Friday 31 March 2017

Lương y như... cái gì... mẫu! - Phạm Khắc Trung

Nhóm bạn chơi thân của chúng tôi năm lớp 12 có Quỳnh. Một hôm cuối tuần, Quỳnh ghé thăm người chị ở cư xá Ngân Hàng dưới Bà Quẹo, gặp được bộ “Lộc Đỉnh Ký” của Kim Dung có sẵn trong nhà, Quỳnh say mê ở lại đọc cho bằng hết. Sáng thứ Hai đi học, vừa bước chân lên tới hành lang ngoài lớp học, Quỳnh đã vội vã đập mạnh vào vai tôi trách, “Mày cứ luôn khen truyện Kim Dung miết. Hôm qua tao đọc bộ Lộc Đỉnh Ký, thấy ông viết có điều phi lý hết sức!” Thấy tôi đứng yên mím môi nhíu mắt nhìn ra điều thắc mắc, Quỳnh giải thích, “Kim Dung cho nhân vật Vi Tiểu Bảo là đứa trẻ vô lại, không có học hành, là con rơi con rớt của mụ ả đào không biết cha là ai. Vi Tiểu Bảo lê la đầu đường xó chợ, nghe mấy ông đồ kể truyện nên nhớ lõm bõm mà thích nói chữ, đúng không? Nhưng trong câu, ‘Nhất ngôn ký xuất… cái gì… mã năng truy‘ mà Tiểu Bảo ưa dùng, chính 2 chữ ‘ký xuất‘ và ‘năng truy‘ mới khó nhớ thì Tiểu Bảo lại không quên, trong khi chữ ‘tứ‘ có gì khó đâu mà Tiểu Bảo lại không nhớ. Mày thấy có phi lý không?”

Tôi từng nghe mấy ông anh kháo nhau về đề tài này nên lọt tủ, bèn cười ha hả vỗ vai trộ Quỳnh, “Đó mới là chỗ dụng tâm sâu xa của Kim Dung đấy! Mày nghĩ xem ‘cái gì… mã‘ là cái gì? Khà khà! Kim Dung nhìn thấy sự dối trá trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản Trung Hoa. Ông thấy nước Trung cộng xuống cấp về mọi mặt, nhất là mặt đạo đức sa sút một cách trầm trọng, những mẫu mực ngày trước không còn. Cái chữ Tín mà người Tàu ca ngợi là một trong những đức tính cao quý của người Quân Tử, làm gì tìm được trong hàng ngũ cộng sản tiểu nhân? Kim Dung cho nhân vật Vi Tiểu Bảo, một kẻ cùng đinh hạ cấp nhất trong xã hội, một đứa đá cá lăn dưa, cả đời chỉ biết dối trá lọc lừa, cờ gian bạc lận, hành vi lại bỉ ổi, vô liêm sỉ…, tuy không biết chữ, lại không biết võ công, nhưng nhờ gian xảo, tiểu nhân... nên lại gạt hái được thành công mỹ mãn, bởi thế hắn mới ngông cuồng và tàn ác, bởi những mặc cảm thua thiệt luôn chất chứa trong lòng. Vi Tiểu Bảo chính là hiện thân của bọn cộng sản vô thần không nhân tính, là vua lật lọng và đểu cáng… Cho nên câu ‘Nhất ngôn ký xuất, tứ mã năng truy‘ của người xưa, qua miệng Vi Tiểu Bảo biến thành, ‘Nhất ngôn ký xuất, c… mã năng truy‘ thôi!”

Quỳnh nghe ra khoái chí, dơ hai tay đập mạnh xuống lan can, giãy người lên cười hô hố, “Mẹ! Phải đểu như mày mới hiểu được cái đểu của người khác!”

Nghe Quỳnh khen, tôi nở mũi bồi thêm, “Kim Dung nhìn rõ bộ mặt thật của cộng sản như đồ vật trong bàn tay. Ông cho Vi Tiểu Bảo làm bạn với Khang Hy, là Hoàng Đế Mãn Thanh; đồng thời là học trò Trần Cận Nam, Tổng Đà Chủ Thiên Địa Hội, một tổ chức Phản Thanh Phục Minh đang bị triều đình truy quét. Tất nhiên ông muốn kết luận rằng, cộng sản là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cặn bã của nền phong kiến ngoại lai lạc hậu và tổ chức khủng bố phản loạn”.

Phân vân hồi lâu Quỳnh mới ngập ngừng hỏi, “Vậy rốt cuộc rồi cộng sản đi đến đâu?”

Tôi trả lời miễn cưỡng, “Thì... rốt cuộc rồi cộng sản cũng đến như Vi Tiểu Bảo thôi, nghĩa là nó sẽ gom góp tiền bạc đã cướp bóc được của dân chúng, dẫn bầy đoàn thê tử trốn tiệt!”

Thời gian qua đã 45 mùa sương gió... Hiện tượng tham nhũng của quan chức cộng sản Việt Nam không còn là lời đồn đoán, mà đã trở thành quốc nạn phổ biến đến nỗi Tổng Bí T Nguyễn Phú Trọng phải ngửa mặt than van: "Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có..." và "cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều khiến người dân như bị ngứa ghẻ".

Tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng, ngày 05/05/2014, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ Đạo phòng chống tham nhũng, đã yêu cầu, "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ trong phòng chống tham nhũng". Tại đây ông cũng đánh giá công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít.

Tháng 10/2014, trước những băn khoăn, lo lắng về vấn đề tham nhũng của cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Chúng ta kiên quyết nhưng phải tỉnh táo, làm lâu dài bằng nhiều biện pháp, làm sao đánh con chuột nhưng đừng để vỡ bình".

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí do Thành y thành phố HCMinh tổ chức vào chiều 08/03/2015, Thiếu Tướng Phan Anh Minh, Phó Giám Đốc công an thành phố đã giải thích: "Tôi cũng xin lý giải thêm vì Ban Nội Chính yêu cầu công an thành phố giải trình là tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì công an thành phố cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên".

Phó Trưởng Ban Nội Chính Lê Minh Trí bổ túc thêm: "Tham nhũng chỉ có cán bộ đảng viên thôi chứ còn dân thường không có tham nhũng". Nghĩa là ông đã mặc nhiên thừa nhận, rằng chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 07/07/2007 của Ban Bí Thư (Khóa X) về sự lãnh đạo của đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng, đã là tấm khiên kiên cố che chắn cho kẻ tham nhũng rồi. Theo chỉ thị này, muốn lập án để điều tra phát hiện các đối tượng nghi vấn là đảng viên, phải được sự đồng ý của cấp ủy đảng quản lý đương sự. Thế là huề trất: "chống tham nhũng khó bởi ta tự đánh vào ta"! Chẳng cần biện hộ "mình với ta tuy hai mà một" gì sất, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định dứt khoát như đinh đóng cột là "ta tự đánh vào ta".

Ngày 03/12/2014, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2013, theo đó Việt Nam xếp hạng 116 trên tổng số 177 quốc gia, và vùng lãnh thổ với điểm số bằng năm trước: 31/100 (0 chỉ mức độ tham nhũng cao nhất và 100 là rất trong sạch).

Trong buổi tọa đàm "Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển", ngày 09/12/2014, Tổng Thanh Tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh đánh giá rằng: "Trong 3 năm qua, chỉ số cảm nhận tham nhũng không tụt, không tăng có nghĩa là có tính ổn định".

"Tham nhũng ổn định", nghĩa là đội ngũ cán bộ đảng viên vẫn thường xuyên noi gương Vi Tiểu Bảo, ùn ùn gửi tiền và thân nhân ra ngoại quốc bằng mọi hình thức, sang các nước Tư Bản đang giãy chết mà tậu thẻ, tậu nhà, tậu cơ sở thương mại... để xây dựng bãi đáp, hậu sự phòng thân.

Để có tiền thực hiện giấc mơ Vi Tiểu Bảo (giấc mơ cộng sản) này, "người ta ăn từng tí của dân, không từ một cái gì" (lời bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ Tịch Nước, tại phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, ngày 11/09/2013).

Và điển hình của việc "ăn không từ một cái gì" là vào ngày 08/01/2017 vừa qua, Bộ Y Tế Việt Nam đệ trình Dự Thảo Luật về máu và tế bào gốc, có đề nghị quy định cưỡng bức hiến máu mỗi năm một lần, ngoại trừ trường hợp không thể hiến máu vì mắc bệnh hiểm nghèo như viêm gan, AID...

Căn cứ vào giá máu chợ đen ở Trung cộng vào tháng 02/2015  là 1,000 đồng Nguyên, hay 160 đôla cho mỗi 100ml máu. Và ở Việt Nam quy định 1 đơn vị hiến máu là 250ml, thì giá 250ml máu là 400đôla.

Ước lượng với 2/3 dân số nằm trong độ tuổi bị cưỡng bức hiến máu, khoảng 60 triệu người, thì hàng năm Bộ Y Tế bán được 1 khoản tiền khổng lồ: 400 đôla X 60,000,000 = 24,000,000,000 đôla (24 tỷ đôla). 

Giả sử rằng chi phí này nọ chiếm 2/3 giá bán, thì hàng năm Bộ Y Tế cũng kiếm được tổng cộng 8 tỷ đôla, hay 133.33 đôla/người, hoặc VN$3,066,590/người (tính theo hối suất VN$23,000/đôla).

Cưỡng bức người dân phải hiến 250ml máu mỗi năm, tức là trực tiếp rút từ thân thể người dân mỗi năm trên 3 triệu đồng (VN$3,066,590) cho sự hiện diện của họ trên trái đất, thì nhất định đó là thuế thân rồi còn gì?

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, (trích):

Thuế thân, còn gọi là thuế đinh, thuế đầu người, hay sưu là một trong thứ thuế của chế độ phong kiến lạc hậu và quân chủ thối nát. Đây là sắc thuế tiêu biểu trong các sắc thuế khoán, đánh vào đông đảo tầng lớp bình dân, nghèo khó. Thuế thân căn cứ vào cư dân địa phương, mỗi dân đinh đều phải nộp.

Ngoài thuế thân đóng bằng hiện vật hay hiện kim, còn có sưu dịch, cũng là loại thuế thân nhưng phải đóng bằng sức lao động.

Khi Pháp đô hộ nước ta, họ tiếp tục áp dụng thuế thân ở Việt Nam cho đến năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim mới bãi bỏ thuế thân đối với những ai không có tài sản hoặc có lợi tức dưới 100 đồng một tháng. (ngưng trích)

Với giá vàng ròng trong nước vào mùa Thu năm 1945 khoảng 400đồng/lượng, thì giới hạn dưới 100 đồng/tháng không bị đóng thuế tương đương với 2 chỉ rưỡi vàng. So với giá vàng trên thị trường hôm nay là VN$36,370,000/lượng, thì 2 chỉ rưỡi tương đương với VN$9,092,500.

Cũng theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì thuế thân dưới thời Pháp thuộc đánh vào các "suất đinh", là đàn ông từ 13 đến 53 tuổi, trừ những người làm trong bộ máy chính quyền và một số trường hợp được miễn khác, vào thập niên 1910, Trung Kỳ là 2 đồng 2 hào mỗi năm.

Trong khi so sánh với lợi tức trung bình của người Việt do Tổng Cục Thống Kê công bố cuối năm 2015 là VN$45,000,000/năm (45 triệu đồng VN/năm), tức VN$3,750,000/tháng (3 triệu 750 ngàn đồng VN/tháng), thì lợi tức trung bình của người Việt mình hôm nay chỉ bằng 1/3 mức quy định không phải đóng thuế thân của chính phủ Trần Trọng Kim vào năm 1945 mà thôi! Hỡi ôi, vậy mà ngày 13/11/2016, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng dám tự hào sảng rằng "đất nước ta có bao giờ được thế này không?"

Những con số điển hình trên cho thấy, mức thuế thân trên 3 triệu đồng (VN$3,066,590) do Bộ Y Tế dự kiến cưỡng bức hiến máu là con số quá lớn, quá bất nhân, nó xấp xỉ lợi tức hàng tháng của người dân trung bình.

Đó là chưa kể tới 1/3 dân số Việt Nam vẫn còn trong tình trạng vắt mũi bỏ mồm, quay quắt trong diện nghèo đói. Báo cáo từ cuộc điều tra của Viện Nghiên Cứu Quản LKinh Tế Trung Ương (CIEM), bản chi tiết cho thấy thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình ở nông thôn đang giảm dần và tỷ lệ hộ nghèo không giảm, tương ứng số hộ tái nghèo tăng lên. Theo đó, thu nhập trung bình của hộ thuần nông chỉ đạt 48,618 đồng/ngày, tức khoảng 1,458,000 đồng/tháng, nếu tính chi tiết, mỗi hộ gia đình có 4 người (một cặp vợ chồng và hai con) thì chia bình quân mỗi người được 12,000 đồng/ngày. Như vậy, thu nhập mỗi người dân ở nông thôn chỉ được 4,320,000 đồng/năm, tương đương 188 đôla/năm (tính theo hối suất VN$23,000/đôla).

Học thuyết đấu tranh giai cấp đã chẳng dạy cho người cộng sản rằng, kẻ thù rình rập muốn tước đoạt của ta một cái gì, để không bị tước đoạt thì ta phải ra tay trước, bằng cách nào cũng được, miễn là quyết liệt và không khoan nhượng. Vậy thì tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, móc ngoặc, làm thấm thoát và lợi dụng vốn quốc doanh, làm kinh tế theo kiểu chụp giựt, bán biển đảo, bán đất, bán rừng, bán tài nguyên quốc gia, rút máu đồng bào… cũng chỉ là một kiểu ra tay trước, đó chính là những đứa con riêng mà đảng không dám thẳng thắn thừa nhận.

Đừng thấy lãnh đạo cộng sản Việt Nam cờ-mờ-vờ-lờ, cờ-vờ-lờ... mà tưởng họ ngu dốt là lầm to đấy. Họ tuy có kém cỏi về đường học thức, kỹ thuật yếu đuối, khoa học không thông, quản trị không rành..., nhưng cái gian manh, đểu cáng thì họ hơn hẳn người khác. Giáo Sư Nguyễn Khắc Viện từng nói, "Chuyên chính vô sản không đáng sợ bằng chuyên chính vô học" đấy là gì?

Chính vì "chuyên chính vô học" nên họ thấu rõ, rằng đại đa số người dân, đặc biệt là giới bình dân, lao động, không thể đào đâu ra hơn 3 triệu đồng (VN$3,066,590) để đóng thuế thân làm giàu cho cá nhân và nhóm lợi ích của họ, cho nên một trong những đơn vị của họ là Bộ Y Tế mới đề xuất dự án cưỡng bức hiến máu để thu cho trọn và không để trót lọt bất cứ một người bình dân, lao động nào hết.

Thay vì chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân theo chức năng của mình, đằng này Bộ Y Tế lại toan tính hút máu nhân dân một cách dã man và bất nhân theo yêu cầu của cấp trên đến vậy, mình phải đánh giá Bộ Y Tế nước CHXHCNVN thế nào cho phải đây?

Còn Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đừng có dại dột mà hồ hởi sảng rằng "đất nước ta có bao giờ được thế này không" nữa nha ông, nhục mặt lắm!



Phạm Khắc Trung