Saturday 24 March 2018

Đổ vấy cho chó - Phan Hạnh.

Inline image

Lần đầu nghe nói tới thành ngữ “đổ vấy cho chó”, thật ra tôi không hiểu rõ lắm. Đó cũng vì lý do tôi là dân miệt vườn lục tỉnh miền Nam từ nhỏ chỉ quen nghe nói “đổ thừa”, “đổ lỗi”, sau đó nhờ đi học, đọc sách báo biết thêm “đổ vạ”, và “đổ vấy”; “đổ vấy cho chó” là “blame it on the dog”. Đổ thừa, đổ vấy ai coi bộ hơi khó chớ đổ thừa, đổ vấy chó khỏe re vì chó không biết nói, cho dù chó có tức như bò đá thì cũng đành ngửa cổ kêu tên con gấu. “Gấu! Gấu! Gấu!” Vô ích! Haha…

Mà chó - bạn thân nhất của người - bị người đổ thừa, đổ vấy chuyện gì chớ? Thôi thì đủ mọi chuyện hết. 

Nghệ sĩ vẽ tranh khôi hài Sebastien Millon cho biết “The great thing about having a dog is that you can always blame him for all the stupid shit you do… unless you have a magical dog that knows how to talk. Then you’re just straight-up screwed.” (Điều tốt nhứt về việc có nuôi một con chó là bạn luôn luôn có thể đổ thừa nó cho tất cả những chuyện ngu ngốc mà bạn làm… trừ khi bạn có một con chó kỳ diệu là nó biết nói. Chừng đó bạn kể như tiêu, hết chối luôn.)

 Inline image

 Đổ vấy chó xé bài làm

Nếu nói người có thể đổ thừa chó về mọi chuyện thì hơi quá. Nhưng căn bản là khi nào đổ thừa được thì cứ đổ thừa, mặc dù chuyện vô lý chỉ có “chó nó tin”. Ví dụ bạn đổ thừa là bài tập của bạn đã bị chó ăn như câu thành ngữ tiếng Anh “Dog ate my homework”. Một sự viện lý do bào chữa quá khập khiễng, vô lý, khó tin phải không bạn? Nhưng chắc trên cái cõi đời ô trọc này nó vẫn có xảy ra theo quan niệm “Ăn gian không được thì… bỏ”. Tưởng gì hóa ra là nói kiểu huề vốn.

Cái vụ này bạn nào hồi đi học mà làm biếng làm bài tập như tôi thì biết rành lắm. Tới ngày phải nộp bài làm, thầy cô giáo hỏi “Bài tập của trò đâu?” Trò Nhớt đã từng giở mánh nói dối “Dạ thưa thầy cô, con bỏ quên bài tập ở nhà” và bị thầy cô bắt phải trở về nhà lấy đem vô nạp. Mà không có làm bài thì lấy bài đâu mà nạp? Vậy là được thầy cô tặng cho hai cái “trứng vịt” bự chảng.

Lần nầy trò Nhớt giở mánh mới đáp “Dạ thưa thầy cô, bài làm của con bị chó nó xé ăn nát hết rồi.” (Chắc tờ giấy làm bài tập đó còn dính mùi vị thịt bò khô. Làm bài thì không lo làm, thay vì ngồi cắn bút thì cắn bò khô).

Dĩ nhiên mấy con chó con ngứa răng thích cắn xé giày dép, vớ, giấy v.v. thiệt, nhưng bài làm - nếu thật sự có làm - thì trò Nhớt phải giữ cẩn thận chớ, sao lại để cho chó nó xé đến nỗi “vô phương hàn gắn” (beyond recovery) nữa.

Một diễn viên hài độc thoại Mỹ (standup comedian) có kể tếu về thành ngữ này là khi thầy cô bảo nộp bài làm, anh ta đáp “Dạ thưa thầy cô, nhà em nghèo quá, ngay cả một con chó cũng không có tiền nuôi cho nên em phải tự nhai rách hết bài làm của em rồi.” Thiệt hết biết!

Đổ vấy chó thả trung tiện

Inline image
Vậy thì đổ thừa con chó chuyện gì dễ nhứt, có lý nhứt, có thể tin được nhứt? Theo thống kê, đó là “trung tiện”, còn gọi tránh đi để “nghe cho nó lịch sự” bằng những tiếng lóng là “bỏ bom thúi”, “đánh rắm” “thả gió”, “thả hơi ngạt”, “thổi kèn lá”, “cóc kêu”… Anh ngữ có những chữ “flatulence”, "farting", "trumping", "tooting", "passing gas", "breaking wind"… 

Trong nhà tôi có chó, nhà con gái tôi cũng có chó, nhưng thú thật là tôi chưa nghe chó bỏ bom thúi bao giờ. Vậy đây cũng lại là một cái trò con người bịa đặt để đổ vấy cho chó nữa rồi. Oan ơi là oan.

Tôi có đọc một chuyện cười Mỹ trên Net như sau:

 Một chàng nọ đến nhà bạn gái để đón nàng đi hẹn hò buổi tối. Nàng chưa sửa soạn xong cho nên chàng ngồi chờ ở phòng khách với cha mẹ nàng. Chắc là tại trước đó chàng ăn món đậu nấu thịt kiểu Mễ gọi là “Chili con carne” cho nên đang đầy hơi và muốn thả bớt áp suất hơi. May quá, con chó trong nhà nhảy lên sofa ngồi kế bên chàng. Chàng nắm bắt ngay cơ hội, tự giải tỏa cho nhẹ bớt, có “bạn thân nhất của con người” ngồi bên cạnh để đổ thừa.

 Người mẹ gọi con chó đi chỗ khác. Chàng mừng tưởng chủ nhà có ý rầy con chó. Chàng lại thả một tiếng kèn lá nữa; bà mẹ lại bảo con chó hãy đi chỗ khác.
Đến lần thứ ba, người cha mới lên tiếng: “Spotty! Đi chỗ khác lẹ lên. Ngồi thêm lâu ở đó coi chừng bị miểng bom thối văng trúng bây giờ.”

 Trong một Thư Gửi Bạn Ta, ký mục gia Bùi Bảo Trúc cũng có dí dỏm đề cập đến chuyện này như sau:

 Học sinh đến lớp không nộp bài làm ở nhà thì cứ đổ phứa cho con chó:"The dog ate it!". Ðang ngồi với nhau mà lỡ phát ra một tiếng động không mấy thanh tao từ phía sau, thì cũng cứ đổ cho con chó: "It's the dog!". Nhà không có chó thì đổ cho chó hàng xóm vậy. Cách hai ba nhà cũng được. Cứ đổ cho chó là xong.

 Nhưng chó có thả trung tiện không? Chắc chắn là có. Ðồ ăn vào bụng, sau một vài phản ứng hóa học thì nhất định phải có. Người lịch sự và đẹp thì có thể trong bụng không có những phản ứng hóa học nên không sản xuất ra hơi như họ vẫn thường quả quyết. Nhưng khi nói rằng chó biết và thường hay thả trung tiện, thì chủ của những con chó cãi cho đến cùng để bênh chúng, mà nếu nhận thì cũng vẫn là chó nhà khác có thể làm như thế, chứ chó của đương sự thì không. Do đó, những người đem câu tục ngữ Ăng lê (Love me, love my dog) làm tôn chỉ để sống, làm một thứ điều kiện để ở với nhau, thì cứ tiếp tục đau khổ khi nghĩ ở trong căn nhà chung với chó thì không cách nào có thể tránh được cảnh ngửi trung tiện của chó.”

 Trong một TGBT khác đề ngày 30 tháng 10 năm 2000, BBT viết:

 “Ngoài chuyện tránh một số thức ăn có thể sản xuất ra nhiều hơi, người ta có thể nuôi trong nhà một con chó, cho nó nằm bên cạnh khi ngồi đọc báo, để cho nó ngủ chung trên giường, lôi nó đi khắp nơi... thế nào cũng có lúc cần đến nó nếu các biện pháp kiêng cữ không đem lại kết quả tốt.

 Nhưng những con chó này có tài gì, có khả năng đặc biệt gì có thể giúp chúng ta mà những thứ thuốc như Beano, loại thuốc giúp giảm bớt hơi trong ruột, không làm được? Theo Isadore Rosenfeld, tác giả bài báo, thì người ta vẫn cứ thảnh thơi thả trung tiện như thường, nhưng tội vạ đâu, con chó lãnh hết. Cứ quay sang đổ cho con chó ở bên cạnh là xong hết.

 Nhưng cũng có khi con chó đổ ngược lại thì phiền lắm. Ở Washington, mười mấy năm trước người ta hay kể cho nghe câu chuyện này: Nữ hoàng Anh có hai con Welsh Corgi bà rất thương. Ði đâu bà cũng có chúng bên cạnh. Trong chuyến đi Washington bà cũng mang chúng theo, và cả lúc đi gặp ông Reagan ở vườn hồng bà cũng dẫn hai con chó yêu này đi cùng. Ðang đi bộ ở sân cỏ tòa Bạch Ốc thì một trong hai con Welsh Corgi thả một cái trung tiện rất lớn, ai đứng gần cũng nghe thấy. Nữ hoàng ngượng quá mà không biết phải nói gì. Ði được mấy bước, bà nghĩ không nói cũng không được, kỳ lắm. Thế nên bà mới quay sang ông Reagan nói: "Mr. President, I am sorry." Ông Reagan nghe nữ hoàng xin lỗi xong, mới cười và quay sang nói với nữ hoàng rằng:"Thưa Nữ Hoàng, vậy mà lúc nẫy tôi tưởng là con Welsh đấy chứ!"

 Chuyện có thật hay không thì không rõ, nhưng không nên đổ vấy cho mấy con chó, thế nào cũng có lúc nó quật ngược lại thì chỉ có ngượng mà chết được chứ không đùa đâu.”

Inline image
Đổ vấy mang thức ăn dư về cho chó

 Người ta còn đổ thừa cho chó khi đi ăn nhà hàng hay mang về thức ăn dư. Vì vậy mới có từ ngữ “doggy bag”, túi đựng thức ăn còn dư để mang về nhà cho chó nó ăn. Có luôn luôn đúng như vậy không?  Chắc chắn là không. Lại gieo tiếng oan cho con chó nữa rồi. Đi ăn nhà hàng Tàu, xong tiệc xin cái bao đựng cơm chiên Dương Châu, tôm hùm xào hành gừng đem về, bảo là “nhà em có nuôi một con chó”, nhưng ai sẽ ăn những thức ăn còn dư đó thì chưa biết’ cái này còn phải hỏi lại, "a questionable matter".

 Về điểm này, BBT viết:

“Gọi những cái bao giấy đó là doggy bag là cách để như phân bua với các thực khách trong nhà hàng rằng "Ấy, coi vậy mà không phải vậy đâu nhá! Chúng tôi mang về cho chó ăn đấy chứ chúng tôi thì không có thèm ăn cái thứ còn thừa này đâu... Mồm chúng tôi sang lắm chứ có ăn cái thứ đồ ăn chó này bao giờ... coi cái túi xinh không? Cho chó đấy... doggy bag... ấy mà..."

Và như thế, các ông chủ bà chủ tung tăng đi về, không sợ ngượng với ai cả, vu khống cái gói đồ ăn không ăn hết ấy là để đem về cho chó. Vừa lịch sự, vừa oai: nhà chúng tôi có nuôi cả chó nữa, mà chúng tôi đi chơi vui ở ngoài cũng không quên con chó của chúng tôi ở nhà. Tốt đẹp và tử tế biết chừng nào? Và như thế, khi không, những con chó, không sơ múi gì, không ăn nhậu gì, tự nhiên mang tiếng là có chủ tốt bụng, biết thương chó vò võ chờ chủ ở nhà nên lấy phần về cho chó.

Nhưng tại sao phải làm như thế? Chúng tôi đi ăn, chúng tôi cầm menu, chúng tôi... đi chợ, chúng tôi gọi quá nhiều, chúng tôi ăn không hết, nhưng ăn không hết thì chúng tôi vẫn phải trả đủ tiền, và tiền là tiền lấy ở trong bóp của chúng tôi ra, do chúng tôi kiếm ra để trả cho nhà hàng, thì chúng tôi mang về chúng tôi ăn tiếp có gì mà phải đổ vấy cho con chó ở nhà và gọi cái bao giấy ấy là bao cho chó?

Nói là cho chó ăn, rồi hôm sau chúng tôi lôi ra ăn với nhau thì chúng tôi là... gì đây? Ðó là một việc làm kỳ cục. Tại sao phải lôi mấy con chó ra chống đỡ cho chúng ta khi chúng ta làm cái việc chẳng có gì đáng ngượng cả. Hết đổ cho chó, người ta lại đem những người đàn ông không giỏi bếp nước ra để... đổ luôn.
Những người tốt bụng ở bàn tiệc nhanh nhẩu đề nghị giúp những người đàn ông vụng thối, vụng nát chỉ biết nấu nước pha cà phê là nhiều, bằng cách gọi nhà hàng mang ra những cái bao để gói thức ăn về cho mấy ông đàn ông chuyên trò "cơm đường cháo chợ" hôm sau khỏi phải lăn vào bếp.... Những người đàn ông này thì lại rất sợ cảnh tay túi, tay hộp nên rất mực từ chối, không dám đổ cho chó, nên mấy vị khách tốt bụng tại bàn tiệc lại đành phải mang về vậy.

Như thế, không đổ được cho những con chó, thì người ta đổ cho những người đàn ông sống một mình không biết nấu bếp. Oan cho những con chó và những người đàn ông này biết là chừng nào. Nhưng gần đây, một chiều hướng tốt đẹp đang từ từ được thấy xuất hiện.

Tại mấy bữa tiệc mới đây, danh từ doggy bag hình như thấy ít được dùng như trước. Thay vào đó, là những cái bao giấy mầu nâu - brown bag - như ở những tiệm ăn Mỹ, và những chiếc hộp plastic hay styrofoam ở các tiệm ăn Trung Hoa được đem ra để đựng thức ăn không dùng hết mang về.

Những chiếc hộp đó nhất định không có vẻ gì sẽ được quăng xuống sàn nhà bếp để gọi con chó vào cho ăn. Rõ ràng là để cho người ăn. Bọn chó sẽ từ từ lấy lại được danh dự: không bị đổ cho những điều không mấy tốt đẹp ở những tiệm ăn nữa. Nhưng bọn chó thoát thì những người đàn ông không biết nấu ăn sẽ lãnh hộ những con chó chăng? Ðâu là công bằng của xã hội Mỹ?” (TGBT ngày 16 tháng 4 năm 1999).

Ngày xưa, cách đây khoảng hơn hai chục năm, người Mỹ còn hay đổ cho chó cái tội này nữa. Ði ăn tiệc, thấy đồ ăn thức uống còn nhiều quá mà biết chắc nhà hàng sẽ đem đổ hết vào thùng rác, người ta gọi nhà hàng đưa cho cái túi giấy và một cái hộp plastic để thanh toán những món ăn mà nhiều khi không ai đụng đến vì còn mải tán nhau, hay đợi lên sân khấu hát karaoke cho chết mấy cái lỗ tai đeo bông kim cương nặng hơn của bà. Gạt các thứ vào những cái hộp plastic, bỏ vào gói giấy, lỏn lẻn nói với mấy người khách ngồi bên rằng nhà nuôi mấy con chó to mà tham ăn tục uống vô số kể, đi ăn tiệc mà không mang quà về cho chúng nó là chúng nó ghét chúng nó leo lên sa lông trả thù bằng vài ba đống thì khổ... Nói xong, lại áo lông, hột xoàn, nữ trang sáng ngời đi ngủng nguỷnh ra cửa, lên xe, vừa vào xe là lôi ra ăn cho bõ những ngày cơ cực chứ quà cho chó má nào đâu.

Biết được điều đó, những con chó phản đối rất dữ dội vì chúng mang tiếng là được chủ nhân từ mang đồ ăn về cho ăn, khỏi phải ngày mấy bữa Alpo toàn thịt ngựa nhạt thếch mà không được sơ múi gì nên người ta không dám nói là mang về cho chó ăn nữa.

 Ngày nay, các nhà hàng, vào cuối bữa tiệc, tự động mang nhũng hộp giấy ra để trên bàn để quí khách tự làm lấy, gạt hết các món vào hộp plastic rồi cười duyên dáng với khách trong bàn và mang về, khỏi phải lịch sự gọi đó là những cái doggie bags nữa. Chỉ tội cho những người đàn ông ở một mình, vẫn phải đóng vai hào hoa thanh lịch, mặc dầu muốn mang cả bàn tiệc về để giải quyết chuyện ăn uống cả tuần mà không dám tranh với hai ba phụ nữ khác trong bàn.
Người Mỹ không dùng chữ doggie bags, nữa mà gọi những cái gói giấy đó là mấy thứ mang về nhà: to take home hay to go thì cũng vậy. Nhưng đó là một điều rất hay. Và bề gì, cũng là tiền của mình bỏ ra, tại sao không mang về nhà cho... chó ăn cho vui. Thế là hai vợ chồng về đến nhà, đóng cửa lại, trút bỏ bộ dạ phục, vào bếp, ngồi chồm hổm ăn ào ào với nhau, mặc cho hai con chó đứng ngoài cửa nhìn vào, nước miếng còn tiết ra nhiều hơn con chó của Pavlov, rồi lại tiếc hùi hùi, mang tiếng mang tăm mà không có cái gì vào bụng. (TGBT ngày 16 tháng 6 năm 2008).   
 Inline image
Đổ vấy chó ngáy

Chuyện gì cũng có thể đổ vấy cho mấy con chó được hết. Luôn cả chuyện ngáy to, con chó cũng bị cho lãnh đủ. Giống như con người, khi ngủ say, con chó cũng ngáy. Có khi đó chỉ là tiếng thở mạnh, một chuyện hết sức bình thường. Con chó Hananese Thằng Tí ở nhà tôi tuy nặng chỉ có 5 kí lô nhưng tiếng ngáy của nó nghe cũng lớn bằng tiếng ngáy của tôi. Các loại chó hay ngáy là Havanese, Pekingese, Boston terriers, Bulldogs, Boxers, English toy spaniels, Chow chows và Shih Tzu, vì chúng có hộp sọ hẹp và mõm ngắn. Mà tôi ngáy thì tôi nhận tôi ngáy chớ đổ thừa con chó làm chi. Chủ và chó cùng ngáy càng vui. Ngáy là dấu hiệu của sự ngủ ngon, của một tâm thái bình an, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói như vậy mà qua bài thơ “Vô Sự Là Hơn” của ông:

Hễ kẻ trêu người, kẻ phải lo
Chẳng bằng vô sự ngáy o o
Tay kia khéo nắm, còn hơn mở
Miệng nọ hay cười, có lúc ho
Có thuở được thời, mèo đuổi chuột
Ðến khi thất thế kiến tha bò
Ðược thua sau mới ăn năn lại
Vô sự thường hơn có sự ru.

 Trong một TGBT, BBT có kể một cặp vợ chồng trẻ người nước Lỗ Ma Ni (Romania) đã phải dọn khỏi căn apartment họ đang ở sau khi toà án ra lệnh cho họ phải đưa con chó của họ đi chỗ khác vì nó ngáy dữ quá. Nguyên gia đình này có nuôi một con chó giống mastiff. Con chó đó to thật, nặng khoảng 60 kilô. Hàng xóm hai bên đêm đêm nghe tiếng ngáy từ căn apartment của họ vọng sang, chạy sang hỏi, thì cả hai lấy tay chỉ con chó, nhất định một hai nói nó là chủ nhân của tiếng ngáy. Ðêm này qua đêm khác, hàng xóm mất ngủ vì tiếng ngáy vọng qua, không ai nghỉ ngơi được nữa. Các nạn nhân đưa nội vụ ra toà, và quan toà xử buộc con chó phải đi khỏi khu apartment. Hai vợ chồng này quyết định dọn nhà, đem con chó đi chỗ khác.

BBT thì không nghĩ là con chó ngáy. Ông cho rằng đích thị người vợ hoặc người chồng là thủ phạm, không thể là con mastiff được, cho dù nó là một con chó lớn. Nhưng vợ chồng chủ chó nhất định tránh tiếng xấu bằng cách tiếp tục đổ vấy cho con chó cái tội ngáy to bằng cách họ dọn đi nơi khác. Có thể họ dọn đi vì còn có một lý do khác nữa để thà giữ con chó mà phải dọn đi nơi khác còn hơn là chịu đuổi con chó đi để được ở tiếp trong khu apartment cũ. Nhất là con chó đã quen với chuyện bị đổ cho cái tật ngáy vang ầm khắp xóm đó rồi.
Inline image
Đổ vấy cho chó gây tai nạn chết người

Dù tôi lỡ có đổ vấy cho con chó về tội không làm bài tập, tội gây ô nhiễm không khí vì không kiểm soát được cái bụng bị sình hơi, tội ăn vụng, tội ngáy v.v., các món chạy tội đó kể ra cũng còn có thể thông cảm, châm chế bỏ qua được phải không các bạn. Nhưng còn cặp vợ chồng xứ Ăng-lê này lỡ tay đánh chết đứa con nhỏ mới 11 tháng và đổ vấy cho con chó thì không thể chấp nhận được.

Theo tin đăng trên báo The Guardian ngày 01 tháng4 năm 2015, cặp vợ chồng Paul Thomas, 29 tuổi, và Ashlea Thomas, 21tuổi gọi cấp cứu báo tin đứa con trai 11 tháng tên Oliver Sargent gục xuống và ngừng thở vào ngày 27 Tháng 7 năm 2012. Xe cứu thương đến nơi cấp tốc chở bé đến bệnh viện. Khám nghiệm của nhà thương cho thấy bé mới vừa bị nứt sọ, xuất huyết não và mắt. Bác sĩ cũng tìm thấy dấu tích các vết thương cũ ở xương cổ và xương sườn của bé. Bốn ngày sau, đứa bé qua đời ở bệnh viện Birmingham Children’s Hospital.

Cặp vợ chồng khai với cảnh sát rằng họ không biết tại sao; họ chỉ đoán là các thương tích đó chắc là do con chó tên Rocco của họ gây ra khi nó ngồi lên đứa bé và khi đứa bé té ngã va chạm vào các món đồ chơi. Tuy chối tội nhưng người chồng hỏi công tố viên rằng nếu bị buộc tội thì bản án là tù bao lâu; Người vợ cũng thầm thì lén hỏi mẹ bà ta câu tương tự.

Paul Thomas lãnh bản án 10 năm tù về tội ngộ sát; Ashlea Thomas bị hai năm tù vì tội đồng lõa.

Con người phạm tội ác – dù cố ý hay vô tình - rồi đi đổ vấy cho con chó thì tồi quá các bạn há. Làm như vậy thì có khác gì mình tự hạ mình xuống hàng con vật. Vụ vừa kể ở trên tưởng đâu là một vụ đơn lẻ duy nhất, nào ngờ còn có những vụ khác.

Theo tờ Irish Times, một ông người Đức đã bị kết án về tội giết vợ vào năm 2011 sau khi ông khai với cảnh sát là con chó của vợ chồng ông nuôi đã ngồi trên mặt vợ ông và làm cho bà ngộp thở chết. Theo tường thuật của tờ Times, nhân viên điều tra đã bác bỏ lời khai khó tin của ông chồng này và nói rằng các dấu vết để lại trên cổ vợ ông không thể do con chó gây ra.

Còn nữa, hồi Tháng 8 năm trước, tờ Philadelphia Inquirer loan tin rằng một người chồng đã bị bắt sau khi ông ta khai cái chết của vợ ông là do con chó pit bull của bà ấy gây ra.

Và vào Tháng 3, một tin đọc trên đài KTLA News ở Los Angeles báo cáo rằng một người đàn ông đã định giết con chó của ông ta sau khi ông ta đã vô ý bắn chết vợ. Chẳng lẽ ông khai với cảnh sát là ông giết con chó để trừng phạt cái tội nó đã cầm súng bắn chết vợ ông? Thiệt hết nước nói. Liệu con người còn có thể nghĩ ra chuyện gì khác nữa để đổ vấy cho con chó không? Dạ thưa có, nhưng người viết xin hẹn sẽ kể sau.

PH-HCA