Friday 27 November 2015

Giới Công Nông Việt Nam bị lãng quên.

Trước khi TPP chính thức có hiệu lực, vấn đề được nhiều người Việt Nam quan tâm hơn cả, đó là thành phần lao động, trong ấy phải kể đến giới nông dân và công nhân ở Việt Nam. Kính mời quí thính giả theo dõi quan điểm của LLCQ về tình trang hai thành phần cốt lõi trong nền kinh tế đang bị bỏ rơi, qua lời trình bày của Hoàng Ân.
Thưa quí thính giả,

Dân số Việt Nam hiện nay là 93 triệu, tuổi trung bình là 31; nếu tính theo độ tuổi lao động là từ 15 đến 64, thì tỷ lệ này chiếm đến 70% dân số, như vậy VN là một quốc gia trẻ, nên có tiềm năng lao động cao, hấp dẫn những nhà đầu tư cần sức lao động sản xuất của con người.

Việt Nam vốn là một quốc gia nông nghiệp, với 90% người dân sống với đất đai ruộng đồng sông nước trong những thế kỷ trước, đến nay thành phần lao động để nuôi sống người dân, tính theo tỷ lệ vẫn có đến 63% bám lấy đất đai sông nước, và 37% làm trong kỹ nghệ và các ngành nghề khác. Hai thành phần này gọi ngắn gọn là công nông, thành phần chủ lực này đã được tôn vinh lên vị trí anh hùng trong giai đoạn phát triển phong trào cộng sản. Nhờ hai thành phần công nông, cộng sản đã nắm được chính quyền, đã xây dựng được một đội ngũ công an hùng hậu để bảo vệ chế độ, và trấn áp những ai có ý kiến phản kháng. Nhờ công nông, CS đã truất hữu tất cả ruộng nương vườn tược, ao hồ của người dân, đã quốc hữu hóa tất cả hãng xưởng, thương vụ kinh doanh của tư nhân để gom vào hợp tác xã.

Sau khi hoàn tất mục tiêu cướp chính quyền, cướp hết tài sản của người dân, thì giới công nông bây giờ ra sao? Câu trả lời xin dành lại cho giới công nông Việt Nam hôm nay. Ở đây chúng tôi chỉ nêu ra những sự kiện cụ thể mà ai ai cũng nhìn thấy, đó là thực chất cuộc sống của giới nông dân và công nhân Việt Nam hôm nay.

Riêng người nông dân quen sống với con trâu cái cày trên thủa ruộng của tổ tiên để lại, với mảnh đất có ao cá vườn rau, với bầy gà và vài ba con lợn, cho dù bữa no bữa đói, nhưng vẫn vui với những gì mình có trong nay. Hôm nay những thứ ấy đã đi vào dĩ vãng. Riêng người nông dân Miền Nam quanh năm sống bên sông nước ruộng vườn với cá tôm, cây trái chẳng thiếu thứ gì. Nhờ giòng Cửu Long đem phù sa bồi đắp cho ruộng lúa xanh tươi, chẳng khi nào phải lo thiếu cơm thiếu gạo. Hôm nay những thứ ấy cũng đang chia tay với người dân chất phát.
Nhìn chung đời sống của người nông dân Việt Nam, gồm cả nông, lâm, thủy sản, mặc dầu chiếm quá nửa số lao động trên cả nước, nhưng lại là thành phần nghèo đói, thiếu thốn hơn cả. Cho dù lợi tức bình quân của Việt Nam được loan báo là gần 2000 mỹ kim mỗi đầu người, nhưng qua những cuộc nghiên cứu chi tiết hơn, cho thấy lợi tức bình quân của người nông dân chưa đến 2 đô la mỗi ngày, nghĩa là dưới mức nghèo đói. Ngoài cái nghèo đói thiếu thốn ấy, còn một thứ mất mát không thể bù đắp được, đó là thủa ruộng, mảnh vườn mình đang canh tác cũng chẳng phải của mình, vì nhà nước có thể lấy đó đi bất cứ lúc nào.

Còn thành phần công nhân thì sao? Theo báo cáo về tiền lương toàn cầu 2014 - 2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong các nước thuộc Hiệp Hội Các quốc gia Đông Nam Á, lương tháng trung bình trong năm 2012 của Việt Nam ở mức 181 đôla Mỹ, so với Lào là 119 đôla, Campuchia là 121, và Indonesia 174. Mức lương này chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan là 357 đôla, chưa bằng 1/3 của Malaysia 609 đôla, và chỉ bằng 1/20 của Singapore 3,547 đôla. Cũng theo báo cáo này, lĩnh vực được trả lương cao nhất hiện nay thuộc về ngành ngân hàng tài chính.

Người công nhân hôm nay sống nhờ vào các nhà đầu tư nước ngoài có hãng xưởng sản xuất tại Việt Nam, họ cần đến những bàn tay khéo léo và sự cần cù chăm chỉ của người Việt Nam, họ bán rẻ sức lao động để nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng các quyền lợi lao động của họ lại không được bảo đảm. Mặc dù đã có Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, đây là một cơ quan do nhà nước điều hành. Trong 20 năm qua, trên cả nước đã có hàng ngàn cuộc đình công lớn nhỏ vì nhiều nguyên do, phần đông là chủ nhân vi phạm luật lao động, nhưng đại diện nghiệp đoàn lại thường đứng về phía chủ nhân. Điều này cũng dễ hiểu tại một quốc gia mà tình trạng tham nhũng đã trở thành "nếp sống văn hóa" rồi!.

Đứng trước những thay đổi mau chóng của cả thế giới, và sự cạnh tranh khốc liệt của của các nền kinh tế lớn, nếu Việt Nam không kịp thích nghi với những chuyển biến đang diễn ra, chắc chắn Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau mỗi lúc một xa hơn. Vì vậy nhu cầu trước mắt là giới công nông của Việt Nam phải được đặc biệt quan tâm. Một ngân khoản cần thiết phải được đầu tư gấp rút để nâng cấp tay nghề của người công nhân, nông dân hầu có thể nâng cao sản xuất cả lượng lẫn phẩm. Người nông dân phải được làm chủ ruộng vườn nhà cửa, và được hưởng các quyền lợi xứng đáng với công sức do mình làm ra.

Các nghiệp đoàn lao động theo nghành nghề phải được tự do thành lập và phải được pháp luật bảo vệ, và tuyệt đối không bị chi phối bởi đảng bộ ở tất cả các cấp trên cả nước.

Thực tế cho thấy người nông dân và công nhân trước đây là yếu tố then chốt để CS nắm được chính quyền, thì hôm nay họ đang bị bỏ rơi, nếu khống nói là bị phản bội.

Đã đến lúc người công nông phải nghĩ đến cuộc sống của chính mình. Cứ nhìn vào cuộc đình công của hơn 90 ngàn công nhân công ty PouYuen tai khu công nghiệp Tân Tạo, Sài Gòn đầu tháng 4 năm 2015 thì đủ biết sức mạnh của giới lao động; hãy sử dụng sức mạnh ấy để làm chủ những gì mình muốn.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

LLCQ