Monday 8 August 2016

Báo Anh: Mỹ muốn bố trí quân sự tại Đà Nẵng, Việt Nam

VietTimes -- Sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Hague về Biển Đông, có thể Trung Quốc sẽ tăng cường xây dựng đảo nhân tạo cũng như có thêm hành động quân sự để chiếm cứ chủ quyền, vì thế Mỹ cũng đang chuẩn bị sẵn kế hoạch cho những tình huống xảy ra.
Đoàn Thanh


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu cảnh sát biển Việt Nam năm 2015Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu cảnh sát biển Việt Nam năm 2015
Trên tờ Thời báo Tài chính (Anh), ông Admiral Dennis Blair, cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ khu vực Thái Bình Dương cho rằng “chúng ta phải sẵn sàng cho cuộc chiến tại bãi cạn Scarborough”.
Bất kể người kế nhiệm ông Barack Obama là ai cũng sẽ phải đối diện nhiều lựa chọn khó khăn, nhưng trong đó khó khăn nhất là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế The Hague bác bỏ yêu sách chủ quyền lãnh thổ ngang ngược, phi pháp tại Biển Đông do Trung Quốc tưởng tượng ra.
Động thái của Nhà Trắng trong vài tháng tiếp theo sau phán quyết không chỉ định nghĩa tương lai quan hệ Trung – Mỹ trong những năm tới mà còn có ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị khu vực này. Washington xem phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague là một thắng lợi, nhiều quan chức Mỹ nhận định phán quyết dựa trên quy tắc của thế kỷ 21 đánh vào phạm vị thế lực do Trung Quốc vạch ra vào thế kỷ 19. Việc Tòa Trọng tài Thường trực The Hague bác bỏ yêu sách tưởng tượng về chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc khiến nước này rơi vào tình thế khó khăn.
Nếu Trung Quốc tiếp tục âm thầm cho phát triển căn cứ quân sự - chương trình này tăng tốc từ sau 2014 – nghĩa là nước này đi quá giới hạn luật pháp quốc tế - thì Mỹ phải có những hành động tiếp theo cùng việc bố trí thêm sức mạnh quân sự.
Ông Ben Cardin, chính khách dày dạn của đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết: “Trung Quốc phải lựa chọn giữa việc bảo vệ pháp trị, thể hiện trách nhiệm của đất nước lãnh đạo thế giới, hoặc muốn đi theo con đường của riêng mình”. Nhưng đồng thời ông cũng cảnh báo: “Họ sẽ tăng cường xây dựng thêm đảo và có hành động quân sự để giành chủ quyền”.
Trước khi Tòa Trọng tài Thường trực The Hague đưa ra phán quyết, Đại sứ Mỹ trú tại Trung Quốc Max Baucus khi trả lời phỏng vấn truyền thông đã nói, ông muốn nhắn nhủ với chính quyền Bắc Kinh: “Chúng ta đã bước vào chương mới… Chương cũ là nói để mà nói, chấp nhận các bên bảo lưu quan điểm bất đồng. Chúng ta đã đi qua chương này, nội dung của chương mới chính là hành động”.

Cú đánh mạnh vào tham vọng bá quyền
Với Mỹ và Trung Quốc, quan trọng nhất ở Biển Đông là vấn đề chính trị liên quan đến quyền kiểm soát trên biển. Trong hàng chục năm qua, hải quân Mỹ đã kiểm soát tuyến đường biển quan trọng này, Mỹ cũng hiểu rõ Trung Quốc đang từng bước thực hiện kế hoạch giành lại ưu thế tại khu hải phận quan trọng hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương này. Việc kiểm soát khu vực hải phận này giúp Trung Quốc có sức ảnh hưởng mạnh hơn đối với các nước láng giềng cũng như khu vực Đông Nam Á.
Nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế The Hague là cú đánh mạnh vào tham vọng của Trung Quốc. Cả năm vị trọng tài đều nhất trí không có cái gọi là “quyền mang tính lịch sử” trong yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Theo phạm vi “lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra thì nước này có chủ quyền 85% diện tích vùng Biển Đông.
Theo phán quyết của Tòa Trọng tài, cấu trúc địa lý tại Trường Sa ở trung tâm Biển Đông - không được xem là “đảo”. Luật pháp quốc tế chỉ công nhận “đảo” nằm trong “vùng đặc quyền kinh tế” trong phạm vi 200 hải lý. Dĩ nhiên Trung Quốc phản đối phán quyết này vì chống lại quyền kiểm soát phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đối với Mỹ, phán quyết giúp Mỹ khẳng định đây là con đường hàng hải quốc tế, vì thế lực lượng hải quân nào cũng có quyền đi lại mà không vi phạm pháp luật quốc tế. Quan chức Mỹ cũng muốn thông qua phán quyết có thêm căn cứ đối ngoại trong khu vực tranh chấp này.
Trong bốn năm qua chính quyền ông Obama luôn nỗ lực tăng cường tầm ảnh hưởng tại khu vực này để khống chế Trung Quốc qua chính sách “xoay trục châu Á”. Ông Michael McDevitt, Thiếu tướng Hải quân đã nghỉ hưu cho biết, từ năm 2013 đến nay hai tàu khu trục của Mỹ luôn túc trực ở Biển Đông. Ông nói: “Khu vực này rất quan trọng đối với Mỹ”.
Hải quân Mỹ trong cuộc thao diễn Đối tác Thái Bình Dương tại Đà Nẵng tháng 7/2016
Hiện Mỹ vẫn đang tăng cường quân sự tại khu vực này. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, Philippines từng muốn trục xuất quân Mỹ, nhưng nay đã cùng không quân Mỹ mở 5 căn cứ. Hiện Washington đang thảo luận với Việt Nam để bố trí quân sự ở khu vực cảng Đà Nẵng.
Mỹ, Nhật, Anh, Pháp cùng vào cuộc
Việc Trung Quốc cho xây dựng đảo nhân tạo làm Mỹ lo lắng, người Mỹ cảm thấy lúng túng trước chính sách “cắt lạp xường” của Trung Quốc. Vì so với việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 thì động thái của Trung Quốc hiện nay chưa đủ để Mỹ có phản ứng mạnh mẽ.
Bản thân chính quyền ông Obama cũng chưa có sự thống nhất quan điểm. Lầu Năm Góc, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương chủ trương tăng cường hành động quân sự để kiềm chế Trung Quốc tiếp tục cho xây dựng đảo nhân tạo.
Qua phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế The Hague, Lầu Năm Góc bắt đầu có nhận thức rõ hơn đối với nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp tại Biển Đông, có định hướng rõ hơn trong hoạt động tuần tra. Ông Timothy Heath, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc của Rand Corporation đã nói: “Phán quyết giúp Mỹ có thêm niềm tin trong hành động”. Nhưng ông nói thêm: “Trong thời gian ngắn Trung Quốc sẽ chưa thể từ bỏ tham vọng, còn Mỹ cũng không hy vọng khiêu chiến vì vấn đề này”.
Chiến hạm hải quân Mỹ và Nhật Bản tập trân gần Philippines gần đây
Để đối phó, Mỹ có thể cổ vũ Nhật Bản, Úc cùng một số đồng minh khác ở khu vực này có hành động tương tự nhằm khẳng định rõ quan điểm đây là vùng hải phận quốc tế, thậm chí đồng minh châu Âu của Mỹ cũng có thể tham gia. Anh và Pháp đều cho biết họ cảm thấy hứng thú hoạt động tại Biển Đông, họ có thể lấy danh nghĩa bảo vệ luật pháp quốc tế để biện minh cho hành động.
Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế vừa đúng thời điểm mà Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh. Vài giờ trước khi phán quyết được đưa ra, ông Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khi đọc diễn văn khai mạc đã nhắc “sắp có phán quyết quan trọng”, đồng thời nói với ông Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng “tuân thủ luật pháp quốc tế là lợi ích chung của chúng ta… Trung Quốc và Liên minh châu Âu phải cùng bảo vệ nó”.
Một quan chức tham gia hội nghị tiết lộ, ông Donald Tusk công khai nhắc đến vấn đề này khiến Trung Quốc tức giận, lần đầu ông thấy Trung Quốc tức giận như thế. Do Liên minh châu Âu kiên quyết muốn phóng viên nêu câu hỏi, trong khi Bắc Kinh không muốn, vì thế buổi họp báo mà ông Lý Khắc Cường và Donald Tusk dự định cuối cùng phải hủy bỏ.
Nhìn trong ngắn hạn, điểm xung đột tiềm ẩn số một giữa Trung Quốc và Mỹ nằm ở cách bờ biển Philippines 140 dặm, đó là bãi cạn  Scarborough bị Trung Quốc kiểm soát vào ba năm trước. Đầu năm nay chính quyền ông Obama đã có động thái cảnh cáo ngầm Trung Quốc không được xây dựng thêm đảo nhân tạo. Cho dù quan chức Mỹ từ chối lên tiếng về Hiệp ước Quốc phòng chung giữa Mỹ và Philippines có hay không liên quan đến kiểm soát bãi cạn Scarborough, nhưng một số nhân sĩ Washington vẫn mong muốn Mỹ phải chính thức lên tiếng rõ ràng để ngăn chặn Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc muốn xây dựng thêm đảo nhân tạo, “tôi nhận thấy chúng ta phải sẵn sàng cho cuộc chiến tại bãi cạn Scarborough. Cần phải vạch rõ ranh giới tại khu vực đó”, Cựu Tư lệnh khu vực Thái Bình Dương Admiral Dennis Blair tuyên bố.