Saturday 6 February 2016

Hãy để yên tượng Cecil Rhodes tại Oxford - Lê Mạnh Hùng

Cecil Rhodes statue

Nếu cuối thế kỷ thứ 19 là một giai đoạn dựng tượng thì đến đầu thế kỷ thứ 21 này lại là giai đoạn mà người ta kéo những pho tượng đó xuống. Với sự sụp đổ của các đế quốc Châu Âu, những thuộc địa của các đế quốc này nay độc lập, các pho tượng mà các nước này dựng lên tại các thuộc địa hầu hết là được đưa vào nghĩa địa.

Nhà độc tài Zaire Mobutu Sese Seko ra lệnh hạ pho tượng vua Bỉ Leopold II, một tên thực dân tham tàn hơn trung bình, ra khỏi kinh đô Kinshasa năm 1967. Nó được chính quyền hiện nay dựng lại vào năm 2005 với lý do Leopold cũng có một số đóng góp tích cực, nhưng việc dựng lại này đã tạo ra những bất mãn phổ biến đến nỗi chỉ vài giờ sau nó lại bị hạ xuống và đưa trở về nghĩa địa.

alt

Nhưng đó là tại một xứ thuộc địa. Còn tại mẫu quốc thì sao? Đó là nan đề mà Oriel College của Viện Đại Học Oxford phải quyết định trước những đòi hỏi của đám sinh viên trong phong trào Rhodes Must Fall. Đám sinh viên này muốn nhà trường phải hủy bỏ pho tượng Cecil Rhodes đặt trên một cái hốc nhìn ra đường Oxford High Street.

Cecil Rhodes là người đã “sáng tạo” ra hai nước Rhodesia (nay là Zambia và Zimbabwe) sinh sống và chết tại miền Nam Châu Phi đồng thời tạo ra cho mình một tài sản khổng lồ tại đây. Cố nhiên giống như tất cả những kẻ đồng hương và đồng thời với ông, Rhodes là một tên thực dân tham tàn, một tên khai thác mỏ không có nguyên tắc đạo đức nào và một tên kỳ thị chủng tộc. Nhưng Rhodes cũng là người thành lập ra học bổng “Rhodes scholarships” để giúp sinh viên nước ngoài sang học tại Oxford.

Rhodes sống trong một thời đại mà chủ thuyết “Darwin Xã hội” (Social Darwinism) của Herbert Spencer và những người theo ông biện minh cho sự bành trướng đế quốc của Anh qua việc coi người da trắng và đặc biệt là những người Anh da trắng là tột đỉnh của một bậc thang từ trên xuống của sự văn minh và khả năng cai trị. Thành ra việc coi người Anh có quyền bẩm sinh cai trị các dân tộc khác không phải là một điều đáng ngạc nhiên.

Pho tượng của Rhodes tại trường đại học Cape Town đã bị hạ xuống vào Tháng Tư năm ngoái với các giới chức đại học nhượng bộ trước chiến dịch “Rhodes Must Fall” của sinh viên. Thế nhưng ngay tại nước láng giềng Zimbabwe, chính quyền của nhà độc tải Robert Mugabe đã từ chối không chịu nhượng bộ trước các áp lực. Godfrey Mahachi, người cầm đầu cơ quan quản trị các viện bảo tàng và đài kỷ niệm tuyên bố “Nó là một phần của lịch sử quốc gia và di sản của chúng ta thành ra nó không nên bị đụng chạm đến - và hiện không bị đụng chạm đến.”

Nhưng nhiều sinh viên Phi Châu tại Oxford người ta không nghĩ như vậy. Brian Kwoba, một sinh viên Ph.D và chủ tịch phong trào tuyên bố: “Cecil Rhodes phải chịu trách nhiệm cho việc cướp đất và tàn sát hàng chục ngàn người Phi Châu da đen, áp đặt một chế độ bóc lột khủng khiếp nhân công tại các mỏ kim cương cũng như đưa ra những chính sách tiền apartheid.”

Những chỉ trích của anh Kwoba rất đúng. Nhưng như ông Viện Trưởng Viện Đại Học Oxford Chris Patten đã nói thẳng với những người phản đối trong phong trào rằng nếu “họ không sẵn sàng cho thấy cái tinh thần rộng rãi đối với Rhodes và đối với lịch sử như ông Nelson Mandela đã tỏ ra thì có lẽ họ nên nghĩ tới việc đi học tại một nơi nào khác“

http://i.telegraph.co.uk/multimedia/archive/03530/85024459_Mandatory_3530622b.jpg

Tại Hoa Kỳ và tại Anh hiện đang có phong trào các sinh viên nhắm vào những đài kỷ niệm mà họ cho là áp bức và những lời nói mà họ cho là có tính xúc phạm và sẵn sàng nhảy lên đấu tranh gay gắt để giải trừ những xúc phạm đó. Chiến dịch tại trường Đại Học Yale nơi mà những căng thẳng sắc tộc bắt đầu gia tăng vào mùa Thu năm ngoái là một trong những trường hợp điển hình. Trong một bài phân tích chi tiết về cuộc tranh chấp này trên tập san Columbia Journalism Review, tác giả Danny Funt chỉ ra rằng “những người phản đối đòi phải cho họ miễn tuân theo các quy luật về đối thoại cởi mở.”

Trong khi đó tại Anh, một cuộc thăm dò gần đây của tạp chí Spiked cho thấy một nửa các trường đại học của Anh có một số giới hạn quyền tự do ngôn luận áp dụng bởi tổng hội sinh viên trường. Trong số những trường có những giới hạn này có cả một số trường đứng vào hàng đầu bảng như London School of Economics, Edinburgh và Cardiff.

Tại cả Yale và Cardiff khái niệm ăn nói phải được tự do đã bị đảo ngược, tự do bị coi là áp bức khi mà những lời nói bị coi như là làm tổn thương, hoặc thiếu kính trọng hoặc là ngầm chứa những kỳ thị. Đây là một sự độc tài về trí tuệ, nó cho thấy một xã hội mà những nhóm hoặc cá nhân không thể nào có thể nói chuyện với nhau, trong đó những quan điểm khác với những thiên kiến của nhóm không được nói ra chứ đừng nói là được thảo luận hoặc chấp nhận.

Những người phản đối tại Yale cũng như là những người chống lại các pho tượng của Cecil Rhodes tại Cape Town và Oxford tuy nhiên cũng đặt ra cho chúng ta những vấn đề còn rất thời thượng về chủng tộc và di sản của đế quốc cũng như sự hiện diện quá thấp các sinh viên da đen tại các trường đại học lớn. Trong vấn đề này người ta có thể làm được một cái gì. Tại Oxford chẳng hạn, sinh viên tuyển vào cho đến nay vẫn còn tập trung quá nhiều vào các học sinh trường tư nơi mà đa số còn là da trắng. Oxford cũng đã cố gắng tuyển thêm học sinh da mầu tuy rằng con số học sinh da đen gốc Phi Châu hãy còn quá ít.
Khác với các phong trào khác, cuộc tấn công vào Rhodes có tính cách muốn chống lại quá khứ. Vấn đề là nếu làm như vậy thì dừng lại ở đâu? Phải chăng chúng ta phải hủy bỏ những tương cổ Hy Lạp lấy cớ rằng người cổ Hy Lạp theo đuổi chế độ nô lệ? Còn đài kỷ niệm Thomas Jefferson thì sao? Jefferson nuôi hàng trăm nô lệ trong nhà?

Tin giờ chót cho biết các giới chức Oxford đã quyết định giữ lại bức tượng của Rhodes tại Oriel College.