Thursday 30 June 2016

Chỉ khi mỗi người dân là một quốc dân, thì đất nước ta mới phát triển lên được.

Một quốc gia chỉ phát triển và hãnh diện sánh vai với các nước bạn trên năm châu khi mỗi người dân biết ý thức trách nhiệm, bổn phận đối với đất Mẹ và giống nòi. Trong tiết mục Người Dân Tự Quyết hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài "Chỉ khi mỗi người dân là một quốc dân thì đất nước ta mới phát triển lên được" của Quân Dân sẽ do Hướng Dương trình bày sau đây.

Đến giờ, tôi vẫn tâm đắc nhưng đầy đau đớn với những lời đúc kết của cụ Phan Chu Trinh hơn 100 năm trước về những đức tính con người Việt Nam. Tuy nhiên, không phải vì vốn dĩ họ sinh ra đã mang đặc tính tính cách này, mà do hoàn cảnh, sự giáo dục và việc cai trị của nhà cầm quyền mà ra và tạo nên phần lớn thể cách họ như vậy.


Thời Pháp thuộc, dù là đô hộ mang tính thuộc địa, nhưng họ lại cho người dân chúng ta có quyền được biểu tình, hội họp và tự do ngôn luận, có báo chí tư nhân và được quyền yêu sách đến những người cầm quyền. Còn giờ, chúng ta không được "biểu tình" dù quyền này đã được hiến định trong Hiến pháp và cũng là quyền năng biểu đạt chính kiến, ý nguyện tối cao của một quốc gia văn minh. Nhưng nó đã bị cấm đoán, bị thi hành một cách méo mó chưa từng có. Nên tôi vẫn nghĩ đây không phải là thế kỷ 21, nhất là chứng kiến sự lao đi vùn vụt của thế giới văn minh ngoài kia.

Quyền con người bị hạn chế tối đa, bị hiểu và thi hành một cách áp đặt bất luận những cơ sở khoa học và cả luật pháp chuẩn mực, mà chỉ cần thuận lợi cho sự quản lý của chính quyền, của nhà nước, với lý do dân trí thấp và hoàn cảnh đặc thù mơ hồ nào đó. Họ giáo dục cho người dân với nhận thức rằng, biểu tình là thứ sai phạm và là chống đối công quyền, là hành vi nguy hiểm, gây hại cho "xã hội". Trong khi đó, nó là quyền cơ bản và phổ quát của con người, của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Như bất kỳ các nước văn minh khác, chỉ cần người dân không đồng tình với những quyết sách, sự chậm trễ hoặc một sự điều hành không chuẩn tắc của chính quyền, thì họ có quyền thể hiện quan điểm của mình, bằng rất nhiều cách có thể, trong đó hữu hiệu và mạnh mẽ nhất đó chính là "biểu tình". Vì hiểu điều đó mà các quốc gia đã không ngăn cản quyền này, mà thực thi nó trên thực tế, bằng luật pháp, chứ không ngăn chặn, hạn chế hoặc can thiệp thô bạo bằng mọi cách, nhất là bởi lý do "trái ý đảng" hoặc "sự quản lý hành chính" với phương thức "trật tự xã hội".

Biểu tình, là một loại quyền năng tái tạo hoặc kiến tạo nên trật tự xã hội, và bản thân nó cũng là một loại trật tự xã hội, nhưng là trật tự tập trung ý chí của người dân trước sự thiếu trật tự hoặc sai khác ý chí của và giữa nhà cầm quyền đối với nguyện thức của dân chúng về một vấn đề quốc gia.

Và tính cách của người dân đã được hình thành dựa trên sự "áp đặt" các quan điểm, ý niệm của người cai trị, vì họ có sức mạnh trong tay, họ có quân đội, công an đông đảo, lại sẵn có súng ống, cộng thêm đội ngũ tuyên truyền khổng lồ hơn bất cứ lực lượng nào khác, mà lại không cho tồn tại báo chí tư nhân, tự do ngôn luận cũng là một thứ xa xỉ khi nó phải chịu sự "định hướng" duy nhất của một đảng chính trị duy nhất, không chịu bất cứ sự chi phối, điều chỉnh nào của luật pháp, ngoài Điều 4 Hiến pháp ấn định cho đảng một quyền năng tối cao, lãnh đạo và kiểm soát toàn bộ nhà nước, xã hội.

Như ai đã từng đọc cuốn "Khuyến học" của nhà tư tưởng người Nhật Bản đã làm thay đổi nước này mà trở mình thành cường quốc như hiện nay – ông Fukuzawa Yukichi. Ông nói, mỗi người dân không phải là một người dân, mà phải là một "quốc dân", tức không chỉ sống với trách nhiệm nhỏ mọn trong cuộc đời mình, mà cần sống với tư cách một con người với trọng trách quốc gia, quan tâm đến các vấn đề xã hội, chính sự, vận mệnh dân tộc. Bởi thế ông đã nói: sống trên đời mà không quan tâm đến đất nước mình thì chẳng khác nào ăn nhờ ở đậu trên chính cuộc đời mình. Và thế thì quốc gia chỉ như cái nhà trọ, để người dân tạm dừng chân trong cuộc đời họ mà thôi.

Và cũng bởi hiện trạng của người dân tôi trên đất nước này, đang như những kẻ sống nhờ, ở trọ trên quê hương mình, nên bao kẻ có chút khả năng hoặc nhận ra được những cơ hội ở nơi khác, thì cứ thế rời bỏ tổ quốc ra đi mà tìm nơi ở mới, nơi cư ngụ mới và sinh sống ở vùng đất, vùng trời đó.

Người Việt, nếu từ đất nước mình đi ra ngoài, kể cả là đại gia hay quan chức, có điều gì để tự hào với thế giới về khoa học, công nghệ, giáo dục, về sự đóng góp cho phát triển chung của nhân loại hay không? Hay chỉ loanh quanh xó nhà, kêu gào và tự huyễn hoặc về lịch sử oai hùng, về những thứ đặc chủng như vịt trời, gà đi bộ, nón lá, áo dài hay chủ nghĩa cộng sản mà đến nay chỉ còn 3 nước cố giữ lấy trong khi nơi sản sinh ra ông tổ (Karl Mark) của nó là Đức đã ném bỏ nó đi? Liên Xô và Đông Âu cũng tan rã mang tính hệ thống từ 1991?

Và nếu một chủ thuyết mà không chịu tương tác, tiếp thu cái mới, tạo ra mâu thuẫn và đấu tranh với chính nó, thì có thể nào đó là một chủ thuyết đúng đắn, văn minh được hay không?

Triều Tiên – nơi của nghèo đói, độc tài, toàn trị, dã man và thần thánh hóa một cá nhân, lãnh tụ, đến nỗi người dân gặp kẻ đó là khóc như mưa với niềm sung sướng tột độ. Nếu trái ý hoặc sai mệnh lệnh là bị xử tử, giết chết không bằng luật pháp nào.

Trung Quốc cũng vậy, tập quyền đến độc tài bằng cách ra lệnh "xử lý" các quan chức không cùng chung lợi ích, ý chí với kẻ đứng đầu đảng cộng sản. Nơi mà luật sư sẵn sàng bị đánh tại tòa bởi cảnh sát. Nơi mà hàng triệu người theo Pháp Luân Công bị giết hại dã man, nơi của cướp mổ nội tạng, nơi của bành trướng với dã tâm muốn xâm chiếm toàn bộ thế giới, bằng cách chiếm trọn biển đông và di dân để đồng hóa khắp toàn cầu.

Nhìn sự thờ ơ, vô cảm và cả sự sợ hãi của dân chúng ở đất nước mình, họ dè xẻn lòng tốt, họ e ngại lên tiếng, họ cho rằng việc xã hội không phải trách nhiệm của mình, nhưng đau đớn thay, thuế, phí, lệ phí lại là trách nhiệm của họ mà nếu không đóng đầy đủ họ sẽ bị xử lý, thậm chí đi tù vì từ chối nghĩa vụ đó.

Vì vậy, chỉ khi mỗi người dân là một quốc dân, có tự tôn dân tộc, có trách nhiệm quốc gia, không thờ ơ vô cảm, không chỉ loanh quanh xó bếp, không chỉ lo rượu chè cờ bạc, không chỉ lo ma chay hay lễ lạt thần thánh, không chỉ ru rú hú hí vợ con, không chỉ an phận thủ thường, thì khi đó đất nước ta mới trở mình mà phát triển lên được.

Bởi tất cả quyền bính thuộc về nhân dân, tổ quốc là mái nhà chung, mà nhân dân lại ngủ mê quá lâu, như những củ khoai tây mỗi người mỗi hướng lăn lóc rời rạc, thì khi đó quốc gia, dân tộc còn lạc hậu, nghèo nàn và dân trí mãi cứ ngày càng thấp đi mà thôi.

Dân trí ngu si, hiền tài ra đi, nguyên khí suy bại, quốc gia nghèo đói.

Đó là điều hiển nhiên.