Thursday 28 May 2015

Tưới cây vào lúc nào là tốt nhất ?

Nghe như vậy chắc có người trả lời ngay: Cần thì tưới chứ giữ lại làm gì! Người cẩn thận như ông Cả Đẫn nhà em thì trầm ngâm: “Sức tôi bây giờ một tuần chắc chỉ tưới được một lần.” Cái đó là tùy mỗi người, nhưng nếu hỏi cây thì chắc chắn chúng ta có câu trả lời khác.


Tưới nước cho cây là một việc quan trọng. Nước cần cho cây, nhưng nước cũng có thể giết cây do úng nước. Nghe nói năm nay California lại hạn hán, nên chính quyền kêu gọi dân chúng hết sức tiết kiệm, thậm chí còn phạt tiền những ai làm phí nước. May mắn làm sao, nhu cầu của cây cũng trùng lập với sự cần thiết tiết kiệm nước. Biết giờ thuận tiện để tưới nước, chúng ta vừa giúp cây có điều kiện hấp thụ tối đa mà không làm hại cây, vừa tiết giảm nhu cầu sử dụng nước.

Giờ nào thuận tiện?


Câu trả lời rõ ràng và đơn giản là: Tưới nước vào lúc sáng sớm, trước khi mặt trời chiếu nắng để giảm tốc độ bốc hơi của nước, đồng thời cây có đủ giờ để hấp thụ nước mà chống trả với sức nóng suốt một ngày. Lâu lâu một lần, chúng ta nên cho cây được hưởng “đầm đìa mưa móc” như vậy.

Nếu không tưới được vào lúc sáng sớm vì bận phải đi làm, chúng ta nên tưới vào lúc xế chiều, hoặc trễ lắm là khi trời mới chạng vạng tối. Phải canh làm sao để cái nóng ban ngày đã qua hết, nhưng không gian vẫn còn chút ánh sáng để lá cây kịp khô nước trước khi màn đêm bao trùm. Như vậy, chúng ta sẽ đạt được hai mục đích đồng thời: Nước không bị sức nóng làm bốc hơi, và rễ cây còn có vài giờ đồng hồ để hấp thụ nước. Nhưng tưới cây vào ban chiều, nên để ý một điều là lá cây cần phải có đủ giờ để khô nước trước khi đêm xuống. Bởi vì, lá ẩm suốt đêm dễ phát sinh nấm bệnh. Có bao giờ bạn thấy những đốm trắng trên màu lá xanh mà không hiểu tại sao? Đó chính là nấm bệnh, phát sinh do nước đọng trên lá về đêm. Bên cạnh đó, việc tưới nước quá khuya cũng khiến nước hoặc ẩm độ tích lũy ở gốc cây qua đêm đưa đến nấm bệnh hoặc úng mục bộ rễ.

Từ đó suy ra: Không nên tưới vườn vào lúc đã quá khuya. Nhưng cũng cần tránh tưới vào giữa trưa hoặc lúc nhiệt độ trong ngày đã lên cao. Bởi vì, vào lúc này, nhiều phần nước bị bay hơi, mà chả có bao nhiêu phần thấm vào rễ. Làm như vậy chỉ phí nước mà chẳng ơn ích gì cho cây.


Bao nhiêu cho vừa?

Câu trả lời “đủ là tốt nhất.” Nhưng nếu không biết thế nào là đủ thì nên theo qui tắc “Thiếu còn hơn thừa.

Qui tắc này có thể áp dụng cho mọi thứ. Này nhé, ăn hơi thòm thèm một chút chắc chắn tốt hơn cho sức khỏe; Ăn no cành bụng mà tiêu hóa không kịp thì thế nào cũng bị ợ chua, đau dạ dầy, đủ thứ. (Hôn nhân là mộ chôn ái tình chắc cũng vì thế!)

Tưới nước cho cây cũng vậy: Tưới đậm, nhưng không thường xuyên. Cứ vài ba ngày, hoặc chừng một tuần lễ tùy theo thời tiết địa phương mới nên tưới một lần, mà tưới thật đậm để cây được no nê, và tạo điều kiện cho rễ cái phát triển thêm nhiều rễ con, hơn là tưới hằng ngày mà chỉ có ướt phần trên mặt đất. Cây được tưới hằng ngày, nếu không úng rễ cũng chỉ phát triển được một bộ rễ yếu ớt, chọc xuống không sâu mà chỉ nông choèn choèn gần ngang mặt đất. Y như một anh thư sinh mặt trắng, chân tay yếu ớt, trói gà còn không chặt, làm sao mà chọc sâu xuống được cơ chứ!

Trái lại, một cái cây không được tưới thường xuyên, nhưng khi tưới thì đẫm nước sẽ quen dần với tình cảnh “không nước” và phát triển một hệ thống tự bảo vệ, bằng cách cắm sâu rễ cái, phát triển rễ con, làm cho cây khỏe mạnh, vững vàng trước sự thay đổi thời tiết và cả những lúc khô hạn vì chủ vườn quên không tưới nước. Cái cây bây giờ có thể ví như một anh thợ bào vạm vỡ “còng lưng anh đẩy cái nào cũng sâu!”


Thật là hai hình ảnh khác biệt, có ngờ đâu nguyên nhân chỉ là do tưới lúc nào, và tưới bao nhiêu…. Hiểu được như vậy thì chúng ta chẳng còn thua nhà vườn chuyên nghiệp mấy tí đâu, các bạn ạ!

VŨ HẰNG