dư; 
- các nhà tài phiệt, cổ đông HK có lời nhiều (vì bán hàng cho thị trường rộng lớn ở TC) nên có thể đóng thuế nhiều cho chính phủ HK và làm giàu cho đất nước HK; 
- các tay chóp bu TC đem tiền bỏ vào ngân hàng HK vì họ không tin vào chính thể “độc tài” tham nhũng của CS nên HK đã không những có tiền lời, lại còn lấy lại được cả tiền vốn đã đầu tư vào TC. 

Vì thế, HK áp dụng chiến lược “sức mạnh nhu” (soft power) chấp nhận tất cả sự đòi hỏi của chính phủ TC lúc ban đầu như đem tiền đầu tư vào TC, chấp nhận tiền Yuan của TC thấp (để họ có thể xuất cảng hàng với giá thấp), không đặt TC vào trong danh sách CPC, cho TC tham gia vào WTO (tự do mậu dịch thế giới), cho TC vay tiền từ ngân hàng thế giới (WB), làm ngơ trước sự độc tài, độc đảng của TC (thí dụ, HK không can thiệp vào TC khi Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho quân đội tàn sát sinh viên TC tại Thiên An Môn). 

Tưởng cần biết, GDP của TC vào năm 2000 trên mỗi đầu người có không tới 200 Yuan (tiền Nhân Dân Tệ, gọi tắt là Tệ). Nếu 8.8 tiền Yuan =$1US; tức là người dân TC không có tới $30 mỹ kim/năm. Chính nhờ HK cho TC vay, đầu tư và nhập cảng hàng sản xuất từ TC v.v nên GDP/mỗi đầu người của người dân TC tăng lên đến $5,500 mỹ kim ngày nay, nhưng vẫn không bằng 1/10 GDP/đầu người của HK. Tuy nhiên, nếu tính tổng số GDP của cả quốc gia thì TC đứng hàng thứ nhì trên thế giới sau HK dù dân số HK không bằng 30% dân số TC. 

* Chiến lược “sức mạnh cương” (hard power)
TC là quốc gia tiên phong áp dụng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà đám con cháu của TC là CSVN đã bắt chước theo. Họ tổng hợp phương thức “bóc lột”người dân (dưới nền kinh tế thị trường) đặt dưới sự kìm kẹp, độc tài tham nhũng của độc đảng cộng sản (XHCN) nên có một số ít đảng viên trong bộ chính trị cộng sản trở nên giàu có nhanh chóng; đại đa số người dân bị bóc lột, nghèo rớt mồng tơi, nhất là TC còn theo chế độ “hộ khẩu”, người dân nông thôn lên thành phố làm việc bị bóc lột đến tận xương tủy vì họ không có được bất cứ dịch vụ xã hội nào như y tế, nhà cửa, bảo hiểm, giáo dục.

Đặng Tiểu Bình đã từng khuyên con cháu của ông là “con rồng TC phải lặn sâu dưới nước chờ cho đến khi nào đủ mạnh thì mới cất cánh bay cao”. Nhưng con cháu của ông Đặng Tiểu Bình rất hiếu thắng cho con rồng bay lên trời xanh quá sớm để biểu dương lực lượng nên con rồng TC bị bay lộn ngược đầu. 

Lần lượt, chúng ta đưa ra vài thí dụ lấy từ hình ảnh con rồng “lộn ngược” núp dưới bóng con chim bồ câu “hòa bình” TC để thách thức sức mạnh của con chim đại bàng HK.
- TC tham gia vào LHQ để lũng đoạn LHQ chống lại HK, nhưng không tham gia vào trật tự thế giới vì sợ tốn tiền và mất đồng minh (thí dụ, chống Nga Xô hay các quốc gia độc tài trên thế giới);
- TC tham gia vào thị trường Âu Châu, Á Châu và Phi Châu để tranh tài với HK trong việc khai thác tài nguyên và buôn bán hàng hóa với giá rẻ (lẽ tất nhiên là hàng “nhái” và “dỏm”);
- TC tham gia vào Qũy Tiền tệ Quốc Tế (IMF) để làm áp lực thế giới dùng tiền Yuan trong việc mua bán trên thế giới nhằm thay thế đồng tiền mỹ kim và Euro;
-TC vẫn tiếp tục giữ giá $1US= $8.8 tiền Yuan dù có áp lực của HK và thế giới đòi hỏi TC tăng giá trị đồng Yuan dựa theo thị trường để hạn chế bớt hàng xuất cảng của TC sang các quốc gia tây phương;
- Khi HK tung quân đánh vào Trung Đông sau ngày 9.11 thì TC đã chớp thời cơ này giúp đỡ đối phương của HK để mua bán dầu, đồng thời xuất cảng các nhu cầu cần thiết của chiến tranh để làm giàu; thí dụ, TC bán mặt nạ chống khí độc tại Trung Đông.
- Khi HK vừa lo đối phó sự gia tăng cướp biển, vừa giữ gìn trật tự thế giới thì TC từ chối đóng góp tiền của hay tham gia vào các chương trình chống cướp biển và trật tự hòa bình do Liên Hiệp Quốc đề ra.

HK đã phản ứng lại TC bằng cách áp dụng chiến lược “sức mạnh cương”; thí dụ: 
- HK bắt TC phải tăng giá trị của đồng tiền Yuan; tức là giá hàng xuất cảng của TC sẽ tăng lên cao và làm giảm mức xuất cảng của TC vào HK;
- HK phạt vạ rất nặng các món hàng “nhái” và “không có phẩm chất”, có hại cho sức khoẻ của người dân HK như thực phẩm và thuốc men;
- HK không hỗ trợ cho các hãng HK mở hãng sản xuất tại TC vì các hãng này không có tạo công ăn việc làm cho người dân HK;
- HK cho các phi cơ và tàu chiến đi vào vùng quốc tế ở Biển Đông để thách thức TC; kết quả tàu chiến và phi cơ TC làm ngơ trước sự đi lại của tàu chiến và phi cơ HK trên biển và trên không phận quốc tế tại Biển Đông;
- HK khuyến khích các hãng tư nhân HK đầu tư trở lại HK vì phẩm chất hàng do TC sản xuất rất kém, vì tiền chuyên chở cao (do giá dầu cao) và người thợ TC không có tay nghề kỹ thuật cao (high tech).

Để làm giảm áp lực của HK, TC phản ứng lại bằng cách: 
- chỉ cho tăng tiền Yuan lên chút đỉnh, nhưng vẫn còn nằêm trong số 8 là con số mà  TC tin là con số may mắn “vì bát phát âm như phát”( CS theo chủ nghĩa duy vật, nhưng cũng là vua mê tín dị đoan); 
- tạm thời chấp nhận tham gia giới hạn vào trách nhiệm trật tự thế giới và chống nạn cướp biển; 
- tăng cường quân sự với tàu hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và chuẩn bị sản xuất chiếc thứ hai để đe dọa nền hòa bình tại Biển Đông;
- thành lập nhiều trung tâm “Khổng học” trên thế giới nhằm đề cao “trật tự” và “trung hiếu” với TC; đặc biệt là cảnh cáo một vài người trong bộ chính trị CSVN vì những người này có cảm tình với HK;
- TC mua lại các kỹ thuật cũ của HK và canh cải lại món hàng cho phù hợp với nhu cầu của người dân TC nhằm mục đích độc quyền bán hàng tại TC và cạnh tranh trực tiếp hàng hóa của HK trên đất TC; thí dụ, máy điện tử Lenovo, các loại xe hơi HK được thu nhỏ lại cho phù hợp với đường xá ở TC v.v.  

* Chiến lược “sức mạnh khôn” (smart power)
TC và HK tranh chấp trong lãnh vực kinh tế thương mại mà HK sẽ áp dụng chiến lược “sức mạnh khôn” gồm có cả hai yếu tố “nhu” và “cương”.

a) yêu tố nhu
- hàng hóa HK, đại học HK, ngân hàng HK v.v vẫn là các món hàng “ưa chuộng” của người dân TC muốn mua hay đầu tư vì người dân TC biết cái gì của HK cũng đều có phẩm chất cao hơn hàng TC;
b) yếu tố cương  
- HK tiếp tục làm áp lực TC để tăng giá trị tiền Yuan nhằm giảm nhập cảng hàng hóa TC;
- HK cho thành lập TPP (1) để lôi kéo các quốc gia ở Thái Bình Dương và Biển Đông tham gia vào kinh tế thương mại cùng với HK chống lại nền kinh tế TC;
- HK cho thành lập ngân hàng để cho các quốc gia Á Châu vay; lẽ tất nhiên các quốc gia này trở thành đồng minh với HK.

- HK khuyến khích thành lập “xã hội dân sự”(2) và hỗ trợ chính sách tự do dân chủ (democracy) tại các quốc gia độc tài; kể cả TC và CSVN. 

Ngoài ra, khi đề cập về kinh tế thương mại, nhà buôn cần biết “ngọn gió” đi theo trào lưu nào để có thể nắm bắt thời cơ đầu tư làm giàu. Danh từ “chiều hướng” dịch từ chữ “trend” gồm có 4 yếu tố chánh gọi tắt là “pest” tức là political, economical, social và technological” tức là chính trị, kinh tế, xã hội và kỹ thuật. Ngày nay, có 3 chiều hướng rất thuận lợi cho HK là:

1. khai thác dầu qua phiến đá (cracking oil) mà HK có số lượng dầu nhiều hơn số dầu ở Trung Đông; đó là lý do mà giá dầu giảm trong năm nay và làm cho Nga Xô mất hơn phân nửa ngân sách quốc gia; 
2. kỹ thuật điều hành máy rôbô và máy in 3 chiều “printer 3D” có thể tạo thành các vật dụng cần thiết  từ máy điện tử nên không cần đến nhân công rẻ để sản xuất vật dụng. Thí dụ, một người chỉ cần bấm nút “in” (print) trên máy điện tử là máy in 3D (3 chiều) có thể sản xuất ra đồ vật trong thời gian ngắn mà không cần phải qua bàn tay của người thợ. Ngày nay, dù máy in 3D chưa hoàn hảo, nhưng có thể “in ra” (sản xuất) chiếc xe hơi (có thể chạy được) với chi phí $2,000 mỹ kim;
3. HK có nhiều mỏ “đất hiếm” giúp cho HK sản xuất các vật dụng cần thiết như máy điện tử, khí giới tối tân, làm vỏ sắt tàu bè và máy bay v.v. Quốc gia nào có nhiều mỏ “đất hiếm” trở nên giàu có, nhưng cũng có thể nguy hại nếu là tiểu quốc vì các cường quốc có thể đem quân tranh dành đất hiếm tại nơi đó. HK, Canada, Úc Châu, Phi Châu vẫn được coi là quốc gia có nhiều đất hiếm.

Tóm lại, trong một số năm tới, “nhân công rẻ và không chuyên môn” không còn là mối đe dọa cho nền kinh tế HK vì HK có thể sản xuất hàng qua kỹ thuật tối tân mới (printer 3D), không cần qua tay của người thợ. Sự giảm giá dầu làm cho sự chuyên chở hàng hóa HK giá hạ xuống nên có thể cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa rẻ của TC. Lẽ tất nhiên hàng HK có phẩm chất tốt hơn hàng của TC nên hàng HK chiếm ưu thế trên thị trường quốc tế. CSVN có thể mất dịp may xử dụng nhân công rẻ và tham gia vào “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP) của HK để làm giàu và phát triển kinh tế cho nước nhà vì chế độ CS độc tài tham nhũng.     

Kết Luận
Nếu có chiến tranh quân sự giữa HK và TC tại Biển Đông hay tại bất cứ nơi nào ở Đông Nam Á là vận nước VN vẫn còn may mắn vì nếu CSVN theo TC thì HK bắt buộc phải dựng lên một nhân vật nào đó ở hải ngoại hay ở trong nước làm đồng minh với HK và thành lập một quốc gia VN tự do dân chủ. Nếu CSVN theo HK thì đảng CSVN không còn độc quyền cai trị đất nước VN; toàn dân VN sẽ đoàn kết lại để chống ngoại xâm phương bắc. Thực tế, tôi tin HK và TC chỉ là hai anh võ sĩ đang dợt bài quyền với nhau (vờn qua lại) để rồi sau đó, họ chia nhau quyền lợi của họ tại Biển Đông mà kẻ bị thiệt chính là CSVN (3).    

Hiện nay, có vẻ đang có chiến tranh kinh tế thương mại giữa HK và TC vì ảnh hưởng trực tiếp  đến quyền lợi của họ. HK sẽ áp dụng chiến lược “sức mạnh khôn” gồm có 3 điểm chánh: (a) đề cao khái niệm xã hội dân sự, dân chủ tự do; (b) tiếp tục đẩy mạnh phẩm chất hàng hóa HK và (c) lập ra hàng rào “kinh tế thương mại” hội đủ điều kiện của điểm (a); thí dụ TPP. Như vậy, quốc gia nào muốn xuất cảng sang HK phải có hội đủ điều kiện “dân chủ” và xã hội dân sự (NGO) . CSVN thiếu điều kiện “dân chủ” vì quyền lợi của cá nhân và của đảng CS độc tài nên CSVN khó gia nhập vào trào lưu phát triển kinh tế thế giới.

Để đối phó lại HK, TC vừa bắt tay với Nga Xô để thống trị Đông Nam Á, vừa thành lập ACFTA (Asean China Free Trade Agreement) đương đầu với TPP của HK và ngân hàng AIIB chống lại ngân hàng thế giới (WB) của HK tại Á Châu. HK và Nhật Bản chống tổ chức ngân hàng AIIB, nhưng các quốc gia đồng minh HK như Anh Quốc, Úc Châu tham gia vào tổ chức AIIB vì quyền lợi quốc gia của họ. Các quốc gia ASEAN tham gia vào tổ chức của TC có thể xuất cảng hàng hóa vào TC; nhưng chúng ta nên đặt câu hỏi liệu TC là xứ xuất cảng hay nhập cảng? có lợi hay có hại cho chúng ta? đây là câu hỏi cần phải có câu trả lời.

Hai chiều hướng (trend) quan trọng (critical) đang và sẽ xảy ra trong vòng vài năm tới là kỹ thuật lấy dầu qua phiến đá (cracking oil) và máy in 3 chiều (printer 3D). Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến sự giảm giá của sự phân phối hàng hóa trên thế giới nên giá bán hàng hóa sẽ thấp trong tương lai, nhưng sẽ ảnh hưởng nặng đến sự sinh tồn của các quốc gia sống nhờ vào dầu hỏa như Nga Xô, Trung Đông và Biển Đông. Vì thế, Biển Đông sẽ mất đi giá trị tranh chấp dầu trong tương lai; ngoại trừ TC làm khó đàn em CSVN và bắt CSVN trở thành chư hầu của TC hay trở thành một tỉnh lỵ của TC qua sự thi hành Mật Ước Thành Đô năm 1990. 

HK sẽ không tham gia vào trận chiến Biển Đông vì không ích lợi cho HK nếu TC không cản trở sự di chuyển tự do của tàu bè HK tại Biển Đông. HK và TC sẽ thương thuyết quyết định về vị trí Biển Đông trong tương lai và HK có thể giao Biển Đông cho TC để cho có “trật tự mới” trong vùng Biển Đông y như  cố thủ tướng csBV Phạm Văn Đồng vào năm 1958 dưới thời Hồ Chí Minh lãnh đạo đãødâng Hoàng Sa/Trường Sa cho TC.

Kỹ thuật máy in 3 chiều (printer 3D) sẽ giúp cho HK sản xuất hàng hóa mà không cần đến nhân công “rẻ và không chuyên môn”; do đó, các quốc gia chậm tiến như TC, CSVN có nhân công rẻ sẽ không còn là ưu điểm đe dọa cho nền kinh tế HK trong tương lai. Các quốc gia đồng minh với HK như Phi Luật Tân, Nhật Bản có lợi thế nằm trong sự bảo vệ của HK. Người dân của họ có được tự do và có được công ăn việc làm vì có thể xuất cảng hàng hóa qua HK với sự bang giao ký kết giữa các quốc gia đồng minh (4).

Kinh tế TC lệ thuộc vào hàng xuất cảng sang HK; nhưng nếu HK hạn chế nhập cảng hàng từ TC và hạn chế đầu tư vào TC thì kinh tế TC sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tượng bong bóng sẽ nổ tại các thành phố lớn ở TC như giá nhà đổ, hàng rẻ sẽ không có người mua; tức là TC sẽ bị nạn giảm phát (deflation). Đó là chưa kể người dân TC có khuynh hướng để dành tiền hay bỏ tiền vào ngân hàng HK nên sức tiêu thụ của TC sẽ giảm và gây ra nạn thất nghiệp trầm trọng trong nước vào các thập niên tới tại TC. 

Chú Thích:
1. Mục đích của TPP là các quốc gia ký kết có thể buôn bán với nhau không qua hàng rào quan thuế (thực chất là xuất cảng sang HK); nhưng họ phải hội đủ một số điều kiện do HK yêu cầu như tôn trọng quyền lợi nhân công (cho thành lập công đoàn độc lập), bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ  v.v Thực tế, sự ký kết giữa các quốc gia được giữ bí mật nên kết quả của sự ký kết thường dựa trên lý do chính trị; tức là CSVN “có thể” được gia nhập vào TPP mà không cần cải thiện nhân quyền. Do đó, kinh tế CSVN đang trên đà phá sản thì TPP của HK sẽ là cái phao cứu nguy cho CSVN y như hiệp định Paris 1973 đã giúp cho csBV khỏi phải tuyên bố đầu hàng, lại còn có cơ hội cưỡng chiếm miền nam tự do.   

2. Xã hội dân sự hay tổ chức phi chính phủ (NGO) đã có từ lâu tại các quốc gia tự do như HK, Canada vì nhà cầm quyền không thể nào lo hết tất cả nhu cầu của người dân nên người dân tự thành lập tổ chức phi chính phủ để “thoả mãn” một số nhu cầu cần thiết cho họ. Thí dụ, tổ chức bảo vệ môi trường, bảo vệ thú vật hay đề cao nhân quyền. CSVN là một trong các quốc gia độc tài rất sợ tổ chức NGO vì họ sợ người dân lên tiếng về quyền lợi của thợ thuyền hay đề cao nhân quyền nên CSVN đã cho thành lập tổ chức GONGO (government organized NGO) tức là tổ chức “giả hình NGO” của chính phủ để chống lại tổ chức xã hội dân sự bênh vực cho quyền lợi của người dân.     

3. Biển Đông có 4 lợi ích quan trọng là: dầu hỏa, hải sản, hải cảng và giao thương hàng hải. Kỹ thuật khai thác dầu qua phiến đá làm cho giá dầu giảm nên tầm quan trọng về dầu ở Biển Đông bị mất đi; nhưng sự giao thương hàng hải tại Biển Đông và Thái Bình Dương vẫn đóng vai trò quan trọng. Dù vậy, chiến tranh quân sự giữa HK và TC “khó có thể xảy ra” vì hải quân TC còn kém xa HK dù ngân sách quốc phòng của TC có thể tăng lên gấp đôi (hiện giờ ngân sách quốc phòng của TC  là 2% GDP so với HK là 4% GDP); do đó,  HK khó có thể tăng ngân sách quốc phòng; đó là chưa kể, HK cần tân trang lại một số tàu bè vì phần nhiều các tàu chiến của HK đã cũ và lỗi thời. 

4. Nhật Bản là quốc gia đồng minh với HK. Thủ tướng Nhật Bản Abe muốn HK tiếp tục đóng quân ở Okinawa nhằm bảo vệ Nhật Bản chống lại TC dù người dân Okinawa phản đối sự có mặt của quân  đội HK tại nơi đây. Chính phủ Nhật vẫn biết “vạn vật vô thường”. Quân đội HK không thể nào ở mãi tại nước Nhật để bảo vệ Nhật Bản chống lại TC; do đó, Nhật Bản vẫn muốn HK cho Nhật Bản được “cởi bỏ” luật cấm Nhật Bản thành lập quân đội để họ có thể có một đội quân hùng mạnh hầu chống lại sự tấn công của TC trong tương lai.