Thursday 22 October 2015

Quân Đội Hoa Kỳ sa lầy tại Trung Đông - Nguyễn Đạt Thịnh



   
Nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh

Quân đội Hoa Kỳ sa lầy tại Trung Đông; Tổng Tư Lệnh Barack Obama đang phải đưa thêm quân vào giúp các đơn vị chiến đấu Iraq; tại A Phú Hãn, ông không rút về được như ông từng tuyên bố sẽ rút.

Hôm thứ Năm 15 tháng Mười, ông đọc bài diễn văn về A Phú Hãn tại phòng Roosevelt, Bạch Cung. Ông nói, "Binh sĩ Hoa Kỳ không còn hành quân trong xóm làng, hay trong thung lũng A Phú Hãn nữa; công việc đó hiện do quân đội A Phú Hãn đảm nhận.

"Tuy nhiên, chấm dứt việc giao tranh không có nghĩa là chúng ta thôi, không thực hiện những điều chúng ta cam kết với người A Phú Hãn. Với tư cách tổng tư lệnh quân đội, tôi sẽ không để A Phú Hãn biến thành sào huyệt dung dưỡng quân khủng bố, để từ đó chúng trở lại tấn công chúng ta như lần trước."

Lần trước là ngày 11 tháng Chín, 2001, ngày quân khủng bố al-Qaeda cướp bốn chiếc máy bay dân sự để thực hiện những cuộc tấn công tự sát; chúng lái hai trong bốn phi cơ này -chiếc American Airlines Flight 11 và chiếc United Airlines Flight 175- đâm vào hai cao ốc của Trung Tâm Quốc Tế Thương Mại (World Trade Center) tại Nữu Ước, tạo ra một trận hỏa hoạn khiếp đảm kéo dài suốt 102 phút, phá hủy toàn bộ kiến trúc vĩ đại này.

Cuộc khủng bố 9/11 giết 2,977 người, không kể 19 tên khủng bố, cũng bị giết, gây $3,000 tỉ tổn thất vật chất, và tạo nguyên nhân khiến Hoa Kỳ tấn công A Phú Hãn, và Iraq gây ra cảnh sa lầy hiện nay cho quân đội Mỹ.

Obama muốn đem hết lính Mỹ ra khỏi Trung Đông trước ngày ông mãn nhiệm tổng thống, nhưng ông ý thức được là hai chính phủ Iraq và A Phú Hãn sẽ không đủ sức chống lại quân khủng bố IS, Taliban, và Al Quaeda; do đó ông quyết định để lại 9,800 binh sĩ, với trọng trách huấn luyện và yểm trợ quân A Phú Hãn.

Tướng John Campbell, tư lệnh chiến trường A Phú Hãn, nhận định sự hiện diện của lính Mỹ là cần thiết để kềm chế sự hồi phục của lực lượng Taliban.

Đề cập đến khả năng chiến đấu của quân đội A Phú Hãn, Obama nói, “Quân đội A Phú Hãn đang bảo vệ một phần lớn thành phố, thị trấn của họ; họ giao tranh với địch, không cần sự tiếp chiến của đồng minh. Chúng ta chỉ yểm trợ họ trong cuộc hành quân tái chiếm một thành phố bị thất thủ."

Obama đề cập đến thành phố Kunduz, một thị trấn cực bắc A Phú Hãn bị quân Taliban tấn công và thất thủ ngày 29 tháng Chín 2015.

Vị trí của Kunduz (màu đỏ)

Quân Taliban tấn công và chiếm tòa tỉnh trưởng Kunduz sau một trận giao tranh ngắn; tổn thất này được coi là quan trọng, vì suốt 14 năm chiến tranh, chưa lần nào quân chính phủ phải rút lui trước sức tấn công của địch.

Quân Taliban cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng, rồi mở cửa khám đường thả tù nhân. Cuộc tấn công xảy ra một ngày trước ngày tổng thống A Phú Hãn Ashraf Ghani cử hành lễ kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày ông thành lập chính phủ liên hiệp quốc gia. Đây là lần thứ nhì trong năm 2015, Kunduz bị tấn công sau khi quân Liên Âu rút khỏi thị trấn này.

Phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của lực lượng Taliban nói họ tấn công Kunduz bằng 3 mũi, chiếm dinh tỉnh trưởng và đồn cảnh sát, rồi tiến đánh phi trường. Phát ngôn viên Sediq Sediqqi của bộ Nội Vụ A Phú Hãn xác nhận tình hình đen tối tại Kunduz.

Nhà phân tách thời sự Graeme Smith nhận định, “Từ năm 2001 -năm xảy ra chiến tranh A Phú Hãn- chưa bao giờ quân Taliban chiếm lãnh thổ bằng một cuộc tấn công có phối hợp như vậy.”

Dominic Medley -người phát ngôn của bộ chỉ huy Liên Hiệp Quốc- cho biết nhân viên LHQ phục vụ tại Kunduz đã rút khỏi đây, ngay sau cuộc tấn công; ông từ chối không nói rõ hơn về cuộc rút lui, có thể nhiều tổn thất.

Tướng Murad Ali Murad, tham mưu phó quân đội A Phú Hãn cho biết hàng trăm binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt đã được đưa vào chiến trường bằng vận tải cơ C130 để phản công tái chiếm Kunduz.

Tướng Murad Ali Murad

Giới chức quân sự Hoa Kỳ cho biết không quân Hoa Kỳ không can thiệp vào trận Kunduz; nữ phát ngôn viên Katy Bondy của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói chiến tình A Phú Hãn sẽ trầm trọng hơn.

“Năm nay là năm đầu tiên người A Phú Hãn tự lực đối phó với lực lượng Taliban; binh sĩ A Phú Hãn chiến đấu dũng mãnh, và lực lượng Hoa Kỳ sẵn sàng trợ chiến giúp họ.”

Vai trò thay thế cho 140,000 quân Liên Minh gồm quân Mỹ, quân Đức, quân Georgia, Thổ, Romanis, Ý, Anh, và Úc, dĩ nhiên không dễ cho quân đội A Phú Hãn, nhất là người Mỹ sẽ cột chân họ vào chiến thuật thụ động phòng vệ lãnh thổ như họ đã làm và đã thất bại tại Việt Nam.

Cuối năm 2014, Liên Quân chấm dứt vai trò chiến đấu của họ tại A Phú Hãn, để lại đây 13,000 quân -trong số có 9,800 quân Mỹ- tiếp tục làm công tác huấn luyện và trợ chiến quân A Phú Hãn; con số này sẽ rút xuống mức 1,000 vào cuối năm 2016, thời điểm tổng thống Obama mãn nhiệm. Trọng trách của ngàn quân chót này chỉ là để bảo vệ nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ làm việc tại A Phú Hãn.

Trận Kunduz là một bất ngờ chiến thuật cho tổng tư lệnh Obama; dĩ nhiên điều bất ngờ đó phô ra nhược điểm của ông: ông có một góc nhìn chiến lược rất tinh tế, nhưng chưa một ngày ăn lương khô, chưa một lần mặc quân phục, ông không hiểu nhiều về chiến thuật.

Ông không thấy là lịch sử đang tái diễn -ông đang đặt quân đội A Phú Hãn vào thế không thể nào không thất trận, như tổng tư lệnh Richard Nixon, năm 1973 đã đặt quân đội VNCH vào cái thế vô phương chống cự với cuộc tổng tấn công của toàn thể quân Bắc Việt.

Một trong những nguyên tắc chiến thuật để thắng trận là “mạnh hơn đối phương tại một địa điểm và trong một thời điểm;” thời điểm là chiều 29 tháng Chín 2015, và địa điểm là thị trấn Kunduz; tại địa điểm đó, và đúng thời điểm đó, quân Taliban tập trung hỏa lực pháo vào những bóp cảnh sát, vào những toán phòng thủ phi trường, và vào dinh tỉnh trưởng.

Chúng xua hàng ngàn quân ồ ạt xung phong vượt hàng rào phòng thủ tỉnh, dễ dàng như năm 1939 đoàn thiết kỵ Đức Quốc Xã, chọc phủng một lỗ nhỏ trên chiến lũy Maginot của Pháp, để ào ạt tiến về Paris, trong lúc quân đội Pháp vẫn còn ghìm súng bảo vệ chiến lũy.

Quân A Phú Hãn đang bị căng dài, trải mỏng trên khắp lãnh thổ quê hương họ, như 1 triệu quân VNCH năm 1975 bị chia cắt thành 1,000 mảnh nhỏ, 10,000 mảnh nhỏ, để bảo vệ từng cây cầu, từng thước đường; và cuối cùng để đương đầu với cuộc tổng tấn công của nửa triệu quân Bắc Việt. Ấy là chưa nói đến dã tâm của Quốc Hội Hoa Kỳ đoạn lương quân đội VNCH đến mức người lính sẽ không còn một đồng bạc để nuôi miệng, nuôi vợ, nuôi con, nếu chưa bị tan vỡ vì những thủ đoạn ngưng tiếp tế súng đạn.

Kunduz thất thủ, tướng Ali Murad, đang đưa chủ lực quân vào cứu viện địa phương quân như nửa thế kỷ trước tướng lãnh Hoa Kỳ đã huấn luyện và “cố vấn” tướng lãnh Việt Nam làm như vậy, để rồi cả 1 triệu quân Việt Nam, nửa triệu quân Mỹ sa lầy trong công tác phòng thủ diện địa.

Hậu quả của chiến thuật Search and Destroy của tư lệnh chiến trường Westmoreland đã cầm chân 1 triệu rưỡi người lính thiện chiến, ngoan ngoãn nằm trong đồn, chờ 300,000 ngàn quân Việt Cộng tấn công.

Làm cách nào tránh cho Quân Đội Hoa Kỳ sa lầy tại A Phú Hãn như họ đã sa lầy và tháo chạy trên chiến trường Việt Nam!

Nguyễn Đạt Thịnh

~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Thưa quý vị độc giả,
Tôi hy vọng được quý vị đánh giá bài BÌNH LUẬN THỜI SỰ này là tương đối trung thực và trình bầy đầy đủ một góc cạnh của THỜI SỰ, và người viết đã tế nhị để nhường độc giả phần quan trọng nhất trong việc BÌNH LUẬN "đúng" hay "sai".
Được như vậy, tôi kính mời quý vị đọc tuyển tập BÌNH LUẬN THỜI SỰ gồm 73 bài bình luận tôi viết và in thành sách, dầy 540 trang, bìa cứng, giấy vàng, giá $30.
Mua sách, xin quý vị viết chi phiếu cho tôi (Nguyễn đạt Thịnh), và gửi về địa chỉ:
                                                                    515 Crestwater Ct.
                                                    Houston, T X 77082 - USA

Chân thành cảm ơn quý vị.
Nguyễn đạt Thịnh