Thursday 20 August 2015

Vì đâu công nhân có cuộc sống bần hàn?

CSVN trước đây vốn hô hào giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội và tạo lập các thành quả cách mạng. Giờ thì ai cũng nhận ra giai cấp công nhân đang bị bần cùng hóa dưới bàn tay cai trị của đảng. Vì sao như vậy? Vì giai cấp công nhân ngày nay không còn giá trị để đảng lợi dụng tuyên truyền về mặt chính trị. Khi đảng CSVN đã nắm trọn quyền lực trong tay và trở thành “tư bản đỏ”, thì ngay lập tức đảng quay lại đè đầu cưỡi cổ công nhân. Kính mời quý thính giả theo dõi bài : “Vì đâu công nhân có cuộc sống bần hàn?” qua sự trình bày của Hướng Dương
CSVN trước đây vốn hô hào là giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội và tạo lập các thành quả cách mạng. Giờ thì ai cũng nhận ra giai cấp công nhân đang bị bần cùng hóa dưới bàn tay cai trị của đảng. Vì sao như vậy? Vì giai cấp công nhân ngày nay không còn giá trị để đảng lợi dụng tuyên truyền về mặt chính trị. Khi đảng CSVN đã nắm trọn quyền lực trong tay và trở thành "tư bản đỏ", thì ngay lập tức đảng quay lại đè đầu cưỡi cổ công nhân.

Năm 1986 nên được coi là năm đánh dấu sự phản bội về mặt học thuyết và lý tưởng của CSVN đối với giới công nhân. Mỹ từ "Đổi mới" của ông Nguyễn Văn Linh tổng bí thư đảng khi đó đã ngầm xác định lại vai trò thật sự của giai cấp công nhân là được đảng biến hóa thành một giai cấp nô lệ kiểu mới phục vụ hai ông chủ: Tư bản "trắng" đầy kinh nghiệm rủng rỉnh tiền và tư bản "đỏ" từ bỏ vô sản học làm đại gia.

Với hệ thống chính trị theo chế độ cộng sản, nên khi bắt tay làm ăn với giới tư bản ngoại quốc, CSVN với lối suy nghĩ, cung cách hành xử trong quản lý và một số đặc điểm khác người mà chỉ trong chế độ cộng sản mới nghĩ ra được, thì đương nhiên sự so le, khập khiễng trong hợp tác làm ăn ắt phải nảy sinh so với cung cách làm việc của giới tư bản. Nhìn lại toàn bộ bức tranh đầu tư kinh doanh của giới tư bản ngoại quốc vào Việt Nam, từ sau cái đêm đổi mới năm 1986 đến nay, chúng ta nhận thấy tất cả đều mang tính bề nổi, thiếu đầu tư chiều sâu với mục đích lâu dài. Các hãng xưởng ngoại quốc đầu tư vào trong nước đa phần là những công việc giản đơn không cần chất xám nhiều như: dệt, may, thủy hải sản, gia công lắp ráp linh kiện điện tử..v.v... tuy có tạo việc làm giải quyết thất nghiệp cho số đông, tận dụng được giá nhân công rẻ mạt do nhà nước thông đồng với giới chủ, nhưng về lâu dài vẫn không thể giúp Việt Nam cất cánh với một nền kinh tế phát triển bền vững. Với chính sách vận hành kinh tế và cung cách quản lý theo định hướng xã hội chủ nghĩa, CSVN vô hình trung đẩy nhà đầu tư ngoại quốc thu hẹp tầm nhìn dài hạn đầu tư lâu dài, để chỉ tập trung vào những mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận tối đa trong ngắn hạn. Ngay lập tức người công nhân chịu sự bóc lột sức lao động từ giới chủ nhân trực tiếp đầu tư, của giới lãnh đạo cầm quyền và cả những tổ chức gián tiếp bóc lột họ như: Mặt trận tổ quốc, Công đoàn, đảng, đoàn thanh niên..v.v... Những chính sách đào tạo nghiệp vụ nâng cao tay nghề, nâng cao đời sống, chống bóc lột, tăng lương để đủ sống cho giới công nhân chỉ là những văn bản nằm gọn trong ngăn kéo làm việc của các ông chủ tư bản cả Tây và Ta. Người công nhân trên thực tế chẳng hề được tái đào tạo, đời sống vật chất tinh thần ngày càng đi xuống, tiền đồng mất giá liên tục khiến đời sống công nhân ngày càng vất vả thiếu trước hụt sau, để đủ sống họ lại phải tiếp tục tăng ca triền miên và lại rơi vào cảnh tiếp tục bị giới chủ bóc lột. Mười năm trở lại đây các cuộc lãn công, đình công liên tục diễn ra, có những cuộc đình công lên đến cả chục ngàn người tham gia, nhưng công đoàn nhà nước lập ra với danh nghĩa bảo vệ quyền lợi công nhân, thì lại hùa về phe giới chủ để bênh vực quyền lợi cho chính họ và giới chủ nhân. Nhà nước cộng sản mới đây đã tuyên bố, tất cả các cuộc đình công của giới công nhân diễn ra từ trước đến nay đều phạm luật. Trong khi công đoàn nhà nước chưa bao giờ tổ chức một cuộc đình công nào để bảo vệ quyền lợi, chống bóc lột cho công nhân, thật dễ hiểu vì họ ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm với giới chủ, thì họ phải bảo vệ quyền lợi của riêng họ và của giới chủ.

"Với mức lương tối thiểu hiện tại, cho dù có nai lưng tăng ca thì cuộc sống của đại bộ phận công nhân vẫn hết sức chật vật. Công nhân độc thân khổ một thì đã lập gia đình khổ gấp 2-3 lần, vì có nhiều thứ phải trang trải hơn. Vật giá leo thang, nếu không chắt bóp, tằn tiện thì không đủ sống..." - nữ công nhân Lê Thị Tân - quê Long An, đang làm việc cho một doanh nghiệp giày da tại huyện Củ Chi, Sài gòn - bộc bạch với báo chí trong nước. Trong lúc này cả nhà nước lẫn doanh nghiệp vẫn chưa đồng ý được với mức tăng lương tối thiểu cho người công nhân là 10 hay 12% cho năm 2016, mặc dù mức tăng này là thấp hơn năm 2014. Trong khi 70% doanh nghiệp kinh doanh hiện nay không có lãi, vấn đề tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà CSVN nghĩ ra, đang dần hiện rõ sự đổ vỡ dây chuyền, khi không thể chịu nổi những tác động suy thoái của kinh tế toàn cầu. Mô hình kinh tế có một không hai này của CSVN, đã làm suy kiệt kinh tế trong nước và tạo đà cho tham nhũng cấu xé, rút rỉa sinh lực kinh tế và đẩy gánh nặng nợ nần lên đầu người dân. Doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam được hứa hẹn nhiều ưu đãi như: thuế, giá thuê đất, nhà xưởng, nhân công rẻ, chuyển lợi nhuận về nước dễ dàng..v.v... Nhưng giới đầu tư không hề biết rằng, CSVN với tính ranh ma, khôn vặt, đã bòn rút lợi nhuận của nhà đầu tư bằng những luật lệ bất thành văn như: thủ tục hành chính rườm rà, luật lệ chồng chéo mỗi nơi một kiểu, các loại thuế phí không rõ ràng thay đổi chóng mặt, các loại chung chi mãi lộ không thể lập hóa đơn chứng từ thanh toán, giá cả hàng hóa đầu vào tăng phi mã, đã làm cho các nhà đầu tư phải liên tục đối phó khi lợi nhuận của họ bị cắt xén tứ bề. Để bảo vệ lợi nhuận cho mình, doanh nghiệp đầu tiên sẽ nghĩ ngay đến việc tăng năng suất lao động nhưng lại cố giảm chi phí và tiền lương, dẫn đến người lao động ngày càng bị vắt kiệt sức vì bị bóc lột và chịu đựng nhiều nỗi bất công...

Giới công nhân Việt Nam cần phải chung một nhận thức, đoàn kết đòi hỏi một tổ chức công đoàn thật sự do chính mình lập ra, để bảo vệ quyền lợi và chống bóc lột từ nhà nước và giới chủ. Và đình công chính là vũ khí sắc bén để người công nhân đạt được mục đích mà mình mong muốn.

Lý Trần Công