Sunday 29 November 2015

Kỹ sư Dương Nguyệt Ánh và tấm lòng trăn trở với đất nước - Huy Phương

- Hải ngoại cần dùng tiếng nói của mình để hỗ trợ cho những người trong nước


Bà Dương Nguyệt Ánh trong ngày ÐNH Cám Ơn Anh...” (Hình: Huy Phương)

Từ nhiệm vụ Giám đốc Khoa học Kỹ thuật Trung tâm Chiến tranh Diện địa Hải quân, đơn vị Indian Head (Maryland), nơi bà đã chế ra bom nhiệt áp, hồi tháng 8, 2008, bà Dương Nguyệt Ánh đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám Ðốc An Ninh Biên Giới & Lãnh Hải thuộc Bộ Nội An (Director of the Borders and Maritime Security division in the Department of Homeland Security Science and Technology Directorate). Ðây là lần thứ hai bà Dương Nguyệt Ánh từ Washington DC về Nam Cali tham dự Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” và bà là người đã xem “thương binh là những người chủ nợ không bao giờ đòi mà chúng ta là những con nợ quên trả.” Nhân dịp này bà đã dành cho chúng tôi, một cuộc tiếp xúc về chuyện hỗ trợ cho thương binh và tình hình đất nước hiện nay.

Bà Dương Nguyệt Ánh nói rằng lúc nào dự lễ gây quỹ cho thương binh bà cũng mang những cảm xúc buồn vui lẫn lộn, rất mâu thuẫn. Vui là vì biết Ban Tổ Chức đã được sự tín nhiệm của đồng bào khắp nơi, đã tham dự đại nhạc hội trực tiếp hay gián tiếp đóng góp trong công tác tạ ơn chiến sĩ, nhưng cũng buồn là vì lý do hôm nay chúng ta phải có đại nhạc hội “Cám Ơn Anh...” Ðó là từ câu chuyện chúng ta phải bỏ gia đình, quê hương ra đi, bỏ lại bao nhiêu người chiến sĩ VNCH ở lại, nhất là các thương phế binh đã hy sinh cả tuổi xuân của họ, đang sống cuộc đời cơ cực ở quê nhà.

Nhìn về hiện tình Việt Nam, bà Dương Nguyệt Ánh, đã nói: “Cũng như tất cả những người quan tâm đến đất nước khác, rất lo ngại Việt Nam đang đứng trên bờ vực thẳm của việc mất nước vào tay Trung Cộng. Ngày nay Trung Công sử dụng những cách xâm lược thâm độc hơn ngày xưa nhiều, ngày trước Tàu xâm lấn chúng ta, nhưng chúng không có chính sách di dân như bây giờ. Trong trường hợp chiếm Tây Tạng họ đưa bao nhiêu người Tàu di dân đến để đồng hóa Tây Tạng.” Bà Dương Nguyệt Ánh cũng lo ngại về tình hình ở Tây Nguyên Việt Nam hiện nay, Trung Cộng không cần đem quân sang, chính quyền CSVN vì hèn nhát cần củng cố quyền lợi riêng tư của đảng nên nhắm mắt ký những hợp đồng nhượng đất hay cho thuê đất với giá rẻ mạt cho Trung Cộng những vùng mà họ có quyền khai thác tài nguyên quốc gia cả trăm năm. Trung cộng sẽ di dân sang và dần dần biến những vùng đất đó thành đất Tàu, trăm năm sau đòi lại thì chúng ta còn tài nguyên gì nữa không?

Nói về nhiệm vụ những người Việt Nam đang ở xa đất nước hiện nay, bà Dương Nguyệt Ánh cho rằng, những người yêu nước của chúng ta trên khắp thế giới đều quan tâm về chuyện Trung Cộng xâm lăng Việt Nam, không phải chỉ có chuyện biển, chuyện Hoàng Sa, Trường Sa không mà thôi. Tất cả chúng ta có thể có cùng một ý nghĩ là mình đứng ở ngoài, không tham gia vào việc lật đổ chính quyền hay trực tiếp chống Trung Cộng, nhưng chúng ta có tiếng nói, nhất là chúng ta đang ở một xứ sở có tự do, cần dùng tiếng nói của mình để hỗ trợ cho những người trong nước. Dưới chế độ Cộng Sản, không có tự do ngôn luận, tất cả những tiếng nói của người dân đều bị kiểm soát, bị bỏ tù, bị đe dọa, mà chúng ta không thể biết hết được, chúng ta có bổn phận phải nói giùm cho họ. Bà cũng kêu gọi hải ngoại vận dụng các phương tiện truyền thông để hỗ trợ và giúp trong nước biết rõ sự thật về nguy cơ mất nước, vì ngày nay nhờ Internet, giới trẻ trong nước không còn bị bưng tai bịt mắt nữa.

Nói về chức vụ mới của bà tại Bộ Nội An, mặc dầu vẫn ở trong phạm vi khoa học, kỹ thuật, nhưng nhiệm vụ mới nặng nề hơn vì chúng ta phải phòng vệ, ngăn chận và bảo vệ an ninh quốc gia Hoa Kỳ, không những chỉ có biên giới mà còn hải phận của Hoa Kỳ. Mỗi năm chúng ta lo lắng vì phải tiếp nhận bao nhiêu triệu tấn hàng đến Hoa Kỳ không những bằng hàng không mà còn bằng đường biển, tất cả đều có thể mang những mầm mống khủng bố, mà vũ khí sinh học là một ví dụ.

Bà Dương Nguyệt Ánh hiện cư ngụ tại vùng Hoa Thịnh Ðốn. Phu quân của bà là ông Ðặng Thọ, kỹ sư điện toán phục vụ trong ngành quốc phòng, bà có 4 người con lớn nhất là 21 tuổi, và nhỏ nhất 15. Không những có nhiều công vệc ở sở, ở nhà bà cũng bận rộn lo cho con cái, bà quan niệm không thể giao phó con cái hoàn toàn cho học đường, mà gia đình cần phải theo dõi sinh hoạt những suy nghĩ của con cái, vì ở Mỹ, nếu để con cái đi sai đường, rất nguy hiểm.

Tên của bà đọc theo lối Anh Ngữ là Ánh Dương, hy vọng đây là niềm hãnh diện rạng rỡ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt về những gì bà đã cống hiến cho quê hương thứ hai của chúng ta, và tấm lòng của bà đối với đất nước Việt Nam.