Sunday 22 November 2015

Tạ Phong Tần và Món Ăn Chơi Nam Bộ

Người miền Tây Nam bộ có câu hát vui rằng: “Chèo ghe bán cá lòng tong, mũi chảy lòng thòng chẳng có ai mua.” Ghe là một loại xuồng lớn, thân rộng và bầu, mũi thấp, thường dùng để vận tải lúa gạo, củi trên sông. Còn cá lòng tong thì lại nhỏ xíu bằng đầu đũa, chẳng ai lấy ghe mà chở cá lòng tong bao giờ, làm gì có nhiều cá lòng tong đến mức phải chở bằng ghe. Mũi chảy lòng thòng thì đích thị là mấy đứa con nít “thò lò mũi xanh” làm chuyện “ruồi bu kiến đậu,” hổng ai mua là đúng rồi.

Hình minh họa.

Hồi nhỏ, tôi hay nghe bà ngoại nói: “Hồi trẻ tao mê coi hát, hổng có tiền mua vé ngồi ở trên, mua được vé ngồi ghế hạng cá kèo là mừng húm.” Hạng ghế cá kèo là hạng bét nhứt, thấp nhứt, ngồi ở tầng hai mà còn xa biệt dục, nhìn lên sân khấu thấy nghệ sĩ đi tới đi lui nhỏ xíu như con búp bê, người xem không thể nhìn rõ mặt. Cá kèo đã bị coi là nhỏ rồi, nhưng con cá kèo còn bự hơn con cá lòng tong gấp mấy lần nữa. Con cá lòng tong nhỏ bé như thế, nên mới có câu ca: “Thiếp như con cá lòng tong/ Ðói đem kho quẹt đỡ lòng trống không.” Cư dân mạng còn lưu truyền câu chuyện khôi hài về cái sự “nhỏ” của cá lòng tong như sau:
“Ông Tý (mới đi bộ đội về) gắp một mớ cá lòng tong kho tiêu vào chén. Ông hỏi: ‘Cá nầy là cá gì mà ngon quá. Kho tiêu cay, ăn thấm miệng.’ Bà chị dâu ông cười và trả lời: ‘Ðây là cá lòng tong.’ - ‘Cá lòng tong là cá gì?’ ố ‘Là một loại cá voi, đã được sống trong xã hội chủ nghĩa lâu năm.’”

Nghe nói ở miệt sông Tiền, sông Hậu nước ngọt, khi mùa nước nổi bắt đầu dâng ở đầu nguồn ngập các bờ bãi ven sông là thời điểm bắt đầu của mùa cá lòng tong. Mùa này kéo dài cho đến cuối năm âm lịch. Ðể bắt cá lòng tong, người ta đào một cái ao rộng khoảng mười mét vuông, mở một cửa có rãnh nhỏ, ngắn dẫn ra sông (hoặc kênh, rạch). Nơi rãnh tiếp giáp kinh, rạch được chặn lại bằng một tấm lưới cứng mắt dày hoặc tấm phên tre. Khi nước lớn, người ta rút tấm lưới (phên tre) lên, nước vào đầy ao thì hạ tấm lưới (phên tre) xuống. Khi nước ròng rút ra ngoài thì cá bị giữ lại trong ao, chỉ việc dùng vợt lớn để xúc hay dùng tấm vải mùng lớn, hai người cầm hai bên lội dưới ao kéo qua một cái là cá dính vào đầy tấm vải.

Hoặc người ta dùng mồi và cần câu để câu cá lòng tong. Chiếc cần câu trúc nhỏ uốn cong vòng, đầu cần câu buộc sợi cước ni lông trắng mỏng dính lấp lánh trong ánh nắng có cột cái lưỡi câu nhỏ xíu. Mồi câu là cơm nguội hoặc trùn cắt khoanh nhỏ nhỏ trộn với cám rang thơm phức. Người ta câu cá lòng tong ở bờ sông.

Quê tôi vốn sát bờ biển, các con sông, kênh đều có hai mùa nước lợ và nước mặn. Nước sông chỉ ngọt khi đầu mùa nước nổi, mưa thật lớn, nước tràn trề từ sông Tiền sông Hậu đổ về thì nước mới ngọt được vài ngày. Ðây cũng là lúc các loại cá đồng, trong đó có cá lòng tong từ thượng nguồn trôi xuống tấp vô các ao hồ, đồng ruộng rồi sống luôn ở đó, chớ trôi ra sông gặp nước mặn từ cửa biển ập vào là lòng tong sống hổng nổi. Vì vậy mà cách bắt cá lòng tong quê tôi cũng khác hơn thiên hạ.

Thường thì người dân quê tôi không câu cá lòng tong trong ruộng lúa, mất thời gian nhiều mà thu hoạch ít, họ chú tâm giăng lưới, đặt nò, nơm những loại cá lớn hơn. Muốn bắt cá lòng tong, người ta dùng lưới mềm mắt nhỏ hoặc vải mùng, cột vào một thanh tre, hai người cầm hai bên kéo lội qua ao một cái leo lên là trong lưới đầy cá lòng tong trắng xanh lấp lánh, nhảy xoi xói, nhìn thấy phát ham. Hoặc vào mùa nắng, nhân dịp tát đìa, người ta mới “thu gom” lòng tong luôn một thể. Nhà nào có ao, gặp lúc khan hiếm thức ăn hay muốn để dành cá lớn bán, chủ nhà mới xách cần câu ra câu chừng một rổ nho nhỏ lòng tong đủ để làm một mẻ kho khô trong nồi đất là xong.

Nhà tôi không có ao, cũng không có ruộng. Lạng quạng ra ao người ta xúc cá chúng rượt chạy hổng kịp. Vào những năm 80, mỗi lần mưa lớn, nước từ các ao lớn tràn ra ngập sân những ngôi nhà cổ đọng thành vũng rất lớn, cá lòng tong, cá bẩy trầu lội đàn đàn trong vũng nước. Mảnh sân sau biệt thự ông Hội Ðồng Trạch là một nơi vớt cá lý tưởng. Lúc này, nhà ông Hội bị tịch thu làm viện bảo tàng, cửa đóng then cài, sân sau vắng ngắt, cỏ mọc chen lẫn với rong rêu. Nhà tôi lúc đó ở gần biệt thự ông Hội. Mỗi lần mưa lớn, tôi xắn quần, xách rổ đến sân sau biệt thự, lội xuống rượt vớt cả lòng tong lẫn cá bẩy trầu đem về kho quẹt.

Cá lòng tong, cá bẩy trầu rất mềm, thịt ngọt, vảy nhỏ và mỏng mịn như đầu tăm. Làm cá rất dễ, chỉ cần lấy tay bấm chỗ yết hầu cá ngắt ngược lên là lôi nguyên bộ ruột và đầu cá bỏ ra ngoài. Xong bỏ cá vào rổ tre, để vào thau nước muối pha loãng mà chà cá chạy lòng vòng trong rổ, đến khi nào thấy cá đã tróc hết vảy thì thôi, thay nước khác rửa sạch bụng cá, để ráo là có thể đem nhúng bột chiên giòn hoặc kho tiêu. Nhúng bột chiên để ăn chơi, là một món xa xỉ. Thời bấy giờ, mỗi gia đình hàng tháng chỉ được mua nửa ký mỡ phân phối của hợp tác xã, làm gì có đủ mỡ mà chiên giòn cá. Cho nên, hễ cứ bắt được lòng tong là kho tiêu tới tới.

Cá làm sạch để ráo nước cho vào nồi đất, đổ nước mắm ngon vào xăm xắp, cho thêm một ít bột ngọt, một chút đường (tùy khẩu vị) rồi bắc nồi lên bếp kho lửa riu riu cho đến khi cá và nước mắm còn sền sệt, thêm vào ít tóp mỡ hoặc dầu ăn và nhắc xuống. Rắc lên mặt một ít tiêu xay và hành lá xắt nhỏ. Người nào ăn cay nhiều có thể bằm thêm chút ớt rải lên mặt nồi cá, khi ăn thì gắp ớt ăn thêm. Ngoại tôi kho cá lòng tong, sau khi đã rút hết nước mắm vào cá, lúc nào ngoại cũng thêm vào nồi cá chừng nửa chén nước cơm mới chắt ra từ nồi cơm trên bếp, rồi tiếp tục kho lửa riu riu. Nước cơm thấm vào cá, cá thấm vào nước cơm, làm cho nước cơm đổi màu nâu vàng như màu cá, cá mặn nhưng nước cơm chỉ hơi mặn thôi, nó làm cho nồi cá thêm sền sệt, thơm ngon, ăn rất vừa miệng.

“Cơm chiều kho cá lòng tong/ Chấm đọt nhãn lồng bổ óc bổ gan.” Hôm nào nhà bếp có món cá lòng tong thì phải nấu hơi nhiều cơm hơn ngày thường một chút. Người ta còn ăn cá lòng tong kho tiêu với cháo trắng nấu nhừ hay cháo đậu đỏ.

Thông thường, cá lòng tong kho tiêu được ăn với canh chua bắp chuối nấu cơm mẻ. Rau muống, rau lang, đọt bầu, đọt bí, đọt nhãn lồng, rau trai luộc hay chuối chát, khế, khóm, bạc hà xắt mỏng. Nhãn lồng là một loại dây leo, còn có tên gọi khác là cây lạc tiên, Ðông y dùng làm thuốc trị ho và an thần, chớ hổng phải cây nhãn lồng để dành cho con chim khuyên ăn trái.

Sở dĩ tôi biết rõ rau nhãn lồng này là vì sau ngày 30 tháng 4, 1975, ai bị bệnh gì vô bệnh viện Bạc Liêu cũng đều được bác sĩ kê toa hai thứ thuốc không bao giờ thay đổi là Xuyên Tâm Liên (viên nén) và chai xi-rô Lạc Tiên, đem về uống đến phù cả mặt mũi mà vẫn không hết ho. Có thời gian, người ta lợi dụng đặc điểm an thần và ngọt như chè của xi-rô Lạc Tiên, bèn vô bệnh viện khai ho để được mua xi-rô Lạc Tiên đem về pha với nước đá uống chơi như một loại “nước giải khát hảo hạng.”

Xứ Bạc Liêu vốn nổi tiếng nhiều tôm cá, “Theo anh về xứ Bạc Liêu/ Ăn cá thay bánh, bàu nghêu thay quà,” vậy mà chẳng mấy khi nhà tôi được ăn con cá lớn. Nông dân nuôi được cá, bắt được cá ngon nhưng không bao giờ dám ăn mà thường đem ra chợ bán để lấy ít tiền mua nước mắm, nước tương, dầu lửa, bột ngọt,... và họ chỉ dám ăn những con cá vụn vặt mà người ta thường gọi là cá hủn hỉn, tức là cá nhỏ xíu, cá tạp nhiều loại dạt ra không bán được ở chợ như: lòng tong, lòng ròng, bảy trầu, lia thia, cá sặt con, cá rô con...


Mỗi khi mùa mưa đến, nghe tiếng sấm ì ùng dội lại từ đâu đó rất xa, nhìn phía chân trời thấy mây đen cuồn cuộn, vài tia chớp sáng lòe, gió thổi ào ào cuốn theo cát bụi, lá cây đập lên mái nhà ầm ầm, không khí hơi lành lạnh rồi từng giọt từng giọt mưa to ném xuống đến rát da, tôi lại nhớ về thời thơ ấu của mình với những con cá lòng tong.