Sunday 22 November 2015

Luật quốc tế có giải quyết được tranh chấp Biển Đông?

Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario chỉ vào một bản đồ cổ trên màn hình bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin tại trường đại học Công giáo ở Manila. (Ảnh tư liệu chụp ngày 11/9/2014)
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario chỉ vào một bản đồ cổ trên màn hình bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin tại trường đại học Công giáo ở Manila. (Ảnh tư liệu chụp ngày 11/9/2014)
Tòa trọng tài Liên hiệp quốc tuyên bố có thẩm quyền phân xử trong vụ kiện của Philippines chống lại bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông là một đòn giáng thêm nữa cho Bắc Kinh sau khi bị tàu chiến và máy bay ném bom của Mỹ thách thức các tuyên bố chủ quyền ở các hòn đảo vừa xây ở Trường Sa.
Kết quả vụ kiện của Philippines sẽ có ý nghĩa pháp lý, ngoại giao, và thực tiễn như thế nào? Hiệu ứng và tác động của vụ kiện này đối với Việt Nam ra sao?
Trà Mi ghi nhận qua cuộc hội luận với 4 chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu vấn đề Biển Đông và luật pháp quốc tế: luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc từ Việt Nam và luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada.  
Luật quốc tế có giải quyết được tranh chấp Biển Đông?
VOA: Về luận cứ giữa Bắc Kinh và Manila:  một bên dựa vào lịch sử, một bên dựa vào Công ước quy định vùng đặc quyền kinh tế. Làm thế nào có thể giải tỏa tranh chấp khi nó không dựa trên cùng một cơ sở đo lường?

TS Hoàng Việt: Trung Quốc có vấn đề rất lớn là muốn diễn giải luật quốc tế theo cách của họ, có lợi cho họ. Điều này rất khó giải quyết. Chúng ta phải chờ sau khi tòa ra phán quyết thì có lẽ sẽ có những vấn đề ràng buộc Trung Quốc nhiều hơn.
VOA: Quý vị dự đoán thế nào về kết cục vụ kiện này?
Nhà nghiên cứu Kim Phúc: Philippines sẽ thắng. Khi có phán quyết của tòa trọng tài, Trung Quốc cũng sẽ phản bác lại và sẽ tìm cách chia rẽ các nước có quyền lợi trên Biển Đông.
VOA: Trong trường hợp Manila thắng kiện sẽ ảnh hưởng thế nào đến những nước chung quanh, đặc biệt là Việt Nam?
Nhà nghiên cứu Kim Phúc: Nếu Philippines thắng, lý luận của Trung Quốc sẽ bị bẻ gãy trước cộng đồng quốc tế. Việc này cũng có ý nghĩa tích cực với Việt Nam. Dựa vào phán quyết của tòa, Việt Nam sẽ củng cố hệ thống lý luận và dữ kiện của mình trong một phiên xử tương lai nếu khởi kiện Trung Quốc.
TS Hoàng Việt: Thứ nhất, Philippines yêu cầu tòa phán quyết yêu sách lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông có phù hợp Công ước Luật biển hay không. Theo tôi, tòa sẽ bác bỏ đường lưỡi bò này. Trong trường hợp đó, không chỉ Philippines mà cả Việt Nam cũng có lợi. Thứ hai, Philippines yêu cầu tòa phán quyết một số cấu trúc địa lý ở Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào. Như vậy điều này cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của Việt Nam vì có một số cấu trúc địa lý dù đang trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng Việt Nam đang kiểm soát.  Cho nên cũng có những vấn đề tồn đọng.
VOA: Vậy Việt Nam có thể làm gì để hạn chế một phán quyết bất lợi cho mình?
LS Công Định: Việt Nam ngay từ lúc này phải chuẩn bị xem xét đường đi, cách lập của Philippines và nghiên cứu lập luận của tòa để khi mình đưa ra đơn kiện thì được tòa chấp nhận cả về nội dung lẫn thẩm quyền. Có như vậy, ta mới có được cơ hội thắng tốt hơn cả Philippines.
LS Khanh: Việt Nam đã có tham vấn với một số công ty luật của Mỹ về vấn đề này từ 2010. Khi Philippines đưa vụ án ra tòa năm 2013, cuối năm 2014 Bộ Ngoại giao đã có văn kiện gửi tới tòa thừa nhận quyền tài phán của tòa và bảo lưu tất cả quyền lợi chính đáng của Việt Nam trong vụ kiện này. Cần phải có một ủy ban cấp nhà nước về vấn đề Biển Đông, mời tất cả những chuyên gia trong và ngoài nước cố vấn cho chính phủ. Trong vụ kiện này, Việt Nam có lợi rất nhiều vì là cơ sở cho các cuộc đàm phán, nếu có. Phán quyết của tòa sẽ là thắng lợi lớn cho công pháp quốc tế và các nước liên quan. Tuy nhiên, cần xem kỹ lý do Trung Quốc và Đài Loan phản bác thẩm quyền của tòa.
VOA: Các nhà nghiên cứu trong nước có ý kiến thế nào?
Nhà nghiên cứu Kim Phúc: Trước nay Việt Nam tuyên bố ủng hộ giải pháp ‘giữ nguyên trạng’ nhưng theo tôi, ngoài ra Việt Nam cũng nên bắt đầu bàn với Philippines, Malaysia, Brunei để đưa vụ việc ra Tòa Công lý quốc tế phân xử vấn đề chủ quyền của từng nước trên Trường Sa. Theo tôi, nếu tất cả các nước cùng Việt Nam đưa ra tòa công lý quốc tế phân xử chủ quyền thì phán quyết của tòa cũng đi tới yêu cầu giữ nguyên trạng như hiện nay, đạt được mục đích chung cuộc của các nước Đông Nam Á, chúng ta sẽ loại được tham vọng bá quyền của Trung Quốc.   
VOA: Giữ nguyên trạng của thời điểm nào mới là xác đáng nhất?
Nhà nghiên cứu Kim Phúc: Theo tôi, nên giữ nguyên trạng Biển Đông tính tới thời điểm trước năm 1975.
LS Công Định: Liên quan đến vấn đề chủ quyền, khái niệm nguyên trạng rất mơ hồ. Do đó,các nước có thế mạnh bao giờ cũng tìm cách xác lập nguyên trạng cho tương lai để khi có phân xử của một cơ quan tài phán quốc tế thì nguyên trạng đó là những gì họ đã đạt được bằng sức mạnh quân sự. Trung Quốc tránh né các cơ quan tài phán quốc tế nhằm thiết lập một nguyên trạng họ muốn. Đài Loan cũng bác bỏ thẩm quyền của tòa vì họ đang chiếm giữ đảo Ba Bình có diện tích to nhất ở Trường Sa, họ muốn giữ nguyên trạng đó.
VOA: Trong khi bác bỏ thẩm quyền của tòa, Trung Quốc vẫn tiếp tục các biện pháp thay đổi nguyên trạng để đặt mọi chuyện đã rồi. Có biện pháp nào để khống chế hoặc chế tài để nguyên trạng được tôn trọng và các bên có thể chờ nhau giải quyết tranh chấp trong ôn hòa?
TS Hoàng Việt:  Trung Quốc, bên mạnh nhất trong tranh chấp Biển Đông, không sẵn sàng cho giải pháp ôn hòa thì có muốn tìm giải pháp ôn hòa cũng rất khó khăn. Có lẽ giải pháp bây giờ giúp giảm căng thẳng và nguy cơ xung đột là các bên ngồi ký Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông. Thế nhưng, cho tới giờ vướng mắc lớn nhất cho Bộ quy tắc này vẫn là Trung Quốc. Vì vậy, biện pháp giải quyết ôn hòa vụ này vẫn còn rất khó khăn.
VOA: Bộ Quy tắc chưa đạt được, Tuyên bố ứng xử không được tuân thủ, Trung Quốc đứng ngoài tất cả, không chấp nhận thẩm quyền của tòa và cũng không tuân thủ phán quyết của tòa. Một phán quyết không có tính cưỡng hành pháp lý có tác dụng thế nào?
Nhà nghiên cứu Kim Phúc: Cho dù Trung Quốc không đồng ý, đó cũng là một thắng lợi về mặt chính trị để chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Trung Quốc không bao giờ tuân thủ luật pháp quốc tế dù miệng vẫn nói như thế.
VOA: Có thể làm gì nếu Trung Quốc không thực thi phán quyết của tòa?
Nhà nghiên cứu Kim Phúc: Lúc đó, các nước trong Đông Nam Á cần phải xem lại thực lực của mình và tính một biện pháp khác: toàn bộ khu vực cần phải làm gì để không mất biển đảo, đó là thời kỳ mới của quan hệ ở Đông Nam Á.
TS Hoàng Việt: Sức mạnh của luật pháp quốc tế không phải lúc nào cũng là sự cưỡng chế. Dư luận quốc tế có một sức ép. Nhìn vụ Nicaragua kiện Mỹ năm 1986. Lúc đó tòa phán Hoa Kỳ thua, phải bồi thường 300 triệu đô cho Nicaragua. Mỹ ban đầu khước từ, nhưng sau đó cũng phải xuống nước trước áp lực của quốc tế và công bố gói viện trợ 500 triệu đô.
VOA: Ví dụ đưa ra từ những nước tuân thủ luật lệ, nhưng đối với Trung Quốc, một trường hợp cá biệt trước nay chưa thấy tuân thủ, chỉ thấy bất chấp, thì làm thế nào?
TS Hoàng Việt: Tôi tin nếu tòa ra phán quyết rõ ràng, hoàn toàn bác bỏ yêu sách lưỡi bò thì áp lực quốc tế cũng sẽ khiến Trung Quốc phải chấp nhận một phần nào đó, chứ không phải phớt lờ là được đâu.
LS Đức Khanh: Không lý gì một nước muốn đóng một vai trò càng lớn mạnh trong cộng đồng quốc tế lại đi từ bỏ vị trí của mình trong khuôn khổ xây dựng nền tảng công pháp quốc tế. Tôi nghĩ, giai đoạn này Trung Quốc đang thử phản ứng quốc tế để có chiến lược sau đó. Tôi tin rằng Trung Quốc từ lâu đã có chuẩn bị hồ sơ gồm các cơ sở pháp lý vững chắc để ra trước Tòa Công lý quốc tế về vấn đề chủ quyền. Cho nên, dù lúc này và trong tương lai họ vẫn tiếp tục phủ nhận, nhưng họ sẽ phải đưa ra những luận cứ. Mặt khác, thời gian gần đây, Mỹ đã tăng áp lực lên Trung Quốc và sẽ càng ngày càng tăng áp lực này, buộc Trung Quốc phải bước vào bàn đàm phán. Những quyết định về pháp lý sẽ là cơ sở cho những quyết định về đàm phán. Vấn đề nguyên trạng sẽ được giải quyết bằng con đường đàm phán chính trị và ngoại giao.
VOA: Vai trò của Việt Nam trong vụ kiện này thế nào? Việt Nam nên tận dụng tình thế hiện nay để đệ đơn kiện cho riêng mình hay chờ đến sau vụ kiện của Philippines ngả ngũ dự kiến được đưa ra vào giữa năm sau? Mời quý vị đón theo dõi phần 2 cuộc hội luận trong chương trình phát thanh tiếp theo.
0:00:00