Wednesday 9 December 2015

Sài Gòn, tháng ngày trôi nổi - Trần Doãn Nho

Đầu năm 1982.
Sau khi được “trả quyền công dân”, nghĩa là nắm được mảnh giấy để đi lại hợp pháp sau một thời gian dài chờ đợi,  tôi vội vã rời Huế, tìm vào miền Nam, cái túi chứa của đất nước. Miền Nam hiền hoà, hiếu khách, được thiên nhiên ưu đãi, là một chốn bao dung cho đủ mọi thành phần, mọi miền đất nước. Trốn nợ, vào Nam. Bỏ chồng, vào Nam.  Kiếm sống, vào Nam.  Đói, vào Nam.  Rét, vào Nam.  Bị truy nã, vào Nam.  Sau 1975, dường như  cả đất nước tìm cách vào Nam. Đất lành, chim đậu. Miền nam, từ xưa, đã là nơi ôm ấp, che chở cho mọi đứa con của đất nước, vì lý do này hay lý do khác không thể ăn yên ở yên ngay tại nơi chôn nhau cắt rún của mình. Một hình thức Nam tiến.
Trước tiên, tôi tìm đến Bình Dương. Không xong. Lại tìm về Trị An. Không xong. Tìm đến nương rẫy sâu trong rừng Long Khánh. Cũng không xong. Xuống Bạc Liêu, Cà Mâu, Rạch Giá. Về Mộc Hóa, Long An. Lại không xong.  Không xong, không phải vì đất không lành, người không tốt, mà chính vì ngay tại trong lòng mình nữa. Cuối cùng, quay ngược trở lại Sài Gòn. Thì ra với tôi, Sài Gòn có cái thân thương riêng của nó. Chính Sài Gòn vẫy gọi tôi vào. Sài Gòn, dù sao, là nơi ít có vẻ cộng sản nhất trong một đất nước đang đắm chìm trong phòng thí nghiệm Cộng Sản. Sài Gòn là nơi có thể trở thành vô danh, trở thành một phần tử của đám đông, trở thành mất tên. Sài Gòn lẩn quất, che dấu. Đi giữa đường phố Sài Gòn, ta tạm thời có thể yên tâm. Một người như mọi người. Đó là đặc điểm của Sài Gòn. Ngay cả trong những lúc chính quyền Cộng Sản o ép nhất, Sài Gòn vẫn là nơi ẩn náu lý tưởng nhất. Tại đó, dịp này hay dịp khác, thỉnh thoảng đâu đó, tôi tình cờ gặp một số khuôn mặt – bạn bè có, người quen có, người cùng trại tù có, trốn cải tạo hoặc vượt ngục – hiện bị truy nã tại địa phương.
Tôi không “trốn cải tạo”, không “làm phản động”, nhưng đời sống ở Huế gay gắt, khó khăn quá, và bị đám công an địa phương ngày đêm rình rập  dòm dỏ  quá, nên  đành bỏ đi. Một mình. Bỏ gia đình ở lại. Cũng là một cách trốn.  Lúc đầu, tôi tìm đến nhà một số người quen, một số bạn cũ. Nhưng chẳng nơi nào ở yên được, vì chính sách hộ khẩu rất chặt chẽ, công an khu vực lại ngày đêm canh chừng, soi bói, nên dù thân đến đâu, người ta cũng phải e dè. Thôi thì đành chọn một cách sống mới là: không ở đâu hết. Nghĩa là cứ lang thang trên đường phố, tới đâu hay đó. Đó cũng là một cách trốn: trốn ngay trên đường phố. Bắt chước một số người quen, tôi sắm một cái xách nhỏ, trong đó luôn luôn có sẵn một số vật cần thiết: áo quần lót, kem bót đánh răng và vài thứ linh tinh khác. Tiện đâu xâu đấy. Nhà nào tá túc được một đêm thì cứ tá túc. Bằng không, khi thì ở trong công viên, khi thì dưới thềm nhà một ai đó, khi thì bến tàu, khi thì bến xe, có khi ngủ ngay trong hay trên trần xe chở khách, khi thì ngoài thềm một cơ quan hay một công ty nào đó.
Cuối cùng, tôi tình cờ gặp lại một người bạn thân. Anh trốn cải tạo, lang thang nhiều năm ở Sài Gòn. May mắn thay, một gia đình người quen vượt biên, để lại cho anh một túp lều nằm sâu trong một khu dân cư quận Tân Bình. Vùng này vốn là vùng đất hoang ngày xưa. Do không ai là chủ nên người ta biến thành nghĩa trang, chôn cất thân nhân. Thời chiến tranh,  những người lưu tán từ các vùng quê lên, thấy chỗ nào trống là dựng tạm mái lều để ở. Thành thử nhà ở và mồ mả “chung đụng” nhau. Cư dân ở đó vẫn có thói quen nhậu ngay trên mộ “láng giềng” và ngủ lại đó luôn. Mồ mả và cư dân trở thành quen thuộc.
Khi nào kẹt là tôi tìm về “nhà” anh. Nhà chật, không có chỗ, túng quá đêm về, tôi về đó và kiếm một ngôi mộ, che mùng nằm ngủ. Mộ ở đây phân chia giai cấp, mặc dù cái chết lúc nào cũng bình đẳng. Có mộ giàu, mộ nghèo.  Bởi thế, là mộ đấy, nhưng thật ra, trong lúc nhiều mộ bị bỏ hoang, không hương không khói thì nhiều mộ chẳng khác gì ngôi đền, có mái che, có cột trụ, có hình rồng phượng rất đẹp. Có mộ còn có cả bàn ăn, ghế ngồi. Nền và phần phía trên mộ lát gạch hoa phẳng phiu, bóng loáng.  Nhiều mộ xưa hoặc khá xưa, loại cổ mộ, không hề thấy bóng thân nhân. Những ngôi mộ mới, thân nhân thường đến thăm viếng nên hương hoa, vật phẩm để lại thường xuyên. Có khi thân nhân để lại nguyên cả mâm đồ cúng với đủ thịt thà, cây trái, cơm gạo. Những tay ăn xin thường đi săn lùng đồ cúng trên những ngôi mộ, nhất là những ngôi mộ mới, nằm khuất sau các bụi cây. Những ngôi mộ này, đồ ăn bao giờ cũng nhiều, có lẽ vì thân nhân ít sợ bị lấy cắp. Dân vô gia cư ở Sài Gòn không thiếu kẻ thường xuyên ngủ trên mộ. Chính cái đám dân lang thang này đã che chở cho tôi được tạm “ẩn cư” khá dài ngày ở khu này, dù không thường xuyên lắm. Công an phường, công an văn hóa mở nhiều đợt truy quét khu mộ, nhưng lúc nào cũng vơ phải đám vô gia cư, nên về sau thường làm lơ, vì chẳng kiếm được “xơ múi” gì. Nhiều đêm, thao thức không ngủ được, nhìn ánh trăng tỏa sáng trên những ngôi mộ chen chúc nhau, tôi có cảm giác sự sống và sự chết quả là gần gũi. Cõi âm và cõi dương cũng chỉ là “một” trong cái thế giới nhiễu nhương này.
*
Việc đầu tiên của tôi là đi bán áo quần. Đúng ra là đi bỏ mối áo quần. Độ này, ở Sài Gòn, sau một thời gian cấm đoán nghiêm ngặt mà không đi tới đâu,  chính quyền thành phố có phần nới lỏng chút xíu về kinh tế, để cho người dân được  buôn bán.  Đúng ra thì nhà cầm quyền làm lơ để cho tư nhân bung ra buôn bán chút ít  nhằm điều hòa việc lưu thông hàng hoá trước viễn cảnh của một sự bế tắc hoàn toàn. Các chợ có hơi rộn rịp trở lại. Khách vào khách ra có phần tự do đôi chút. Trước đây, cán bộ thuế đi rảo cùng khắp. Một số mặc đồng phục, có huy hiệu thuế đeo trên áo. Một số khác, ăn mặc giả dạng, rình rập, phục kích người mua cũng như người bán để tịch thu hàng hoặc đánh thuế. Họ có quyền bắt giữ từ một cặp gà cho tới vài đôi vớ.  Đi bỏ mối, hàng dấu đã đành. Mua về dùng cũng phải dấu.Vì lỡ bị bắt vào trạm thuế, bị  đánh thuế oan uổng. Kiện tụng thì mất công bỏ việc, mà chưa chắc đã đi tới đâu. Lúc này, nhân viên thuế chỉ bắt giữ những vụ buôn bán lớn, những lô hàng lớn. Họ được phân công ở một số vị trí nhất định, và phải mặc đồng phục.
Dù thế, chẳng có quy định nào cụ thể, rõ ràng, cho nên “sớm nắng chiều mưa”, hàng vẫn có thể bị bắt đánh thuế bất cứ lúc nào. Chở hàng đi dọc đường, mang hàng vào chợ phải rất cẩn thận. Áo quần, tôi lấy ở nơi người chị họ. Biết tôi không có vốn, chị cho tôi đi bỏ mối. Bỏ được cái nào, ăn cái đó. Số còn lại mang về. Tôi tìm mối ở nhiều chỗ, cho gối đầu thoải mái. Chợ An Đông, chợ quận Tám, chợ Kim Biên, chợ Đại Quang Minh, chợ Bà Chiểu. Còn chiều về, mang áo quần lên chợ La Kay, trải bán dọc lề đường, vừa bán vừa chuẩn bị chạy trốn công an. Với chiếc xe đạp không lấy gì làm tốt cho lắm, tôi đạp suốt ngày vòng vòng trên các ngả đường Sài Gòn, từ chợ này qua chợ khác. Hai tuần đầu, công việc tương đối chạy đều, ổn định. Sáng bỏ hàng, chiều ghé lấy tiền. Vốn đưa lại bà chị, lời mình giữ. Nhưng đến tuần thứ ba, bắt đầu có trục trặc. Một bạn hàng ở chợ Kim Biên bỏ sạp. Ba ngày sau, một bạn hàng khác ở chợ Bà Chiểu cũng biến mất. Sau này tôi mới biết cả hai đều đi vượt biên. Một tuần sau, lại thêm một người nữa ở Kim Biên  bỏ chợ.  Mất không gần hai chục bộ áo quần. Tôi hoàn toàn rơi vào khủng hoảng. Vốn không có, lời cũng không. May mà bà chị họ thông cảm, bỏ qua. Vì rõ ràng không phải lỗi ở tôi. Thấy bấp bênh quá, tôi chào thua, bỏ nghề. Bà chị họ tốt bụng đó, sau này cũng bị bạn hàng quỵt luôn mấy vụ,mất vốn, bỏ hẳn nghề buôn áo quần.
*
Trong lúc hoàn toàn bối rối, một anh bạn, nguyên giáo sư cấp ba, lại là bạn tù, đang bán vé số, rủ tôi bán vé số.  Túng biến tùng quyền, tôi không suy nghĩ, nhảy ngay vào “nghề” bán vé số. Đây là một nghề tương đối đơn giản, ít vốn, có lẽ không cần cả vốn. Chỉ có việc lấy vé số từ người bỏ mối, bày một cái bàn nhỏ ra bên lề đường, ngồi bán. Lời ăn, lỗ thì trả vé lui. Thực ra, đó chỉ là cảm giác ban đầu. Chẳng có nghề nào là đơn giản cả.
Qua trung gian anh bạn, tôi lấy vé từ một thương lái  tương đối dễ chịu: gối đầu một ngày cho vé tỉnh (vé từ các tỉnh đưa lên bán ở Sài Gòn). Riêng vé thành phố Sài Gòn, vì là địa phương, nên khá dễ dàng: bỏ tiền lấy vé, buổi chiều vé nào không bán được, mang trả lui trước giờ xổ. Bù lại, số lượng bán không được nhiều. Tôi mượn một cái “bàn” nhỏ, cột sau xe đạp, chạy loanh quanh nhiều đường để quan sát. Đường phố gần như ngập tràn các bàn bán vé số. Nhiều nơi tập trung thành một tụ điểm với hàng chục bàn kế nhau. Có nơi còn dựng tấm bảng thật lớn, gắn đèn sáng choang, để ghi kết quả xổ số. Đến giờ xổ, dân chơi số đề, dân mua số chen chúc nhau, đợi người bán vé ghi kết quả từng lô trúng lên bảng (trực tiếp truyền thanh từ radio). Có những nơi, toàn bộ gia đình tham gia trực tiếp và toàn thời gian cho việc bán vé số. Anh bạn tôi cũng vậy. Hai vợ chồng và hai đứa con thay phiên nhau trực bàn. Vì bán một vài trăm vé như tôi thì không nói làm gì,  còn bán lên đến vài ngàn vé như anh bạn thì công việc cũng lắm đa đoan: nhận vé, kiểm vé, đánh dấu vé, trả vé, đổi tiền trúng cho khách, lập sổ ghi vé, ghi kết quả xổ số. Đó là chưa kể, nếu bạo gan nhận ghi thêm số đề cho bọn đầu nậu Chợ Lớn dấu mặt, thì công việc còn nhiêu khê hơn, trong đó có cả việc che mắt hoặc  hối lộ công an đường phố, công an khu vực.
Thấy nơi nào cũng nhiều bàn quá, tôi chọn một đoạn  vắng vẻ trên đường Cao Thắng, chênh chếch chùa Tam Tông Miếu, cách một đoạn khá xa với tụ điểm bán vé số ngả tư Cao Thắng-Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng cũ).   Từ, một người bạn mới quen, giúp tôi đóng lại bàn ghế  và đóng một tấm bảng để ghi kết quả xổ số.  Địa điểm này, trong ý nghĩ tôi, là nơi dễ bán vé vì  chỗ thoáng,  ít hàng quán chung quanh, đường lại rộng, hai chiều (đường Cao Thắng, Nguyễn Đình Chiểu đều một chiều).  Cạnh đó, lại có một gốc cây lớn nằm trên  lề đường rộng, bạn bè ai cũng có thể tạt ngang, ngồi tán gẫu.
Ngày đầu tiên, tôi đi thật sớm, bày bàn ra. Vé sắp theo đơn vị xổ số và theo cặp. Vé Thành Phố (tức là Sài Gòn) một phía, vé các tỉnh một phía. Trong 200 vé, tôi lấy 100 vé Thành Phố, vì vé Thành Phố có thể trả lại được trước giờ xổ, nếu bán không hết. Riêng vé tỉnh, phải mua đứt, lời ăn lỗ chịu. Mỗi vé bán ra 2 đồng. Chẳng biết lấy từ gốc là bao nhiêu, thương lái bỏ lại cho chúng tôi khoảng từ 1 đồng 85 đến 1 đồng 92 (tức là mỗi vé lời từ khoảng 13 hào đến 8 hào) tùy loại vé. Nói chung thì vé Thành Phố bán không chạy bằng vé các tỉnh như Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Nai. Lô độc đắc của Thành Phố  ít tiền thưởng  hơn vé tỉnh. Vé Thành Phố lại ít cặp, chỉ có cặp 10, trong lúc vé của Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang cặp 20, rồi 30, 50 và sau này lên đến 100. Một lý do khác, vé tỉnh nhiều cặp “rin” hơn. Cặp “rin”  là cặp trong đó, tất cả vé của nó mang cùng một số. Cặp không “rin”, tức là cặp thường, thì các vé của nó chỉ mang 3 hoặc 4 con số đuôi giống nhau, còn hai con số đầu thì khác.
Trong số vé tỉnh, vé Tây Ninh bán chạy nhất. Chạy đến độ, ngày nào có xố số Tây Ninh thì vé các nơi khác bán ế hẳn đi. Chính vì thế mà có lúc,  vé Tây Ninh bị nhà cầm quyền thành phố cấm bán ở Sài Gòn. Cấm bằng thông tư hẳn hoi. Vé Tây Ninh biến mất khỏi các bàn bán vé, trở thành vé lậu, tiêu thụ ở Sài Gòn dưới dạng bán chui. Những người hâm mộ vé Tây Ninh phải tìm mua với giá chợ đen, có lúc lên đến 5 đồng/1 vé. Người ta săn lùng vé Tây Ninh để mua trong lúc công an cũng săn lùng vé Tây Ninh để bắt người và tịch thu vé. Chính vì thế, sau này, Thành Phố và các tỉnh phải thương lượng nhau để thống nhất về chính sách xổ số: mỗi tuần một tỉnh hay thành phố chỉ được mở xổ số hai lần tối đa, xen kẽ lẫn nhau theo một lịch trình có sẵn và chấp nhận tiền lô độc đắc bằng nhau. Chỉ riêng số cặp thì tùy nghi. Ấy thế mà rồi vé Tây Ninh vẫn bán chạy.
Dọn bàn xong, tôi kéo ghế ngồi lùi vào sâu phía trong, kế bức tường, nhâm nhi cốc cà phê, phì phà điếu thuốc Đà Lạt và ngắm nghía người người qua lại trên đường. Thỉnh thoảng, có một người đi honda hoặc xe đạp tạt ngang, lựa vé, lấy một hoặc hai cái. Vài người bạn quen, biết tôi khai trương bán vé số, ghé mua một vài cái gọi là ủng hộ tinh thần, ngồi  lại đấu hót một hồi, rồi dông.  Đến gần trưa, thấy vé bán chẳng được bao nhiêu, tôi bắt đầu sốt ruột. Thay vì ngồi sát tường, nhìn vu vơ đợi khách, tôi bắt đầu kéo ghế ngồi sát bàn, mắt nhìn từng người qua lại với hy vọng họ sẽ ghé lại mua vé. Tôi cảm thấy người ta sao vô tình lạ lùng. Hàng ngàn, hàng ngàn người đi qua đi lại, ấy thế mà chẳng ai thèm chú ý đến bàn vé số của tôi. Xe chạy ngoài đường chẳng nói làm gì, những người đi bộ, biết bao người đi sát cái bàn vé số của tôi, mà làm như chẳng hề biết rằng có một bàn vé số ở đó. Tôi ngồi ngáp vắn, ngáp dài.  Thỉnh thoảng nhìn những bàn vé số phía bên kia đường, thấy có xe cặp vào hoặc có người vào lựa vé, tôi lại càng sốt ruột hơn.  Kiểm điểm lại vé, tôi chỉ mới bán được có 30 vé.  Vé TP không nói làm gì, vì có thể trả lại. Vé tỉnh mới phiền, vì mua đứt. Nắng trưa Sài Gòn làm nhừ người. Tôi đờ đẫn nhìn mông lung.  Một vài khách bộ hành đứng, ngồi nghỉ dưới gốc cây, kế bàn vé số.  Một người đàn ông trung niên nhìn những tấm vé số một cách hờ hững. Không hiểu ông ta nghĩ  gì, bỗng bước tới lật từng tấm vé số, nhìn ngắm săm soi, rồi về lại chỗ ngồi của mình.
Sau buổi trưa, thời gian trôi qua nhanh. Giòng xe cộ không ngớt tuôn về mọi phía. Một giờ. Một giờ rưỡi. Hai giờ. Hai giờ rưỡi. Ba giờ rưỡi phải mang vé còn lại về trả cho thành phố nếu không muốn bị lỗ. Bốn giờ rưỡi xổ. Những cọc vé vẫn nằm một cách lặng lẽ trên mặt bàn. Lâu lâu mới có một người khách tạt vào mua một hoặc hai tấm.Dưới nắng và nóng, những tấm vé số khô, cong lên ở phía mép. Buổi sáng, chúng nằm thẳng nếp, gọn gàng, tươi mới, đợi chờ. Những con số. Vâng, những con số như có tiếng nói. Chúng uốn éo, ngúc ngắc. Không phải mỗi một con số mà là sự nối kết của chúng. Những số đuôi, nào là 2748, 8532, 6954 hoặc hai con như  65, 73, 84, vân vân, tóm lại là những con số bất kỳ, không có gì đặc biệt, con số nào cũng có vẻ “dễ trúng”. Con nào cũng nằm đó, tràn trề hy vọng. Con số nào cũng sống động. Con số nào cũng có thể biến ước mơ thành sự thật. Con số nào cũng chứa đựng những thần bí của sự đổi đời. Con số nào cũng thay đổi được kiếp người, thay đổi số phận.
Nhưng giờ này, sau một buổi phơi nắng, chúng nằm im, chịu trận. Chúng bị hất hủi. Người đi đường không hề biết đến chúng. Ngay cả tôi, tôi cũng xem chúng như không có. Chúng có thể biến đổi thân phận một ai đó, nhưng tuyệt đối không dính dấp gì đến thân phận của tôi. 1543, 76589, 54672…hay gì…gì…nữa đều giống nhau, tuyệt đối giống nhau. Chúng cần phải được bán đi. Càng sớm càng tốt. Có lẽ không ai hất hủi những tấm vé số chưa xổ bằng người bán vé số trong những lúc ế khách như thế này.
Trong lúc bối rối, anh bạn tôi tìm đến. Chỗ anh và chỗ tôi chỉ mất vài phút đi bộ.
– Sao, bán được bao nhiêu vé rồi?
– Mới bán được có 38 vé, ông ơi!
– Trời, có 200 vé mà bán không hết à?
Tôi thở dài:
– Biết làm sao được. Người ta không mua, chứ có phải tại mình không muốn bán đâu. Còn ông thì sao?
– Hết từ lâu rồi.
– Bán sao mà tài thế!  Bao nhiêu vé?
– Hai ngàn.
– Trời!  Hai ngàn vé mà y như hai chục vé không bằng.
– Ông chưa so sánh với tôi được đâu.  Tôi bắt đầu bán từ chiều hôm trước. Bán đến 11 giờ đêm trước. Lại quen khách rồi.  Địa điểm  thuận lợi nữa. Mà thôi. Ông lùa hết vé mang sang chỗ tôi bán. Bảo đảm ông, sẽ hết.
Tôi không tin lắm vào lời hứa đó, nhưng lúc này những lời động viên như thế rất tốt. Tôi thu dọn hết chiến trường, dắt xe đạp và cả bàn qua chỗ anh bạn. N. giúp tôi sắp xếp lại vé trên bàn của anh ta. Nơi đây, hầu hết các bàn bán vé đều sạch nhẵn. Chủ nhân lật úp bàn, đi mất.  Chỉ còn lẻ tẻ vài bàn nhỏ, số lượng vé chẳng còn bao nhiêu. N. sắp vé số rất cẩn thận, thứ tự, vé loại nào ra loại đó. N. giải thích:
–    Ông phải tạo sự thuận tiện cho khách dễ lựa. Có người thích Thành Phố, có người thích Tây Ninh. Có người mua vé lẻ, có người mua vé cặp. Họ không có nhiều thì giờ. Tạt vào, mua xong, dọt ngay. Nhiều người lựa cho có lựa, vì họ làm sao biết được vé nào chắc chắn trúng, vé nào không. Bởi thế, bày vé số như bày hàng tạp hóa vậy. Đẹp mặt, ưa nhìn, khiến họ không định mua cũng phải mua. Định mua một cái, nhưng rồi rút thành hai cái. Vé số là thứ hàng hóa co dãn. Mua bao nhiêu cũng được, mà không mua cũng được. Nên nhớ là nhiều người, không mấy ai ra đường với ý định đi mua vé số. Thấy vé số họ mới mua.
Tôi vui vẻ ghi nhận lời giải thích đầy kinh nghiệm thương trường đó của anh bạn. Vừa bày bàn xong là đã có người đến mua. Mười vé. Lát sau, có người vào lựa vé, không mua, bỏ sang bàn khác. Cứ thế, số khách ghé tương đối đều đặn. Chồng vé vơi dần. Ba giờ mười lăm.Tôi lại bồn chồn:
– Ba giờ rưỡi phải đi trả vé. Vé Thành Phố còn đến 70 cái.
N. cười:
– Còn nước còn tát. Có bồn chồn cũng vô ích. Kiên nhẫn, đợi tụi “bao chót”
– Bao chót?
– Ừ, để xem.
Mấy bàn kia bây giờ đã bán sạch. Cả đoạn đường, chỉ  tôi và một chị ở gần phía đầu đường là còn vé. Một vài người ghé lại, mua vài vé. Ba giờ rưỡi. Còn đến 70 vé Thành Phố và gần 20 vé Tây Ninh. Thời gian không cho phép chần chờ nữa. Tôi quyết định thu xếp đi trả vé. Tôi để vé Tây Ninh, nhờ N. bán giúp. Định đi thì một chiếc honda ghé lại. Một người đàn ông trung niên, đeo kiếng đen, bộ dạng của một tay mánh mun thành đạt, dở kiếng, lựa lấy lệ, lùa hết vé Tây Ninh, nói như ra lệnh:
– Tính tiền. À, còn cặp Thành Phố nào nguyên không?
– Còn, nhưng không có số “đẹp”.
– Nhằm nhò gì. Lấy luôn hai cặp Thành Phố.
Anh ta nhìn con số trên vé một cách không mấy quan tâm, rút tiền trả, rú xe vọt đi. Tôi ngơ ngác nhìn theo, chưng hửng trước cái cách mua vé nhặm lẹ, dễ dàng như thế:  gần cả năm chục cái.
Tiếp đó, hai thanh niên ghé vào cùng lúc. Người nào cũng đòi lấy hết số vé còn lại. Rốt cuộc, tôi phải năn nỉ hai người “cưa” đôi (chia đôi). Thế là vé bán sạch, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Lúc đó là kém 15 phút đầy 4 giờ. N. nhìn tôi cười một cách hãnh diện:
–    Tôi nói đâu có sai. Đó là những người “bao chót”, ông hiểu chứ. Có người săm soi chọn lựa từ bàn này đến bàn khác, mong mua cho được cái vé mà họ nghĩ là sẽ trúng. Lại có những người như mấy tay vừa rồi, chỉ đi mua vào những phút cuối cùng. Họ tin rằng những gì người ta chê có thể chứa đựng sự may mắn.
*
Tính sổ lại ngày đầu tiên bán vé số: lời gần hai chục đồng. Hơn bù thua, trung bình mỗi vé lời 10 hào. Thời giá hồi đó: một ly cà phê con cóc, một đồng rưỡi. Thuốc Đà Lạt (loại thuốc bình dân, phổ thông), hai đồng rưỡi/gói.  Một bữa ăn tại quán cơm bình dân, 4 đến 5 đồng.
Hôm sau, rút kinh nghiệm, tôi dời bàn bán vé đến tụ điểm. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ mình ngồi lẻ loi một mình tại một nơi có cây cao, bóng cả, lề đường rộng thì dễ có khách. Hóa ra, khách chỉ thích ghé vào những tụ điểm bán vé vì có lẽ nơi đó, nhiều bàn vé số, dễ lựa chọn. Người ta thích lựa vé số, lựa những số mà do linh tính hay do tưởng tượng họ nghĩ rằng sẽ trúng. Lựa bàn này không có vé vừa ý, bước ngay qua bàn khác, vừa nhanh vừa thuận tiện. Hơn nữa, những tụ điểm thường dễ gợi sự chú ý của người qua đường. Dường như người ta có cái tâm lý là mua vé ở những tụ điểm có vẻ dễ trúng hơn là ở các bàn lẻ loi trên đường. Chính vì thế, dân bán vé thường tập trung thành từng cụm, nơi đó dân mới ra nghề, cò con (như tôi) bám vào đám “lớn” vì họ có khách hàng quen thuộc. Đó là lý do tại sao  ngồi một mình ở nơi xa không hấp dẫn khách mua.
Không dễ kiếm ra một chỗ, cuối cùng tôi phải ngồi chen chúc  giữa một “khu vực” vô cùng chật hẹp với đủ thứ hàng hóa lỉnh kỉnh: chè, cháo, phở, nước mía và các bàn bán vé số ngồi kế nhau tưởng như vô tận.  Hầu như tôi chỉ có một khoảng nhỏ, vừa đủ đặt chiếc bàn và chiếc ghế để ngồi. Lâu lâu phải xích qua bên này, xích lại bên kia một chút, vì hoặc là người ta che chắn mình hoặc mình che chắn người ta. Không gian chừng như thu nhỏ lại, không còn chỗ để ngã người, suy tưởng. Chẳng còn chỗ cho bè bạn, người quen tạt vào đấu hót cho qua thì giờ và đỡ sốt ruột. Tôi lọt giữa một xóm chợ với đầy đủ ý nghĩa nhất của nó. Người ta chen chúc nhau, mua mua bán bán. Cãi vã ồn ào. Rộn rịp. Sôi động.  Nhưng phải nhận rằng khách lúc nào cũng đông. Uống cốc nước. Ăn cái bánh bao. Mua bì chè, gói thuốc, tờ báo và…vé số.
Ở vị trí mới này, với số lượng khách hàng vào ra tương đối thường xuyên, tôi bị  buộc phải ngồi một chỗ, nên có dịp quan sát cái cách người ta mua vé số. Một số người mua rất lơ đãng. Hình như mua cho có mua. Có thể họ mua xong, bỏ túi quần rồi quên luôn, không bận tâm đến việc dò kết quả.  Họ uống nước, dư  tiền thối, mua đại một vé. Thấy mời mọc quá, mua một vé. Có người rút tiền ra mua mà dường như chẳng chú ý đến  cái mà mình vừa mua. Lại có người mua xong, để vé số trên bàn, châm thuốc hút hay nói chuyện rồi quên luôn, đứng dậy đi. Ngược lại, có người chọn lựa rất kỹ. Họ săm soi từng con số, số hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn. Có một ông, nhiều ngày liên tiếp, đi từ bàn này qua bàn khác, dở từng tấm vé số, rồi lẩm bẩm một mình và…đi luôn. Có thể anh ta không tìm thấy con số mình muốn chăng?
Chính điều này giúp tôi hiểu tại sao người ta mê số đề. Chơi số đề, sau này được nhà nước một vài địa phương gọi một cách mỹ miều và hợp pháp là “số tự chọn”, mình có quyền chọn cái số mà mình muốn một cách thoải mái. Đó là cách chơi số của Hoa Kỳ như ta biết bây giờ. Có người nhất định mua cho được cặp “rin”, cặp “nguyên” của Tây Ninh hoặc Đồng Nai. Đây là loại khách sộp. Thường thì đám này chỉ ghé lại những bàn lớn, vì ở đó nhiều cặp nguyên hơn, và cũng vì có nhiều cặp để lựa hơn. Trong số này, có người chỉ chuyên chơi loại Tây Ninh hoặc Đồng Nai, hoặc Tiền Giang. Họ “kết” một loại số nào đó. Có kẻ đặt tiền cọc trước để có cặp rin, vì sợ hết. Trong thời buổi gạo châu củi quế này, tôi chứng kiến nhiều tay chơi vé số như một trò tiêu khiển vô cùng thượng lưu. Rõ là  ném tiền qua cửa sổ. Họ đi xehonda (hồi này có chiếc honda cũ là quá sang), tạt vào quầy vé, lấy mấy cặp vé, mỗi cặp là một cọc vé, trị giá cả nửa  hoặc một chỉ vàng. Họ mua một cách tỉnh bơ, không đắn đo lựa chọn, không tiếc tiền. Tôi chẳng rõ họ mong muốn cái gì. Có người không sẵn tiền mặt, rút ra cả chỉ vàng đang đeo nơi ngón tay để mua vé số. Khi chiều đến, họ tạt ngang nhìn kết quả, thấy trật, cầm cả xấp vé xé vụn, rồi rú xe vọt đi. Tưởng thế rồi thôi, họ không còn chơi nữa. Không, tuần sau hoặc đôi khi vài hôm sau, họ lại tạt vào, mua tiếp những cặp khác (có khi cả trăm vé) để rồi chiều lại xé.
Sáng mua chiều xé! Không hiểu từ lúc nào, bốn chữ này đọng lại trong trí tôi. Buổi sáng, những cọc vé số nằm nghiêm nghị, thứ tự trên các bàn vé số. Chúng sạch sẽ, mời mọc.  Mỗi một tấm chứa đựng một thế giới kỳ diệu, đầy hứa hẹn, mơ ước.  Những con số kết dính vào nhau (quanh đi quẩn lại cũng 10 con số!) kỳ diệu lạ lùng. Không hiểu sao tôi nghĩ đến bốn chất căn bản (N,H,O,C) kết xuôi kết ngược để tạo thành vô số chủng loại khác nhau trong học thuyết về di truyền. Chúng mỏng mảnh, vô tri, nhưng hứa hẹn một cuộc đổi đời ghê gớm. Chúng mở ra những chân trời lớn rộng.  Thế mà chiều đến, chúng nằm ngổn ngang, tan nát, vô dụng, biến thành rác rưởi bay tung toé khắp  nơi. Người ta dừng lại, dò và “dụt” bỏ.
Cách dò vé và xé vé cũng khác nhau. Có người nhìn rất nhanh, liếc liếc bảng kết quả và nhẹ nhàng vứt bỏ y như ta vứt bỏ một miếng giấy lộn. Có người dò rất cẩn thận, nhất là những người mua một, hai vé. Họ nhìn chăm chú những con số trên bảng kết quả rồi lại cẩn thận nhìn những con số trên tấm vé của mình, y như chúng có thể  biến đổi lẫn nhau.  Dò ở bảng này, chưa thỏa mãn, lại đi đến bảng khác dò lại y như  mỗi bảng có một kết quả khác nhau. Có người dò bằng cách dùng tay che hàng số và “nặn” dần từng con số trên tấm vé của mình từ hàng đơn vị trở lên y như người ta “nặn” con bài tẩy trong bài xì phé. Họ là những ngươì mua vé số “mù” – nghĩa là họ nhắm mắt mua theo may rủi, mua không lựa chọn. Nhìn họ chầm chậm “nặn” từng con số, tôi thâm cảm được hết cái ước mơ trúng số của họ lớn lao, sâu sắc đến dường nào. Tất nhiên là họ nghèo: một anh xích lô, một chị bán hàng rong, một ông lão, một tay học sinh hay một anh chàng bộ đội.
Tôi để ý thấy một anh chàng bộ đội, năm ba bữa ghé lại khu vực tôi mua số. Đến giờ xổ, anh ta ghé  lại đây, mua một cốc nước trà đá, đợi dò kết quả. Anh chàng bộ đội này mang hình ảnh khá điển hình của một người miền Bắc ngơ ngác tản bộ trên đường phố Sài Gòn: áo quần bộ đội bạc thếch, dép râu, chiếc mũ cối và mặt mày thụng ra, ngơ ngác y như không hiểu mình đang lạc vào xứ sở nào! Gần cả chục năm trôi qua từ khi chiến thắng, dường như Sài Gòn vẫn còn lạ lùng đối với dân miền Bắc, nhất là đối với những người lần đầu tiên mới đến Sài Gòn. Với họ, Sài Gòn  là một thế giới hay một nước khác hẳn. Anh chàng bộ đội bưng ly nước, tìm một góc khuất kế hàng rào gần tường, thận trọng moi từ trong chiếc bóp nhỏ tấm vé số, vuốt cho thẳng, trải bảng kết quả photocopy nhỏ trên  đất, lấy bàn tay che số, bắt đầu “nặn” từng con, để rồi lần nào cũng như lần nào, buông tấm vé xuống đất với một bộ mặt thẫn thờ, thiểu não.  Anh ta không buồn uống hết cốc trà đá, trả ly, lờ đờ đi đến trước tấm bảng kết quả, nhìn chăm vào đó như cố tìm hiểu xem quanh đi quẩn lại có chừng ấy con số mà sao mình không thể trúng được.
Cách xé vé của anh này còn hiền từ. Nhiều người xé vé một cách giận dỗi, y như chúng là thủ phạm gây nên nỗi thất vọng riêng của mình. Có người, sau khi cẩn thận rà soát lại các lô số trúng với các tấm vé của mình, xé toạt nguyên xấp rồi ném mạnh xuống mặt đường, rú xe vọt đi một cách tức tối. Có người cầm từng vé xé vụn, khuôn mặt tái đi, đôi mắt trừng trừng nhìn vào tấm vé số cho đến khi những mảnh giấy vụn bay tan tác dưới mặt đường. Nhìn khuôn mặt và cách xé vé, đôi khi tôi tưởng như có thể đoán được hết những câu nguyền rủa mọc lên trong đầu họ.
Và từ đó, tôi hiểu được hết những hy vọng mà họ ôm ấp  từ khi mua tấm vé số cho đến khi xổ nó lớn lao, tha thiết đến dường nào. Hy vọng mọc lên trong tâm hồn y như người ta thổi  hơi vào cái bong bóng, lớn dần, lớn dần và…nổ.  Cứ thế, ngày lại ngày, sau khi cơn tuyệt vọng và giận dữ dịu đi, thì cái hy vọng đó chẳng biết từ đâu, mọc lại.  Thế rồi, sáng hôm sau – có người ngay tối hôm đó- lại lần mò ra bàn vé số, tìm cách nhịn tiêu một khoảng tiền nào đó, và bắt đầu lựa những con số. Mầm hy vọng mong manh kia lại được thổi hơi vào cho căng phồng lên. Những con số vô tri, vô duyên trên mảnh giấy in đen đúa đó bắt đầu lung linh, nhảy múa. Chúng lấp lánh những chân rời viễn mộng. Một căn nhà đẹp.  Một chiếc xe đạp mới. Một chiếc xe honda.  Một cô người yêu xinh xắn hay một chuyến vượt biên an toàn sang bên kia thế giới. Tóm lại, đổi đời.
Sáng hy vọng, chiều thất vọng.Hy vọng và nỗi hăm hở dâng lên rồi vụn vằn theo những tấm giấy vụn. Sáng mua chiều xé. Buổi chiều, khung cảnh các bàn vé số như  bãi chiến trường sau một trận  ác chiến. Giấy vụn vé số bay tan tác, trắng đường. Bao nhiêu tiền mồ hôi nước mắt, bao nhiêu tiền dành dụm cũng tan theo. Nhiều lần, sau giờ xổ, ngồi nhìn hàng ngàn, hàng chục ngàn tấm vé số lăn lóc đó đây, tôi chợt thâm cảm hết cái vô nghĩa của cái nghề bất đắc dĩ  này.  Tôi đang bán ước mơ để độ nhật. Một người bán ước mơ lại chẳng hề mơ. Tôi đang tồn tại trên  giấc mơ của người khác. Chính cái cảm giác bất thường này khiến tôi một hôm, sau khi thối tiền lại cho khách mua hai tấm vé số, bất chợt thốt lên với khách:
–    Mua đi anh, sáng mua chiều xé!
Một lần khác, khi mời một người khách mua một cặp “rin”, tôi lại đùa:
–    Cặp “rin” đây anh, sáng mua chiều xé!
Nhiều lần khác, như một quán tính, sau khi bán xong cho khách, tôi lại thốt lên: “sáng mua chiều xé”. Tôi xem đó là một câu nói đùa vô hại cho đến một hôm, anh bạn tôi tình cờ sang chơi và nghe được. Anh ta liền gọi tôi ra quán nước và “rầy la”:
– Ông buôn bán gì mà kỳ lạ như vậy? Ông nên nhớ rằng, ông đang kinh doanh, đang bán hàng. Bán hàng thì phải khen hàng mình tốt, phải nịnh khách, phải làm cho họ tin rằng mình có đồ tốt. Bán vé số, ông luôn luôn phải tạo cho khách cái ấn tượng rằng nhất định họ sẽ trúng số. Bất kể khách lạ hay khách quen, kể cả bạn bè và người thân của mình. Phải làm cho họ vui vẻ họ mua. Đừng để cho bất cứ ai có cảm giác rằng họ mua vài tấm vé của mình vì họ thương hại mình, muốn giúp mình, mà họ mua là vì họ có thể trúng số. Mua một cái, phải khích lệ họ mua hai cái. Mua 10 cái khuyến khích họ mua cho đủ cặp, vì họ sẽ trúng số. Phải gieo niềm hy vọng trúng số vào trong tim họ. Họ phải trúng số chứ không phải là sáng mua chiều xé.
–  Nói thấy ngượng quá. Làm sao mà trúng được. Xác xuất trúng số quá nhỏ. Hồi chưa bán vé số, tôi cũng có hy vọng trúng số. Bây giờ bán vé số, thì chẳng khi nào nghĩ mình sẽ trúng số. Còn một vé cũng chẳng muốn giữ vì biết chắc rằng không bao giờ trúng  cả.
– Cái ông này, họ trúng hay trật thì có liên quan gì đến mình. Xác xuất nhỏ lớn cũng chẳng dính líu gì đến việc bán vé số của mình cả. Họ mua rồi họ xé là chuyện của họ. Việc của mình là bán càng nhiều càng tốt. Bán nhiều vé lời nhiều. Ông bảo sáng mua chiều xé là phá vỡ cái mầm mống hy vọng trong tâm họ, làm họ mất vui thì làm sao họ mua vé cho ông!
– Họ vẫn tiếp tục mua mà.
Tôi nói cứng thế, nhưng thực ra trong thâm tâm tôi thấy nhận xét của N. hoàn toàn đúng. Vả lại một vài ngày sau, tôi nhận thấy một vài khách quen không ghé lựa số ở bàn tôi.
– Ông thấy chứ – anh bạn tôi lại “lên lớp” một lần nữa – khách bao giờ cũng thích nghe lời nói ngọt, nghe lời khích lệ. Điều ông biết, ai cũng biết cả. Nhưng hy vọng là một trong những động lực của cuộc sống, nhất là trong tình hình hiện nay. Hy vọng trúng số còn có vẻ thực tế hơn là hy vọng được lên Thiên Đàng hay Niết Bàn.Vậy hà cớ gì không giúp họ nuôi thêm hy vọng. Họ có hy vọng, chúng ta có tiền. Buôn bán là tận dụng nghệ thuật nói láo. Nói láo ở đây chẳng hại ai cả. Vì quyền mua hay không là của họ. Giúp người ta nuôi dưỡng hy vọng và làm mới lại hy vọng ấy là nghệ thuật bán vé số.
Thấm thía lời vàng ngọc của người bạn, tôi bắt đầu nuôi dưỡng niềm hy vọng của khách hàng. Tôi không còn thụ động ngồi trên ghế, lơ đãng nhìn khách qua đường, rồi có ai tới thì xé vé, thối tiền một cách miễn cưỡng. Tôi mời chào những người qua đường. Tôi học cái lối cười cầu tài của những bà sồn sồn bán hàng tạp hóa trong chợ. Cười cả khi khách nghiêm nghị. Cười cả khi khách nhăn mặt. Cười cả khi khách bực bội. Tôi bắt đầu tập ăn nói trơn tru, xuôi cũng được, ngược cũng xong. Miễn sao lọt lỗ tai người nghe. Lạt mềm buộc chặt.  Đến bây giờ tôi mới thấm thía một điều:  một lời nói láo ngọt ngào chứa đựng nhiều sự thật hơn cả sự thật, vì người ta thích lời nói láo ngọt ngào hơn sự thật cay đắng. Nhất là bịa đặt về một điều trừu tượng như Thượng Đế, Niết Bàn, kiếp sau và …vé số chẳng hạn. Nói đúng ra, không phải người ta bịa đặt về con số, mà giúp người ta dựng một giấc mơ, nuôi lớn giấc mơ đó. Một giấc mơ chẳng bao giờ thành sự thật, đó là trúng số. Thực ra, cũng có nhiều người trúng số. Vì có đến những mấy chục lô trúng. Nhưng giấc mơ trúng số thực sự bao giờ cũng là trúng số độc đắc. Chỉ có trúng số độc đắc  mới đáng gọi là đổi đời.Còn những lô trúng khác thì cũng bất quá như những trò cờ bạc ăn thua hàng ngày, còn đó, mất đó.
Một anh bạn tôi, trốn về từ vùng kinh tế mới, phát biểu như sau:
– Tuy xác xuất trúng qua nhỏ, 1/1000.000 cho mỗi lần xổ, nhưng nếu thử làm một con tính, ta vẫn có thể thực hiện ước mơ được. Này nhé, mỗi tuần có 7 ngày, mỗi ngày có tối thiểu 3 đơn vị xổ số. Nghĩa là trong một tuần có 21 lần xổ. Sẽ có 21 người trúng số độc đắc. Một năm ta sẽ có 21x 52 tuần = 1092 người là triệu phú. Tại sao tôi không hy vọng rằng tôi sẽ là một trong 1092 người đó, vì tôi giả thiết rằng không ai trúng hai lần độc đắc. Ước mơ trúng số không nên đặt trên một lần xổ mà trên một thời gian dài.
– Như thế, anh phải mua số liên tục, không bỏ sót một kỳ nào, một đơn vị nào.
– Tất nhiên. Tôi mua đúng 1092 cái một năm, không nhiều hơn.
– Sao anh không mua nhiều hơn để tăng tỉ lệ xác xuất.
Anh ta cười:
– Tôi chưa hề trúng số bao giờ, dù là trúng hai con số đuôi, nhưng tôi có linh cảm rằng trúng độc đắc là trúng độc đắc. Vì trúng độc đắc là cái “trời cho”, là “godsend”. Một món quà từ trên trời rơi xuống. Nó nhắm ngay mình mà rơi, không thể ai khác. Ở đây, không có xác xuất nào hết. Tôi không cần xác xuất. Tôi chỉ cần mua một lần một vé và đợi…trời cho.
– Anh nên nhớ người ta xổ từng con số chứ không xổ một lần sáu con. Tôi nói xác xuất ở từng con số.
–  Không nhằm nhò gì. Tôi đã nói trời cho là trời cho. Từng con số phải rơi vào đúng vị trí của nó để tạo thành con số trúng cho mỗi số phần được chọn. Con số trúng là một sứ điệp. Vì nó đổi đời. Nó tái sinh một kiếp người, tái sinh cả một gia đình. Nó ban cho con người một số phận khác. Tôi không nói chuyện tốt xấu, nhưng chắc chắn sẽ có một số phận khác. Mà một số phận khác thì anh thấy rõ, đâu có thể là xác xuất được. Số phận là một cái gì được ban phát chứ không thể là ngẫu nhiên mà có được.
Tôi không rõ là anh bạn có tôn trọng lời anh ta nói không, nghĩa là mua liên tục tất cả các kỳ xổ số, mỗi lần chỉ một vé …cho đến khi trúng. Cũng chẳng rõ anh đã trở thành một trong 572 người chưa, vì tôi không còn gặp anh nữa, sau một vài lần anh ghé lại. Có một điều anh bạn không biết cái tỷ lệ anh đưa ra trên chỉ là lý thuyết.
Thực tế là hầu như các lô trúng độc đắc thời đó đều bị tập đoàn mafia trong đường dây xổ số khống chế. Họa hoằn lắm, họ mới thả nổi một vài lần để cho một ai đó trúng. Nhiều vụ việc đổ bể, dính líu đến nhiều quan chức tai to mặt lớn trong các Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, thành phố, ngân hàng, tài chánh. Có vụ dính đến các quan chức trung ương ở Hà Nội.  Nguyên nhân của các vụ đổ bể phần lớn xuất phát từ các tranh chấp phe phái, kiểu “trâu cột ghét trâu ăn”. Lâu lâu lại rộ lên một vụ gian lận xổ số. Một số viên chức mất chức, một số ngồi tù. Rồi đâu lại vào đấy. Nghĩa là trước sau gì, tập đoàn mafia vẫn không chế việc xổ số, bằng cách này hoặc cách khác.
Thời đó, khoảng giữa thập niên 1980, các tỉnh miền Nam, tiền lời lấy từ xổ số đóng vai trò rất quan trọng trong ngân sách của tỉnh, thành phố. Các tỉnh miền Bắc cũng tìm cách học theo, nhưng làm một cách dè dặt vì thiếu kinh nghiệm, và dân cũng chưa có thói quen chơi vé số, số đề và cán bộ cũng chưa biết cách làm ăn theo kiểu tập đoàn quyền lợi. Có nơi, đó là ngân sách chính. Bởi thế, đảng ủy các tỉnh, thành phát huy kinh doanh xổ số đến tối đa bằng cách in thêm vé, nghĩa là tăng số vé cặp, từ cặp hai, ba  rồi đến cặp năm, mười rồi đến cặp 20,30, 20 và đến cặp 100 và tăng tiền lô độc đắc để dụ người mua. Chính những món tiền lời béo bở đó mà hết “băng” này rớt thì có “bằng” khác lên thay.
Nhưng họ khống chế bằng cách nào? Lúc đầu, đám đầu nậu mánh mun bên ngoài bỏ tiền ra hối lộ ban phụ trách xổ số để mua đứt một số trúng nào đó, nghĩa là ban xổ số làm sao để cho ra con số trúng mà họ muốn. Về sau, nhận thấy việc bố trí cho ra sáu con số trúng đã định trước dễ bị lộ, họ thay đổi cách. Họ chỉ mua đứt ba hoặc bốn con số thôi, còn những số còn lại họ bỏ tiền ra mua hết ngay từ trong kho trước khi tung ra bán ngoài thị trường. Nghĩa là họ giảm bớt tiền thu nhập lại. Tóm lại, dù cách này hoặc cách khác, người mua vé chỉ được trúng những lô nhỏ. Cái tỷ lệ của ông bạn tôi chỉ còn rất thấp so với lý thuyết. Trời hay nói theo kiểu anh bạn,godsend, cũng chào thua!
Nói cho rõ ra, thủ đoạn làm ăn của đám mafia có nhiều lắt léo bên trong. Nhà nước lại là nhà nước độc quyền, bao cấp nên mỗi khi có vụ gì đổ bể, họ chỉ cho xì ra trên báo chí nhà nước một vài chi tiết tượng trưng, còn thì là dàn xếp nội bộ.
*
Nghề gì, kể cả nghề chơi cũng lắm công phu, nghĩa là phải biết đầu tư thì giờ, tiền bạc, tri thức vào đó. Nghề bán vé số cũng thế. Một cái vé số, tuy nó là rất “nguội” (một mảnh giấy con con, in ấn lem luốt, số thì rất dễ cạo sửa), nhưng lại là mặt hàng “nóng”. Giữ nó, phải đẩy đi càng nhanh càng tốt, vì để đến giờ xổ thì chỉ biết…xé. Ôm vài ba lần, với dân cò con như tôi, là bay hết vốn. Tôi đã trải qua vài lần ôm như thế. Lần đầu tiên, một cơn mưa tầm tã bất ngờ vào lúc hai giờ chiều, kéo dài cho đến tối đã khiến cho tôi “ôm” gần một trăm vé. Lần khác, chủ quan, bán tà tà đợi đám bao chót, không ngờ, hôm đó, chẳng có con ma nào tới bao chót. Ôm một xấp vé chẳng muốn dò, vì biết chắc rằng chẳng thể nào trúng. Vài ngàn vé cũng chẳng trúng, nói gì vài chục vé hay một trăm vé! Ngay cả việc chỉ trúng hai con số đuôi.  Sau này, rút kinh nghiệm, khi thấy trời mưa là tôi vội vã dẹp bàn, mang vé đi bán dạo trong các quán cà phê, quán ăn.
Bán ở đâu cũng thế, dẻo miệng là ăn tiền. Tôi vận dụng trí nhớ, nhớ lại cách bàn đánh số đề “Đa Kim” trên nhật báo Hòa Bình thời trước 75. Thực tình, tôi không phải là dân chơi số đề, nhưng hồi đó, đọc thấy vui vui nên nhớ. Tôi kết hợp thêm việc đoán điềm giải mộng. Tóm lại, để củng cố niềm tin của khách, tôi bịa đủ thứ. Đoán ngược, đoán xuôi, thêm mắm dặm muối cốt để làm đẹp những con số vô tri vô giác trên tấm vé số, cốt biến chúng thành ra một thiên đường đầy mơ ước để mời chào người mua. Nhất là những con số xấu, khó chơi như vì một lần ba, bốn con số giống nhau liên tiếp như 0000, 1111. Dân bán vé số rất kỵ những loại vé đó, vì khó bán. Thường thường, dân bỏ mối tìm cách tống những loại vé đó cho các cò con như tôi, còn các cặp “rin”, số đẹp họ bỏ cho các mối ruột của họ, những mối “lớn”.  Để dễ bán những vé số loại này, tôi sưu tập kết quả xổ số nhiều đợt của nhiều tỉnh, thành cho thấy loại số “đặc biệt” đó vẫn thường xuất hiện, và lại xuất hiện khá thường xuyên. Xác xuất khá cao. Có lần, một lô trúng độc đắc, không biết có sự bố trí nào trước không, mang sáu  con số 1.
Đó thời gian đầu. Về sau, khi đã quen mối quen lái rồi, tôi  chẳng cần phải dẻo miệng nữa. Vì dù chậm, dù nhanh, trừ những trường hợp đặc biệt như trời mưa bất ngờ chẳng hạn, còn không thì ngày nào tôi cũng bán hết vé.  Số lượng vé bán tăng dần. Có ngày tôi lấy đến 500 vé mà cũng bán hết. Vé đẹp, vé xấâu, cặp “rin”, cặêp thường đều bán được tất. Nhìn con số vé cặp của các đơn vị xổ số tăng lên, tôi nhận ra rằng nhu cầu tiêu thụ vé số vẫn chưa đạt đến mức chót của nó. Nghĩa là, đối với dân tình hồi đó, vé số –ngoài cơm gạo mắm muối – đã trở thành nhu yếu phẩm hàng ngày trong đời sống của mọi người. Người ta có thể nhịn các thứ khác, kể cả mặc, nhưng hình như không thể nhịn được ăn và …mua vé số. Cứ nhìn cái quang cảnh buổi chiều sau giờ xổ số (sau 4 giờ rưỡi) tại các tụ diểm vé số, ta sẽ hiểu được cái nhu cầu đó nó lớn lao và cấp thiết như thế nào. Chưa kể, nếu ta chịu khó đi sâu vào các con hẻm, các khu nhà đông dân cư, khu ổ chuột, chuyện vé số và số đề nằm  thường trực trong đời sống hàng ngày của mọi người. Quanh các bàn phở, hủ tiếu, cà phê, quán nước, sáng mới bửng mắt đã nghe lao xao bàn về các giấc mơ, các điềm báo …liên quan đến mua vé số và đánh số đề. Một anh chàng đạp xích lô tâm sự:
–    Tôi vẫn nghĩ, chắc mình không bao giờ trúng được vé số đâu. Thay vì mua vé số, tôi bỏ ống số tiền đó hàng ngày trong một năm thì có thua gì mình trúng số, dù là số nhỏ. Ấy thế mà, không nhịn được anh ơi. Ngày nào không có tấm vé số dằn túi thì  y như  thiếu cơm, thiếu thuốc vậy. Có lúc, nhịn thèm, nhất định về nhà nằm ngủ, nhưng rồi sau đó, suy lui tính tới cũng phải chạy ra đường bỏ túi vài tấm. Không có chúng trong túi, mình thấy như mình có lỗi, bụng dạ bâng khuâng, đứng ngồi thắc thỏm, anh à.
Một ông khách “sộp” lại phát biểu:
– Tôi “ghiền” vé số. Tôi chỉ cần trúng vài mánh lớn là còn hơn trúng độc đắc nữa. Nhiều lúc tôi cũng chẳng hiểu mình có muốn trúng số hay không nữa. Tôi khoái chọn số và dò số, giống như khoái ngồi vào chiếu bạc vậy.
Đó là nói về những người chơi vé số.
Một ông bạn cũ, còn được lưu dung dạy học, tình cờ thấy tôi ngồi bán vé số, bèn ghé vào. Sau một vài câu hỏi thăm xã giao, vỗ vai tôi cười rồi ghé sát vào tai, nói nhỏ:
–       Ông đúng là đã thi hành rất sâu sát khẩu hiệu của nhà nước ta. Thời buổi này, ta không còn đánh Tây, đánh Mỹ, đánh Tàu nữa mà là đánh bạc. Cả nước đi buôn, toàn dân đánh bạc!
Chẳng biết ông bạn học được câu nói này ở đâu, nhưng thật khá hợp thời, hợp cảnh.
Đi buôn và đánh bạc vốn là điều đại kỵ trong xã hội Cộng Sản. Thế nhưng, trong thời buổi mà các thử nghiệm gọi là “xã hội chủ nghĩa” trong một nước Việt Nam  thống nhất hoàn toàn bị phá sản, xã hội phát sinh ra nhiều phản đề tác động từ trong bộ máy nhà nước ra ngoài, từ thượng tầng đến hạ tầng xã hội. Một trong những phản đề tích cực nhất là buôn bán tư nhân.  Sự chênh lệch giá cả giả tạo từ giá chỉ đạo của nhà nước với giá thị trường, giữa vùng này và vùng khác khiến mọi người trở thành con buôn một cách rất tự giác, dù hoàn toàn không chính thức:  mánh mun, móc ngoặc, tuồn hàng, chuyển hàng lậu, trốn thuế…Có một nền kinh tế tư nhân tồn tại bên dưới nền kinh tế chỉ huy. Chính nó, oái oăm thay, nuôi sống xã hội.
Xổ số, nói cho cùng cũng là một cách buôn bán. Buôn bán ở đây còn mang tính cờ bạc. Máu chơi vé số đúng là máu đánh bạc, dù trông nó có vẻ hiền từ hơn, dễ chấp nhận hơn. Đối với một thiểu số, đôi khi người ta mua vé cầu may.  Nhưng hầu hết, sau cái cầu may đó, là nghiện. Chọn số, chơi số, nuôi số, rồi số cặp, số đuôi làm phát sinh số đề. Tôi không muốn nói đến cái lợi cái hại của trò chơi xổ số (chơi xổ số thực ra là một hiện tượng xã hội, một hình thức làm kinh tế như ở Hoa Kỳ), nhưng chỉ muốn nhấn mạnh đến một hiện tượng trái khoáy trong xã hội Cộng Sản: tiền lời xổ số trở thành một trong những ngân sách chính của nhiều địa phương, lại còn chi viện cho trung ương.
Xổ số trở thành một trò mánh mun của các quan chức, một trò đánh bạc phổ thông lôi kéo được sự tham gia vô cùng tự giác của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới nghèo. Càng nghèo, càng thiếu lại càng thích chơi vé số và số đề.   Và cũng từ đó, nghề bán vé số trở thành nghề kiếm sống cho một bộ phận lớn những người không biết tìm ra được cách gì để sống giữa một thời buổi nhiễu nhương nhất của lịch sử. Trong đó không thiếu người trở về từ các trại tù và vùng kinh tế mới.  Càng trái khoáy hơn, nhiều người giàu lên từ nghề bán vé số (kể cả số đề).  Anh bạn tôi là một trong những trường hợp điển hình. Từ chỗ lang thang vô định như tôi, sau một thời gian dài ở tù trở về, toàn bộ gia đình ở ngoài đường suốt nhiều năm,homeless trăm phần trăm, nhờ bán vé số đã mua nhà tậu xe và sống qua được một trong những giai đoạn tệ hại nhất của xã hội.
Người bán vé số ngồi tràn ngập các ngả đường Sài Gòn với đủ thứ bàn lớn, bàn nhỏ. Đó là chưa kể các người bán vé số dạo trong các quán ăn, quán cà phê, cửa hàng. Bán vé số trở thành phong trào. Chính số lượng đông đảo người bán vé số đã khuyến khích các tỉnh, thành phố đua nhau ra vé, tăng số lượng vé. Và cũng chính điều đó khuyến khích người người mua vé số. Trên khắp các ngả đường Sài Gòn, hình ảnh các bàn bán vé số trở thành rất quen thuộc. Đi bất cứ đâu, ta cũng có thể thấy cái bàn bán vé số. Hàng ngàn, hàng ngàn bàn lớn, bàn nhỏ. Sau chiếc bàn là một người im lặng  ngày này qua ngày khác. Hình ảnh đó chìm khuất, lẫn lộn giữa vô số những hình ảnh quen thuộc khác trên đường phố Sài Gòn: nước mía, xe phở, nước ngọt, trứng lộn, sách báo, bong bóng…Vào nghề bán vé số rồi, mới thấy cái thầm lặng bên ngoài đó chứa đựng một bên trong vô cùng sôi động, vì lưu lượng tiền bạc lưu thông trên thị trường vé số rất lớn.
Ngồi sau các cọc vé số tinh tươm đợi chờ khách đến, tôi luôn luôn có những cảm giác lẫn lộn. Tôi bán cho họ nhưng điều giả tưởng, một điều hầu như không hề có thật. Hơn ai hết, đối với người bán vé số, không ai nghĩ đến chuyện trúng số, vì họ biết rằng không thể trúng số được. Cảm giác tôi chắc nịch. Không phải khó trúng, mà là không trúng. Mua một tấm vé số là mua một cái vô nghĩa. Nhưng chính cái vô nghĩa đó lại chứa đựng một điều vô cùng có ý nghĩa: giấc mơ. Con người mơ, tiếp tục mơ và mãi mãi còn mơ. Ngay cả trong những lúc tuyệt vọng nhất.
*
Như thường lệ, đêm đó, sau một ngày dài lăn lộn trên đường phố, liệu không tìm ra một nơi nào tá túc qua đêm, tôi lại tìm về chỗ tạm cư thường lệ của tôi là “nhà” nguời bạn trong khu mộ. Từ đường Lạc Long Quân, tôi đạp xe vào một con đường hẻm khá lớn, cây cối um tùm. Đêm mùa thu. Trời dịu mát. Trăng thượng tuần  tỏa ánh sáng dịu dàng lên khu Tân Bình hoang vắng nửa khuya. Những mái nhà thấp nằm lẫn lộn  giữa các lùm cây. Đường ngang ngõ dọc lung tung. Đúng ra đó là những lối đi, chạy vòng vèo quanh các ngôi mộ. Im lặng. Càng đi sâu vào càng im lặng. Không có một chút Sài Gòn nào sôi động trong khu vực vốn đã từng là nghĩa trang này. Người chết, người sống thảy đều im lặng.  Nhà nằm bên cạnh mồ mả. Hầu hết đều là nhà xây dựng theo kiểu tạm cư, vách gỗ, mái lá. Nhiều ngôi nhà của người sống ở đây không thể sánh được với những ngôi mộ. Nhất là những ngôi mộ cổ. Có ngôi  rất lâu đời, ngày tháng đề từ cả thế kỷ trước, nằm nghênh ngang như  thách thức với thời gian.  Theo năm tháng, thành  quách chung quanh, nền và bia mộ đều ngả sang màu nâu, lổ đổ như tổ ong. Có lẽ vì thế mà dưới bóng trăng, chúng mang dáng vẻ thần bí của  những  lâu đài nào đó trong chuyện cổ tích.
Như mọi khi, nhà chật, tôi phải treo mùng ngủ ngoài trời bên ngôi mộ. Trăng đẹp, rượu ngà ngà, cơ thể mệt nhoài, tôi thiếp đi. Một lúc nào đó, tôi bị đánh thức bởi nhiều tiếng động, tiếng la hét và tiếng súng lên đạn lách cách.  Tôi vùng dậy, chưa kịp định thần thì một tay công an đã xông tới, dí súng vào màng tang bắt tôi đứng yên, trong lúc một tay công an khác còng tay tôi lại. Mùng, xách, xe đạp được đám du kích phường vơ hết thành một đùm, vứt lên chiếc xe ba gác đậu gần đó. Tất cả bọn, chừng mười mấy người, toàn những kẻ vô gia cư, bị áp tải về trụ sở công an phường.
Sáng hôm sau, lần lượt mọi người được gọi lên khai báo và làm kiểm điểm. Thì ra, công an phường phối hợp với công an văn hóa quận, mở một cuộc hành quân truy quét đám đào mộ chuyên nghiệp ăn trộm nữ trang, vòng vàng, đồ đạc của người chết. Lúc này, việc đột nhập mộ  đang là một phong trào khá thịnh hành ở vùng này. Không thể kiếm chác gì được từ người sống, họ tìm cách kiếm ăn từ người chết. Thế là những kẻ vô gia cư chúng tôi  bị  dính.
Sau hai ngày bị giữ lại  tại trụ sở công an, tôi mất đứt  500 vé số, chiếc xe đạp và nhiều thứ lặt vặt khác.  Biến cố này chấm dứt nghề bán vé số của tôi và cũng dứt luôn những ngày lang thang vô định trên đường phố Sài Gòn.
Trần Doãn Nho
Trích từ bút ký “Loanh quanh những nẻo đường”, nxb Văn Mới, California, Hoa Kỳ, 2000.