Wednesday 23 March 2016

Phở Phần Lan

Nguyễn Bá Trạc
Bài tùy bút viết về phở khá nổi tiếng của Nguyễn Tuân được ra đời là do một chuyến đi dự hội nghị gì đó ở Helsinki mấy chục năm xưa. Thời Chiến Tranh Lạnh, với truyền thống trung lập, Phần Lan thường được chọn làm nơi tổ chức các hội nghị giữa hai khối trắng, đỏ. Bấy giờ chẳng có người Việt nào lại đến sống ở xứ sở tuy rất đẹp nhưng lạnh lẽo này. Vì các món ăn Phần Lan không hợp khẩu vị, lúc ấy Nguyễn Tuân đứng ở bờ hồ băng tuyết, nghĩ đến một bát phở nghi ngút khói. Thèm nhỏ dãi mà chữ nghĩa tuôn thành bài tùy bút này.


Tô phở Phần Lan của anh Thảo. (Hình: NBT)

Mấy chục năm sau, Cộng Sản Bắc Việt “giải phóng” miền Nam. Dân miền Nam bị “phỏng dái” vì các biện pháp “đánh tư sản,” bị lùa đi “Kinh Tế Mới,” bị lừa vào các trại “Học Tập Cải Tạo” vô thời hạn trong rừng sâu núi thẳm. Thấy được bộ mặt thật của một chế độ tuy ngu muội nhưng quỷ quyệt, bất kể sống chết, họ bồng bế nhau xuống những chiếc ghe mỏng manh. Hàng triệu người vượt biên, tấp đến các hòn đảo ở Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Singapore... Nhiều người kẹt rất lâu trong các trại tỵ nạn.

Phần Lan với dân số ít oi chưa đến 5 triệu người, nhưng với truyền thống nhân đạo họ cũng đã mở vòng tay tiếp nhận khoảng hơn hai ngàn người Việt về định cư ở đất nước này. Nhờ thế ngày nay bát phở đã có mặt tại Phần Lan...
***
Tôi đi Mỹ mới về Phần Lan được hai ngày.

Trong 6 tuần ở California, tôi đã hăng hái ăn vài chục bát phở cho đã thèm. Những khoanh filet mignon thượng hạng được dùng làm thịt tái, mềm mại như những lời tỏ tình. Những lát vè giòn, vè dầy, nạm, gầu, gân... mới bỏ lên môi đã trôi xuống họng. Nguyên liệu, gia vị, rau cỏ phong phú mà sạch sẽ. Tất cả đều được kiểm phẩm theo đúng phép vệ sinh để bảo đảm sức khỏe người tiêu thụ.

Xuống Quận Cam vùng Nam Cali, tôi thường ăn phở Nguyễn Huệ ở đường Bolsa của bác Cảnh, anh ruột nhiếp ảnh gia Nguyễn Ðức Cung, nấu đúng truyền thống Hà Nội trước 1954. Hoặc phở Quang Trung đường Westminster, Garden Grove, có món tái vè dầy xuất sắc. Còn ở San Jose vùng Bắc Cali trước tôi thích nhất tiệm phở Bình của bác Dực. Từng miếng nạm, miếng gầu, sợi phở, rau cỏ đâu ra đó. Bác Dực sửa soạn bát phở với tất cả tâm hồn của một nghệ sĩ. Phở ăn rất ngon, nhưng phải kiên nhẫn lắng nghe bác nói chuyện thơ văn, hay nghe những mẩu chuyện về ca sĩ Sĩ Phú là tiếng hát mà bác yêu mến nhưng đã qua đời.

Từ khi bác Dực nghỉ hưu, có người bạn giới thiệu tiệm phở Pasteur trong khu nhà lồng Lion Plaza, San Jose, tôi thấy cũng ngon. Nhưng trước khi về lại Phần Lan, đến nghe nhạc ở phòng trà Jade Leaf (trước nhà thờ chính tòa San Jose, do nhạc sĩ Lê Huy và ca sĩ Ngọc Diệp làm chủ), tôi ngạc nhiên khi ăn bát phở tại đây. Bát phở này là... hoa lạc giữa rừng gươm! Vì phở được dọn lên trong tiếng nhạc Jazz rộn ràng, đèn mầu nhấp nháy, những đôi chân lả lướt trên sàn... thế mà mùi quế, mùi tiêu, mùi hồi vẫn đủ chỗ bốc lên ngạt ngào xuất sắc.Hỏi mới biết tác giả trước nấu cho phở Công Lý cũ.
***
Hai tuần trước khi tôi rời Cali về Phần Lan, có tin Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đột ngột qua đời trên chuyến bay tới thủ đô Philippines tham dự một hội nghị cổ xúy cho chủ quyền Việt Nam ở Biển Ðông. Ngậm ngùi trước tin buồn của những người quen biết, những người bạn đang lần lượt ra đi và sắp sửa ra đi...

Về đến Phần Lan, mệt mỏi vì chuyến bay dài và thay đổi múi giờ. Ðêm thức ngày ngủ, lẫn lộn giữa mộng, thực. Cứ nghĩ mãi đến hình ảnh họa sĩ Hà Cẩm Tâm nằm trên giường bệnh tại một viện dưỡng lão ở San Jose. Trong chuyến về Cali lần này, tôi đã thăm anh ba lần. Lần đầu, thấy anh nằm dài, suy sụp, nhưng vẫn giữ phong độ của một nghệ sĩ yêu vẻ đẹp, yêu sự chân thực, luôn luôn khôi hài cho mọi người vui. Anh nhắm mắt, cười như mếu, nói như nói thầm “Cuộc đời buồn cười quá.” Còn nhớ, đột nhiên anh nhại một câu của Hồ Chí Minh, chỉ đổi đi một chữ “Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Chân lý ấy... LUÔN LUÔN thay đổi.” Lại mỉm cười, bảo “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp chúng ta!” Ngừng, nhắm mắt, nói tiếp, “Có thằng nhỏ, nó viết thêm vào một chữ THẤT.” Nhắm mắt. Nhớ ngày xưa anh thường say sưa nói về vẻ đẹp của những bông hoa súng trong lúc chèo thuyền trên sông rạch Ðồng Tháp thủa kháng chiến chống Pháp. Lần thứ ba, đến thăm trước hôm về Phần Lan, có cựu chiến sĩ nhẩy dù Nguyễn Thành Út và cựu nha sĩ quân y Bùi Ngọc Tô. Anh Tâm suy sụp hoàn toàn, nằm không nhúc nhích. Anh Tô và tôi bối rối không biết làm gì thì Út đã nhanh nhẹn chà mạnh hai bàn tay rồi xoa lên đầu, lên má, lên cổ anh Tâm. Hình ảnh của người cựu chiến binh với đôi tay thô kệch mà lại dịu dàng xoa bóp người bạn già làm tôi cảm động. Út tìm cái thìa múc loại sữa dinh dưỡng mà Út mang theo, vừa nói vừa dỗ dành rồi đặt thìa sữa lên môi anh Tâm. Ðôi môi khẽ động đậy, nuốt muỗng sữa. Ðược một lúc, cặp mắt anh hơi mở ra, hỏi “có cam không.” Anh Tô vội bóc miếng cam, vắt nước, đặt vào miệng anh Tâm. Chừng nửa giờ sau, anh thều thào nói được. Còn nhớ một câu anh bảo “Bạn bè mình nhiều người bị Cộng Sản giam giữ, đánh đập, khinh khi, chửi bới... Còn được nằm ở đây là sướng lắm.” Tôi lén chụp vài tấm ảnh vì biết đây sẽ là những tấm ảnh cuối cùng mà tôi chụp người bạn già.

Cũng nhớ lần này xuống quận Cam, hai người bạn học Phan Nhật Nam và Phan Bá Sáu lái xe cho tôi xuống San Diego thăm thầy cựu hiệu trưởng trung học Phan Châu Trinh, Ðà Nẵng. Ông hiệu trưởng già nua, cũng là ông thầy dạy Việt Văn từng làm cho chúng tôi biết yêu Chinh Phụ Ngâm và những câu thơ trong truyện Kiều, từng có lần nắm tay tôi trong một lần họp mặt mấy năm trước mà bảo, “Sao Trạc hay viết những câu cười cợt làm gì?” Trong một lần khác, thầy nói thẳng, “Con phải viết để nhắc cho mọi người rằng chế độ Cộng Sản khốn nạn lắm.” Thầy có một người con trai chết trong tù cải tạo sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Lần này sức khỏe ông thầy đã như ngọn đèn trước gió. Cố nhỏm ngồi dậy. Cặp mắt lòa bỗng chẩy dòng lệ ướt khi Phan Nhật Nam nói lớn, “Con đưa Nguyễn Bá Trạc đến thăm thầy đây.”

Trong cuốn lưu bút khi tôi rời Phan Châu Trinh, thầy có viết mấy chữ... Cuốn lưu bút không còn, nhưng những dòng chữ ấy không bao giờ mất trong tâm trí tôi: ‘Sao chiếu mạng! Trong muôn vàn chúng ta là một. Một không phải là không. Ngước nhìn bóng ta ở trên trời.” Ký tên “Nguyễn Ðăng Ngọc.”
***
Về Phần Lan mới được hai ngày, sáng nay anh Thảo đã điện thoại mời tôi đến nhà ăn phở. Tuy mệt, nhưng biết việc nấu một nồi phở ở Phần Lan không phải là đơn giản, tôi nhận lời. Ở thành phố Turku này, muốn có ít rau ngò rau quế để nấu phở thì phải canh chừng để mua cho được ở một ngôi chợ Á Ðông, nhập cảng từ Thái Lan, một tuần chỉ có một lần.

Anh Thảo chỉ cho tôi thấy một cái nồi giữ nhiệt hiệu Stiger của Nhật mà anh mua từ bên Mỹ, bên trong có một cái nồi khác. Bỏ tất cả xương, sườn... vào cái nồi bên trong, đặt lên bếp nấu khoảng nửa giờ rồi bỏ vào nồi giữ nhiệt. Không cắm điện nhưng cứ để vậy sau một đêm, thịt xương đều nhừ, nước rất ngọt, anh Thảo nói.

Tôi lấy cái máy ảnh luôn luôn đem theo, chụp từ cọng rau, đĩa thịt, cái nồi, với bát phở đặt trên bàn. Ðây là bát phở Phần Lan. Bát phở mà ông Nguyễn Tuân mơ ước vì không có mà ăn khi đến xứ này... Nhắc Nguyễn Tuân lại nhớ sau thời Nhân Văn Giai Phẩm, ông ấy có tâm sự rằng, “Tôi còn sống được là vì tôi biết sợ.” Ai mà chẳng sợ? Sợ nên phải chạy trối chết. Ðặt hết sinh mạng vợ con, cha mẹ và bản thân lên những con thuyền chỉ đi trên sông, mà tuôn ra giữa đại dương...

Lại nhớ trước hôm rời Cali, tôi đến thăm Tường Vũ Anh Thy Vũ Tiến Thủy. Anh ta cũng đang trong tình trạng sức khỏe ngặt nghèo, gần đây có lần bất tỉnh trong phòng tắm đến hơn 7 tiếng đồng hồ. Anh đã bán căn nhà tiền chế ở San Jose để chuẩn bị sang Florida ở với một người cháu. Hôm đến thăm, lúc tôi lên cơn gay gắt nói về những chuyện “Sang, Trọng, Hùng, Dũng” và tình trạng Bắc Thuộc đang xẩy ra thì anh gạt đi mà bảo, “Việt Nam chỉ còn là quê hương trong tâm tưởng. Hiện tại không có. Tương lai cũng không.”

Có lẽ thế. Nên hôm nay với quê hương trong tâm tưởng, chúng tôi ngồi ăn bát phở Phần Lan, miên man nghĩ đến những bát phở Cali. Tất nhiên là ngon, vì đây là những bát phở của tình nghĩa, bát phở của những người bạn nấu cho nhau ăn.

Bát phở của những người bỏ nước ra đi vì yêu chuộng tự do, yêu chuộng phẩm giá con người.

(20 tháng 3, 2016)