Thursday 21 January 2016

Khán thính giả và độc giả RFA với Đại hội Đảng XII - Hòa Ái, phóng viên RFA

000_Hkg10246956-620
Phụ nữ Việt Nam tại Đài Loan vui mừng với chiến thắng của Đảng Dân chủ Tiến bộ hôm 16/1/2016
AFP photo

Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ chính thức khai khai mạc ở Hà Nội vào ngày thứ Năm, 21 tháng Giêng năm 2016, kéo dài trong 8 ngày và được bế mạc vào ngày 28 tháng Giêng. Thông tin về Đại hội Đảng lần này vẫn là tâm điểm của truyền thông trong nước và quốc tế. Hòa Ái ghi nhận ý kiến cũng như hy vọng của quý khán thính giả cùng độc giả Đài Á Châu Tự Do (ACTD) qua lần Đại hội Đảng XII.
Trong những ngày trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 12, Ban Việt ngữ Đài ACTD mở Mục “Ý kiến của Bạn” xoay quanh chủ đề những ai sẽ nắm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở Việt Nam tại Đại hội Đảng CSVN toàn quốc vào tháng Giêng năm 2016 thu hút sự chú ý của khán thính giả cùng độc giả khắp nơi.
Điều đáng chú ý nhất là chức vụ Tổng Bí Thư Đảng CSVN, một trong bốn chức vụ chủ chốt, được quan tâm đặc biệt vì Tổng Bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng tuyên bố cần xem xét cho các “trường hợp đặc biệt” tái cử trong Đại hội Đảng XII. Trong khi dư luận trong và ngoài nước đồn đoán lời tuyên bố này nhằm mục đích tạo điều kiện cho chính ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ tới thì đa số khán thính giả và độc giả Đài ACTD lại dành sự ưu ái cho vị trí tân Tổng Bí thư đối với ông Nguyễn Tấn Dũng với lập luận ông Nguyễn Tấn Dũng xứng đáng hơn ông Nguyễn Phú Trọng. Thính giả Nguyễn Quốc Hoàng, từ Hòa Kỳ, gửi lời đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua làn sóng phát thanh của Đài RFA:
“Tôi xin thưa với ông Nguyễn Phú Trọng, ông là người đại diện cho cơ quan quyền lực cao nhất để lãnh đạo Chính phủ VN. Ông đã đề nghị ra những ứng viên vào Bộ Chính trị cũng như Ban Bí thư của Trung ương là những người có hùng khí, biện luận, hiểu biết, có cương lĩnh, thẳng thắn và trong sạch, không tham ô và bè phái…Trước hết tôi thấy những cái sai của ông rất nhiều. Ông đã muốn bình chọn một người cho rằng biết lý luận và là người miền Bắc, thế là ông thực thi lại quyền chia để trị của người Pháp, là phân biệt Nam-Bắc. Nếu ông chống tham nhũng thì ông đã chống được cái gì?
Ngoài ra, đáng lý ông phải có công hàm gửi LHQ tố cáo hành vi ngang ngược của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ VN nhưng ngược lại ông còn cầu khẩn Trung Quốc giúp đỡ ông bảo vệ Đại hội Đảng lần này. Còn nếu ông là một người lý luận, vậy tôi hỏi ông rằng ông là người lý luận như thế nào mà ông là người lãnh đạo tối cao lại ra lệnh bắt bớ, giam cầm người biểu tình chống Trung Quốc, ông chống những người yêu nước? Cho nên tôi xin có ý kiến ông không nên ra ứng cử Đại hội lần này”.
Thính giả Roto ở Bình Dương, VN, nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng nên về hưu:
Ở VN, ai cầm quyền cũng đục khoét tài nguyên quốc gia, vơ vét làm giàu cho bản thân và gia đình, không xứng đáng cho tôi chọn.
- Thính giả Trương Kim 
“Ông Nguyễn Phú Trọng với tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, bè phái, trung thành với chủ nghĩa Karl Marx-Lenin, chưa bao giờ mạnh miệng chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo, gây hại cho ngư dân, làm Trưởng ban phòng chống tham nhũng mà để tràn lan tham nhũng thì nghỉ hưu cho rồi”.
Liên quan đến ý kiến của TS. Nguyễn Thanh Giang chia sẻ trên Đài RFA, kêu gọi các đại biểu tham dự Đại hội Đảng CSVN nên sáng suốt chọn ra những gương mặt sáng giá nhất cho Ban Chấp hành Trung ương mới và đặc biệt chọn cho được chính xác 4 nhân vật lãnh đạo chủ chốt mà TS. Nguyễn Thanh Giang gọi là “tứ trụ triều đình” nhận được sự tán đồng của nhiều người. Những gương mặt tiêu biểu được quý khán thính giả và độc giả nêu ra bao gồm Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Đại Quang, Vũ Đức Đam… với hy vọng “thoát Trung” về mọi mặt, đặc biệt phải nêu rõ lập trường của Việt Nam là không bang giao với Trung Quốc cho đến khi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa được trả lại cho Việt Nam. TS. Trần Công Trục, 1 thính giả của đài bày tỏ:
“Tôi rất kỳ vọng tin tưởng rằng sau Đại hội này, Việt Nam chúng tôi sẽ có một đội ngũ lãnh đạo mới và đội ngũ đó vẫn phải phát huy được truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường của ông cha người Việt Nam chúng tôi từ trước đến nay, đặc biệt trong việc giữ vững chủ quyền thiêng liêng và sự toàn vẹn lãnh thổ mà các thế hệ Việt Nam chúng tôi đã đổ máu, đổ mồ hôi nước mắt để giữ gìn”.
Tuy nhiên, Hòa Ái ghi nhận có những ý kiến phản bác lại, cho rằng những gương mặt lãnh đạo mới cũng chỉ là một hình thức “bình cũ rượu mới”, nếu không nói theo cách bi quan vẫn là “bình cũ rượu cũ” vì bất cứ đảng viên nào của Đảng CSVN được cơ hội có quyền hành trong tay cũng đều như nhau. Thính giả Trương Kim ở Cần Thơ lên tiếng:
“Ở VN, ai cầm quyền cũng đục khoét tài nguyên quốc gia, vơ vét làm giàu cho bản thân và gia đình, không xứng đáng cho tôi chọn”.
Trước thềm Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 này, người dân Việt Nam trong và ngoài nước chỉ ước mong Đảng CSVN thay đổi thể chế chứ không bao giờ người dân trong và ngoài nước muốn tiếp tục chế độ Cộng sản.
- Thính giả Hùng Nguyễn 
Với xu hướng không nhân vật nào trong Đảng CSVN được người dân tín nhiệm cũng như Đảng CSVN không nên tiếp tục chế độ độc đảng như trước đây, thính giả Hùng Nguyễn cho rằng đã đến lúc Đảng lãnh đạo đương quyền nên thay đổi thể chế:
“Trước thềm Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 này, người dân Việt Nam trong và ngoài nước chỉ ước mong Đảng CSVN thay đổi thể chế chứ không bao giờ người dân trong và ngoài nước muốn tiếp tục chế độ Cộng sản”.
Thính giả Phúc Trần và số đông khán thính giả cùng độc giả chia sẻ không có kỳ vọng vào Đảng CSVN tự mình thay đổi thể chế mà mỗi người Việt nên đồng lòng thực hiện sự thay đổi này với lý do:
Chế độ hiện tại không được lòng dân, không làm gì có lợi cho người dân thì tại sao không tẩy chay chế độ đó?”
Đáp ứng sự đồng thuận về ý kiến người dân nên thay đổi thể chế để đất nước được phát triển và văn minh hơn, hòa nhập với sự tiến bộ của thế giới, nhiều người nêu lên câu hỏi sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào. TS. Nguyễn Quang A trình bày thiển ý của ông:
“Hiến pháp của Việt Nam qui định là người dân có quyền lập hội, thế thì người dân cứ thế mà lập hội, không phải đợi ông nào cho phép cả. Việc Nhà nước chưa có luật để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền lập hội của mình một cách văn minh, thì đấy là lỗi của của Quốc hội và người dân cứ thế mà thực thi. Hiến pháp qui định người dân có quyền bầu cử ứng cử, thế thì người dân cứ ra ứng cử và phản đối kịch liệt việc nhân danh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản để bảo phải chọn như thế này thế kia, phải phản đối kịch liệt điều này”.
Trước khi Đại hội Đảng XII khai mạc vài ngày, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch kêu gọi đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng một nhóm nhỏ quan chức trong đảng Cộng Sản tự quyết định tương lai cho hơn 90 triệu người dân và Đảng CSVN nên tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử tự do và công bằng, để người dân được quyền bỏ phiếu chọn lựa các lãnh đạo đất nước cho mình, Hòa Ái liên lạc với quý thính giả trong nước lẫn hải ngoại qua điện thoại đều nhận được sự nhất trí tuyệt đối trước lời kêu gọi vừa nêu.



Thư của Ts. Vũ Duy Phú
gửi cho ông Nguyễn Phú Trọng

"...Đó là “sự phản ứng mạnh mẽ của nhân dân đối với các sai lầm của Đảng và Chính phủ” và “Sự nổi dậy của thế lực “Việt nam Cộng hòa” còn trụ lại” ở trong nước và nước ngoài...."

Kính gửi anh Nguyễn Phú Trọng

Tôi rất thông cảm với khó khăn và suy tư của anh. Tình hình Việt Nam hiện nay, về mặt giải quyết mâu thuẫn “ý thức hệ “, rất giống Ba Lan, Hung ga ri, Tiệp Khắc trước kia, và sau đó là Liên Xô của Gorbachyov ấy. Khi Hung ga ri và Tiệp khắc vùng lên đổi mới, đòi bỏ CN Mác - Lê, thì Liên Xô (chưa đổi mới) tràn ngay sang dẹp luôn, nhưng khi Liên Xô đổi mới thì vì chẳng có nước CS nào lớn hơn để có thể tràn sang dẹp được, nên Yeltsin và Putin đã thắng lợi. Ta hiện nay, cũng muốn đổi mới như Hung và Tiệp, nhưng vì bị - hay sợ - Trung Quốc đóng vai trò Liên Xô thủa trước tràn sang ngăn chặn. Đó là một lẽ. Ta còn khó hơn Hung và Tiệp, là ở chỗ lại rất dễ bị hai mũi tấn công khác. Đó là “sự phản ứng mạnh mẽ của nhân dân đối với các sai lầm của Đảng và Chính phủ” và “Sự nổi dậy của thế lực “Việt nam Cộng hòa” còn trụ lại” ở trong nước và nước ngoài. Vì vậy, tôi biết, Đảng ta, đứng đầu đang là chính Anh và Bộ Chính trị, đã và đang ở trong tình trạng rất khó khăn, là vì vậy.

Nhưng nhìn toàn cục, theo phép biện chứng nổi tiếng của Chủ nghĩa Mác, mà Anh đương nhiên là GS.TS của CN Mác – Lê nên còn lạ gì, thì tiến hóa là một quá trình tất yếu, không thể chống lại được. Vì vậy, cuối cùng nước ta và và TQ rồi cũng phải Cải cách như Liên Xô và Đông Âu thôi. (Thực ra Mao Trạch Đông đã quay về CN Đại Hán, TQ đã bỏ Mác – Lê từ lâu, còn Tập cần Bình đang xem xét khả năng giải thể Đảng CS) Do đó, nước ta nên chọn thời cơ thuận tiện nhất. Nếu theo cả LÒNG DÂN, LÒNG ĐẢNG, và cả “Kinh dịch” nữa, thì có lẽ THƠI CƠ THUẬN LỢI NHẤT ĐÃ ĐẾN, tức là ngay bây giờ, thông qua Đại hội XII này.

Vấn đề là, liệu trong Đại hội XII này, ta Đổi mới hoàn toàn luôn cả về thể chế chính trị nữa, liệu TQ có dám tràn sang, nếu Đảng ta không yêu cẩu ? Tôi cho rằng, bố bảo, nếu Đảng ta không yêu cầu, thì TQ không dám tràn sang, vì họ cũng khó khăn mọi bề, mà còn khó khăn hơn ta gấp nhiều lần, ví dụ, TQ đang rất cô lập về chính trị, còn ta đang được cả thế giới văn minh ủng hộ.

Đến Hồ Chí Minh mà còn bị các thế lực thù địch bôi xấu rất tồi tệ, nên ta chấp chúng làm gì. Anh Nguyễn Tấn Dũng, dù ai bôi nhọ gì thì chắc chắn cũng vấn đúng là một người của Đảng Hồ Chí Minh, lại trẻ và khỏe hơn anh, lại đang có quan hệ và uy tín giao dịch rộng rãi với thế giới, được thế giới văn minh rất tôn trọng, vượt hơn hẳn anh về nhiều mặt.(Tôi có hỏi thật anh Nguyễn văn An, rằng anh Dũng có tham nhũng tiêu cực nặng như dư luận nêu không ? Anh An nói rằng “Làm gì có như thế ? Tôi theo dõi, quản lý các Vị ấy suốt mà!”. Theo tôi, đúng anh Nguyễn Tấn Dũng là một “anh hai bưng biền” chẳng dè dặt, ý tứ mưu mẹo gì về đời tư . . .nên mới bị một số “sơ hở” theo kiểu cổ của “Tư duy Cộng sản. về lý lịch . . .”. Gần đây nhiều lần tôi có chuyện trò rất sâu về chính trị với anh Nguyễn Mạnh Can, thủ trưởng cũ của anh. Anh Can tâm sự: “Mình biết sức khỏe của Trọng rất kém. Nhiều khi mình chỉ sợ cậu ấy bị căng thần kinh quá mà lăn kềnh ra, thì tai hại đấy !”

Tóm lại, có lẽ tại ngay Đại hội này, Anh nên khéo léo bàn giao cho anh Dũng công việc hết sức khó khăn và quan trọng của anh. Chỉ một việc đó thôi, là Nguyễn Phú Trọng, tên của anh (Phú, nhưng phải được Trọng) sẽ được nhân dân ghi vào sử sách của Việt Nam và lịch sử sự tiến hóa của thế giới. Làm cách nào, thì có lẽ tôi không cần lo, anh sẽ có cách. Nhưng cũng cứ nói thêm, rằng anh chỉ cần cho các đại biểu ở Đại hội ai muốn phát biểu trình bầy gì thêm, vì đây là tính chất Dân chủ ưu việt của Đảng ta, là mọi sự sẽ diễn ra theo cái ý mà chúng ta đã bàn ở trên thôi.

Kính chúc anh sức khỏe và mọi sự tốt lành

© 
TS Vũ Duy Phú
Vietnam Institut of Development Studies (VIDS)
Email: 
vuduyphu36@gmail.com
(Sáng lập viên Viện VIDS và Diễn đàn Lý luận phát triển)
Tác giả gửi tới VA News từ Hà Nội, Việt Nam