Tuesday 12 January 2016

Sự tương đồng kỳ lạ giữa Đặng Thế Phong và Taki Rentaro

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam và Nhật Bản thời cận-hiện đại  hai nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918-1942) và Taki Rentaro (1879-1903) có nhiều nét tương đồng đến kỳ lạ!

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong
Thời đại “gió Tây thổi bạt gió Đông”.
Xét ở khía cạnh đời người Taki Rentaro thuộc  thế hệ đi trước nhưng xét ở bối cảnh lịch sử hai nhạc sĩ gần như sống cùng thời. Thời đại hai nhạc sĩ sống là thời đất nước chuyển mình trong quá trình cận đại hóa với những giao lưu và va đập của văn minh Đông-Tây.

Nhật Bản khi đó đang là thời kì Minh Trị (1868-1912). Đây là thời kỳ nước Nhật đẩy mạnh quá trình “văn minh hóa” theo mô hình các nước phương Tây. Những giá trị văn minh phương Tây xâm nhập và có ảnh hưởng mạnh mẽ trên khắp các lĩnh vực trong đó có âm nhạc.
Việt Nam giai đoạn nhạc sĩ Đặng Thế Phong sống cũng đang trong quá trình cận đại hóa. Tuy nhiên khác với Nhật Bản, quá trình cận đại hóa ở Việt Nam diễn ra khi đất nước đã mất độc lập và xét ở toàn cục quá trình “văn minh hóa” là kết quả khách quan của chủ nghĩa thực dân. Sự giao thoa và xung đột các giá trị Đông-Tây có lẽ đã có ảnh hưởng quan trọng đến tâm hồn của hai người nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Taki Rentaro
Cuộc sống “xê dịch” và năng khiếu trời cho.
Cả Đặng Thế Phong và Rentaro  đều sinh ra trong gia đình viên chức. Cha Đặng Thế Phong là thông phán Sở trước bạ thành phố Nam Định. Cha Taki Rentaro là viên chức cấp cao của chính phủ. Hoàn cảnh gia đình đã khiến  hai người sớm có cuộc sống “xê dịch” khắp nơi. Đặng Thế Phong do cha mất sớm, gia cảnh nghèo túng nên phải bỏ học khi đang theo học năm thứ hai bậc thành chung tại trường trung học Saint Thomas d’Aquin và lang thang khắp nơi làm nghiều nghề kiếm sống. Trong khi ấy Rentaro phải theo gia đình chuyển hết trường tiểu học này đến trường tiểu học khác, lúc thì ở Tokyo khi chuyển đến Oita rồi có lúc lại về Yokohama.
Một điều kì lạ nữa là cả hai người  đều có năng khiếu hội họa và âm nhạc. Hồi nhỏ Rentaro mê vẽ. Người ta kể lại rằng do Rentaro cận thị nặng nên khi vẽ cậu thường ghé sát tận mặt giấy. Một vài bức tranh do Rentaro vẽ hiện vẫn được lưu giữ  ở Thư viện Takeda. Đặng Thế Phong trong quá trình kiếm sống cũng vẽ cho một số tờ báo ở Hà Nội và vào học dự thính tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Chính trong thời gian học ở đây, Đặng Thế Phong đã để lại một giai thoại. Trong một kỳ thi, Đặng Thế Phong vẽ bức tranh cảnh một thân cây cụt. Giáo sư, họa sĩ người Pháp Tardieu chấm bài, khen ngợi nhưng nói rằng:E Đặng Thế Phong sẽ không sống lâu được!
Trong cuộc đời mình cả Đặng Thế Phong và Rentaro đều đã từng sống ở nước ngoài và làm thầy dạy nhạc. Tháng 2 năm 1941, Đặng Thế Phong vào Sài Gòn từ đó sang Campuchia và kiếm sống bằng nghề dạy nhạc cho đến khi trở về Hà Nội vào tháng 8 năm 1941. Rentaro sau khi thi đỗ vào trường nhạc ở Tokyo đã trở thành giáo viên dạy Piano tại ngôi trường này. Rentaro cũng được Bộ giáo dục Nhật cử sang Đức học về âm nhạc tại Leipzig năm 1901 và nhạc sĩ đã sống ở đây khoảng một năm.
Cuộc đời ngắn ngủi và những nhạc phẩm còn lại với thời gian.
Đặng Thế Phong và Taki Rentaro đều có cuộc đời ngắn ngủi. Đặng Thế Phong mất vì căn bệnh lao phổi năm 1942 tại Nam Định. Khi ấy Đặng Thế Phong 24 tuổi. Rentaro sang Đức du học năm 1901 nhưng sáu tháng sau phải trở vì nhà vì căn bệnh lao phổi. Rentaro giã biệt trần gian lúc 25 tuổi.
Sớm giã biệt cõi trần nhưng cả Đặng Thế Phong và Rentaro đều để lại những tác phẩm nổi tiếng.
Trong một năm trước khi đi du học Rentaro đã tiến hành nhiều hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Các tác phẩm âm nhạc do Rentaro sáng tác vào thời gian này như “Trăng trên lâu đài hoang”, “Hideyoshi Toyotomi”, “Hai mươi dặm qua Hakone” đã được tuyển chọn vào tập bài hát dùng giảng dạy trong các trường nữ sinh. Trong số các tác phẩm đó tác phẩm “Trăng trên thành hoang” vẫn còn gây tiếng vang tới tận ngày nay. Người ta nói tác phẩm này là hồi ức về dấu tích của lâu đài Takeda gắn bó với tuổi thơ của Rentaro. Giai điệu vui vẻ, thư thái của “Hai mươi dặm qua Hakone” cũng quen thuộc với nhiều người. Rentaro còn tham gia biên tập “Tuyển tập bài hát dành cho nhà trẻ” với những bài hát có ca từ đơn giản, trẻ em có thể hát và thưởng thức dễ dàng.
Đặng Thế Phong cũng để lại ba nhạc phẩm nổi tiếng: Đêm Thu (1940), Con thuyền không bến (1941), Giọt mưa thu (1942).
Từ tên gọi cho đến nội dung, nhạc phẩm của hai người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh đều gợi nỗi buồn nhân thế sâu thăm thẳm. Có lẽ hai ngôi sao băng trên bầu trời âm nhạc ít nhiều dự cảm được số phận của chính bản thân mình.
Nguyễn Quốc Vương
P/s.  Mời các bạn nghe lại tác phẩm “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong .


Và “Trăng trên lâu đài  hoang” của Taki Rentaro