Friday 9 October 2015

Ở Hà Nội sống bằng ‘đường’ nào?

Blog / Trong lòng Hà Nội

Người dân ngồi dưới bóng râm để tránh nắng tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam.
Người dân ngồi dưới bóng râm để tránh nắng tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam.
Tôi về Hà Nội từ hè đã thấy vô số thông tin liên quan đến các loại “đường” cơ bản gặp vấn đề: đường cáp quang dưới biển bị đứt không ngừng, đường điện quá tải nên cắt luân phiên và gần nhất là đường ống nước vỡ, lần thứ 15 liên tiếp. Lạ là vụ vỡ ống nước sông Đà rõ ràng không được nhiều người quan tâm đến như việc mạng internet bị chậm hay đứt giữa chừng, mặc dù vỡ lần này là lần thứ 15, mới vào sáng ngày 26/9, trở thành một ký tích. Tôi đem chuyện đi tán phét, bạn bè tôi chẹp miệng nói “ôi dào chuyện thường, hết nước tao tranh thủ đi bơi rồi tắm luôn tại đó” hay vài đứa khác vẫn vui vẻ an tâm vì nhà còn nước sạch dự trữ. Thì rõ là vỡ như cơm bữa, còn ai hơi đâu mà ngóng nghe bán tán. Tôi về nhà không có nước tắm ngày nào cũng “gào thét” khổ sở nhưng ngay lập tức bị bố mẹ than vãn đại loại như “sung sướng quá nên mất có tí nước cũng kêu, ngày xưa bố mày có nước đâu, nước gánh từ sông suối về phải tiết kiệm lắm đấy”… Tôi ngạc nhiên quá, ngạc nhiên vì mất nước toàn thành phố to gần nhất cái thế giới này 1, thì ngạc nhiên vì thái độ bình thản vô cùng với tình trạng không nước sạch của dân thủ đô 10.
Thế giới đang vươn tới 1 tầm cao mới, đó là dự trữ và cung cấp nước sạch cho các nước nghèo thiếu nước như ở châu Phi. Đây là một vấn đề cấp bách đến nỗi UNESCO ngay lập tức cho ra nghị quyết 64/292 thừa nhận quyền con người về nước sạch. Đây là một quyền cơ bản của con người trên thế giới. Chắc chắn ai cũng biết rằng con người có thể nhịn ăn, nhịn mặc chứ không thể nhịn uống nước. Việc uống nước sạch liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Chính bởi vậy, việc xây dựng hệ thống đường ống nước một cách hiệu quả nhất để cung cấp đủ nguồn nước sạch mà không bị dư thừa đang là một trong những chính sách quan trọng tại các nước phát triển. Nổi tiếng là đất nước Hà Lan với 2 Bộ riêng biệt chuyên xử lý về nước và có trách nhiệm ngang bằng Bộ giáo dục hay Bộ quốc phòng, do chính người dân sống tại đất nước không kể quốc tịch, độ tuổi bầu người lãnh đạo. Chính vì vậy, hệ thống cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt tại đất nước này luôn hoạt động hiệu quả với mức giá rất rẻ. Tôi không muốn so sánh phẩm chất đường ống hay hệ thống xử lý nước sạch giữa 2 nước, điều tôi muốn nhấn mạnh là người dân Hà Lan luôn luôn biết và yêu cầu được sống với quyền cơ bản nhất của mình. Nhân dân đóng thuế và xứng đáng nhận được dịch vụ tốt nhất từ phía chính phủ.
Dân Việt Nam không như thế. Chỉ mới cách đây vài ngày, người Việt xôn xao vì một bài báo “Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: nước… không chịu phát triển.” Một câu nói đùa đáng buồn và đáng suy nghĩ về nền kinh tế của Việt Nam so với thế giới. Tuy nhiên, có lẽ vì đi kèm chữ “nhất” trong tựa đề, nên tôi vẫn thấy mọi người nói về nó một cách hả hê, hãnh diện, ngầm ý rằng “là do ta không muốn mà thôi, chứ đã muốn là không phải dạng vừa đâu!” Đó là điều tôi nghĩ thầm vậy. Không phát triển có lẽ nào bởi từ chính những cá nhân nhỏ bé, đang hàng ngày không có nước uống cũng không một lời kêu ca, thay vào đó là chấp nhận và cảm thấy bình thường. Họ không lên án, không đấu tranh vì quyền lợi của chính bản thân mình. Có những khu vực còn tự chế và cải tạo những giếng khoan cũ, không màng đến phẩm chất nước đã tồn đọng lâu ngày dưới lòng đất. Sống giữa lòng thủ đô mà người dân cứ ngày một ngày hai phải tự tìm cách sinh tồn như những người nguyên thủy. Họ có thể cứ ngày ngày vừa đào giếng, vừa chửi đổng chế độ với nhau 1-2 câu rồi vẫn xách nước về nấu cơm tắm rửa. Cùng phát triển nước giàu, dân mạnh cứ như câu nói đầu môi. Và rõ ràng, không chỉ là câu chuyện quyền con người về nước sạch, những quyền cơ bản khác cũng đã và đang tuột dần khỏi tay mỗi người dân sống trên đất nước này vì sự thờ ơ quá đỗi hồn nhiên.
* Blog của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Hoàng Giang

Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.