Sunday 2 August 2015

Nói Với Người Cộng Sản

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,

Vụ bê bối thông tin về tay Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đột nhiên biến mất trên chính trường trước khi Nguyễn Phú Trọng thăm Mĩ cùng những tin đồn về việc Phùng Quang Thanh bị ám sát hay đã chết đã gây ra sự chú tâm đặc biệt của dư luận, lấn át cả những sự kiện có tầm quan trọng lớn hơn rất nhiều đối với đất nước như sự kiện Trung Cộng mở cuộc tập trận qui mô lớn nhất tại Biển Đông với 100 tàu chiến các loại, hàng chục phi cơ và hàng ngàn binh sĩ thực hiện các bài tác chiến với hàng ngàn bom, đạn và ngư lôi thật từ ngày 23 tháng Bảy đến ngày 2 tháng Tám nhằm "thực nghiệm khả năng phòng thủ trên không và cảnh báo sớm nguy cơ đụng độ".

Trước một hành động có tính khiêu khích và hung hăng như thế, phản ứng của phía chính quyền Việt Nam vẫn chỉ là một vài lời lên án qua loa khuôn sáo của một tay phát ngôn vô danh tiểu tốt của Bộ Ngoại giao. Trong khi đó, tại Phi Luật Tân, đích thân Tổng thống đương nhiệm Aquino III đã xuất hiện trước công luận phản đối mạnh mẽ hành động có tính khiêu khích của Trung Cộng, đồng thời kêu gọi toàn dân tập trung để bầu chọn cho được một tân lãnh đạo mới kế nhiệm ông vào năm 2016 để đưa đất nước tiếp tục phát triển, đủ khả năng phòng vệ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Phi Luật Tân.

Việt Nam chúng ta sang năm cũng sẽ có một ban lãnh đạo mới. Nhưng điều khác biệt căn bản và quan trọng là ban lãnh đạo mới của Việt Nam vẫn sẽ không phải là những người do nhân dân mong muốn lựa chọn mà đó chỉ là một kết quả của một cuộc tranh giành, sát phạt lẫn nhau trong nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam thông qua cái gọi là "Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII" sẽ diễn ra vào đầu năm tới.

Thưa quí vị, quí bạn, cho tới nay cuộc sát phạt, tranh giành quyền lực độc đoán để vơ vét, tham nhũng trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn tiếp diễn và còn nhiều biến cố bất ngờ, chưa ai có thể khẳng định được kết quả chung cuộc. Nhưng tất cả những diễn biến đã xảy ra trong vài năm qua và thời gian gần đây đã làm hiện rõ hơn nhân vật có khả năng thao túng được nhiều quyền lực nhất trong Đại hội XII sắp tới. Nhân vật này, có lẽ tất cả chúng ta đều đã thấy rõ, đó là tay đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chỉ nội trong hai tháng qua, quyền lực và vây cánh trợ giúp cho Nguyễn Tấn Dũng đã có những bước tiến rất mạnh.

Ngày 19 tháng Sáu, cái gọi là "Quốc hội Việt Nam" đã thông qua các tu chính của Luật Tổ chức Chính phủ theo chiều hướng cấp thêm một quyền lực rất lớn cho Thủ tướng. Theo đó, Thủ tướng có quyền bổ nhiệm để thay thế các vị trí quyền lực cấp Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thành phố, trong khi Quốc hội chưa nghị hội.

Ngày 20 tháng Bảy, đích thân Nguyễn Tấn Dũng đã kéo một bí thư huyện ủy từ Kiên Giang – vùng đất thân tín của Nguyễn Tấn Dũng - ra giữ chức Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.
Chỉ sau đó ba ngày, ngày 23 tháng Bảy, tay Thứ trưởng Công an Bùi Quang Bền cũng có gốc Kiên Giang được thăng quân hàm Thượng tướng.

Ngoài ra, hai vị trí quan trọng đứng đầu cơ quan công tố và tòa án là Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đều là các nhân vật xuất thân từ công an từng là cấp dưới của Nguyễn Tấn Dũng thời giữ chức Thứ trưởng Công an.

Về phía Đảng cấp trung ương, Nguyễn Tấn Dũng hiện đang có ít nhất hai nhân vật thân tín có cùng gốc quyền lực sơ khởi từ Kiên Giang là Lê Hồng Anh Thường trực Ban bí thư và Nguyễn Thanh Sơn Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang kiêm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Thưa quí vị, quí bạn, có thể nói Nguyễn Tấn Dũng đã củng cố và xây dựng xong những vị trí chủ chốt đóng vai trò vừa công vừa thủ cho quyền lực riêng của bản thân. Lực lượng võ trang trấn áp đối thủ và bảo đảm an ninh cho bản thân là Công An; Lực lượng kiểm tra, rà soát, khống chế thông tin nội bộ là Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông; Lực lượng nắm quyền truy tố hay không truy tố, kết án-hay không kết án là Viện kiểm sát và Tòa án Tối cao; Một lực lượng có tính đầu não của đảng cộng sản Việt Nam là Ban bí thư.

Bên cạnh những thành phần vừa kể, chúng ta thấy Nguyễn Tấn Dũng cũng đã lập xong cho con cái và gia tộc những quyền lực và ảnh hưởng quan trọng. Bản thân Nguyễn Tấn Dũng đã nắm gần hết sự kiểm soát các chính sách kinh tế quốc gia và thiết lập được các quan hệ với các tập đoàn kinh tế mạnh và giới doanh nhân hàng đầu từ vị thế của người đứng đầu cơ quan hành pháp.

Thưa quí vị, quí bạn, nếu kể thêm yếu tố sui gia với Mĩ và Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Tấn Dũng đang là một nhân vật có nhiều thuận lợi nhất trong cuộc chiến giành vị trí quyền lực cao nhất trong đảng cộng sản Việt Nam của khóa XII tới đây.

Nhưng liệu hoạn lộ, tương lai của Nguyễn Tấn Dũng sẽ tươi sáng hay tối tăm? Đó sẽ là phần trao đổi của chúng ta trong chuyên mục tới đây.

Dian và Tiến Văn xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Tiến Văn