Wednesday 28 October 2015

Nhìn ở Biển Đông nóng bỏng, mới biết ai là con hổ giấy?!

Nguyễn Lộc Yên (Danlambao) - Những năm (1975-1978) chúng tôi còn bị ở trong “trại trù cải tạo”, cán bộ giản giáo bảo chúng tôi khi nói đến “Trung Quốc” phải gọi là “Trung Quốc vĩ đại”, ai không gọi như vậy nếu cán bộ hoặc vệ binh nghe được sẽ bị khiển trách. Ngoài ra, cán bộ trại lại ra rả tuyên tuyền rằng Mỹ là con hổ giấy, chỉ biết hung hăng nhưng chẳng làm nên trò trống gì?!

Thế mà, hôm nay (27-10-2015) quân lực Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường chiến hạm USS Lassen có máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon yểm trợ, tiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo đá Subi và đảo đá Vành Khăn, nơi Trung cộng đã bồi đắp trái phép với quy mô lớn kể từ đầu năm 2014 ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vì lẽ, Chính quyền Mỹ đã quan ngại chiêu bài của Trung cộng đang “phùng mang trợn mắt” cố bám Biển Đông, để Mỹ phải thừa nhận yêu sách chủ quyền phi lý trên vùng biển này, hòng thu hẹp lợi ích của các đồng minh cũng như đối tác chiến lược của Washington trong khu vực Thái Bình Dương. Từ đó, Trung cộng sẽ dần dần thay thế cấu trúc an ninh tại Châu Á rồi gạt dần Mỹ ra ngoài, nên chiến hạm USS Lassen tiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo đá Subi và đảo đá Vành Khăn đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama phê chuẩn, là Chính quyền Mỹ đã/đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ vậy.

Trong khi đấy, “con hổ giấy Trung cộng” (chứ không phải Mỹ) còn to tiếng đánh giặc mồm, Đại sứ quán Trung cộng tại Mỹ đã la hoảng hốt “Mỹ hãy kiềm chế những hành động và những phát ngôn đầy thách thức!”. Còn tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung cộng vào sáng ngày 27-10-2015 (giờ địa phương) đưa tin: “Một chiến hạm của Hải quân Mỹ đã tiến vào khu vực 12 hải lý của vùng đảo Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa)”, Ngoại trưởng Trung cộng là Vương Nghị đang tham dự hội thảo Trung-Nhật-Hàn tại Bắc Kinh, lại nói rằng: “Một tàu chiến của Trung Quốc đã/đang bám sát chiến hạm Mỹ” và ông Vương nói tiếp: “Mỹ nên suy nghĩ cẩn trọng trước khi hành động thái quá, không nên gây chuyện làm càn.”

Riêng Nhật Bản thì tờ Japan Times đưa tin: “Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani hôm nay khẳng định căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng lớn đến an ninh Nhật, vì vậy Tokyo sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình trước khi quyết định phương thức hành động”. Như vậy, có nghĩa là nếu Trung cộng đụng độ với Mỹ, Mỹ sẽ có đồng minh của mình là quân đội Nhật sẽ sẵn sàng tham chiến, vì quân đội Nhật ngày nay đã có quyền tham chiến tại nước ngoài để hỗ trợ cho đồng minh.

Người viết nghĩ rằng “con hổ giấy Trung cộng” la lối: “Bắc Kinh sẽ kiên quyết đáp trả các hành động khiêu khích đơn phương của bất cứ quốc gia nào”, đấy là lời của Thứ trưởng Ngoại giao Trung cộng Trương Nghiệp Toại vừa triệu tập Đại sứ Mỹ là Max Baucus tại Hoa Lục để phản đối.

Dù sao, cũng nên thấy rằng: Cán cân mậu dịch giữa Mỹ và Trung cộng, thì Trung cộng lúc nào cũng có lợi cả, vì các mặt hàng Trung cộng từ quần áo, đồ chơi trẻ em, đến các mặt hàng cao cấp như máy móc điện tử đã/đang tràn ngập thị trường Hoa Kỳ với giá rẻ do chất lượng kém, vì thế hàng Trung cộng có sức cạnh tranh rất lớn.

Nhìn vào năm 2011, hàng Trung cộng nhập vào Mỹ khoảng 400 tỷ USD, trong khi Mỹ chỉ bán cho Trung cộng được 104 tỷ, như vậy thâm thủng 296 tỷ.

Năm 2012, Mỹ nhập của Trung cộng khoảng 425 tỷ và bán cho Trung cộng chỉ có 110 tỷ, như vậy thâm thủng 315 tỷ.

Và theo dự đoán vào năm 2015, Mỹ nhập của Trung cộng khoảng 520 tỷ, Mỹ xuất cảng sang Trung cộng khoảng 140 tỷ, như vậy thâm thủng sẽ là 380 tỷ.

Từ đấy, nếu Mỹ-Trung xảy ra chiến tranh, Trung cộng chẳng những có thể bị thất bại nặng nề về quân sự mà còn tê liệt hoàn toàn về kinh tế.

Giả sử “con hổ giấy Trung cộng” là hổ thiệt thì vào ngày 23-11-2013, Bộ quốc phòng Trung cộng xác lập vùng “nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên bầu trời biển Hoa Đông, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku mà Trung-Nhật đang tranh chấp chủ quyền, Trung cộng đã nhấn mạnh rằng các máy bay đi vào vùng này phải tuân theo luật lệ, nếu không sẽ phải đối mặt với “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp”. Liền sau đấy, hai máy bay B-52 của Mỹ bay qua vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông mà Trung cộng vừa tuyên bố, thì Trung cộng không thể lặng lẽ làm thinh?!

Tuy nhiên, người viết lại lo ngại rằng Trung cộng có thể đánh chiếm Việt Nam, vĩ lẽ nếu thôn tính được Việt Nam thì Hoàng-Trường Sa sẽ thuộc về Trung cộng, vì tỉ lệ rất lớn của hai quần đảo Hoàng-Trường Sa đã/đang thuộc về Việt Nam, thứ đến hầu hết các tướng lãnh chóp bu của Cộng sản Việt Nam lại quỵ lụy Trung cộng như: Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào năm 1988, trước khi xảy ra trận Hải chiến Trường Sa ngày 14-3-1988, quân đội Việt Nam đã phải nhận lệnh oái oăm của ông ta: “Không được nổ súng trong trường hợp Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa”.

Còn đại tướng Phùng Quang Thanh vào ngày 29-12-2014, đã trơ trẽn phát biểu tại hội nghị của Chính phủ với địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, rằng: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”. Thử hỏi, nếu ai đấy có máu xâm lược mà thấy các “Đại hèn tướng” của Cộng sản Việt Nam như vậy, không đem quân xâm lược là để mất cơ hội?!.

Ngày 27-10-2015


USS Lassen có làm thay đổi cục diện Biển Đông?

Mặc Lâm

USS Lassen có làm thay đổi diện mạo biển Đông?
Chiến hạn USS Lassen của Hải quân Hoa Kỳ.
Courtesy of US Navy

Sáng ngày 27 tháng 10 Mỹ đã chính thức mang chiến hạm USS Lassen vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý của các đảo bị Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Khi Khu trục hạm USS Lassen nhận chỉ thị của Tổng tư lệnh quân dội Hoa Kỳ là Tổng thống Barak Obama tiến vào bãi đá ngầm Subi và Vành khăn trên dãy đảo ngầm nằm trong vùng biển Trường Sa, cũng là lúc Biển Đông chính thức mang một diện mạo mới khác với sự độc diễn của Trung Quốc trong một thời gian khá dài.
Sự chờ đợi phản ứng chính thức của Hoa Kỳ đã đến lúc chín muồi và dư luận không riêng gì Việt Nam mà cả Philippines và Trung Quốc cùng nhìn vào đường đi của USS Lassen để dự đoán chính sách Biển Đông mà Hoa Kỳ sẽ mang ra áp dụng với Trung Quốc trong vai trò của một cường quốc quân sự trên biển lẫn trên lĩnh vực ngoại giao.
Chiến lược đưa tàu vào tuần tra là bước đầu tham gia sâu hơn nhằm đối trọng với những hoạt động mà Trung Quốc ngày ngày ăn mòn Biển Đông với các sách lược mà mục tiêu là chiếm trọn vùng biển giàu năng lượng và con đường hàng hải huyết mạch cho cả thế giới.
Hoa Kỳ thấy rõ phương án tằm ăn dâu của Trung Quốc và sau chuyến đi của Tập Cận Bình sang Washington không đạt được một kết quả nào về Biển Đông, cuối cùng thì quyết định đầy khó khăn cũng được mang ra thực hành và từ bước đầu khó khăn ấy khi USS Lassen chạm vào vùng 12 hải lý cũng là lúc mọi sự đã được an bày và tùy vào thái độ cũng như phản ứng của Trung Quốc.
Trước đây vài ngày khi tin tức về tuần tra của Hoa Kỳ được loan tải, phản ứng không chính thức của Việt Nam được một đại biểu quốc hội là ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm ủy ban An ninh Quốc phòng phát biểu:
"Việt Nam mới là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại hai quần đảo này. Do đó, khi ra vào khu vực 12 hải lý ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, phía Mỹ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”.
Câu phát biểu này hàm ý là Mỹ phải xin phép Việt Nam khi mang tàu hải quân tuần tra trong khu vực.
Trả lời câu hỏi này chúng tôi mượn lời TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ trong một bài do chúng tôi phỏng vấn ông cho biết:
"Tôi chưa nói đơn thuần tới chuyện công ước thôi thì nó có vùng an toàn chung quanh đó, các tài sản đó các công trình nhân tạo đó. Ngoài vùng đó là vùng biển quốc tế không có liên quan gì đến vấn đề lãnh thổ trong quần đảo Trường Sa thì họ có quyền đi lại trong tự do hàng hải trong vùng biền quốc tế, vùng biển không thuộc về cái quyền, cái lợi ích của bất kỳ quốc gia nào thì họ không cần thông báo cho bất cứ ai."
Nhìn ở góc độ của một chuyên gia về vấn đề Biển Đông G.S Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu quân sự, kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng của Úc nhận xét về việc khu trục hạm USS Lassen tuần tra tại khu vực 12 hải lý như sau:
"Hoa Kỳ đã phản ứng hơi chậm trễ một chút khi Trung Quốc đơn phương xây dựng đảo nhân tạo trong vùng thuộc khu vực đặc quyền kinh tế mà Philippines tuyên bố chủ quyền, mặc dù Mỹ đã có những thông tin về việc Trung Quốc xây dựng bồi đắp chúng qua hình ảnh từ vệ tinh vào năm ngoái.
Tàu USS Lassen là khu trục hạm được trang bị hỏa tiễn định vị mà Trung Quốc không có chiến hạm nào tương đương và Hải quân Trung Quốc không có khả năng trực diện đối đầu với nó.
Tôi nghi ngờ rằng tàu tuần duyên Trung Quốc sẽ có mặt nhưng không làm được gì, tuy nhiên nếu tàu chiến Hoa Kỳ cứ chạy tuần tra lòng vòng trên biển Nam Trung Hoa sẽ không dừng được việc Trung Quốc bồi lấn trên các đảo ngầm khác nữa.
Nếu Hoa Kỳ quyết định chống lại việc này mà không buộc được Trung Quốc bằng biện pháp mạnh thì tôi không thấy sẽ có kết quả nào. Hoa Kỳ phải ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc nếu không thì tình hình vẫn giữ nguyên trạng như hiện nay mà thôi."
Điều mà G.S Carl Thayer nhận xét đặt ra cho Hoa Kỳ một trách nhiệm nặng nề hơn nếu muốn chặn trước sự lấn chiếm của Trung Quốc trên vùng biển mà Hoa Kỳ cảm thấy có trách nhiệm giữ nó cho an ninh hàng hải cũng như bầu trời.
Can thiệp vào vùng biển này là cách duy nhất có thể ngăn bước tiến của Trung Quốc muốn lấn sâu hơn và từng bước thực hiện tuyên bố của họ về đường chín đoạn.
Sự can thiệp của Hoa Kỳ hơn lúc nào hết cho Bắc Kinh thấy chiến lược của Mỹ là không hề chùn bước hay bỏ rơi đồng minh của họ trong đó có Philippines, là quốc gia luôn mạnh mẽ chống lại sự xâm lấn các đảo đá chìm mà Trung Quốc đang làm.
Từ Việt Nam, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, chuẩn đề đốc hải quân, PGS-TS giám đốc Học viện Hải Quân Nhân dân VN cho biết nhận xét của ông:
"Khi Trung Quốc hung hăng biến 7 bãi đá ngầm thành ra đảo nhân tạo lớn và sau khi bị thế giới phản đối thì họ tuyên bố là không quân sự hóa, vậy thì việc Mỹ duy trì việc cho tàu tuần tra để quan sát tình hình thì tôi nghĩ rằng cũng là chuyện bình thường. Chính nhờ sự hoạt động của Mỹ như vậy mới ngăn chặn bớt sự hung hăng của Trung Quốc đi, đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai nó sẽ tạo cho các nước Đông nam á thấy rằng Mỹ có trách nhiệm với thế giới và khu vực và họ thấy rằng Mỹ không bỏ Đông Nam Á và Châu Á Thái bình dương và đường lối của họ cũng sẽ ổn định lại.
Nếu Mỹ không tham gia vào hoạt động tuần tra hoặc giải quyết những sự việc trên biển Đông sẽ gây cho Trung Quốc ngộ nhận Mỹ là nước yếu thế không dám làm và họ sẽ hung hăng hơn".
Các nước trong khu vực vẫn chờ đợi phản ứng của Trung Quốc. Mạnh mẽ hay kềm chế sẽ cho thấy mối tương quan quân sự và những chằng chịt khác trong đó vấn đề cốt lõi là kinh tế có làm chùn bước Trung Quốc hay không?
Trong khi hầu như toàn bộ các nước trong khu vực có đường biên giới hàng hải tại Biển Nam Trung Hoa đều nhận thức sự lấn lướt, bá quyền và dùng sức mạnh quân sự để trấn áp luật biển của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn chịu đựng của họ, thì việc Hoa Kỳ đem chiến hạm vào tuần tra không những làm tăng thêm sự vững tin mà chính sách đối phó của những nước trong khu vực còn có thêm cơ sở để không còn bị lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc như trước đây.