Friday 31 March 2017

Tuổi trẻ và công cuộc dân chủ hóa đất nước

Ngoài sự trong sáng, năng động, tuổi trẻ còn có đức tính nhiệt thành, dấn thân. Vì vậy, tại đất nước nào, trong thời đại nào, tuổi trẻ cũng đều được xem là rường cột của nước nhà. Để nhìn rõ về vai trò của tuổi trẻ, đặc biệt là trong công cuộc chuyển đổi vận mẹnh dân tộc, mời quí thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ với tựa đề “Tuổi trẻ và công cuộc dân chủ hóa đất nước” do Hải Nguyên trình bày sau đây.

Thưa quí thính giả,
Tuần báo TIME của Mỹ số ra ngày 13 tháng 3 năm 2017 đăng bài phóng sự do nhiều ký giả hợp soạn, tựa đề Những Nhà Lãnh Đạo Thế Hệ Kế Tiếp – “Next Generation Leaders”. Bài viết trình bày về 10 người trẻ, hầu hết ở độ tuổi vừa tròn 30, được cho là những người khai phá, vượt thoát khỏi những giới hạn thường tình để vạch ra những hướng đi mới phục vụ nhân quần. Những người trẻ này, nam có nữ có, thuộc nhiều quốc gia các vùng Âu, Á, Mỹ, Phi Châu, Úc Châu; và hoạt động trong nhiều lãnh vực – Thương mại, Nghệ thuật, Giải trí, Công quyền, vân vân. Trong số 10 người này, cô Wai Wai Nu của Miến Điện, tức Myanmar, được tuần báo TIME xem là nhân vật tiêu biểu trong lãnh vực chính trị.

Wai Wai Nu sinh năm 1987 trong một gia đình thuộc sắc tộc Rohingya, tiểu bang Rakhine, miền tây Miến Điện, giáp ranh nước Đông Hồi – Bangladesh. Đây là sắc tộc theo đạo Hồi, thường bị các sắc dân khác của Miến khinh rẻ. Đầu thập niên 1990, để tránh bị quấy nhiễu, gia đình cô dọn lên Rangoon, thủ đô Miến Điện lúc bấy giờ. Năm 2005, khi Wai Wai vừa tròn 18 tuổi, đang theo học Luật thì cả gia đình bị bắt trong chiến dịch càn quyét của nhà cầm quyền quân phiệt. Cha cô, một đại biểu quốc hội đắc cử trong cuộc bầu cử năm 1990, nhưng kết quả bị nhà cầm quyền hủy bỏ, lãnh án 47 năm tù. Mẹ và 3 anh chị em Wai Wa Nu bị xử mỗi người 17 năm. Tất cả đều bị nhốt trong nhà tù INSEIN, một trại giam tàn ác nổi tiếng của Miến.

Tháng 1 năm 2012 gia đình Wai Wai cùng với hàng trăm tù nhân chính trị khác được trả tự do trong chính sách cải tổ kinh tế và chính trị của tân tổng thống Thein Sein. Ra tù, Wai Wai tiếp tục học luật và sau khi tốt nghiệp đã dành trọn thời giờ và năng lực để tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Một trong những thành công ban đầu của cô là chiến dịch “Bạn Tôi” – #MyFriend, kêu gọi giới trẻ Miến Điện, dùng máy điện thoại thông minh tự chụp hình với các bạn không cùng sắc tộc, tôn giáo, gốc gác, và phổ biến rộng rãi chúng qua các mạng truyền thông xã hội. Mục đích của chiến dịch là xóa bỏ hố ngăn cách giữa người với người. Công tác tiêu biểu hiện nay của Wai Wai là dự án “Công lý cho Phụ nữ” bao gồm việc cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí và giáo dục về các quyền căn bản của con người. Động lực thúc đẩy cô chú tâm đến lãnh vực này vì đã chứng kiến và trải nghiệm những bất công mà giới phụ nữ phải gánh chịu trong thời gian 7 năm tù của cô.

Không phải bỗng dưng hoặc ngẫu nhiên mà tuần báo TIME chọn cô gái Miến Điện vừa qua tuổi 30 này làm nhân vật tiêu biểu của giới trẻ trong lãnh vực khai phá chính trị. Có thể nói Giới Trẻ Miến Điện đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho tiến trình đòi dân chủ và nhân quyền đày gian nan, xương máu của đất nước này. Thật vậy, ngay cả cuộc nổi dậy lịch sử ngày 8 tháng 8 năm 1988, mà sau này người ta gọi đây là “Biến Cố 8888” (4 số 8), cũng khởi đầu như là một phong trào đấu tranh của sinh viên. Chính cái chết của sinh viên Phone Maw ngày 12 tháng 3 năm 1988, kéo theo các cuộc xuống đường của sinh viên Trường Đại học Nghệ Thuật và Khoa Học, và Học Viện Kỹ Thuật ở thủ đô Rangoon đã mở ra cao trào đấu tranh đòi hủy bỏ chế độ quân phiệt độc tài ở Miến. Và trong số hơn 300 người bị lực lượng võ trang của nhà cầm quyền quân phiệt hạ sát trong biến cố “4 số 8” này phần đông đều là thanh niên, sinh viên. Tương tự trong số hàng chục nghìn tù nhân chính trị bị giam giữ, một phần không nhỏ thuộc thế hệ “4 số 8”, tức thành phần tuổi trẻ dấn thân sau biến cố ngày 8 tháng 8 năm 1988.

Image result for wai wai nu

Cô Wai Wai Nu đã thừa hưởng được truyên thống hào hùng của tuổi trẻ Miến Điện. Và cô cũng đang truyền thụ truyên thống này cho các thế hệ đi sau.

Nhiều người cho rằng công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước Miến Điện thành công được là do bà Aung San Suu Kyi. Thế nhưng, chính vì chứng kiến cảnh hàng chục ngàn sinh viên nam nữ xuống đường, bất chấp dùi cui và cả những viên đạn bắn thẳng từ lực lượng quân phiệt mà bà Suu Kyi mới tỉnh thức và quyết định tham gia tranh đấu. Thêm nữa, không những giới trẻ đã tạo hứng khởi cho người phụ nữ can trường này dấn thân tranh đấu, mà thành phần này còn là lực lượng nòng cốt yểm trợ và hậu thuẫn cho Bà trong trong suốt quãng thời gian kéo dài hơn 20 năm. Các sự kiện trên cho thấy tầm quan trọng của tuổi trẻ Miến Điện trong cuộc cuộc chuyển đổi vận mạng của nước này.

Tuổi trẻ Việt Nam chắc chắn cũng không thua kém tuổi trẻ Miến Điện. Và dân tộc Việt chúng ta cũng không thiếu những bộ óc và trái tim như của Wai Wai Nu.

Trong tương lai không xa, những bộ óc và trái tim này sẽ cũng xuất hiện và kết hợp để góp phần đẩy mạnh công cuộc dân chủ hóa Việt Nam như giới trẻ Miến Điện đã từng làm.

Lực Lượng Cứu Quốc