Tuesday 14 July 2015

Đêm Nhạc Hương Xưa Rực Rỡ Thành Công Ở Viện Việt Học

WESTMINSTER (VB) -- Đêm Nhạc Hương Xưa tại Viện Việt Học hôm 17-7-2015 đã thành công mỹ mãn...

Buổi nhạc đặc biệt này do Hội Ái Hữu Trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt điều hợp.

Tất cả các nghệ sĩ góp mặt trong chương trình đều bày tỏ cảm xúc hạnh phúc khi được khán giả tới tham dự đông đảo.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc kể rằng ban tổ chức, Viện Việt Học và các cô cựu học sinh trường Lê Văn Duyệt đã không tưởng tưởng được có quá nhiều khách đến hơn chỗ ngồi của Viện ngay trước khi mở màn lúc 7.45pm.

Nguyễn Minh Lân, viên chức Viện Việt Học, cho biết ít khi thấy được một đêm như vậy. Rất nhiều khách đến trễ đành phải đứng ngoài hành lang để thưởng thức nghĩa là không bỏ về khi tiếng hát mình yêu thích chưa được cất lên.

blank
Hình ảnh Nhạc Hương Xưa. (Photo: Nguyễn Mậu Tùng)

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc, người có nhiều ca khúc nổi tiếng, đã bày tỏ cảm xúc khi đươc khán giả ủng hộ nồng nhiệt đêm nhạc Hương Xưa:

“...Họ yêu mến những bạn bè có tên trong chương trình, họ đến để thưởng thức tiếng hát không chuyên nghiệp nhưng có trái tim và lửa nồng. Họ không tìm chỗ để mua vui và giết thì giờ. Họ không muốn đến để nghe rồi bảo rằng: "Bài hát này Tuấn Ngọc hay Lệ Thu hát hay lắm".

Họ đến với trọn trái tim mở rộng. Không phải chỉ có một nửa ở đây cho Hương Xưa và một nửa ở nhà cho Asia hay Thúy Nga.

Vâng, khán giả đã đến và không mang theo ý nghĩ đó, anh biết không, người thưởng thức đêm đó thật tuyệt vời.

Nếu không có những tiếng vỗ tay lớn, những tiếng la ó, những tiếng huýt sáo vang lên sau những tiếng hát với tất cả trái tim, khán giả đã không ở lại đầy phòng cho tới giờ phút cuối cùng, khi bản Tình Ca của Phạm Duy được ban hợp ca Lê Văn Duyệt kết thúc chương trình.


blank
Hình ảnh Nhạc Hương Xưa. (Photo: Nguyễn Mậu Tùng)

Ở lại đến cuối cùng đầy phòng của một chương trình có một ý nghĩa gì?

Rõ ràng là một sự yêu mến và thích thú của người thưởng thức, chắc chắn đây là một chương trình hấp dẫn người nghe cho dù không được 100% và cuối cùng, có những sắc nét đặc biệt khác thường mà người thưởng thức không thấy ở những chương trình không chuyên nghiệp khác.

Xin đừng so sánh với các chương trình chuyên nghiệp thương mại như đại nhạc hội quảng cáo ngoài đời về nghệ thuật. Nếu có so sánh thì hãy lấy 6 chữ “ở lại cuối cùng đầy phòng” để hiểu nỗi vui của mọi người trong ban tổ chức đêm Hương Xưa như thế nào.

Thương mại hay không thương mại, sáu chữ này là phần thưởng danh dự và cao nhất người trình diễn mong chờ.

Nghệ thuật là chỗ đứng chung cho loài người ở một nơi không có ranh giới, không điều kiện, không phân biệt và không giới hạn.

blank
Hình ảnh Nhạc Hương Xưa. (Photo: Nguyễn Mậu Tùng)

Khong những thế, dư âm còn lại là tôi có nghe tiếng nói yêu cầu chương trình tiếp tục thêm sau khi chấm dứt nhưng với tôi thì hãy để hương vị mặn ngọt chua cay còn trên đầu lưỡi thì Hương sẽ không bao giờ Xưa.

Chứ biết đâu rằng, gần 3 tiếng đồng hồ và chỉ có 10 phút giải lao, những hương hoa của buổi hát sau bao tháng ngày tập luyện với những đêm 1,2 tiếng đồng hồ, rồi cuối tuần 3,4 tiếng đồng hồ, đôi khi phải ngồi xe lửa đi về 6 tiếng đồng hồ để gặp nhau tập luyện. Đôi lúc, họ tưởng đã gục ngã đuối sức trước khó khăn của tập luyện. Còn ngày mai phải đi làm nữa chứ??

Không. Họ không bỏ cuộc, họ không buông tay. Họ vẫn đến với nhau và ở cạnh nhau để tiếp tục cùng nhau thổi lửa vào trái tim. Trái tim chưa mệt mỏi thì tiếng hát vẫn còn. Chỉ cần gió và lửa thôi.

blank
Hình ảnh Nhạc Hương Xưa. (Photo: Nguyễn Mậu Tùng)

Cuối cùng, gió và lửa đã đến với họ. Tất cả đã đẩy tiếng hát bay cao ra khỏi bàn tay họ trong đêm đó, ngọn lửa nồng đã bùng lên cao ngất ngây nhưng dần dần cũng đang lụi tàn.

Hình như lúc ấy, với họ, Hương đã Xưa thiệt.

Nhưng với người thưởng thức, họ sẽ mang Hương về để một ngày nào đó, trở lại nối với Xưa và khi Hương Xưa trở về, mình lại hội ngộ và lại chia tay.

Hương Xưa sẽ không bao giờ phai mầu với thời gian nghĩa là với đời.

Những dòng chữ trên đây chỉ là nỗi vui của một người bình thường đến nghe, đến xem và đến thưởng thức, đứng ở cuối phòng như tôi.

Thêm vào đó, là nỗi vui riêng của một người có tiết mục trình diễn và đứng trên sân khấu.

Tôi xin giữ riêng cái thứ hai và xin dành cái thứ nhất cho những người không đứng trên sân khấu, người đến nghe và xem.

Họ giữ chữ Hương và tôi xin chữ Xưa.

Viết khi lửa chưa tàn.

Nguyễn Ngọc Phúc.”

blank
Hình ảnh Nhạc Hương Xưa. (Photo: Nguyễn Mậu Tùng)

Đặc biệt, trong khi ca khúc Việt Nam Ngàn Năm Biển Hát được trình diễn đã có cờ vàng bên cạnh.

Các cô Lê văn Duyệt đã hát với một niềm vui và tự hào to lớn về bài hát này.

Người cầm cờ có tên là Mai Liêu, một cựu quân nhân của sư đoàn 18 bộ binh, người khách bất ngờ và người rất hãnh diện được mời cầm lá cờ từ cuối phòng đi lên sân khấu khi bài hát được hát.

Khi anh ta được mời riêng tại VVH trước giờ trình diễn, anh nhận lời trong bộ quần áo thường. Ngay sau đó, tức tốc đi về nhà lấy quần áo lính trở lại để thay và đóng góp tiết mục tuyệt vời này.

Chương trình nhạc có đóng góp của: Mai Lan, Thanh Hằng, Bình Hòa, Vũ Đan, Ngọc Mai, Ngọc Phúc, Lan Anh, Tú Quyên, Kim Ngân, Kim Loan, Minh Nguyệt, Triệu Lương, Tánh Nguyễn, Phượng Hồng, Minh Châu, Bùi Khanh, Triệu Tường, Nhóm Hương Xưa (Như Anh, Vũ Khiêm, Mai Phương, Hồng Tước).

Hình ảnh trong bài do anh Nguyễn Mậu Tùng.

Độ giả cũng có thể nghe lại một sô ca khúc trên YouTube:

- Việt Nam Ngàn Năm Biển Hát- Tác Giả Nguyễn Ngọc Phúc và CNS Lê Văn Duyệt
https://www.youtube.com/watch?v=zZCqs7ijAro&feature=em-upload_owner

- Mưa Sài Gòn Mùa Hà Nội- Nhóm Hương Xưa
https://www.youtube.com/watch?v=XSZpH2pTz2E

- Tình Ca - Hợp Ca Lê Văn Duyệt
https://www.youtube.com/watch?v=oTKOc2TcOjY