Thursday 10 September 2015

Đảng CSVN trì hoãn đại hội 12 vì ‘nhân tố Trung Cộng’

Hoàng Trần (Danlambao) - Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của đảng CSVN sẽ bị trì hoãn đến một thời điểm muộn hơn do còn nhiều điểm còn bất đồng, trong đó có các vấn đề liên quan đến Biển Đông, quan hệ với Trung Cộng và việc lựa chọn lãnh đạo tương lai.

Đó là nhận định của giáo sư Carlyle A Thayer, chuyên gia phân tích tình hình chính trị Việt Nam trong một bài viết trên trang web Policy Forum

Bản dịch tiếng Việt bởi Lê Hồng Hiệp, ‘Việt Nam và nhân tố Trung Quốc tại Đại hội 12’ cũng đã được đăng trên trang Nghiên Cứu Quốc Tế.

Công tác chuẩn bị chậm trễ một cách bất thường

Theo ông Thayer, so với 8 kỳ đại hội trước, công tác chuẩn bị cho đại hội đảng 12 hiện đang diễn ra một cách ‘rất lặng lẽ’.

Lý giải về điều này, tác giả đã so sánh với kỳ đại hội gần đây nhất, khi bản dự thảo các văn kiện quan trọng đã được công bố vào tháng 4/2010, tức 9 tháng trước khi đại hội đảng 11 diễn ra vào tháng 1/2011. 

Trong khi đó, các văn kiện cho đại hội 12 cho đến thời điểm này vẫn chưa được phổ biến cho công chúng.

“...Nếu Đại hội lần thứ 12 sẽ họp vào đầu năm tới thì Việt Nam chỉ còn bốn tháng để hoàn tất quá trình này”, vị giáo sư tại đại học New South Wales cho biết.

Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý cũng được ông Thayer tiết lộ: Bản ‘Sách trắng quốc phòng’ dự kiến sẽ được phát hành trong năm nay, 2015, nhưng đã bị trì hoãn việc công bố cho đến sau đại hội đảng lần thứ 12, 2016.

‘Nhân tố Trung Cộng’ được coi là một trong những lý do chính dẫn đến sự chậm trễ một cách bất thường lần này.

“Lời giải thích khả dĩ nhất là sự trùng hợp của hai vấn đề gây tranh cãi – yếu tố Trung Quốc (Chủ tịch/ Tổng Bí thư Tập Cận Bình được cho là sẽ thăm Hà Nội vào tháng 10 hoặc tháng 11) và việc lựa chọn ban lãnh đạo mới của Việt Nam”, ông Thayer cho biết. 

‘Miễn trừ quy định tuổi tác’?

Cho đến thời điểm này, bộ chính trị đảng CSVN vẫn còn đang mâu thuẫn về vấn đề nhân sự.

Theo quy định về tuổi tác, chỉ những người dưới 65 tuổi mới được tiếp tục ở lại bộ chính trị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - người sinh năm 1949 sẽ bước sang tuổi 66 vào năm 2016.

Về vấn đề này, ông Carlyle A Thayer cho rằng: “Tuy nhiên, có một ngoại lệ về tuổi hưu bắt buộc trong những trường hợp đặc biệt. Hiện có nhiều tin đồn cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tìm cách trở thành Tổng Bí thư tiếp theo và xin được miễn trừ quy định tuổi tác. Điều này là chưa từng có tiền lệ trong nền chính trị Việt Nam”.

Trong quá khứ, tiền lệ tương tự không phải là chưa từng xảy ra. Tại đại hội đảng lần thứ 11 vào năm 2011, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được đưa lên giữ chức tổng bí thư khi ngấp nghé bước qua độ tuổi 67.

Đối với các vị trí được gọi là ‘tứ trụ’ bao gồm: tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội; độ tuổi tái cử có thể mở rộng lên đến 67 tuổi.

Do đó, vấn đề tuổi tác có lẽ không phải là nỗi lo lớn của Nguyễn Tấn Dũng. 

Thâu tóm trung ương đảng.

Theo cá nhân tôi, đây là một bài phân tích có giá trị của ông Thayer về tình hình chính trị Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nội bộ đảng cộng sản đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Tuy vậy, một điều khá đáng tiếc là vị giáo sư tại đại học New South Wales đã đưa ra một vài nhận định sai lầm khi đề cao vai trò của Nguyễn Tấn Dũng trong việc ‘đối phó với Trung Quốc’. 

“Ông Dũng cũng ít khả năng sẽ để cho ý thức hệ ràng buộc tay chân của mình trong việc đối phó với Trung Quốc. Ông đã thẳng thắn bảo vệ chủ quyền Việt Nam trong cuộc khủng hoảng giàn khoan năm ngoái và nêu lên khả năng sẽ thực hiện các hành động pháp lý quốc tế chống lại Trung Quốc”, ông Thayer nhận định.

Điều này cho thấy những chiêu trò mị dân của ông Dũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Đây là điều mà tôi đã cảnh báo trong nhiều bài viết trước đây về chiêu bài ‘thoát Trung, phò Dũng’ đang được một số thành phần trong nội bộ đảng ráo riết vận động.

Sai lầm này dẫn đến việc ông Thayer chủ quan cho rằng Nguyễn Tấn Dũng "nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các uỷ viên trung ương, nhưng Bộ Chính trị hiện nay lại đang chia rẽ sâu sắc”.

Các uỷ viên trung ương đảng buộc phải tỏ thái độ ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng vì không muốn trở thành nạn nhân tiếp theo của ông này. ‘Sự ủng hộ’ ở đây, nói trắng ra chính là nỗi sợ hãi.

Nhờ nắm trong tay lực lượng CA, ông Dũng đã trở thành một nhân vật quyền lực, có khả năng thâu tóm cả ban chấp hành trung ương đảng cộng sản. Những ai không theo ông ta sẽ nhận một kết cục bi thảm, nhẹ thì bị thanh tra chính phủ mổ xẻ, còn nặng thì ‘bất ngờ’ đổ bệnh như Nguyễn Bá Thanh hay Phùng Quang Thanh.

Trong suốt hai nhiệm kỳ thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng là thủ phạm tàn phá đất nước đến bờ vực lụn bại, trong khi phe nhóm ông ta vẫn ngày một giàu lên khủng khiếp nhờ tham nhũng và cướp đất dân nghèo.

Cho rằng Nguyễn Tấn Dũng là một 'đại diện thân Mỹ' và ‘chống Tàu’ chỉ là sản phẩm của những trí tưởng tượng điên rồ. Những kẻ tham nhũng chỉ biết đến tiền và quyền. Bất cứ ai cho tiền, dù là Mỹ hay Tàu đều không quan trọng. 

Tóm lại, nếu không lật đổ được chế độ độc tài cộng sản, tương lai đất nước sẽ tiếp tục còn tăm tối trong nhiều năm tới.