Monday 9 November 2015

Bành Lệ Viện

5-11-2015
H1Phải ghi nhận một điều là mấy ông Tàu cộng hiện đại văn minh hơn nhiều so với mấy ông Tàu cộng đồ đệ của thế hệ Mao. Văn minh ở chỗ là họ dẫn dắt phu nhân theo trong các chuyến công du, và phu nhân của họ cũng ăn mặc coi được. Chẳng hạn như phu nhân của Tập Cận Bình, bà Bành Lệ Viện tháp tùng theo chồng sang VN, thấy cách trang phục hợp thời trang, có phần tinh tế, và mặt mũi trông cũng có vẻ sáng sủa, ít ra là sáng hơn ông chồng (1). Nhưng tìm hiểu thêm thì bà này có một quá khứ không thân thiện gì với nước ta … 
Bà này, Bành Lệ Viện, hoá ra xuất thân là một ca sĩ. Trong một bài ca ngợi bà Bành, báo VNexpress cho biết bà vốn là một ca sĩ có tiếng của Tàu cộng, và “Bà góp phần cải thiện hình ảnh của ông, cũng như quyền lực mềm của Trung Quốc ở nước ngoài” (2).
Điều đó giải thích tại sao bà biết chọn trang phục đài các và chọn đôi guốc trông khá sang. Tuy nhiên, tờ báo tiếng Việt VNexpress này không cho chúng ta biết rằng bà Bành từng phục vụ trong đoàn văn công của Tàu cộng. Hơn thế nữa, theo một cư dân mạng chỉ ra rằng bà Bành này còn ra tận trận tuyến ca hát động viên quân Tàu trong trận Lão Sơn năm 1979 (3). Cần nói thêm rằng trong trận đó, có hơn 600 người lính Việt hi sinh, và Việt Nam đã mất một phần đất về Tàu.

Không ai tắm trong một giòng sông 2 lần. Ngày xưa bà động viên binh lính Tàu sang chém giết quân dân ta, còn ngày nay bà là đường đường chính chính phu nhân của họ Tập. Trớ trêu thay, bà còn được báo chí tiếng Việt ca ngợi, được trẻ em Việt cầm bông dâng tặng, và người Việt ra ôm ấp chào đón như gặp … người thân! Tôi nghĩ chắc bà Bành hài lòng lắm, vì bà đến cái đất nước này như là một kẻ chiến thắng, với một vai vế của một kẻ bề trên. Không hài lòng sao được khi có thể bà sẽ nghĩ “ta đã từng góp công sức hạ sát anh chị em của chúng, và bây giờ chúng ra đây đón ta trọng thể”. Và, sự hài lòng của bà là một nỗi nhục cho người Việt.
____
Hình Bành Lệ Viện phục vụ trong đoàn quân xâm lược của Tàu. Bác nào am hiểu tiếng Hoa làm ơn dịch bài (3) dưới đây họ viết gì. Xin cám ơn trước.
____
Mời xem lại bài viết của ông Bùi Tín đăng trên VOA hơn 2 năm trước:
‘Đệ nhất phu nhân’ dính vào tội ác
Bùi Tín
8-4-2013
Ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện. Ảnh: Reuters
Ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện. Ảnh: Reuters
Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng CS Trung quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vừa đi thăm Liên bang Nga và 3 nước châu Phi là Tanzania, Congo và Nam Phi. Theo nhận định của Tân Hoa Xã, chuyến đi thăm này đã giúp củng cố đáng kể quan hệ Trung – Nga, với những «hợp đồng thế kỷ» dài hạn có giá trị cực lớn ; đồng thời quan hệ giữa Trung Quốc và ba nước châu Phi vừa kể  cũng được tăng cường. Riêng cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 5 của nhóm 5 nước đang trỗi dậy BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – tại cảng Durban của Nam Phi đã là một thành quả có ý nghĩa. Nhóm BRICS bao gồm 42% dân số, 20% tổng sản lượng và 15% giá trị thương mại của toàn thế giới.

Ngay từ khi cuộc thăm chính thức Liên bang Nga bắt đầu ở Moscow ngày 22 tháng 3 vừa qua, dư luận đã rất chú ý đến Đệ nhất phu nhân Trung Quốc, người cùng đi với ông trong chuyến công du này. Bà Bành Lệ Viện, sinh năm 1962 ở Sơn Đông, năm nay vừa 51 tuổi, trẻ hơn chồng 8 tuổi, là một người đàn bà xinh đẹp, ăn mặc đúng thời trang, luôn nở nụ cười trên môi, được giới thiệu là một «nghệ sỹ nhân dân» hàng đầu, một ca sỹ với giọng ca điêu luyện có gần 200 đĩa CD được phát hành toàn thế giới. Bà cũng là sỹ quan cấp tướng, là Trưởng đoàn Ca Vũ Nhạc của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung quốc, có bằng thạc sỹ về văn hóa và văn nghệ, giáo sư trường Đại học Bắc Kinh. Báo Trung Quốc ca ngợi bà Bành Lệ Viện như một người đã nổi tiếng trước cả chồng mình, có tiếng hát dân ca đặc sắc từ khi 18 tuổi. Bà nổi tiếng đến độ có cả một tầng lớp nữ thanh niên Trung Quốc học theo bà, từ lời ca, giọng hát, cử chỉ, cách trang điểm cho đến kiểu mẫu và màu sắc áo quần bà mặc từng thời kỳ.

Dư luận thế giới cho rằng ông Tập Cận Bình có một người vợ tài sắc vẹn toàn, tạo nên một thế mạnh chính trị vững vàng thêm cho ông.

Nhưng sau khi đoàn đoàn đại biểu Trung Quốc do ông Tập Cận Bình dẫn đầu dự hội nghị nhóm BRICS ở Durban và trở về Bắc Kinh ngày 30 tháng 3 / 2013, các tổ chức dân chủ Trung Quốc ở hải ngoại đã tiết lộ về một mặt khác của bà Bành Lệ Viện. Họ đưa nhiều tin và ảnh về vai trò của bà Bành cách đây gần 24 năm, trong sự kiện Thiên An Môn đẫm máu, khi sinh viên, học sinh và thanh niên Trung Quốc đòi tự do và dân chủ, vào đầu tháng 6 năm 1989.

Các báo Trung Quốc ở hải ngoại như ở Hoa Kỳ, Canađa, Úc, châu Âu, Đài Loan, Hồng Kông… các blog tự do, các tờ tin của giáo phái Pháp Luân Công khắp nơi đã nói lên sự thật là trong sự kiện đàn áp nhân dân đòi tự do ở quảng trường Thiên An Môn, bà Bành Lệ Viện đã đứng hẳn về phía nhóm lãnh đạo phản dân chủ, chủ trương nổ súng vào sinh viên và thanh niên yêu nước, tán đồng việc dùng hàng trăm xe tăng chà xát anh chị em dân chủ. Chính bà Bành Lệ Viện đã tự nguyện đứng ra hát động viên, ủy lạo các đơn vị, các quân đoàn bộ binh và thiết giáp trước và sau khi chấp hành lệnh đàn áp thẳng tay của Đặng Tiểu Bình. Nhiều blogger tự do đòi ông Tập Cận Bình và vợ ông phải tỏ rõ thái độ về sự kiện lịch sử Thiên An Môn, ngừng ngay việc đàn áp các chíến sỹ dân chủ, ngừng đàn áp giào phái không bạo động Pháp Luân Công, thỏa mãn yêu cầu chính đáng của hội các bà mẹ mất con ở Thiên An Môn, xây dựng một khu nghĩa trang cho các nạn nhân trong vụ thảm sát này.  

Những lời ca giọng hát của bà Bành từng khơi mào cho máu chảy, cho tội ác dẫn đến cái chết thê thảm của chừng 3 ngàn thanh niên nam nữ dấn thân cho tự do dân chủ. Bà thiếu tướng «Nghệ sỹ Nhân dân» Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện trả lời ra sao cho rõ ràng về vụ này? Và chồng bà, ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình suy nghĩ ra sao về sự kiện lịch sử đang chia rẽ đất nước ông? Và những lời hứa về thay đổi chính trị, về dân chủ hóa, tự do hóa… của ông ông sẽ được thực hiện ra sao nếu không nhìn thẳng vào sự thật để thực hiện theo những nguyện vọng chính đáng của toàn dân?

Một nhà dân chủ Trung Quốc sống ở Pháp cho rằng Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện đang là bông hoa tươi thắm gài trên ngực ông Tập Cận Bình đã đột nhiên trở thành một nhánh hồng héo úa đầy gai nhọn cực kỳ nguy hiểm, giữa thời kỳ thông tin hiện đại, không ai có thể che dấu, lẩn tránh điều gì.

Kiểm duyệt Trung cộng đau đầu vì một bức ảnh của ‘đệ nhất phu nhân’

RFI
06/11/2015
Trọng Nghĩa

 
Ảnh chụp trang web China Digital Times (Hoa Kỳ) ngày 30/03/2013 có ảnh phu nhân Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình vào năm 1989. Bức ảnh này đã bị kiểm duyệt Trung Quốc tìm xóa. DR

Chuyện khó tin nhưng có thật : Vào lúc dư luận Trung cộng đang hân hoan trước sự kiện bà Bành Lệ Viên, phu nhân chủ tịch Tập Cận Bình nổi lên thành một nhân vật được quốc tế khen ngợi là «khả ái», guồng máy kiểm duyệt nước này trong những ngày qua đã nỗ lực tìm cách xóa bỏ một bức hình của bà thời trẻ. Lý do rất đơn giản: Bức hình này được chụp lúc bà Bành Lệ Viên đang hát cho đơn vị quân đội vừa thực hiện xong chiến dịch đàn áp đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Một bản tin của hãng tin Mỹ AP, đánh đi từ Bắc Kinh vào hôm qua, 30/03/2013 đã xác nhận rằng, chỉ ít lâu sau khi được công bố trên mạng Vi bác (tức là mạng Twitter Trung Quốc), bức ảnh đó đã lập tức bị các cán bộ kiểm duyệt truy lùng và xóa bỏ trên mạng internet tại Trung Quốc, trước khi bức ảnh tạo ra những cuộc tranh luận. Tài khoản của người tung ra bức ảnh đã bị đóng ngay lập tức.

Trên bức ảnh, được lưu truyền trên mạng ngoài lãnh thổ Trung Quốc, người ta thấy đệ nhất phu nhân Trung Quốc khi ấy còn trẻ, trong bộ quân phục màu xanh, tóc được buộc lại kiểu đuôi ngựa, đứng hát trước các bộ đội đầu đội mũ sắt, tay mang súng trường, ngồi thành hàng dài ngay trên quảng trường Thiên An Môn.

Theo báo mạng China Digital Times, trụ sở ở Hoa Kỳ, khi tung ra bức ảnh này, nhân vật tên @HKfighter ghi chú như sau : «Sau vụ thảm sát Thiên An Môn, Bành Lệ Viên hát để động viên những người lính. Tạp chí Open Magazine đã công bố bức ảnh này.».

Theo một phóng viên Trung Quốc, bức ảnh đó có thật, chụp từ bìa sau của một tạp chí quân đội được phát hành năm 1989. Nhà báo này công nhận rằng cách đây vài năm, ông đã từng dùng điện thoại di động chụp lại bức ảnh khi nó được công bố một cách ngẫu nhiên trên tiểu blog của ông. Tuy nhiên sau đó ông đã xóa bức ảnh đi, không ngờ rằng nó lại tái xuất giang hồ vào lúc này.

Warren Sun, một chuyên gia về lịch sử quân sự tại Đại học Úc Monash đã không chút nghi ngờ về tính xác thực của bức ảnh. Trích dẫn một báo cáo khoa học năm 1992, ông cho biết là sau vụ đàn áp Thiên An Môn, Bành Lệ Viên đã trình diễn một bài hát để chào mừng những người lính được đưa về Bắc Kinh để thực hiện thiết quân luật.

Bình thường ra bức ảnh này không có gì đáng nói. Tuy nhiên, nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên của chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, guồng máy tuyên truyền của chế độ Bắc Kinh đã tung toàn lực xây dựng cho tân lãnh đạo của họ một hình ảnh mới, mà con chủ bài chính là bà Bành Lệ Viên, được nêu bật thành một đệ nhất phu nhân khả ái, có cá tính, biết chưng diện, trái hẳn với hình ảnh thông thường của phu nhân các lãnh đạo trước đây, ăn mặc xuề xòa và luôn luôn núp bóng phu quân.

Bức ảnh bà Bành Lệ Viên tại Thiên An Môn do vậy đã bị kiểm duyệt thẳng tay vì trái ngược hẳn với hình ảnh về bà mà Bắc Kinh bắt đầu xây dựng thành công trong suốt vòng công du Nga và châu Phi của nhân vật số một Trung cộng, thành công đến mức mà có nhà báo đã không ngần ngại đặt đệ nhất phu nhân Trung Quốc ngang hàng với Michele Obama tại Mỹ, hay Carla Bruni Sakorzy tại Pháp.

Theo các nhà phân tích, hình ảnh của bà Bành Lệ Viên trên quảng trường Thiên An Môn đã làm sống lại ký ức về một tầng lớp lãnh đạo sẵn sàng đàn áp đẫm máu phong trào đòi tự do và dân chủ, như vào năm 1989 ngay tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh, điều mà chế độ hiện không muốn nhắc lại.

Một chuyên gia chính trị học tại trường đại học Hồng Kông, tuy nhiên cho rằng bức ảnh này chỉ gây ra nhiều ảnh hưởng ở ngoài nước hơn là trong nước.

Lý do là vì rất nhiều thanh niên Trung quốc ngày nay không hề biết là trong hai ngày 03-04/06/1989, quân đội của họ đã tàn sát những người đòi dân chủ tại Thiên An Môn, sát hại hàng trăm, thậm chí có thể là hàng ngàn người.


Một số người khác biết chuyện thì có thể nghĩ rằng lúc ấy, trong tư cách là văn công quân đội, bà Bành Lệ Viên không thể làm gì khác hơn là tuân lệnh.