Wednesday 1 July 2015

Khủng Bố Ở Charleston

Trong cuộc tranh luận kỳ bầu cử tổng thống năm 2012, ông Mitt Romney, ứng cử viên đảng Cộng Hoà liên tiếp bắt bẻ ông Barack Obama để mất mấy ngày mới công bố về vụ tấn công vào Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Benghazi là một hành vi khủng bố. Ông Obama đưa ra lý luận biện minh. Hai bên tranh cãi nhau một hồi lâu, cho đến khi người điều hợp chương trình là Candy Crowley phải can thiệp, và nói rằng Tổng thống qủa thực có nói đó là “hành động khủng bố” sau khi biến cố xảy ra được một ngày. Theo dõi sự cãi vã giữa hai đảng, một bên theo khuynh hướng bảo thủ, một bên theo phe cấp tiến về từ ngữ “act of terror” và “terrorism” khó mà nói cái nào là đúng, cái nào là sai. Đằng sau những tranh cãi có tính cách triết lý này, chúng ta phải để ý đến những sự thực hiển nhiên được trưng bầy. Đó là những điều mà các nhà viết diễn văn, đọc điếu văn, và xướng ngôn đài truyền hình dùng để mô tả sự việc.


Cảnh sát thành phố Charleston đã mau chóng gọi tên sự việc xảy ra tại nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal Church tối hôm thứ Tư là một “hate crime” dịch tiếng Việt là tội phạm vì thù ghét, vì thành kiến. Rất nhiều loại tội phạm gây ra bởi lòng hận thù. Tuy nhiên chúng ta đặc biệt dùng cụm từ “hate crime” để chỉ một hành vi oán hận vì ác cảm. Lòng oán hận đó được ngoại suy áp dụng cho cả một cộng đồng dân số, chứ không phải cho một cá nhân đơn độc. Vụ giết một lúc chín mạng người giáo dân da đen trong giờ học Kinh Thánh là một hành vi hung bạo, tàn khốc, nó dễ dàng được gọi là “hate crime”, tội phạm vì ác cảm, thù hận. Nhưng thực ra vấn đề không đúng hẳn như vậy. Có lẽ giờ đây chúng ta có đủ khôn ngoan, thông thạo để nhận ra vụ giết người ở Charleston là một hành vi khủng bố, không hơn không kém.

Ấy vậy mà ngay từ giây phút đầu sau khi xảy ra, cụm từ hành vi khủng bố không được dùng đến. Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham, tiểu bang South Carolina , trong câu nói đầu tiên thẩm xét về vụ này, ông nói như sau: “Tôi chỉ nghĩ rằng can phạm chỉ là một thằng nhóc làm chuyện xằng bậy, bộc phát bất ngờ, thế thôi. Tôi không tin nó mang một ý nghĩa gì to lớn hơn thế.”. Sang đến ngày thứ Năm, bà Thống đốc Nikki Haley viết trong Facebook lời tuyên bố của bà như sau: “trong lúc chúng ta chưa biết rõ chi tiết nội vụ, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được động lực nào đã xui khiến một người bước vào nơi thờ phượng để lấy đi mạng sống của người khác.”. Về phương diện luân lý, đạo đức, hành động của Dylann Roof có thể còn có nghi vấn, nhưng động lực nào xui khiến nó làm như vậy thì khó mà có thể tìm hiểu cho hết được. Tên Dylann Roof thú nhận nó là thủ phạm.

Đạo luật Patriot Act định nghĩa “domestic terrorism” - khủng bố ở trong nước- là những hành vi : A: gây nguy hiểm cho mạng sống con người, vi phạm luật liên bang Hoa Kỳ và luật tiểu bang. B: hành vi này được làm với chủ ý: i) làm sợ hãi, hay cưỡng chế một nhóm dân ii) tạo ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ bằng cách gây sợ hãi, hay cưỡng bức và iii) tạo ảnh hưởng đến cách hành xử của chính phủ bằng hành động giết người hàng loạt, ám sát, hay bắt cóc.  C: xảy ra trong phạm vi lãnh thổ Hoa Kỳ.
 
Ít nhất là trong vụ giết người này nó đã nhằm mục đích làm cho khối dân Da Đen ở Charleston phải sợ hãi. Một người bạn của tên Roof nói Roof nhiều lần tỏ ý muốn khởi xuớng một cuộc “chiến tranh chủng tộc” – đó cũng là điều nó đã khai với điều tra viên trong lúc thẩm vấn. Rõ ràng Roof muốn biện minh cho hành động khủng bố của nó có một giá trị cao đẹp trong lịch sử Mỹ.

Khi anh Tywanza Sanders, thanh niên 26 tuổi, đang ở trong nhà thờ lúc đó, năn nỉ Roof tha cho giáo dân, đừng bắn họ. Roof tuyên bố rằng hành động của nó là cần thiết. Nó nói với anh Sanders, trước khi bắn anh chết: “Bọn chúng mày đã hãm hiếp đàn bà con gái, và đang lấy đi đất nước cuả tao.”. Cách đây gần một thế kỷ, trong cuốn phim “The Birth of a Nation”- Sự Khai Sinh của Một Quốc Gia – cuốn phim đã tâng bốc hành động gây kinh hoàng của nhóm Ku Klux Klan vào giai đoạn Tái Thiết miền Nam . Theo đó, đàn ông Da Trắng đã anh dũng đứng ra bảo vệ đàn bà Da Trắng, không để cho bọn Da Đen mới được giải phóng, hãm hiếp đàn bà con gái. Luật chống khủng bố đúng ra có nguyên do xuất phát  từ đạo luật Klu Klux Klan Act năm 1871, được Tổng thống Ulysses S. Grant sử dụng để truy tố những người trong tổ chức KKK, coi thường luật liên bang, và dùng nó để bảo vệ quyền của người Da Đen. Chín quận hạt trong tiểu bang South Carolina bị bọn KKK tràn ngập, gây áp lực, khiến cho chính phủ phải áp dụng thiết quân luật. Tổ chức KKK ra đời và lớn mạnh không phải chỉ thuần túy mang ý nghĩa là để bảo vệ phụ nữ Da Trắng không bị Da Đen hãm hiếp, mà còn nhằm để phản kháng lại sự lớn mạnh về chính trị của cộng đồng Da Đen ở miền Nam . Người Da Trắng muốn dành lại “đất nước” của họ, không cho người Da Đen lấy đi mất. Trong tác phẩm: “The Prostrate State : South Carolina Under Negro Government” xuất bản năm 1873 (Tiểu bang khiếp nhược: South Carolina dưới sự cai trị của chính phủ Da Đen) nhà báo James Shepherd Pike mô tả hoàn cảnh trong đó dân Da Trắng cảm thấy bị lâm nguy vì sự hiện diện của những viên chức dân cử Da Đen trong quốc hội tiểu bang. Những hành vi giết người Da Đen tại chỗ, hay “lynching” ở South Carolina xảy ra thường xuyên. Từ năm 1877 đến năm 1950, có 150 vụ “giết tại chỗ” để cấm không cho người Da Đen đi bầu, và dành quyền lực chính trị trong tay người Da Trắng.

Cách đây 20 năm, khi Timothy Mc Veigh đặt bom làm nổ tung toà cao ốc Alfred P. Murrah của chính phủ liên bang ở Oklahoma City, giết chết 168 người. Hành vi này ngay tức khắc bị coi là hành vi khủng bố. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đã mau quên một điều là chính Timothy Mc Veigh đã cố tình muốn thực hiện một vụ đánh bom với chi tiết giống như trong cuốn tiểu thuyết nhan đề là “The Turner Diaries”. Trong đó viết về cuộc chiến tranh gữa một người đàn ông Da Trắng chống lại chính phủ liên bang bị bọn thiểu số, và da trắng tay sai kiểm soát. Trên trang Web của FBI, cơ quan này mô tả vụ đánh bom bin đinh Mur rah là một hành vi khủng bố nội điạ tàn khốc nhất trong lịch sử đất nước. Lời mô tả này quên không nhắc đến vụ nổi dậy ở Tulsa vào năm 1921. Trong vụ này một đám côn đồ Da Trắng nổi giận vì một thiếu niên Da Đen đã định hãm hiếp một thiếu nữ Da Trắng. Nhóm người Da Trắng này được làm ngơ cho phép xông vào tàn phá, đốt sạch khu Da Đen khá giả ở vùng Greenwood , làm thiệt mạng hơn 300 người. Trong quan điểm của FBI thì vụ đánh bom bin đinh Murrah là hành vi khủng bố lớn nhất trong lịch sử, nhưng đối với con cháu người Da Đen ở khu Greenwood thì vụ tàn sát ở đây mới là tồi tệ nhất trong lịch sử.

Một cái tên khác còn vắng bóng trong cuộc thảo luận về sự việc xảy ra ở Charleston đó là OBAMA. Vâng, tên của Tổng thống không được nhắc đến, nhưng đó là một nhân tố thầm kín, không nói ra, đưa đến hành động khủng bố của tên Dylann Roof. Theo định kiến trong đầu của nó thì nó muốn lấy lại đất nước bị mất vào tay người Da Đen. Tháng Giêng năm 2008, Barack Obama thắng trong cuộc tranh cử vòng sơ bộ của Đảng Dân Chủ ở South Carolina , phần lớn là nhờ lá phiếu của cử tri Da Đen. Một tiểu bang ở Miền Nam – Deep South- đã tiếp sức cho một ứng cử viên Da Đen, đánh một đòn quyết liệt, đạt thắng lợi đi vào Toà Bạch Ốc. Trong ngày Lễ Nhậm Chức, ông mở đầu bài diễn văn với lời hứa là sẽ “lấy lại lại đất nước của chúng ta.”. Lời hứa đó nghe ra cũng nhẹ nhàng thôi, nhưng nó lại được diễn dịch theo ý nghĩa khác trong đầu của Roof.

Xét qua những gì xảy ra, có vẻ như là tên Roof này đã hành động một mình, không có người tòng phạm, tiếp tay với nó. Điều này khiến mọi người cảm thấy an ủi, yên tâm. Dylann Roof sẽ được coi như một thằng điên, loạn óc, đơn lẻ, không liên can đến một tổ chức, hay nhóm nào lớn. Suy diễn như vậy là không đúng. Mặc dù nó làm hành động khủng bố một mình, nhưng Dylann Roof không phải là đứa duy nhất làm chuyện này.
 
Bài phân tích Jelani Cobb trên THE NEW YORKER ngày 29/6/2015
Nguyễn Minh Tâm dịch