Tuesday 23 February 2016

Tham luận 112 Biển Đông trước những thực tế và những hệ quả có thể xãy ra

1.- Mưu đồ bất chánh:
Trung Cộng khoanh vùng biển để tự nhận mình là chủ nhân ông qua Đường Lưỡi Bò Chín Đoạn mà không cần chứng minh bất cứ văn kiện pháp lý nào, dù là tối thiểu. Chính Tập cận Bình từ lúc tóm thâu quyền bính (2013) với cuồng vọng bành trướng đại Hán, không còn dấu diếm sách lược chiếm lấy Biển Đông: “Đường chín đoạn và các đảo trong Biển Nam Trung Hoa là thuộc sở hữu của Trung Quốc từ thời cổ đại”và tự coi Biển Đông là ao nhà của họ, họ tự cho quyền đơn phương bồi đấp các đảo nhơn tạo, xây dụng cơ sở hạ tầng, tăng cường quân sự hóa dưới những hình thức khác nhau, và gần đây họ cho ba phi cơ đáp xuống một hòn đảo mà họ vừa bồi đắp” (trích bài viết Tương Lai Biển Đông Mờ Mịt Sau Thượng Đỉnh Mỹ-Asean  của Bs.Mã Xái, ngày 19/02/2016).

Vùng lưỡi bò chin đoạn nầy chiếm hết 90% của Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng sa của Việt Nam mà chúng đã xua quân tiến chiếm vào năm 1974, là lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam Cộng Hòa đã được Hiệp Định Genève năm 1954 xác định; Bao gồm quần đảo Trường sa gồm một phần của Việt Nam, một phần của Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei và đặc biệt bao gồm hết khu vực của hải phận quốc tế, vùng tự do hàng hải và không lưu quan trọng vào bật nhứt trên thế.

Để củng cố cho chủ quyền vùng biển vừa cướp đoạt của các nước trong vùng, Tập Cận Bình cho xây dựng ngay các ngọn hải đăng, lập các cơ sở hành chánh để điều hành và chánh thức đặt tên là quận Tam sa gồm vùng biển và các nhóm đảo Hoàng sa, Trường sa.

2.- Thời cổ đại nào?

Vẫn còn thấy như vậy chưa đủ để đáp ứng cho nhu cầu chiến lược, họ Tập còn ra sức ngày đêm để bồi đấp thêm những bãi đá ngầm thành những phần đất nổi thật kiên cố bằng bê tông cốt sắt, nối liền với mặt đất trên các đảo sẳn có để có đủ diện tích đất lập đường bay và các phi đạo trên đó, mục đích dùng cho các nhu cầu quân sự song hành và ăn nhịp với sự phát triễn ráo riết lực lượng hải quân trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hành động xâm lăng, cướp đất, cướp biển của người ta rồi tuyên bố là của mình “từ thời cổ đại”mà không cần trưng ra bất cứ bằng cớ gì để chứng minh quả là hành động bất chánh và vô cùng ngang ngược. Thời cổ đại mà Tập Cận Bình nói là thời cổ đại nào? Niên kỹ nào? Sách vở nào (dù là ngụy tạo)  đã ghi điều đó? Lời tuyên bố nầy của gã họ Tập giống như lời phát ngôn của một tên cướp cạn, dùng vũ lực cướp hết tài sản của nạn nhân rồi tuyên bố số tài sản vừa cướp đoạt được là tài sản của ông cố anh ta để lại cho anh ta. 

3.- Người Cộng sản đều giống y như nhau
Cũng năm vừa qua, trong chuyến công du Mỹ quốc gã họ Tập cũng nói với Tổng thống Barack Obama là Trung Cộng không quân sự hóa Biển Đông, vậy mà chỉ trong vòng vài tháng sau, gã họ Tập lại đem hỏa tiển ra các đảo Hoàng sa và Trường sa để khai triễn lực lượng quân sự để bao vùng khu vực của đường lưỡi bò chín đoạn, bất kễ danh dự và liêm sĩ của một tên đứng đầu một nước. Thế mới biết giọng lưỡi của những tên Cộng sản đều giống y như nhau, chuyên môn nói một đàng nhưng làm một nẽo. Không bao giờ có thể tin được. 

4.- Hành động sai lầm, Lịch sử rất có thể sẽ lập lại
Vấn đề Trung Cộng biểu dương lực lượng quân sự như hiện nay, ngoài việc hâm dọa, thách thức, khiêu chiến đối với các nước trong vùng đang tranh chấp chủ quyền mà chủ ý còn muốn thách thức luôn cả Nhựt Bổn, Đại Hàn và “thử phổi” luôn cả với Hoa Kỳ. 

Việc nầy cũng tương tợ như thời kỳ năm 1975 khi Việt cộng xua quân đánh chiếm tỉnh Phước Long và Ban Mê Thuộc của Việt Nam Cộng Hoà để thăm do “lá phổi của Mỹ” to lớn cở nào. Thời đó, tuy Quốc hội Mỹ đã bó tay Tổng thống, nhưng đạo luật về Quyền Chiến Tranh vẫn còn dành cho Tổng thống Mỹ 60 ngày tự do để can thiệp vào chiến tranh ở Việt Nam, thời gian nầy quá đủ để Mỹ điều động pháo đài bay B-52 đánh tan hết các quân đoàn Cộng sản Bắc Việt đang tập trung lộ diện trên các trục lộ tiến vào Saigon. Nhưng Tổng thống Fort của Mỹ đã không làm điều đó khiến cho chúng ta bị mất nước vào tay bạo quyền Việt cộng và Mỹ bị mang tiếng là thua trận và phản bội đồng minh. 

Liệu rằng TT. Obama ngày nay có giống như TT. Fort của năm 1975 không? Đó là điều mà Tập Cận Bình muốn biết và tìm mọi cách để biết, cho nên chỉ sau Hội Nghị Thượng đỉnh Mỹ-Asean tại Sunnylands California (15-16/02/2016) vừa kết thúc được 2 ngày thì Trung Cộng liền mang hỏa tiễn ra đảo Hoàng sa và Trường sa để biểu dương lực lượng. Điều nầy rõ ràng là một hành động thăm dò “lá phổi” của TT.Mỹ Barack Obama. Mỹ thừa biết điều nầy chăng? hay vẫn còn tin lời của người Cộng sản? hay vì sợ một cuộc chạm trán với Trung Cộng mà hậu quả lớn lao khó lường trước được? 

Sự ngập ngừng, thiếu mạnh dạng của Mỹ trong mấy năm nay trước sự bành trướng mỗi ngày một gia tăng ở Biển Đông đã khiến cho Tập Cận Bình có nhiều quyết đoán hơn trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông và Biển Hoa Đông, và nếu như Mỹ thật tâm muốn ngăn ngừa sự bành trướng của Trung Cộng ở vùng Đông Á và Đông Nam Á thì tình trạng như hiện nay đã cho thấy vấn đề giải quyết càng lúc càng phức tập hơn nhiều.

5.- Một vài thí dụ giả định
Trong mấy năm qua, nếu Mỹ quyết tâm vận động tổ chức hải đội của mình nhiều lần xâm nhập vào vùng Lưỡi Bò Chín Đoạn kèm theo một số chiến hạm của Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và có thể luôn cả Việt Nam, đi sát vào các đảo Hoàng sa, Trường sa, thì rất có thể tình hình sẽ khác đi và Trung Cộng cũng sẽ không lớn giọng như hiện nay, do đó, vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền và hải phận quốc tế ở những vùng nầy vì thế sẽ dễ dàng hơn. Đáng tiếc là Mỹ đã không làm điều đó tương tợ như TT.Fort đã không hành xử quyền tự do 60 ngày can thiệp vào cuộc chiến ở Việt Nam năm 1975 đã khiến cho Mỹ bị mang tiếng là lần đầu tiên bị thua trận, mà lại bại trận tại một quốc gia nhỏ bé là Việt Nam mới thật sự là điều đáng tiếc. 

6.- Niềm hy vọng
Kễ từ ngày lập quốc cho đến nay, Mỹ chưa bao giờ thua trận nào ngay cả trong hai kỳ đệ I thế  chiến (1914-1918) và đệ II thế chiến (1945), thì hy vọng ngày nay, “ôn cố tri tân” Mỹ sẽ hành xử một cách sáng suốt hơn trong vai trò siêu cường số một trên thế giới của mình để xông xáo và cương quyết hơn trong nhiệm vụ giải quyết mọi vấn đề Biển Đông trên căn bản Luật Pháp Quốc Tế hầu tránh ô nhục có thể tái lập lại lần thứ hai.

7.- Quyền lợi đơn thuần và quyền lợi có lý tưởng

Nếu vì quyền lợi có lý tưởng mà Mỹ là dứt khoát tham chiến chống lại sự bành trướng của Trung Cộng trên Biển Đông bằng quân sự thì họ Tập thừa hiểu rằng cuộc xâm lăng của ông ta sẽ khó thành công vì không đủ điều kiện để nắm phần thắng lợi mà sự thiệt hại lại sẽ vô cùng thảm khốc, giống như Nhựt Bổn hồi thế chiến thứ II. Trường hợp nầy, Trung Cộng sẽ đề nghị chia quyền, chia đôi Thái Bình Dương để cùng khai thác tài nguyên với Mỹ (quyền lợi đơn thuần) mà trong đó, dĩ nhiên chắc chắn là Trung Cộng sẽ lần hồi tìm cách nuốt trọn đường lưỡi bò xuống tận eo biển Malacca xuyên qua Ấn Độ Dương. 

Còn nếu qua sự thăm do nầy, Trung Cộng biết được rằng Mỹ chỉ phản ứng bằng mồm vì sợ thiệt hại về nhân mạng và tài sản của Mỹ như tiền lệ đã có trước ở Việt Nam như đã chứng minh trên, thì lập tức Tập Cận Bình sẽ  phát động cuộc chiến máu lửa toàn diện trên Biển Đông, chánh thức mở màng một cuộc xâm lăng thảm sát vài chục triệu người dưới bàn tay tàn bạo của bọn người Đại Hán.

8.- Những điều khó hiểu
a.- Phiên hợp thượng đỉnh Mỹ-Asean và tương lai những quốc gia đang tranh chấp biển đảo với Trung Cộng sẽ đi về đâu?
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã triệu tập một phiên hợp thương đỉnh trong 2 ngày 15-16/02/2016 tại Sunnylands- California gồm Mỹ và những quốc gia trong khối Asean để giải quyết về vấn đề căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, tuy không nói ra nhưng nội dung chánh của phiên hợp thượng đĩnh nầy mục đích là chống lại sự bành trướng của Trung Cộng. 

Điều khó hiểu ở đây là Phiên hợp thượng đỉnh đã diễn ra trong hoàn cảnh vai trò của TT.Obama sắp chấm dứt, vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sắp chấm dứt, trễ nhứt là tháng năm 2016, trong khi Tân Tổng bí thư lưu nhiệm Nguyễn Phú Trọng thì đứng hẳn về phía Trung Cộng, TT.Aquino của Phi Luật Tân cũng sắp mãn nhiệm kỳ và còn tuyên bố không tái tranh cử nữa, Thủ tướng Mã Lai thì đang mất uy tín vì đang bị tố cáo lem nhem trong các vụ tham nhũng, Campuchia và Lào thì nghiêng theo Trung Cộng, trong hoàn cảnh như vậy, những quốc gia có liên hệ tới việc tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng trên Biển Đông từ năm 2017 trở đi sẽ ra sao? 

Hậu ý gì của TT.Obama trong cuộc triệu tập phiên hợp thương đỉnh Mỹ-Asean nầy? Có điều là phiên hợp đã diễn ra một cách rất muộn màng, điều nầy đã khiến cho chúng ta rất quan ngại và đặt ra nhiều nghi vấn. 

b.- Những nghi vấn cần lưu tâm
Chưa biết được chủ trương chống lại sự bành trướng của Trung Cộng có còn đủ mạnh với một vị Tổng thống mới hậu Obama? Chủ trương của Mỹ vẫn tiếp tục xoay trục về Châu Á- Thái Bình Dương như hiện nay hay hành xử giống như TT.Nixon năm nào, đã thay đổi chiến lược, trở mặt với đồng minh, quay sang bắt tay với kẻ thù Trung Cộng. 

Chuyện nầy thật khó biết trước, chỉ biết một điều là TT.Obama trước khi mãn nhiệm kỳ sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng Năm sắp tới, không biết chuyến đi nầy có giống như các chuyến đi của những vị Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Bill Clinton và Giorge Bush hay không? Hai ông Tổng thống tiền nhiệm nầy, trước khi mãn nhiệm kỳ đều đã bay sang Việt Nam để ký một loạt các văn kiện: gở bỏ lệnh cấm vận, tháo gỡ Việt Nam ra khỏi danh sách các nước kỳ thị Tôn Giáo, cho Việt Nam vào tổ chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, v.v…Đó là điều kỳ lạ, vì Mỹ là một cường quốc dân chủ tự do tiêu biểu bậc nhứt trên thế giới mà lại chuyên tâm đi ủng hộ độc tài, đã gây nên những bất lợi vô cùng to lớn đối với tập thể Người Việt Quốc Gia và dân tộc Việt Nam trong công cuộc tranh đấu chống lại bạo quyền độc tài Việt Cộng. 

Vấn đề đặt ra không phải để mang niềm bi quan mà là vấn đề tiên liệu để hoạch định chánh sách đấu tranh sao cho kịp thời của Người Việt Quốc Gia và đồng bào trong, ngoài nước trước mọi tình huống rất có thể xãy ra.

9.- Chờ đợi bản Phán Quyết của Tòa án trọng tài quốc tế
Xin lặp lại điều nầy đã được đề cập trong bài tham luận trước của tác giã là hiện nay, cả thế giới đều đang chờ đợi Bản Phán Quyết trên giấy trắng mực đen của Toà Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye ở Hòa Lan để hành động. 

Nếu Phi Luật Tân thắng kiện (chắc chắn như thế), thì theo luật biển quốc tế, dĩ nhiên vùng khoanh của Đường Lưỡi Bò Chín Đoạn sẽ vô giá trị, tất nhiên các lực lượng chiếm đóng, các hạm đội bao vây và các cơ sở hành chánh của Trung Cộng  trên các hải đảo Hoàng sa, Trường sa sẽ được yêu cầu rút đi để trả lại chủ quyền thật thụ cho những nước sở hửu chủ của nó là Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei đồng thời Hải Phận Quốc Tế sẽ được tái lập theo Công Ước Quốc Tế mà Liên Hiệp Quốc đã quy định. 
Lúc đó thì lực lượng hải quân của các nước liên hệ chiếu theo sự phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế, sẽ tự động đem quân ra chiếm đóng trên phần lãnh hải của mình như Phi Luật Tân, Mã Lai và Brnei. 

Riêng Việt Nam có hành động như ba quốc gia nói trên hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn phải có những nhân vật không chịu nổi sự chèn ép quá độ của bạo quyền và những lực lượng quân sự muốn “Thoát Trung” vì bất mãn với chế độ sẽ cùng nhân dân tự động đổ bộ lên chiếm đóng những nơi thuộc chủ quyền của mình trên các đảo Hoàng sa và Trường sa. 

Tập Cận Bình dĩ nhiên sẽ phản ứng, chẳng những không chịu rút quân mà còn dùng những chiến hạm tối tân và  hàng chục ngàn tàu hải quân có trang bị vũ khí độc hại, giả dạng làm tàu đánh cá để bao vây, ngăn cản và dĩ nhiên, cuộc đụng độ võ trang bắt buộc phải xãy ra. Biển Đông lập tức bắt đầu dậy sóng!

10.- Kết luận
Các quốc gia Tây Phương như Mỹ, Ấn, Úc, Đại Hàn và Nhựt, v.v…đang dàn quân xung quanh chờ đợi sẵn, sẽ đồng loạt nhập cuộc…Mỹ và Nhựt trong vai trò bảo vệ đồng minh, bảo vệ sự lưu thông tự do hàng hải, bảo vệ luật biển quốc tế, nhân dịp nầy sẽ dùng sức mạnh của mình để nhận chìm vĩnh viễn con cọp điên Trung Cộng hầu chấm dứt mọi hiễm họa trong tương lai cho nhân loại. Hy vọng như thế.

Nếu Tập Cận Bình vẫn ngoan cố chống trả một cách quyết liệt thì Đại Chiến sẽ xãy ra mà hậu quả sẽ đến cho Trung Cộng tương tợ như Đức Quốc Xã của Hitler và Thiên Hoàng Nhựt Bổn năm 1945 để kết thúc trận thế chiến. Dĩ nhiên là sự tổn thất về nhân mạng và tài sản sẽ vô cùng to lớn, chẳng những trên Biển Đông mà còn cả trên những quốc gia liên hệ. Điều nầy không một ai mong đợi.

Hy vọng rằng Tập Cận Bình lúc đó sẽ trở thành con cọp giấy, hù dọa không xong liền cuốn cờ rút lui toàn bộ về nước, đó là hành động sáng suốt nhứt của người lãnh đạo trước tình thế lửa bỏng dầu sôi để tránh một thảm cảnh đen tối cho họ. 
Nếu được như vậy thì quả là một điều phúc lợi lớn lao chẳng những cho đất nước Trung Hoa mà còn là điều ước mơ, kỳ vọng của tất cả nhân loại yêu chuộng tự do dân chủ và hoà bình trên thế giới.


Thanh Thủy (23/02/2016)