Saturday 5 March 2016

Sao không dám nói thẳng ?

Thưa quý thính giả, vào những ngày tháng cuối của nhiệm kỳ quốc hội khóa 13, dự luật biểu tình lại bị hoãn bởi nhiều lý do. Mời quý thính giả theo dõi Quan Điểm của Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc với tựa đề: Sao Không Dám Nói Thẳng? qua phần trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thưa quí thính giả,

Khi người dân ào ạt xuống đường chống Trung Cộng năm 2011, thì chính phủ do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu, đã yêu cầu có luật biểu tình để kiểm soát các cuộc biểu tình ấy. Năm 2014 Trung Cộng đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa của Việt Nam, thì dân chúng tự phát những cuộc biểu tình lớn hơn, có nguy cơ mất kiểm soát, dẫn đến bạo loạn lật đổ chế độ độc tài, nên CSVN đã đàn áp quyết liệt. Từ đó dự thảo luật biểu tình trở thành vấn đề, kéo dài đến hôm nay, và có thể còn kéo dài trong nhiều năm nữa.


Ai quan tâm đến sinh hoạt xã hội ở Việt Nam cũng đã nghe, đã biết rằng quyền tự do biểu tình và quyền tự do lập hội đã được quy định trong Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, cũng như Điều 25 bản Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trong ấy ghi rõ: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định." Thế nhưng tại sao người dân lại không được thực hành những quyền căn bản này?

Để trả lời câu hỏi trên, trong suốt mấy năm qua người ta thảo luận, phân tích đủ mọi khía cạnh, đủ mọi nguyên do, không phải để đưa ra một giải pháp nhằm giải quyết dứt khoát một vấn đề, mà chung qui, nói huỵch toẹt ra rằng: CSVN không muốn đạo luật này ra đời – vỏn vẹn chỉ có thế. Vì không dám nói thẳng nói thật, nên phải nói loanh quanh để trì hoãn càng lâu chừng nào hay chừng đó.

Chúng ta cũng cần lưu ý một điểm đặc biệt trong hiến pháp của nước CSVN là mỗi điều liên quan đến quyền của người công dân, thì đều khóa lại bằng câu: "Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định." Vì vậy chưa có luật thì chưa có quyền, cũng có nghĩa là hiến pháp phải chờ luật mới có hiệu lực! Nên hiến pháp viết ra để đó cho có, và để chứng minh cho thế giới biết rằng chúng tôi cũng có một bản hiến pháp tiến bộ, thế thôi.

Ông đại biểu Trương Trọng Nghĩa thuộc đoàn đại biểu Sài Gòn cho rằng khi dự luật bị hoãn lại thì điều ấy cũng vi phạm Nghị quyết 48, vì nghị quyết đã nêu rất rõ: "Xây dựng các đạo luật về lập hội, biểu tình nhằm xác định rõ quyền, trách nhiệm của công dân trong việc thực thi quyền dân chủ và trách nhiệm của nhà nước trong việc duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng".

Vậy nghị quyết 48 là cái gì? Theo lời giải thích của ông Nghĩa, thì "Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị. Đây là Nghị quyết xác định cụ thể những quan điểm chỉ đạo, đề ra các định hướng lớn và những giải pháp cơ bản cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020". Ông Nghĩa nói tiếp: "Nghị quyết 48 cách đây hơn 10 năm, qua 2 khóa Quốc hội rồi nhưng chúng ta vẫn không làm xong, cho thấy 2 điều. Thứ nhất là Nghị quyết của Đảng đã không được hoàn thành. Thứ hai là Nghị quyết của Quốc hội về việc này cũng không được thực hiện nghiêm khi đã ấn định thời gian cụ thể nhưng rồi cứ hoãn đi hoãn lại. Cần phải nói thêm là Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực cũng như một đạo luật."

Đến đây thì người dân lại thấy rõ hơn hai điểm nữa, thứ nhất nghị quyết của quốc hội có hiệu lực như một đạo luật? Thứ hai, quan trọng hơn nữa ở chỗ nghị quyết này là của Bộ Chính trị đưa xuống. Nên chúng ta có thể tóm tắt câu chuyện chẳng có gì mới mẻ này, là bộ chính trị ra nghị quyết, đưa xuống cho quốc hội biểu quyết, để trở thành một đạo luật. Nay quốc hội không thi hành nghiêm chỉnh nghị quyết do Bộ Chính Trị đưa xuống, nên phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính Trị, chẳng ăn nhập gì đến nhân dân cả.

Những lý do nêu ra để trì hoãn luật biểu tình từ bộ quốc phòng, bộ tư pháp hay bất cứ cơ quan nào cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cốt lõi là Đảng CSVN không muốn có luật ấy. Thực tế là trong một thể chế công an trị như ở Việt Nam hiện nay, cho dù có luật đi nữa, người dân cũng chẳng được hưởng các quyền căn bản của mình, vì nhà cầm quyền CSVN dẵm trên luật pháp hàng ngày. Chính Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rằng cương lĩnh của đảng quan trọng hơn hiến pháp; và họ đã và đang hành sử như vậy từ bao nhiêu năm qua. Do đó những việc như ứng cử bầu cử quốc hội chỉ là hình thức, là tuyên truyền lường gạt mà thôi.

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta ngồi yên phó mặc vận mệnh của chính mình, và tương lai đất nước này trong tay một thiểu số đảng viên CS, mà mỗi người và mọi người phải có sáng kiến có bổn phận dành lại quyền của mình. Những quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình là quyền tự nhiên không phải van xin, không ai ban phát, nên chúng ta có quyển thực hành, không cần chờ có luật, vì CS chẳng bao giờ muốn có luật ấy.

Cám ơn quí thính giả đã theo dõi quan điểm của chúng tôi.

LLCQ