Friday 25 March 2016

Dân Tộc, Lịch Sử, Quốc Gia và Thủ Đô - Trần Mộng Lâm

Mỗi một dân tộc có một lịch sử. Lịch sử này dính liền với Quốc gia của họ, và mỗi Quốc Gia có một Thủ Đô mà không ai có thể thay đổi hay bôi xóa được. Người Pháp có một biểu tượng là một con gà, đất nước của họ có một thủ đô là Paris. Nói tới Paris, là nói tới Kinh Đô ánh sáng. Chỉ có một nơi duy nhất trên thế giới được gọi là Ville Lumière và nói tới Ville Lumière, không thể nghĩ tới một nơi nào khác ngoài Paris tuy bây giờ thành phố nào trên thế giới cũng tràn đầy ánh sáng.

Người Pháp rất hãnh diện về Paris của họ. .

Tương tự như vậy, người Việt Miền Nam rất hãnh diện với thành phố Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông (La perle de l’extrême l’Orient).

Văn minh loài người biến đổi với thời gian. Vận nước có lúc vượng, lúc suy, đời người cũng vậy. Chế độ này kế tiếp chế độ kia, nhưng dân tộc bao giờ cũng cao hơn chế độ. Chỉ có người Cộng Sản là tự cao, tự đại, coi như chỉ có họ có quyền làm chủ đất nước. Đó là lý do tại sao người Cộng Sản Nga thay tên thành phố cổ kính St Pétersbourg bằng tên Leningrad trong khoảng mấy chục năm khi họ làm chủ nước Nga. Sự đổi tên này nhanh chóng chấm dứt khi nước Nga đổi chủ.

Trở lại với người Miền Nam, thì kể từ khi đi mở nước, người di dân đã làm nên lịch sử tại một lãnh thổ có tên Đồng Nai và một thành phố có tên Sài Gòn. Danh xưng Sài Gòn đã có hằng trăm năm trước đời vua Tự Đức. Đó là Lịch Sử triều Nguyễn ghi lại chứ không phải do ai bịa đặt. Trước khi trở thành một thành phố sầm uất, nơi đây là một miền hoang vu, họ phải tốn biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt, phải chịu đựng biết bao hiểm nguy, hàng phục thú dữ, bệnh tật mới làm nên xứ Nam Việt và thành phố Sài Gòn. Chỉ nguyên cái tên Sài Gòn cũng đủ nói lên cái lich sử oai hùng của một thời xa xưa hùng tráng của ông bà chúng ta. Ngày nay mỗi người cắt nghĩa Sài Gòn một cách, nhưng phải gọi Sài Gòn là Sài Gòn, vì cả mấy trăm năm nay, người dân gọi như vậy mà.

Việc chiến tranh giữa Việt Nam Cộng Hòa và Việt Công là chuyện mới đây thôi, vậy mà sau 30 tháng tư 1974, người Cộng Sản Miền Bắc tự xưng là người Giải Phóng với súng ống ngoại bang tiến vào Sài Gòn và sau đó ngang nhiên đổi tên thành phố này là Thành Phố Hồ Chí Minh.

Tạm không bàn tới chuyện giải phóng  đúng hay sai, (Ông Nguyễn Phương, một nhà văn Nam Kỳ, đã viết rất thành thực: Giải Phóng cái con khỉ gì !! trong tác phẩm Chiều Chiều ra đứng ngõ sau của ông), ngay cả những người đã giải phóng Paris, các ông Eisenhauer và Charles de Gaulle cũng không dám làm như vậy.

Hồ Chí Minh là ai mà người Công Sản dám dùng tên ông ta thay cho tên Sài Gòn ???. Sự đổi tên này là một sự khinh thường, một sự hiếp đáp không thể nào người Miền Nam có thể chấp nhận nổi. Lấy tên HCM đặt cho Nghê An hay Hà Nội có thể còn hữu lý hơn.

Cho nên việc đổi tên này cho dù có trên giấy tờ, nhưng trong thực tế, hoàn toàn vô ích, và chỉ làm tủi nhục thêm cho kẻ tiếm danh.

Ngày 30 tháng Tư, người Việt Miền Nam chạy giặc.

Chạy là chạy, giặc là giặc.

Nay đã đến lúc phải gọi con mèo là con mèo, nghĩa là có sao nói vậy, như bổn tánh người Nam Việt.
Ngày 30 tháng tư, chúng ta bị giặc tràn vào nhà và hà hiếp. Cuộc chạy giặc kéo dài từ đó cho đến nay đã trên 40 năm mà vẫn còn tiếp diễn. Những sự hiếp đáp, kỳ thị vẫn tiếp tục, điển hình là Sài Gòn vẫn phải mang một tên lạ hoắc.

Cho nên, thay vì nói tại sao không hòa hợp, hòa giải, thì phải nói tại sao chưa sửa chữa những sai lầm, xóa bỏ những bất công mà người Miền Nam vẫn tiếp tục phải gánh chịu. Tại sao không trả lại tên Sài Gòn cho thành phố này.


Trần Mộng Lâm