Tuesday 11 August 2015

55 Năm Sau, Đọc Lại Bản Tuyên Ngôn Caravelle - Trần Mộng Lâm

Ngày 26 tháng tư năm 1960, hai ông Phan Khắc Sửu và Trần Văn Văn âu phục chỉnh tề, bất thần đến trước cổng Dinh Độc Lập, đại lộ Thống Nhất Sài Gòn, nhờ quân phòng vệ chuyển đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm một bản tuyên ngôn mang chữ ký của 18 nhân sĩ thuộc nhiều khuynh hướng chính trị, xong họ đi thẳng đến khách sạn Caravelle họp báo. Bản tuyên ngôn lịch sử sau đó được gọi là bản Tuyên Ngôn Caravelle.Bản Tuyên Ngôn kết án chính quyền của ông Ngô Đình Diệm về những yếu kém của chính quyền này, năm 1960.

Năm nay là năm 2015, Đảng Công Sản Việt Nam đã thay thế đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Diệm.  chúng ta thử đọc lại bản Tuyên Ngôn đó, xem 55 năm sau, tình hình có khá hơn chút nào hay không ??

Bản Tuyên Ngôn Caravelle rất dễ kiếm trên mạng, nhưng hơi dài. Tôi chỉ xin trích ra dưới đây những gì quan trọng. Vị nào khó tính, xin xem nguyên bản trên Wikipedia.

Đại khái những điểm yếu kém sau đây đã được các vị nhân sĩ thời đó nêu ra :

Về Chính Trị :

….Một Hiến Pháp đã được lập ra nhưng chỉ có hình thức. Và Quốc Hội tuy có đấy nhưng những cuộc thảo luận luôn luôn được diễn ra chỉ theo đường hướng của chính quyền. và những cuộc bầu cử phản dân chủ, toàn là những phương pháp và trò hề…….Nhưng vụ bắt bớ liên tục tiếp diễn làm cho nhà giam và khám đường đầy đến tận nóc như hiện nay đương xẩy ra, dư luận quần chúng và báo chí phải câm lặng. Cũng thế, ý dân bị khinh nhục và trà đạp trong những cuộc đầu phiếu (đảng cử, dân bầu, lời bàn của TML) ……Các chính đảng và giáo phái bị loại bỏ…….Ngày nay nhân dân muốn được Tự Do….bảo đảm các quyền công dân tối thiểu và công nhận đối lập để dân chúng được nói lên tiếng nói của mình mà không sợ hãi để dẹp được sự bất mãn và căm thù vì đối với dân chúng, thế đối lập là lý do độc nhất cho họ tồn tại

Về Chính Quyền :

…..Số công chức ( cán bộ, công an, lời bàn của TML) tăng lên mà việc quản trị lại không chay. Ấy là vì chính quyền đã để các đoàn thể chính trị của chính quyền (Đảng CS, đảng viên, công an, lời bàn của TML) kiểm soát người dân, tách các nhóm ưu tư ( Nhóm lợi ích ngày nay, lời bàn TML) ra khỏi hạ tầng …….guồng máy hành chánh bị chậm lại, làm tê liệt mọi sáng kiến và làm nản lòng mọi người có thiện chí. Đồng thời, không một tháng nào trôi qua mà báo chí không đăng đầy những chuyện hối lộ không thể nào che dấu được. những chuyện này trở thành một chuỗi dài những giao dịch phi pháp hàng triệu bạc (Bây giờ phải nói là hàng trăm tỷ bạc, lời bàn TML)….

Về Quân Đội.

……lấy sự «Trung Thành với một Đảng» để phục vụ mù quáng những kẻ lãnh đạo Đảng làm tiêu chuẩn thăng thưởng……Nhiệm vụ của Quân Đội , rường cột của việc bảo vệ Quê Hương, là chận đứng những cuộc ngoại xâm…… Quân Đội chỉ phục vụ Quốc Gia và không nên để cho một phe nhóm hay Đảng Phái nào lợi dụng…..
Về Kinh Tế Và Xã Hội.
Một xứ sở giầu có và phì nhiêu với thực phẩm dư thừa…….một thị trường bành trướng và đủ sức nhận vốn đầu tư của ngoại quốc. Đó là điều kiện thuận lợi có thể biến Việt Nam thành một quốc gia sản xuất cao và thịnh vượng. Thế mà hiện nay nhiều người không có việc làm, không có nhà để ở và không có tiền bạc…….Nguồn lợi nằm trong tay những kẻ đầu cơ, dùng phe nhóm, đoàn thể của chính quyền để che dấu việc buôn bán độc quyền, đem lợi về cho một thiểu số tư nhân ( Các «Đại Gia», lời bàn TML). Trong lúc đó, hàng ngàn dân bị huy động đi làm việc cực nhọc, bị ép buộc phải rời bỏ công ăn việc làm, nhà cửa gia đình của mình, tham gia công tác xây dựng những «Tương Đài» ( Trong nguyên bản năm 1960 viết là «các khu Dinh Điền thời bấy giờ, lời bàn TML)tuy đồ sộ nhưng vô ích. Điều này làm cho họ mệt mỏi và mất thiện cảm với chính quyền, làm cho mối bất mãn thêm trầm trọng…..

Kinh tế là nền móng của xã hội và lòng dân là yếu tố sống còn của chế độ……Phải tạo môi trường thuận tiện cho việc «Đầu Tư» …….Phải khuyếch trương kỹ nghệ và tạo công ăn việc làm……Đồng thời chính quyền phải chấm dứt sự bóc lột con người dưới mọi hình thức trong các công trường lao động của các «Tương Đài» ( Nguyên bản : Khu Dinh Điền, lời bàn TML)


Thưa quý vị .

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi viết bài khỏe re, vì tôi không phải suy nghĩ gì nhiều, chỉ đánh máy lại một bản tuyên ngôn đã được viết năm 1960. Nhiều người ký tên trong bản tuyên ngôn này hiện vẫn còn sống.

Tôi chép lại bản Tuyên Ngôn này, không vì ẩn ý chính trị gì, cũng không phê phán ai, mà chỉ vì cũng như các nhân sĩ ngày xưa, không muốn thấy Quê Cha Đất Tổ chịu thêm những ngày tháng u  buồn và hiểm nghèo, trước nạn ngoại xâm.Sư căm hờn của nhân dân đã từ rất lâu phải nhận sự đau khổ khủng khiếpđến một lúc sẽ vùng lên bẻ gẫy những ràng buộc từng cột chặt mình, đè mình xuống.

Câu viết này tôi cũng chép y phần kết luận của bản Tuyên Ngôn Caravelle, ký ngày 26 tháng tư năm 1960. Bản văn còn đây, mà người xưa đi mất tự bao giờ. Tôi muốn nói tới các ông Phan Khắc Sửu và Trần Văn Văn, cả ông Ngô Đình Diệm nữa, tội thay !!!

Tôi đọc lại được bản tuyên cáo này khi đi tìm tài liệu viết về ông Phan Khắc Sửu.


Đọc, chỉ để cảm thấy buồn cho dân tộc, cho đất nước. Lịch Sử, chỉ là một gập gỡ tình cờ, hay là  một sự lập lại mà thôi.

Trần Mộng Lâm