Tuesday 22 March 2016

Âu Châu cũng từng có một ông Trump

Ngày nay thì ông ta đã mất khá nhiều ảnh hưởng, bị kết án và bị mọi người chọc quê, nhưng có một thời ông Silvio Berlusconi đã nắm quyền cai trị nước Ý, quốc gia lớn thứ tư trong Liên Hiệp Âu Châu. Và Âu Châu đang có một cái cảm tưởng 'déjà vu' khi chứng kiến ông Trump trên màn ảnh truyền hình.

alt
Ông Silvio Berlusconi một thời cai trị nước Ý. (Hình: Getty Images)

Nhà bình luận Roger Cohen của tờ New York Times kể lại là hồi giữa thập niên 1980 khi ông đang là phóng viên ở Ý cho tờ Wall Street Journal, ông viết một bài phóng sự về một nhà tỷ phú thô thiển, ưa gây gổ, tên là Silvio Berlusconi, vốn đã xây dựng sự nghiệp qua địa ốc nhưng đã chuyển sang sở hữu một đế quốc truyền hình không ai cạnh tranh nổi ở Ý.

Thời đó ông đã bắt đầu giàu có. Căn biệt thự, hay đúng hơn dinh thự, của ông ở Milan có một thư viện mà ông dùng làm văn phòng đầy sách. Ông bắt đầu kiếm tiền qua việc xây dựng một thành phố mới mang cái tên là Milano 2 ở khu ngoại ô phía Đông của thủ đô tài chánh của nước Ý. Từ đồng tiền đó, ông dần dà xây dựng một đế quốc truyền hình kiểm soát bởi một công ty tên là Mediaset. Giữa thập niên 1980, một phần lớn tiền quảng cáo truyền hình của nước Ý đã lọt vào tay ông.

Điều làm những người đã gặp ông không thể quên nổi là việc ông cũng như ông Trump rất thích nói. Ông Berlusconi tuy vậy hơn ông Trump vì ông có một giọng nói khá hay. Chả trong thời hàn vi, ông đã từng là một ca sĩ “hát dạo” trên các con tàu đi cruise. Đầy tự tin, ăn nói lỗ mãng, ông Berlusconi hẳn chưa bao giờ đọc những cuốn sách bọc da bề thế trong cái thư viện của ông đó.

Ông Cohen bảo để chứng tỏ cho nhà báo của tờ Wall Street Journal thấy “uy thế” của mình, ông Berlusconi lôi ông ta lên chiếc phản lực cơ riêng bay lên trời. Nhìn xuống thành phố Milan, ông khoe ông là người giàu nhất nước Ý. Ông Cohen bảo làm sao có thể có chuyện đó vì chắc chắn ông chủ tịch kiêm tổng quản trị của tập đoàn sản xuất xe hơi Fiat phải giàu hơn ông chứ. Ông Berlusconi cười khẩy bảo là tiền của những kẻ giàu nổi mới lên như ông nhiều hơn là tiền cũ của những đại gia lâu đời.

Chỉ khoảng một thập niên sau đó vào năm 1994, ông Berlusconi trở thành thủ tướng Ý, đứng đầu một đảng trung hữu mà ông mới dựng lên năm trước, và được dân chúng Ý đẩy vào vị trí quyền lực trên lý luận là ông sẽ có thể phá bỏ được nền chính trị tệ hại của nước Ý, và rằng, với tư cách một người đã tự xây dựng nên một gia tài khổng lồ, ông biết cách giải quyết vấn đề. Ông lợi dụng tối đa đế quốc truyền thông của ông để bảo vệ cho sự thăng tiến nhanh như diều gặp gió của ông, dựng lên từ sự sụp đổ của nước Ý trong giai đoạn trật tự thế giới hậu 1995, vốn đã sụp đổ vào cuối Chiến Tranh Lạnh.

Bị chế nhạo rộng rãi. Rất nhiều bút mực đã được sử dụng để viết về ông, nhưng bất chấp sự thật rõ ràng là ông ngoại tình lang bạt, và bị kiện tứ tung, ông Berlusconi đã trở thành một chính trị gia mà thời đó người ta gọi là chính trị gia Teflon. Chả có gì làm người dân Ý chán ông cả. Ông có tài ăn nói. Ông có liên hệ khắp nơi. Ông còn là chủ của một đội banh nữa. Nhiều người Ý nghĩ họ thấy ở ông một người giống họ. Ông làm thủ tướng ba nhiệm kỳ và 9 tháng trước khi sụp đổ.

Không một ai đã biết đến ông Berlusconi và chứng kiến sự thăng tiến có vẻ hầu như ngày càng cao hơn của ông Donald Trump lại có thể không thấy họ giống nhau. Không phải cái con đường đi từ địa ốc đến truyền hình. Không phải là vì cả hai đều ngưỡng mộ ông Vladimir Putin. Nó cũng không phải là cái trò playboy, hay sự ám ảnh bởi khả năng dục tính của mình, hay là hơi kỳ thị, và coi thường những người cố vấn, và đặc biệt cái luận điệu nói thật nói thẳng.

Nhưng ông Cohen không tin là tài sản kếch xù hay sự hiểu biết truyền thông đã dạy cho họ là không ai có thể thua nếu đánh cá trên cái ngu của mọi người. 

Donald-Trump-Donkey-Hotey

Theo ông Cohen, tất cả chỉ là chuyện thời thế. Hoa Kỳ đã đến lúc có một ông như ông Trump cũng như nước Ý lúc đó sẵn sàng cho ông Berlusconi. Ông Trump cũng vậy muốn mổ xẻ một hệ thống chính trị thối nát trong một xã hội vốn đang bực tức vì công việc đã bị xuất cảng sang Trung Cộng. Ông Trump xuất hiện giữa hai cuộc bại trận, khi sức mạnh cường quốc của Hoa Kỳ đang bị suy sụp và những kẻ khác cũng đang trình diễn trên sân khấu toàn cầu, với hậu cảnh là bế tắc vì chính trị đảng phái, trong một hệ thống chính trị tê liệt và bị thao túng bởi tiền bạc. Đối lại với chủ thuyết kiềm chế của ông Obama, ông Trump đề nghị sự hồi sinh. Đối phó với lý trí, ông ta phản công với tức giận.

Trên báo điện tử The Intercept, ông Alexander Stille cũng đồng ý với ông Cohen. Ông viết, “Một số điểm giống nhau lộ liễu và khó tin. Cả hai đều là tỷ phú mà lúc đầu thành công là nhờ địa ốc, mà sự giàu có và lối sống playboy khiến họ trở thành những celebrities. Cả hai đều có những vụ ly dị ồn ào và thường khoe khoang khả năng của họ. Trong một cuộc tranh luận, ông Trump đã hùng hổ bênh vực cho khả năng tình dục của mình, trong khi ông Berlusconi viết, “Hãy nghĩ tới tất cả những người đàn bà trên thế giới muốn ngủ với tôi nhưng không biết đấy thôi.” Đây là trước khi ông mở những party Bunga Bunga với các cô giá làng chơi bất chấp dư luận. Bước vào chính trị, cả hai ông đều tự cho mình là kẻ chống lại các chính trị gia - là những nhà kinh doanh siêu đẳng chống lại với các “chính trị gia áo xám” vốn chưa bao giờ biết làm sổ lương và vốn đang phá hoại nước mình.

Cả hai ông Berlusconi và Trump đều đã tạo cho mình một thứ cá tính pha giống: Một thứ tỷ phú cho giới bình dân. Một người mà một bên, vì giàu có vượt mức, thành công và dám làm mọi chuyện, một thứ superman mà những luật lệ thường không thể nào áp dụng được. Đồng thời, lời lẽ thô bạo của họ lại giúp họ liên hệ với nhiều người, đặc biệt những người ít học. Họ có một thứ hấp lực xuyên giai cấp, người rất giàu có tìm cách theo đuổi chính sách chỉ có lợi cho người giàu trong khi vẫn tiếp tục duy trì được sự hấp dẫn cho các thành viên của giới trung lưu và giới thợ thuyền đang gặp khó khăn.

Cả ông Trump lẫn ông Berlusconi không có chương trình chính trị thực sự: Điều họ có là chính bản thân họ. Ông Berlusconi đã có lần nói là Ý cần nhiều ông Berlusconi khác nữa. Lối biện luận của ông Berlusconi cũng chính là lối biện luận của ông Trump.

Trong một cuộc tranh luận truyền hình, đối thủ của ông, một nhà kinh tế học, chỉ ra những lỗ hổng và bất nhất trong chương trình kinh tế của ông Berlusconi. Ngắt lời nhà kinh tế, ông chỉ ra những chiến thắng của đội banh của ông, đội AC Milan. Ông nói, “Trước khi muốn tranh thắng với tôi hãy ít nhất thắng một vài trận banh đã.” Lời tuyên bố này có vẻ như có một sự thật khó chối cãi, mặc dầu nó chả dính dáng gì đến khả năng cai trị của ông Berlusconi. Cũng vậy, khi được hỏi ông làm sao buộc Mexico trả tiền xây tường thì ông Trump chỉ thản nhiên trả lời, “Đừng lo, họ sẽ chi tiền.”

Ông Stille còn lý luận thêm là sở dĩ chuyện những người như ông Trump hay ông Berlusconi chỉ có thể xảy ra ở Hoa Kỳ hay ở Ý nơi mà truyền hình tư nhân chế ngự, khác với Anh hay Pháp hay Đức nơi truyền hình nhà nước vẫn còn “đóng vai trọng tài cho cuộc đối thoại.”

Điều khác là nếu được bầu lên làm tổng thống, ông Trump sẽ có chìa khóa hạt nhận, ông Berlusconi không có. Ông Trump sẽ phải đối diện với những định chế vững mạnh, kể cả tư pháp mà ông Berlusconi không phải chịu. Ông Trump cũng sẽ là lãnh tụ của thế giới tự do. Ông Berlusconi cai trị từ một thành phố, thành Rome, nơi mà bài học là mọi quyền lực, dầu vĩ đại đến đâu, rồi cũng tàn lụi.

Điều ông Berlusconi dạy cho chúng ta là ông Trump có thể trở thành tổng thống trong một quốc gia khao khát chính trị mới. Con người được gọi là “hiệp sĩ” sau cùng bị kết tội lậu thuế và trả tiền mua dâm gái vị thành niên, nhưng đã phải đến 17 năm scandal và vô tài, từ năm 1994 đến năm 2011 thì Ý mới sáng mắt ra.

Hy vọng những công dân của một nền dân chủ lâu đời như Hoa Kỳ sẽ trưởng thành hơn.