Thursday 29 October 2015

Tản mạn TUỔI THỌ - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

 
          Vẫn biết cuộc đời là ô trọc, đa thọ là đa nhục, loài người vẫn thích có tuổi thọ cao và sợ sự yểu tử. Bức tranh Tam Đa tóm lược ước  vọng  của người Trung Hoa và những dân tộc Á Đông chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo. Trên đời còn gì sung sướng bằng Phước, Lộc, Thọ. Học hành đỗ đạt ra làm quan, bổng lộc dồi dào, con cháu đông đảo, tuổi thọ cao để thụ hưởng hai cái phước kia.
Trong bức tranh Tam Đa Ông Thọ được mô tả bằng hình vẽ  của một cụ già râu tóc bạc phơ, da hồng hào, trán cao, gồ lên, chân mày dày màu trắng như tuyết (bạch mi); tai to và dài, nhân trung sâu và dài; lưng rùa. Tay ông Thọ cầm trái đào. Đó là tất cả những ấn dấu và biểu tượng  của sự trường thọ.
Ân nhân của tuổi thọ là đời sống phú túc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, sự chăm sóc sức khỏe được đảm bảo. Người có sức khỏe tốt là người biết giữ gìn sức khỏe bằng cách ăn uống điều độ, tránh xa độc chất  của rượu và chất ma túy gây ghiền.
Kẻ thù của tuổi thọ là chiến tranh, sự nghèo khổ, bịnh tật, cuộc sống buông thả và lặn hụp trong tứ đổ tường.
Tuổi thọ của người Việt Nam trước đệ nhị thế chiến không quá 60. Đó là tuổi thọ của dân nông nghiệp làm lụng cực nhọc nhưng không được dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Bịnh thường thấy là bịnh lao, bịnh gan, bịnh thận, phù thủng. Đó là hậu quả  của việc lao động nhiều nhưng thiếu dinh dưỡng, việc dùng thức ăn quá mặn và điều kiện vệ sinh thiếu thốn nên không phòng ngừa sự xâm nhập của vi trùng vào cơ thể qua muỗi mòng, ruồi nhặn và ốc sên bên các lu nước ngọt. Chiến tranh cướp sự sống  của hàng triệu thanh niên Việt Nam khỏe mạnh và có học từ 1945 đến 1975. Trường hợp này không thể xem là yểu thọ được mặc dù họ vĩnh viễn rời khỏi cõi trần ở tuổi đôi mươi.
Tuổi thọ của các dân tộc có nền kinh tế phồn thịnh, khoa học kỹ thuật phát triển, điều kiện y tế vệ sinh đảm bảo, cao hơn các dân tộc đang trong thời kỳ phát triển. Nước Nhật có nhiều người trường thọ nhất thế giới. Sự trường thọ của dân tộc Nhật cũng có nguồn gốc như các dân tộc phát triển ở phương Tây. Điều đáng lưu ý là người Nhật không ăn nhiều thịt như người Tây Phương mà ăn nhiều cá, thực vật và rong biển. Thức ăn  của họ có ít muối, đường và dầu mỡ. Môi trường sống  của Nhật được xem là môi trường sống lý tưởng nhất: nước uống tinh khiết, không khí trong lành. Zen đóng một vai trò quan trọng trong việc làm lắng đọng sự lo lắng, ưu phiền trong tâm não con người tuy rằng người Nhật làm việc rất vất vả dưới mắt những dân tộc khác.
Dưới đây là bảng sắp hạng các dân tộc có tuổi thọ cao trên thế giới:
Thứ hạngQuốc GiaTuổi thọ trung bìnhNamNữ
1Nhật84.68587.3
2Andorra84.28087.6
3Singapore848287
     
34Hoa Kỳ79.877.482.2
73Việt Nam7574.477
    
Andorra là một địa danh tương đối lạ đối với người đọc. Đó là một vùng núi tự trị giữa Pháp và Tây Ban Nha, rộng 467 km2 nhưng Andorra có lợi tức đồng niên tính theo đầu người đến 53,000 My kim. Tuổi thọ của dân chúng ở đây cao nhờ mức sống và sự chăm sóc y tế cao cọng thêm với không khí trong lành của miền núi.
Hoa Kỳ là xứ kỹ nghệ có nền kinh tế phồn thịnh và nền khoa học kỹ thuật phát triển vào bậc nhất trên thế giới nhưng tuổi thọ của người Hoa Kỳ được xếp hạng 34. Vì sao? Chúng ta tạm tìm hiểu vấn đề này qua:
a. thức ăn: có quá nhiều thịt, chất béo (bơ, dầu, mỡ), chất ngọt (đường, mật ong). Người Hoa Kỳ ăn nhiều thịt hơn cá. 
b. tiêu thụ nhiều rượu, thuốc lá và chất ma túy
c. tỷ lệ người bị bịnh ung thư cao
d. tỷ lệ người bị bịnh tâm thần vì thất chí, buồn nản, lo lắng cao
e. tỷ lệ gia đình ly dị, ly thân cao
f. sự tiết độ trong việc ăn uống, hút thuốc và sắc dục không được tôn trọng chặt chẽ.
Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới tuổi thọ của phụ nữ cũng cao hơn tuổi thọ của nam nhân.
Điều dễ hiểu là nam phải gánh vác công việc nặng nhọc, công việc gia đình và công việc quốc gia nhiều hơn phụ nữ.
Trong thời đại nam nữ bình quyền phụ nữ cũng cầm súng như nam nhân nhưng trên thực tế chiến trường nam quân nhân chết trận nhiều hơn nữ quân nhân.
Tỷ lệ phụ nữ ăn uống thiếu điều độ nhỏ hơn nam nhân.
Tỷ lệ phụ nữ uống rượu hay hút thuốc lá, cần sa, ma túy cũng thấp hơn nam nhân.
Ở các quốc gia nơi chế độ đa thê thịnh hành nam nhân có nhiều vợ. Thế là có nhiều lo nghĩ mất ăn, mất ngủ vì những xung đột trong gia đình đến sinh bịnh mà chết!
Số nam nhân góa vợ tục huyền cao hơn số phụ nữ góa chồng tái giá. Người ta cho rằng nam nhân sống cô đơn kém hơn phụ nữ. Xin các nhà tâm lý học, phân tâm học phụ giải thích thêm cho vấn đề được sáng tỏ hơn.
Đó là tất cả những luận cứ cho thấy tại sao tuổi thọ của phụ nữ trên thế giới cao hơn nam giới.
Như đã nói ở phần đầu người ta có chán đời nhưng vẫn thích được sống. Người ta có nói đa thọ đa nhụcnhưng người ta vẫn đi tìm thuốc trường sinh. Trong bài ngụ ngôn La Mort et le Bûcheron, La Fontaine tả lão tiều phu chán ngán nỗi khổ cực của nghề đốn củi  của minh. Ông than rằng sao không chết phứt cho rồi chớ sống làm chi mà khổ như thế này? Thần Chết cầm cái lưỡi hái dài xuất hiện. Lão tiều run sợ và thốt lên rằng "Plutôt souffrir que mourir" (Thà khổ còn hơn là chết). Như vậy nhân loại rất quí sự sống dù là sống khổ hay sống nhục. Trần gian còn nhiều điều hay và đẹp lắm.
Các nhà kinh tế cũng cần sống và thiết tha với sự sống. Nhưng thấy tỷ lệ người già chồng chất lại nghĩ rằng lực lượng sản xuất nhỏ lại, nhân lực vô sản xuất trở thành gánh nặng cho quốc gia. Nhà sản xuất thuốc trường sinh và nhà kinh tế có vẻ như có tư tưởng khác nhau nhưng họ vẫn có điểm chung. Là người ai cũng phải chết. Ông Bành Tổ sống đến 800 tuổi rồi cũng chết (Không biết thực sự ông sống 800 tuổi tức 800 x 365: 292,000 ngày, hay thời gian ở đây hoàn toàn khác với thời gian mà chúng ta đang đứng nghĩa là một năm có 365 ngày. Chúng tôi phải nói như thế vì đơn vị đo lường ‘thước’ ngày xưa không phải là thước <mètre> mà ta dùng ngày nay mà chỉ bằng 0.40 m. Người cao 4 thước cũng chỉ bằng chiều cao trung bình  của người Việt Nam được dinh dưỡng tương đối đầy đủ tức cao 1.60 m). Thuốc trường sinh vẫn bán chạy không cần biết hữu hiệu hay không. Nhà kinh tế nhìn tỷ lệ người trường thọ gia tăng thi lo nghĩ về con số sản xuất  và con số chi tiêu y tế xã hội nhưng ông cũng mua thử một chai thuốc trường sinh để được gia nhập vào hội người trường thọ, giai cấp vô sản xuất mà ông đã gọi khi còn trẻ và có quyền hành. Cứ thế kiếp nhân sinh xoay vần như một chiếc xe không có điểm khởi hành cũng không có điểm đến. Đôi khi còn có sự lẫn lộn giữa điểm đến và điểm khởi hành.
 
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
________
a2a góp :
:-))  :-))
 
 

Giận thì giận, thương vẫn thương!