Thursday 15 October 2015

Một chương về Mao & Chu & Đặng

Ôm nhau đằng trước thụi sau lưng
Đồng chí, kẻ thù nửa tiếng xưng
Thời Mao, Chu, Đặng và nay Tập
Ám kế, mưu sâu, độc hãi hùng

0o0

Củi dầu sẵn nướng Vĩnh Khang
Chỉ còn chờ đốt lũ Giang đầu sò
Nhưng mà hóc phải xương gà
Nổ Thiên Tân họa từ xa bỗng gần
Khi nào Trung Cộng xút gân
Tức thì Việt Cộng té quần bại theo
Có khi thời thế trớ trêu
Bắc Kinh chổng vó bị tiêu sau Hà 

Đinh Thế Dũng



Jung Chang và Jon Halliday
Mao: The Unknown Story

Chương 57
Trong hai năm cuối đời Mao một phong trào chống Mao phát triển một cách âm thầm mà đáng kể, mà trung tâm điểm là Đặng Tiểu Bình. Đặng bị Mao cách chức năm1966 ngay trước khi cuộc Cách mạng văn hóa nổ ra, ông và gia đình bị giam tại gia, và bị bắt trải qua nhiều cuộc đấu tố. Con trai và gái của Đặng bị bắt buộc phải đấu tố cha mẹ của mình ngay tại đại học Bắc Kinh. Người con trai nhảy lầu tự tử, không chết nhưng bị bán thân bất toại. Mao cho đón ông về lại Bắc Kinh băm 1973 và giao cho ông làm phó thủ tướng, nhiệm vụ chính là để tiếp khách nước ngoài. Cuối năm đó, Đặng được giao quyền lãnh đạo quân đội. Giao cho Đặng nhiều quyền hành như vậy là một canh bài, nhưng Mao đã tính toán đúng. Đặng hoàn toàn không cho phép bất cứ một cuộc nổi loạn nào được xảy ra khi Mao còn sống, và ngay cả sau khi Mao chết, Đặng cũng không cho phép hạ bệ Mao một cách chính thức.

Ngay khi nắm được quân đội, ông cho thâu nhận lại làm việc hàng loạt những người đã bị Mao thanh trừng trong cuộc Cách mạng văn hóa. Ông cũng cho khôi phục lại một số giá trị văn hóa, và nâng cao mức sống người dân, những chuyện mà ngày trước Lưu Thiếu Kỳ từng làm và bị khép tội "xét lại".

Mao luôn coi cuộc Cách mạng văn hóa là một thành công vĩ đại của mình, vì thế ông đã phong cho 4 người có công nhất được vào bộ chính trị và có rất nhiều quyền hành: Giang Thanh, Trương Xuân Kiều (Zhang Chunqiao), Vương Hồng Văn (Wang Hongwen) và Diêu Văn Nguyên (Yao Wenyuan). Nhóm này sau này bị gọi là Tứ nhân bang. Đối lại, Đặng cũng thành lập một nhóm người để chống Mao và nhóm Tứ nhân bang bao gồm cả Quân uỷ Trung ương Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) và Thủ tướng Chu Ân Lai.

Đặng là người hiểu rõ Chu Ân Lai, và đã mượn oai của Chu để thanh trừng nhóm Tứ nhân bang. Ngày 9-4-1974 tại cuộc họp đảng Chu tuyên bố: "Trương Xuân Kiều đã phản bội đảng, nhưng Chủ tịch không cho phép chúng tôi điều tra". Đây là án tử hình cho Trương Xuân Kiều sau này, mà cũng đồng thời gián tiếp xác nhận Chu bị ép buộc trong cuộc Cách mạng văn hóa.

Biết rằng cái chết của Mao chỉ đếm từng ngày (mà không cho Mao biết), bộ ba Chu-Diệp-Đặng ép Mao chính thức phong Đặng làm người thừa kế của Chu. Khi đó Mao cũng đã được Tứ nhân bang báo cáo những hoạt động khả nghi của nhóm Đặng, nhưng Mao không có sự lựa chọn nào khác là phải phê chuẩn, nếu ông muốn chết êm ả trên giường bệnh. 
Ông chọn giải pháp hàng hai: Đặng được phong làm Phó Thủ tướng thứ nhất nhưng cũng phong Trương Xuân Kiều làm người thứ nhì trong quân đội và chính phủ, chỉ sau Đặng. Thêm nữa, Tứ nhân bang được nắm báo chí và truyền thanh truyền hình.

Ngày 26-12 Chu thông báo cho Mao hay tại giường bệnh là Chu có bằng cớ là Giang Thanh và Trương Xuân Kiều bị Quốc Dân Đảng mua chuộc vào năm1930. Đây là đòn chí tử của Chu đối với Mao, khi cho Mao hay là người vợ của Mao và người đứng đầu trong nhóm Mao đã lập ra và tin tưởng là gián điệp cho kẻ thù.

Tháng 3-1975 Mao liên lạc với nhóm Tứ nhân bang để họ phát động một chiến dịch trên báo và đài để chống lại nhóm Đặng, nhưng Đặng tới gặp mặt Mao yêu cầu ngừng ngay lại. Mao phải đồng ý, đổ thừa là do nhóm này tự ý làm. Ngày 3-5, tại hội nghị bộ chính trị, Mao phải ban lệnh cho nhóm Tứ nhân bang ngừng lại, và chính thức xác nhận đây là lỗi của Mao. Đây là lần cuối cùng Mao xuất hiện tại Bộ chính trị. Ai cũng thấy khi đó Mao đã bị mù, rất yếu, và nói không ra hơi. Cũng tại cuộc họp này, Mao khẩn khoản nhiều lần: "Đừng xét lại nữa, đừng chia rẽ nữa, đừng âm mưu nữa" Câu đầu có nghĩa là hãy trung thành với Cách mạng văn hóa. Hai câu sau có nghĩa là đừng chia rẽ đảng, và đừng âm mưu lật đổ tôi, muốn làm gì hãy chờ tôi chết rồi đã (làm gì với vợ tôi và nhóm của bả cũng được).
Tháng 6-1975 quân đội thách đố Mao bằng cách tổ chức một cuộc tưởng niệm cho thống chế Hạ Long, người bị Mao giết vì nghe bộ trưởng quốc phòng Liên Xô nói câu: "hãy loại bỏ Mao" mười một năm về trước. Chu Ân Lai có mặt hôm đó, ông ôm vợ Hạ Long mà vừa khóc vừa xin lỗi đã không cứu ông ấy được khi đó. Thực ra Chu là người đã xử chết Hạ Long vì ông là trưởng ban điều tra, nhưng sự có mặt của ông hôm đó đã đổ hết mọi tội lỗi lên đầu Mao.

Ngày 23-7 Mao mổ mắt lấy hạt cườm ra. Ngay khi thấy lại được, việc làm đầu tiên của Mao là phải thanh trừng Chu, ông không muốn ai đổ lỗi cho mình cả. Hai tuần sau, ông cho phát động một chiến dịch trên báo tố Chu. Tuy nhiên chiến dịch này đã phải ngừng lại khi Đặng trực tiếp đối mặt Mao yêu cầu ngừng lại, một lần nữa Mao đổ thừa cho vợ mình tự ý làm.
Ngày 8-1-1976, Chu Ân Lai chết, Mao hành động ngay tức khắc. Ông ra lệnh sa thải Đặng, bắt giam tại gia, đồng thời đình chỉ công tác Diệp. Mao lập một người ít ai biết đến là Hoa Quốc Phong lên thay Đặng. Lý do Mao chọn Hoa chứ không phải một người trong nhóm Tứ nhân bang là để tránh những phản đối đến từ trong đảng và quân đội.

Tuy nhiên, bây giờ không còn là thời của ngày xưa nữa. Đặng Tiểu Bình khi sử dụng lại hầu hết những cán bộ đã bị Mao thanh trừng trước kia đã tạo được một lực lượng đông đảo và mạnh mẽ, dám nói dám làm. Họ hiểu được thế nào là dân làm chủ. Khi xác Chu Ân Lai được đưa từ nhà thương tới nhà quàn, có trên một triệu người tự ý xắp hàng dọc đường đưa tiễn ông, mà không có sự sắp đặt sẵn. Sự vắng mặt của Mao ngày tang lễ của Chu được đánh giá là tàn ác, và khi Mao đốt pháo mừng tết ở Trung Nam Hải, người ta xầm xì là Mao ăn mừng Chu chết. Càng ngày càng có nhiều người tụ tập về Thiên An môn đặt hoa và viết thơ tưởng niệm Chu, và kết án cuộc Cách mạng văn hóa. Và khi họ dám đập phá xe công an và đốt cháy các đồn bót được dựng lên bởi nhóm Tứ nhân bang, lòng dân đã bước sang một ngả rẽ mới. Họ công khai thách đố Mao.

Chính phủ thẳng tay đàn áp. Máu đổ. Nhưng Mao không còn lực lượng để đàn áp như xưa: Rất nhiều tướng tá trong quân đội đã tìm tới nhà riêng của Diệp Kiếm Anh vấn kế và nghe lệnh, dù Diệp đã bị cách chức. Họ kêu gọi Diệp ra tay bắt nhóm Tứ nhân bang, nhưng Diệp khuyên nên chờ sau khi Mao chết. Diệp cũng vận động với Trưởng ban Bảo vệ Trung ương Uông Đông Hưng (vốn là thuộc cấp của ông) để bảo vệ tính mạng cho Đặng Tiểu Bình. Dân chúng treo đầy những cái lọ nhỏ (lọ nhỏ = tiểu bình) trên các cành thông ở Thiên An môn. Đánh giá được tình hình, Đặng viết thư cho Mao xin được thả tự do, Mao đồng ý, nhưng tới sau cái chết của Chu Đức (6-7-1976) ông mới được trả tự do. Tổng cộng thời gian Đặng bị giam giữ chỉ có 3 tháng.