Saturday 12 March 2016

Tiếng Việt ở hải ngoại + Phản hồi của một đọc giả


Hỏi bất cứ một người Việt nào ở hải ngoại, ai cũng than phiền sau 1975 nhiều chữ người miền Bắc dùng không đúng, bây giờ trở thành thông lệ cho cả miền Nam.

Internet cũng thế, đầy dẫy những bài viết của người Việt hải ngoại chỉ trích cách dùng chữ Việt hiện thời ở Việt Nam (chính tôi cũng viết một bài ngắn "Tiếng Việt hiện đại / Chuyện "Tình yêu phai nhạt", xin xem link:

Thế nhưng nếu ai có bỏ công, tìm đỏ mắt sẽ không nghe một người nào hay đọc một bài viết nào chỉ trích người Việt ở hải ngoại dùng tiếng Việt hay đặt câu sai lầm.

Hầu hết những báo chí Việt phát hành hàng tuần ở các thành phố Hoa Kỳ với mục đích thương mại, người viết bài nhiều người là thợ viết, không phải là ký giả hay nhà văn chuyên nghiệp, câu văn đọc nghe lủng củng, luộm thuộm;  thậm chí những lỗi lầm hoặc những chữ chỉ dùng ở Việt Nam sau 1975 nay lại xuất hiện trên những báo Việt quảng cáo ở Hoa Kỳ.
Ấy là nói về sách báo Việt thương mại tư nhân. Dân số người Việt ở Hoa Kỳ là một con số đáng kể (1.7 triệu người, thống kê 2013) nên hầu hết các hãng xưởng hay văn phòng chính phủ nào cũng đều có công nhân là người Việt Nam, và vì thế, đôi khi có sự cần thiết dịch tiếng Anh sang tiếng Việt cho công nhân người Việt hiểu.  
Hoa Kỳ là quốc gia đứng hàng nhất nhì trong thế giới tự do bảo vệ nhân quyền. Không những quyền căn bản của người dân được bảo đảm trong 10 đạo luật tu chính Bill of Rights - Tuyên ngôn Nhân quyền, mà ở cấp bậc Tiểu bang, nhất là California, có bao nhiêu đạo luật ...khỉ gió bảo vệ quyền lợi người dân đến độ vô lý.
Một thí dụ là ban đêm ăn trộm, ăn cướp vào nhà mình trộm cướp tài sản, hiếp bóc con mình..., mình thức dậy cầm súng bắn nó thì phải bắn khi nó đương đầu đối diện mình, chứ nếu bắn đằng sau lưng khi nó bỏ chạy thì bảo đảm mình mang tội mưu sát (nó đã bỏ chạy, không muốn đánh đấm với mình mà mình còn bắn phía sau lưng khi nó không có phương cách nào bảo vệ nó thì rõ ràng mình chủ tâm cố ý giết người không cần thiết!).
Một hình thức "bảo vệ nhân quyền" quá vô lý của California là hầu hết các ấn phẩm dịch vụ xã hội công cộng  phải in tiếng ngoại quốc vì có người không hiểu tiếng Anh! Ngoại ngữ in nhiều nhất ở đây là tiếng Tây-Ban-Nha vì số người nói tiếng Tây-Ban-Nha quá đông. Tất cả tài liệu bầu cử ở California in bằng hai thứ tiếng Anh và Tây-Ban-Nha. Dân số người gốc La-Tinh nói tiếng Tây-Ban-Nha ở California (với Mễ là đại đa số, phần còn lại là Trung hay Nam Mỹ) vào năm 2014 đã chính thức qua mặt dân da trắng, trở thành đa số: 14.99 triệu dân Latinosso với 14.92 triệu dân da trắng.
Người Việt muốn thi lái xe nhưng không hiểu tiếng Anh không cần lo: cẩm nang lái xe của Nha Lộ Vận California (Department of Motor Vehicles) ngoài Anh ngữ còn in bằng 10 thứ tiếng khác nhau: Spanish - Tây-Ban-Nha, Arabic - Ả-Rập, Armenian, Chinese - Trung Quốc, Farsi - Iran , Hindi - Ấn Độ, Korean - Hàn Quốc, Punjabi - Pakistan, Russian - Nga, Tagalog - Phi-Luật-Tân, và Vietnamese - Việt Nam.
Tháng  trước tôi nhận thư của DMV về đóng tiền gia hạn lưu thông hàng năm cho xe hơi. Trong bao thư là một tờ giấy yết thị tin tức cho người lái xe, bằng chín thứ tiếng khác nhau, kể cả tiếng Việt:


Đọc phần tin bằng tiếng Anh và bản dịch bằng tiếng Việt, tôi thững thờ, bàng hoàng, kinh ngạc, "sốc", hết ý kiến, vì bản dịch tiếng Việt chẳng những luộm thuộm, dài dòng văn tự, mà còn có một chữ dịch sai  tột đỉnh ngu xuẩn. 
Thông thường, chúng ta phải tỏ tính khiêm nhường, không bao giờ hành động như là người ngạo mạn thế nhưng một chữ trong câu tiếng Anh của tờ giấy DMV này dịch sang tiếng Việt hoàn toàn sai nghĩa, không còn là nghĩa nguyên thủy. Sự sai lầm này quá hiển nhiên, quá cơ bản. Chữ tiếng Anh -eligible không có gì là cầu kỳ, rất đơn giản, nếu bí không biết dịch ra tiếng Việt là chữ gì thì chỉ cần tra tự điển là biết được chữ dịch ra tiếng Việt ngay: -hội đủ điều kiện, thế mà người Việt Nam nào làm ở DMV đã dịch chữ -eligible sang tiếng Việt là -tư cách! Đây là ngu xuẩn tột độ, không thể nào bào chữa. 
Viết cho một báo lá cải, một báo ra hàng ngày hay hàng tuần, mục đích chính là lấy quảng cáo kiếm tiền thì tôi không thèm nói đến, thế nhưng dịch cho một cơ quan chính quyền là một đại sự. Chẳng những mình phải kiêu hãnh cho việc  dịch từ tiếng Anh  sang tiếng Việt của mình là đúng, mà câu mình dịch còn đại diện cho phẩm chất của Nha Lộ Vận, của Tiểu bang California, của quốc gia Hoa Kỳ, và của cộng đồng người Việt Nam.
Tôi chép lại cả đoạn tiếng Anh lẫn đoạn tiếng Việt dịch từ tiếng Anh:
- Đoạn tiếng Anh: 
Are you eligible for traffic amnesty? If you have an unpaid ticket that was due by January 1, 2013, OR if your driver's license is suspended and you are making payments on a ticket, you may qualify for traffic amnesty from October 1, 2015 to March 31, 2017 and get your license restored. Go to www.courts.ca.gov/trafficamnesty for more information.
- và đoạn tiếng Việt dịch từ tiếng Anh:
Quý vị có đủ tư cách nhận được chương trình đặc xá dành cho giao thông (traffic amnesty) không? Nếu quý vị có một vé phạt (ticket) chưa thanh toán đã đáo hạn vào ngày 01 tháng 01 năm 2013, HOẶC giấy phép lái xe của quý vị bị treo suspended) và quý vị đang tiến hành thanh toán vé phạt, qúy vị có thể đạt điều kiện để nhận được chương trình đặc xá dành cho giao thông kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015 đến ngày 31 tháng 03 năm 2017 và khôi phục lại giấy phép lái xe của quý vị. Truy cập trang web www.courts.ca.gov/trafficamnesty để biết thêm thông tin.
Câu "Are you eligible for traffic amnesty?" mà người Việt này dịch là: "Quý vị có đủ tư cách nhận được chương trình đặc xá dành cho giao thông (traffic amnesty) không?". Mèn ơi, ông Trời xuống đây xem! Eligible không phải là tư cáchcharacter mới là tư cách. Nếu câu tiếng Anh là "Do you have the character for traffic amnesty?" thì yes, yes, yes, dịch sang tiếng Việt "Quý vị có đủ tư cách nhận được chương trình...." là đúng number one! Nhưng chữ tiếng Anh ở đây không phải là character mà là eligible 
Chữ tư cách có hai nghĩa:
- Thứ nhất, nó đại diện cho một mặt, một khía cạnh nào đó. Thí dụ: "Tôi đến đây với tư cách cá nhân".
- Thứ hai, nó biểu lộ cách ăn ở, cư xử, đạo đức của một người. Thí dụ: "Anh là người không đáng tư cách để xin hỏi cưới con gái tôi" (Câu này tôi nghe năm mươi ông bố nói với tôi trước khi thành công lấy vợ tôi hiện thời nên tôi vẫn còn nhớ vanh vách). 
Ở đây, một người được ân xá lưu thông chỉ cần hội đủ điều kiện, cho dù là tư cách có hèn hạ hay tuyệt vời.Thành thử dịch chữ eligible là tư cách thì người Việt này không đủ... tư cách để làm nghề thông dịch viên. Tôi chắc chắn là người này phải có bạn bè là người Việt, thế thì tại sao lại không tham khảo ý kiến với người khác trước khi cho in một câu dịch quá ấu trĩ như thế. 
Ngoài chữ dịch sai tư cách, câu văn dịch sang tiếng Việt này quá luộm thuộm, lủng củng. Câu văn tiếng Anh viết bằng khổ chữ font 14 chỉ có năm dòng, trong khi câu dịch ra tiếng Việt đến bẩy dòng, vừa dài dòng văn tự mà vừa đọc nghe không rõ ràng.
Tôi lập lại câu tiếng Anh (1), bản dịch tiếng Việt trên tờ giấy DMV (2), và bản dịch tiếng Việt của tôi mầu xanh dương (3):
(1) Are you eligible for traffic amnesty? If you have an unpaid ticket that was due by January 1,2013, OR if your driver's license is suspended and you are making payments on a ticket, you may qualify for traffic amnesty from October 1, 2015 to March 31, 2017 and get your license restored. Go to www.courts.ca.gov/trafficamnesty for more information.
(2) Quý vị có đủ tư cách nhận được chương trình đặc xá dành cho giao thông (traffic amnesty) không? Nếu quý vị có một vé phạt (ticket) chưa thanh toán đã đáo hạn vào ngày 01 tháng 01 năm 2013, HOẶC giấy phép lái xe của quý vị bị treo suspended) và quý vị đang tiến hành thanh toán vé phạt, qúy vị có thể đạt điều kiện để nhận được chương trình đặc xá dành cho giao thông kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015 đến ngày 31 tháng 03 năm 2017 và khôi phục lại giấy phép lái xe của quý vị. Truy cập trang web www.courts.ca.gov/trafficamnesty để biết thêm thông tin.
(3) Quý vị có hội đủ điều kiện để được ân xá lưu thông? Nếu quý vị bị giấy phạt phải trả trước ngày 1 Tháng Giêng, 2013 nhưng chưa trả, hoặc đã bị treo bằng lái xe  và đang trả góp tiền phạt, quý vị có thể hợp đủ điều kiện miễn trả phạt trong khoảng thời gian từ 1 Tháng 10, 2015 đến 31 Tháng 3, 2017 và lấy lại bằng lái.  Vào trang web www.courts.ca.gov/trafficamnesty để biết thêm thông tin.
Bản dịch của tôi cũng chỉ có năm dòng dùng font 14 như bản tiếng Anh, đọc nghe mạch lạc, ngắn gọn hơn bản dịch Việt bẩy dòng của tờ giấy DMV. Để ý là tôi loại bỏ những chữ Hán Việt dùng không cần thiết (tiến hành, thanh toán, khôi phục, truy cập...), mà thay thế nó bằng chữ Việt, vì mục đích của một bảng yết thị cho quần chúng là dùng chữ càng đơn giản càng tốt để cho những người ít học đọc ai cũng hiểu.
Tôi là người Bắc nên hiểu được sự quan trọng của một kiến thức phong phú về kho tàng Hán Việt, nhưng cách dùng chữ phải tùy trường hợp, đúng nơi đúng chỗ. Văn chương phong phú là ở nơi học đường, nơi sáng tác thơ văn. Chữ dùng giản dị dễ hiểu nên dùng khi yết thị nơi công cộng.
Tôi xin đưa thí dụ hai từ ngữ Hán Việt tôi nghe rất ngứa tai, bây giờ dùng thông dụng ở Việt Nam là hiển thị và sự cố
Người trong nước đã quen với từ hiển thị nhưng nó rất lạ đối với người rời Việt Nam từ năm 1975. Tưởng tượng một cô nào ở Việt Nam hỏi tôi, "Anh có muốn hiển thị hình dáng em không?", bảo đảm tôi sẽ ngẩn tò te không hiểu : "Say what? Cô nói gì?" Thế có phải là tôi vừa mất một dịp may bằng vàng sao chổi mười năm mới đến một lần chỉ vì đầu óc tôi ngu xuẩn không hiểu chữ hiển thị không? Chữ xem không có gì là sai, rất đơn giản, việc gì phải dùng chữ hiển thị cho phức tạp hóa từ ngữ không cần thiết?
Còn từ sự cố không thể nào diễn tả vấn đề đương đầu một cách chính xác: (Chồng nói với vợ:) "Tối nay anh không về nhà ăn cơm với em được vì có sự cố". Tại sao không nói: "Tối nay anh không về nhà ăn cơm với em được vì anh bận đi khách sạn Park Hyatt với bồ nhí" ? "Xe tôi sáng nay có sự cố". Người nghe chẳng hiểu xengười này bị gì. Nếu nói "Xe tôi sáng nay bị bể bánh", "Xe tôi sáng nay đạp máy không nổ", "Xe tôi sáng nay bị xe khác đụng", "Xe tôi sáng nay bị hỏng thắng"..., thì có phải là người nghe biết ngay là xe bị hư hại điều gì, khỏi cần hỏi đến câu thứ hai hay không?
Tôi không biết có phải vì già mà bây giờ tôi trở nên khó chịu, hay là tôi khó chịu kinh niên không nguyên cớ: tháng trước vào bệnh viện khám sức khỏe tổng quát hàng năm thì tôi thấy bảng chữ này in bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, trong đó có cả tiếng Việt:


Câu tiếng Anh là :  
Point to your language. An interpreter will be called. The interpreter is provided at no charge to you.
và câu tiếng Việt dịch ra là:
Hãy chỉ vào ngôn ngữ của quý vị. Một thông dịch viên sẽ được gọi đến, quý vị sẽ không phải trả tiền cho thông dịch viên.
Ngôn ngữ Việt Nam không dùng thể thụ động như tiếng Anh. Người Mỹ nói thì  hoàn toàn đúng văn phạm vì họ dùng thể thụ động : "The mouse is eaten by the cat". Nhưng nếu chúng ta dịch sang tiếng Việt: "Con chuột ăn bởi con mèo" , thì sai. Dịch đúng phải là : "Con mèo ăn con chuột".
Câu : "An interpreter will be called" do đó cũng vào trường hợp tương tự. Tiếng Việt không thể nào dịch dùng thể thụ động, mà dịch đúng phải là:
Hãy chỉ vào ngôn ngữ của quý vị. Chúng tôi sẽ gọi thông dịch viên dịch cho quý vị miễn phí.
Mở bất cứ phần quảng cáo bán nhà của một tờ báo Việt Nam nào ở hải ngoại, một người sẽ thấy đầy dẫy câu:"Nhà bán bởi Chủ" . Sở dĩ có câu này vì người Mỹ quảng cáo bán nhà : "For sale by Owner".  Người Việt ở hải ngoại dịch nguyên văn như thế, rồi mọi người đều dùng.
Tiếng Việt làm sao nói "Cái nhà sơn bởi chủ, Cái nhà đóng bởi chủ, Cái nhà bán bởi chủ được"? Nghe không khác gì một đứa con nít Tiểu học viết văn, không lọt tai, mà ai nấy cũng lập đi lập lại! Văn phạm Việt Nam không dùng thể thụ động.  Dịch cho đúng thì phải viết là  "Nhà do chủ bán", hay "Nhà do chính chủ bán".
Mình không thể nào chỉ trích người khác dùng từ ngữ sai trong khi chính mình luộm thuộm khi dùng tiếng Việt.Khi mua bất cứ vật dụng gì để dùng, ai cũng chọn lựa kỹ càng chỉ muốn mua cho mình cái tốt nhất, từ máy điện thoại đến ví xách tay, quần áo, xe cộ, nhà cửa, TV, tủ lạnh... Chúng ta, những người mang giòng máu Việt, ắn hẳn hãnh diện cho văn hóa, phong tục Việt Nam, và cũng như vật dụng trong nhà, chỉ muốn điều tốt nhất cho văn hóa, phong tục của chúng ta.
Tiếng Việt cũng là một phần của văn hóa Việt Nam.

===

Email đc gi v bài "Tiếng Vi hi ngoi" 



        Sau bài viết "Tiếng Việt ở hải ngoại", tôi nhận email của một nữ độc giả ở Việt Nam. Không cần đọc thêm đến một câu thứ hai, quý vị sẽ biết ngay là email này không chửi toáng tôi lên, vì nếu thế thì tôi đã thủ tiêu email lập tức, làm gì người khác biết là có người dám "phê bình xây dựng" bài văn của tôi.

        Nhờ phổ biến công cộng ý tưởng của mình mà kiếp sau tôi có thể trở thành bác sĩ Tâm Lý Học phân tích cá tính nhân loại, không cần tốt nghiệp Đại Học Vườn Chuối: vài bài viết của tôi làm một vài người quá khích đêm ngủ chắc vợ không cho sơ múi nên sáng dậy điên tiết, đầu óc không bình thường viết email cho tôi không quan tâm lý lẽ phải trái nhưng với chỉ một luận điệu duy nhất:

                cá không ăn muối cá ươn,
        tôi mà cãi lại? : trăm đường tôi hư.

        Email của chị này thì trái lại, điềm tĩnh, từ tốn, lịch sự, trình bày rõ ràng quan điểm của chị về cuộc-bàn-cãi-không-bao-giờ-dứt về tiếng Việt, ai đúng - ai sai, ai giỏi - ai dở, ai number one - ai number ten, ai được thưởng một tuần trăng mật ở địa đạo Củ Chi - ai cần đem ra chợ Thái Bình lên máy chém.

        Từ lúc còn bé, mỗi lần thấy đánh nhau hay cãi nhau chúng ta ai cũng hăm hở xông vào dự kiến vì cãi nhau rất là vui thích và phấn khởi -đặc biệt là có đổ máu-, vì người bị thương tích không phải là mình mà là hai người cãi nhau (Nhìn lại quá khứ, chúng ta nên tự xấu hổ xin vào nghỉ mát ngắn hạn ở nhà thương điên Biên Hòa vì cá tính tò mò hăng tiết vịt chỉ muốn cười ruồi trên sự đau khổ của kẻ khác).

        Chị này email cho tôi, chắc chắn là cũng muốn tôi viết vài dòng trả lời. Vì thế, tôi xin dùng diễn đàn Saigonocean.com  để phản biện. Email của chị chữ nghiêng, mầu xanh dương.
  
------------------------------------------
K/g anh Tài Ngọc,

Tôi là một độc giả thường xuyên theo rõi các bài viết của anh, nhất là các bài viết về cuộc sống ở Mỹ, các bài về danh lam thắng cảnh, lịch sử, địa lý ...Nhân hôm nay đọc bài anh viết về tiếng Việt, tôi có vài ý kiến nhỏ như sau:

 * Ngôn ngữ là thứ luôn thay đổi và phát triển theo thời gian. Một từ trước đây dùng theo môt số nghĩa nào đó, theo thời gian và nơi xử dụng, nó có thể có thêm nghĩa khác khi nhiều người dùng nó và cùng hiểu theo các nghĩa mới đó. 

 * Tại Việt Nam, nơi có hơn 90 triệu người dùng tiếng Việt thì tiếng Việt ở đó phải được coi là chính thống (cách nói, cách viết, kể cả tiếng,  lóng v.v.). Không thể coi tiếng Việt của vài trăm ngàn người Việt đang sống ở Pháp hoặc hơn một triệu người đang sống ở Mỹ làm chuẩn mực cho tiếng Việt nói chung được, nhất là ngôn ngữ của những người hải ngoại (Ấn, Trung, Việt v. v.) không phải luôn được dùng mọi nơi, mọi lúc..

 * Không có ai viết chê tiếng Việt của người hải ngoại không có nghĩ là người hải ngoại  sử dụng tiếng việt chuẩn mực mà đơn giản là người trong nước không quan tâm phê phán vì nhiều lý do cũng dễ hiểu.

 * Chính tôi; là người sống ở trong nước cũng khó chịu với cách dùng nhiều từ mới. Nhưng ngôn ngữ mà, nhiều người dùng thì mình cũng phải theo như là một quy luật. Có một số từ mình không thích, nhưng cũng có nhiều từ mình cũng dần thấy hay.

   Anh cứ tưởng tượng là cảm xúc của anh khi anh phê bình tiếng Việt trong nước thế nào thì người trong nước cũng có cảm xúc như vậy khi đọc điều anh viết, nhưng họ không phê phán vì họ cho rằng đó là thứ tiếng việt cũ, phát triển chậm v.v.

   Tôi không có năng khiếu viết nên mạo muội có vài ý kiến như vậy. Mong đọc được nhiều bài viết mới của anh
    
     Thân ái chào

      S. Nguyễn

(Anh Ngoc à, anh cứ gạt cộng sản sang một bên đi thì mọi chuyện thấy dễ chấp nhận hơn. Ngôn ngữ trong chế độ nào thì tất nhiên nó bị ảnh hưởng của chế độ đó. Xã hội VN hiện nay vô văn hóa thì tất nhiên tiếng việt hiện nay cũng kém phần văn hóa. Thời thế thay đổi thì ngôn ngữ cũng thay đổi là điều thường tình mà)
-------------------------------------------------------
Thành thật cảm ơn chị đã bỏ thì giờ viết email đóng góp ý kiến. Tôi xin phép góp ý cùng chị:

 * Ngôn ngữ là thứ luôn thay đổi và phát triển theo thời gian. Một từ trước đây dùng theo môt số nghĩa nào đó, theo thời gian và nơi xử dụng, nó có thể có thêm nghĩa khác khi nhiều người dùng nó và cùng hiểu theo các nghĩa mới đó. 

        Tôi đồng ý với chị 100% là ngôn ngữ thay đổi theo thời gian và nơi sử dụng. Thế nhưng nói thế không có nghĩa là tất cả thay đổi đều đúng: có những thay đổi sai lầm chỉ dùng trong văn nói không thể nào dùng trong văn viết.

        Thí dụ ở Hoa Kỳ rất nhiều người da đen hay người ít học thay vì nói "it isn't right" thì họ nói: "it ain't right".Hai người có thể nói chuyện với nhau: "it ain't right" ngoài đời, nhưng nếu trong học đường hay nơi sở làm phải viết tường trình mà viết văn như thế thì bảo đảm sẽ bị đánh rớt hay bị sa thải. Thành ra ngôn ngữ khi đàm thoại có thể nói sai, nhưng khi viết thì phải viết đúng.

        Cùng một từ mà theo thời gian thêm nghĩa khác thì rất là hiếm, tôi không nghĩ ra được chữ nào. Cùng một từ mà hai nơi sử dụng khác nhau, hai miền hiểu khác nhau thì có, tuy rằng rất ít (thí dụ như "chế độ", "có khả năng"...)

 * Tại Việt Nam, nơi có hơn 90 triệu người dùng tiếng Việt thì tiếng Việt ở đó phải được coi là chính thống (cách nói, cách viết, kể cả tiếng,  lóng v.v.). Không thể coi tiếng Việt của vài trăm ngàn người Việt đang sống ở Pháp hoặc hơn một triệu người đang sống ở Mỹ làm chuẩn mực cho tiếng Việt nói chung được, nhất là ngôn ngữ của những người hải ngoại (Ấn, Trung, Việt v. v.) không phải luôn được dùng mọi nơi, mọi lúc..

        Tôi không đồng ý với chị qua hai điểm:

        Thứ nhất, về ngôn ngữ, đa số không hẳn là đúng. Quy luật, nguyên tắc về văn phạm duy trì từ xưa đến nay ở chính gốc mới là đúng. Tiếng Anh là thí dụ điển hình:

        Người Mỹ nói tiếng Anh, dân số Mỹ là 319 triệu người. Người Anh cũng nói tiếng Anh, dân số Anh chỉ là 53 triệu người. Mặc dù số dân Mỹ đông gấp sáu lần người Anh, không một ai nói người Mỹ nói tiếng Mỹ, mà nói là người Mỹ nói tiếng Anh. Văn phạm chính gốc là tiếng Anh của người Anh, không phải tiếng Anh của người Mỹ.

        Sau một thời gian lâu dài 300 năm và vì ảnh hưởng của thổ âm, tiếng Mỹ có nhiều tiếng khác tiếng Anh, nhưng sự khác biệt này hầu hết trong ngữ vựng, chứ không phải trong văn phạm hay trong kết cấu câu văn. Vài thí dụ ngắn về tiếng khác nhau (Mỹ/Anh):  apartment/flat , elevator/lift, restroom/WC, parking lot /car park , appetizer/ starter, boy /boy&lad, girl/girl&lass, cop/bobby, soccer/football; và chữ cùng viết giống nhau nhưng chỉ thêm bớt một tí: (Mỹ/Anh) color/colour, theater/theatre, legalize/legalise.

        Tiếng Việt dùng sau 1975 thì có chữ sai quy tắc văn phạm mà tôi đã giải thích trong những bài trước (học tập tốt là sai, đúng văn phạm là học tập giỏi), sai nghĩa (chất lượng), sai cấu tạo Nôm/Hán (siêu sao, đinh tặc).

        Thứ hai, tôi không nghĩ là cả 90 triệu người Việt ở trong nước đồng ý là tiếng Việt  dùng sau 1975 là đúng. Tôi đoan chắc là có rất nhiều người thấy sai nhưng họ không làm gì được vì một thiểu số giữ chức lãnh đạo trong Bộ Giáo Dục có toàn quyền quyết định chương trình, cách thức, nội dung dạy học ngôn ngữ Việt cho cả quốc gia.

        Vì chị lý luận 90 triệu người dùng tiếng Việt nằm trong phần đa số nên tiếng Việt trong nước mới là "chính thống", tôi vào trang web báo Nhân Dân (Tiếng Nói của Đảng, Nhà nước, và Nhân Dân Việt Nam) đọc thử hai thí dụ tin tức và chép lại sau đây để chị tự thẩm định tiếng Việt trong nước có "chính thống" hay không:

        1. Bản tin này có hai đoạn (mực đỏ). Đoạn thứ hai (1b) tôi đọc ba lần mới hiểu ý người viết. Tôi chép lại sau đây (tôi đánh số 1a và 1b: 1a là đoạn mở đầu, 1b là đoạn thứ hai): 

1a. NDĐT - Ngày 7-3, tại Trung tâm Bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa chủ trì buổi đối thoại với đông đảo người dân bị ảnh hưởng bởi dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương”.
1b. Sau khi nghe lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa thông báo tình hình đầu tư các dự án trên địa bàn thị xã Sầm Sơn, trong đó có dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”; phổ biến nội dung quyết định số 705/2016/QĐ-UBND ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân xã Quảng Cư, các phường: Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án trên; các hộ, ngư dân đã thẳng thắn phát biểu ý kiến, nguyện vọng của mình.
        Đoạn 1b chẳng những đọc tối nghĩa, mà còn là một đoạn văn luộm thuộm dài 15 cây số không một dấu chấm! Bây giờ cũng cùng đoạn 1b đó, tôi viết sửa lại bằng mực tím dưới đây:
1b. UBND tỉnh Thanh Hóa trình bày các chương trình xây cất ở thị xã Sầm Sơn, kể cả dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”, và nội dung của quyết định số 705/2016/QĐ-UBND về ban hành cơ chế và hỗ trợ ngư dân xã Quảng Cư.
Sau đó, ngư dân và dân chúng bị ảnh hưởng bởi dự án trên ở các phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn đã thẳng thắn phát biểu ý kiến và nguyện vọng của mình.
        2.  Vừa đọc xong bản tin thứ nhì dưới đây (mực đỏ), tôi biết ngay là dịch từ tiếng Anh nên vào mạng Google tìm ra ngay bản tin bằng Anh ngữ (chép kế tiếp trong ngoặc, mực đen):

NDĐT - Ngày 23-1, Nhà trắng cho biết giao Bộ Quốc phòng nước này chịu trách nhiệm đối với lưu trữ thông tin nhạy cảm của hàng triệu nhân viên liên bang thay cho Văn phòng quản lý nhân sự (OPM) và chính phủ sẽ thiết lập một cơ quan khác để kiểm tra hồ sơ nhân sự.
(The Defense Department will take over responsibility for storing sensitive information on millions of federal employees and others from the Office of Personnel Management and the government will create a new entity to oversee background investigations, the White House  announced Friday).
        Chỉ có ba dòng tiếng Việt dịch từ tiếng Anh mà tôi đã thấy vô số phiền toái:
- Chữ "White House", trước 1975 dịch là "Tòa Bạch Cung", rất hay, tại sao không dùng mà lại dùng chữ "Nhà Trắng"? Nơi nên dùng chữ Hán Việt như ở đây thì lại không dùng, nơi không nên dùng chữ Hán Việt như "hiển thị" (xem), "sự cố"... thì lại xuất hiện nhan nhãn.
Đọc từ "Nhà Trắng" thay vì "Tòa Bạch Cung", nó làm tôi nhớ lại nhà bảo sanh Từ Dũ thời VNCH trước 1975 gọi là "Bệnh viện Bảo sanh Từ Dũ". Năm 1978, chính quyền Việt Nam muốn hạn chế sử dụng từ ngữ Hán Việt nên đổi tên thành "Xưởng đẻ Từ Dũ". Năm 2004, chắc có lẽ vì quá nhiều chỉ trích, "Xưởng đẻ Từ Dũ" được đổi lại thành "Bệnh viện Từ Dũ". "Bệnh viện" là tiếng Hán Việt được dùng trở lại, đọc nghe rất văn chương. Thế thì tại sao không dùng "Tòa Bạch Cung" mà dùng "Nhà Trắng"?
"White House" là danh từ riêng, phải viết hoa. Tại sao chữ "trắng" trong "Nhà trắng" viết chữ thường? 
- Nhà trắng cho biết giao Bộ Quốc phòng nước này chịu trách nhiệm đối với lưu trữ thông tin nhạy cảm... Có nhiều điểm trái tai trong câu này:
- Nhà trắng cho biết giao Bộ Quốc phòng nước này... :  tôi cam đoan ai đọc cũng cảm thấy có cái gì nghe không xuôi tai: - vì động từ "giao" thiếu giới từ "cho" theo sau. Viết đúng phải là Nhà trắng cho biết giao cho Bộ Quốc phòng...
Từ  "nước này" không cần thiết. Tòa Bạch Cung giao cho Bộ Quốc Phòng thì ô-tô-ma-tích là của nước Mỹ chứ chẳng lẽ Bộ Quốc Phòng của nước nào khác?
- Chữ "đối với" thừa, không cần thiết.
"thông tin nhạy cảm" : tôi hết ý kiến khi người nào dịch chữ Việt "nhạy cảm" từ tiếng Anh "sensitive information". "Sensitive" có ba nghĩa:
        - nhạy cảm.  Thí dụ: She is very sensitive (Cô ta rất nhạy cảm).
        - dễ dàng thay đổi. Thí dụ: That color is sensitive to light (Mầu đó dễ thay đổi với ánh sáng)
        - mật, như trong bí mật. Thí dụ: Sensitive documents (Tài liệu mật).    
"Sensitive information" ở đây có nghĩa là hồ sơ cá nhân mật của nhân viên, không phải là "thông tin nhạy cảm"!
        Bây giờ tôi xin chép lại bản tin báo Nhân Dân dịch (mực đỏ):
        NDĐT - Ngày 23-1, Nhà trắng cho biết giao Bộ Quốc phòng nước này chịu trách nhiệm đối với lưu trữ thông tin nhạy cảm của hàng triệu nhân viên liên bang thay cho Văn phòng quản lý nhân sự (OPM) và chính phủ sẽ thiết lập một cơ quan khác để kiểm tra hồ sơ nhân sự.
         theo ý tôi nên dịch như thế này (mực tím):
        Tòa Bạch Cung hôm Thứ Sáu loan báo Bộ Quốc Phòng sẽ thay thế Văn Phòng Quản Lý Nhân sự (OPM) giữ nhiệm vụ lưu trữ hồ sơ cá nhân mật của hàng triệu nhân viên Liên Bang, và chính phủ sẽ thiết lập một cơ quan mới để kiểm soát hồ sơ nhân sự.
        và bản tiếng Anh nguyên thủy (mực đen):
        The Defense Department will take over responsibility for storing sensitive information on millions of federal employees and others from the Office of Personnel Management and the government will create a new entity to oversee background investigations, the White House  announced Friday.

 * Không có ai viết chê tiếng Việt của người hải ngoại không có nghĩ là người hải ngoại  sử dụng tiếng việt chuẩn mực mà đơn giản là người trong nước không quan tâm phê phán vì nhiều lý do cũng dễ hiểu.

        -Tưởng tượng chị là luật sư đang bênh vực cho thân chủ của chị bị buộc tội đầu độc vợ, bỏ 20 viên xí mụi vào bát canh chua cá lóc với ý đồ ghê gớm cho vợ đi Tô-Bia để mình châu về hiệp Phố với bồ nhí: "Thưa quan Tòa, thân chủ tôi là người vô tội với nhiều lý do dễ hiểu".

        Nói xong câu này, thay vì tiếp tục mở dấu hai chấm, xuống hàng, liệt kê những lý do tại sao trên cả chục hàng khác thì chị....chấm hết, không nói thêm một lời nào. Thẩm phán ngồi thừ người, đinh ninh là luật sư bị cáo sẽ giải thích lý do, nhưng chờ mãi từ sáng đến tối mới cảnh tỉnh là chị sẽ không nói thêm lời nào giải thích nên trố mắt, lắc đầu, ra án cho thân chủ chị lên ghế điện đi thăm miền chín suối.  

        Chị đưa ra một lập luận không bằng chứng với lời giải thích vu vơ người trong nước không quan tâm phê phán vì nhiều lý do cũng dễ hiểu.

        Trái lại, tôi có thể biết lý do tại sao người trong nước không phê phán cách dùng tiếng Việt của người hải ngoại: vì người hải ngoại dùng tiếng Việt đúng, không thể nào phê bình được.

        Nói có sách, mách có chứng, tôi đố chị hay người trong nước đọc những trang web của người hải ngoại rồi viết giải thích nơi nào dùng chữ Việt sai (ngoại trừ những trang web viết với mục đích chính là bán quảng cáo lấytiền  như tôi đã đề cập trong bài viết trước là những trang web trong hay ngoài nước loại này phần đông là đều do "thợ viết" viết, đọc tiếng Việt ngứa tai, không thèm đề cập).

        Nếu đọc những trang web hải ngoại quá bao quát, thì tôi xin đưa ra hai thí dụ chi tiết hơn của hai người viết văn thơ ở hải ngoại để chị mổ xẻ phân tích với con dao phay rồi liệt kê cho tôi biết dùng tiếng Việt sai ở nơi nào:

        1. Nhà văn Luân Hoán (Chị Google "Luân Hoán" sẽ thấy tác phẩm của ông rất nhiều): Luân Hoán là một nhà văn/thơ kỳ cựu với tác phẩm đầu tiên xuất bản ở Việt Nam năm 1964. Năm 1985, ông định cư ở Montreal, Canada và vẫn viết không ngừng cho đến bây giờ. Ông là một ngòi bút đáng kể trong nền Văn học Việt Nam. Chị có thể vào trang web của ông để tham khảo thêm thơ văn ông viết: http://luanhoan.net/

        2. Người thứ nhì là tôi, Nguyễn Tài Ngọc, trang web http://saigonocean.com . Tôi rời SàiGòn tháng 4 năm 1975 khi còn học lớp 11, chưa học hết Trung học. Từ ngày sang Mỹ, tôi sống trong khu người Mỹ. Tôi chẳng bao giờ sinh hoạt với cộng đồng  người Việt Nam ngoại trừ có một thời gian tôi đi nhà thờ Tin Lành. Tôi ít bao giờ nghe nhạc Việt Nam hay đọc tin tức báo chí Việt Nam, cả hải ngoại lẫn trong nước.

        Lý do tôi viết dài dòng văn tự như thế để cho thấy là vốn liếng Việt ngữ của tôi tương đối non nớt, chỉ là 17 năm sống ở SàiGòn. Nó chấm dứt từ ngày tôi sang Hoa Kỳ định cư.
     
        Tôi đưa ra hai thí dụ tương phản, một người - ông Luân Hoán - là nhà văn điêu luyện đóng góp một phần không ít cho văn học Việt Nam, một người - là tôi - tay viết tài tử chỉ viết khi hận-đời-đen-bạc-hận-kẻ-bạc-tình để cho việc chị tìm tòi người hải ngoại viết tiếng Việt sai có thể dễ dàng hơn.
  
 * Chính tôi là người sống ở trong nước cũng khó chịu với cách dùng nhiều từ mới. Nhưng ngôn ngữ mà, nhiều người dùng thì mình cũng phải theo như là một quy luật.

        Tôi không đồng ý với câu nhiều người dùng thì mình cũng phải theo như là một quy luật , và tôi có thể chứng minh dễ dàng. Bất cứ việc gì trong đời nếu có sự tự do lựa chọn thì mình suy nghĩ phải/trái, hơn/thua, đúng/sai, lợi/bất lợi trước khi quyết định, không để số đông chi phối.
       
        Nói thí dụ người ta ai cũng chạy xe gắn máy Honda nhưng có thể chị thích xe Vespa; ai cũng theo phong trào đi ăn McDonald's nhưng chị không thèm ăn vì ngán tận cổ; phụ nữ đua đòi quần áo, ví tay đồ hiệu nhưng chị không quan tâm... Ngôn ngữ cũng thế: rất nhiều người nói năng chửi thề nhưng tuy là có nhiều người dùng, tôi chắc chắn là chị không bắt chước họ, chị không tuân theo như là một quy luật.

Có một số từ mình không thích, nhưng cũng có nhiều từ mình cũng dần thấy hay

        Tôi hoàn toàn đồng ý. Lối dùng tiếng Việt sau 1975 của người miền Bắc mang vào có nhiều nơi sai, nhưng trái lại cũng có nhiều chữ không những đúng mà lại còn hay nữa, như chị nói. Nhiều người Việt ở hải ngoại kiến thức giới hạn, rất quá khích, nghĩ từ ngữ nào của Cộng Sản dùng đều là sai hết. Đây là một suy nghĩ thiển cận tôi không đồng ý. Cái nào sai thì mình nói sai, nhưng cái nào đúng thì mình phải công nhận là đúng.

        Đây là bẩy chữ thí dụ dùng sau 1975 (ngoại trừ chữ thứ nhất), độc giả viết email cho tôi than phiền mà tôi thấy không có gì sai:

xán lạn (như trong câu tương lai xán lạn): tôi dùng chữ này trong một bài viết nên một cô viết cho tôi, nói tôi tránh dùng từ Cộng Sản như chữ "xán lạn". Cô ta đọc rất khó chịu vì theo cô ta, viết đúng phải là "sáng lạng". Tôi trả lời là cô ta sai, chữ "xán lạn" tôi viết đúng, là tiếng Hán Việt đã dùng trước 1975 không phải chữ dùng sau này, đổ lỗi cho Cộng sản là sai. Ngày hôm sau cô ta viết email lại cho tôi, nói là tôi sai vì cô ấy đã hỏi bạn bè, mọi người nói chữ đúng phải là "sáng lạng"Tôi nói nếu cô ta và bạn cô ta nghĩ là tôi sai, thì tôi muốn đánh cá $1000 dollars. Nếu tôi tìm được tự điển Hán Việt trước 1975 có chữ "xán lạn" thì cô ấy thua, phải trả tôi $1000 dollars, cô ấy dám đánh cá không? Cô ấy trả lời không phải là người cờ bạc như tôi nên không muốn đánh cá!
   
hoành tráng:  tiếng Hán Việt có nghĩa là qui mô, to lớn. Trước 1975 chữ thường dùng thay cho "hoành tráng" là"nguy nga, tráng lệ". Chữ "hoành tráng" đúng, không có gì sai cả.

chứng minh nhân dân: trước 1975, Việt Nam Cộng Hòa dùng chữ "thẻ căn cước" . "Căn cước" tiếng Hán Việt có nghĩa là gót chân và cẳng chân, tên tuổi quê quán, lý lịch của mỗi người. Chữ "căn cước"  bây giờ thay bằng"chứng minh nhân dân" .  "Chứng minh nhân dân" nghe có vẻ dao to búa lớn súng ống hơn, nhưng cũng có nghĩa là một tờ giấy chứng tỏ người đó là ai. Dù rằng tôi thích chữ "thẻ căn cước" hơn là "chứng minh nhân dân",nhưng cả hai đều cùng một nghĩa, đối với tôi chữ nào dùng cũng được.

 ấn tượng: chữ này rất hay. Người VNCH nào than phiền thì cần vào nhà thương Biên Hòa khám xem dây thần kinh có chạm trong đầu hay không.  

quân hàm: tôi dùng chữ này trong bài viết "Nỗi buồn quân phục". Một anh viết cho tôi nói là không nên dùng từ"quân hàm" của Cộng Sản mà nên dùng từ trước 1975: "cấp bậc". Thật tình mà nói, ngày xưa tôi chưa đi lính, viết đến đoạn phải dùng chữ "cấp bậc" trong quân đội, tôi lại không nhớ ra chữ "cấp bậc", nhưng từ "quân hàm"lại xuất hiện trong trí óc của tôi. Tôi viết trả lời cho anh này là tôi thấy hai chữ nghĩa như nhau, không sai. "Quân hàm" là chữ Hán Việt, "quân" là lính tráng, "hàm" là bực quan, "quân hàm" là lon lính, cấp bậc quân đội, chữ dùng đúng không có gì sai.

chế độ: trước 1975 từ này chỉ dùng trong nghĩa một tổ chức như chế độ chính trị. Sau 1975, nhiều người, kể cả tôi, tưởng lầm là người Cộng Sản dùng sai nghĩa của chữ chế độ như trong câu: "Chế độ chụp trong máy ảnh số" (Modes in digital camera). Tôi ngẩn tò te không hiểu người ta nói gì lần đầu tiên nghe từ chế độ trong câu này, và nghĩ rằng chữ Cộng Sản dùng sai. Sau này về tra tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh, tôi mới biết người sai mới là tôi; chữ chế độ dùng theo nghĩa bây giờ là đúng: chế độ = phép tắc định luật rõ ràng (système).

Anh cứ tưởng tượng là cảm xúc của anh khi anh phê bình tiếng Việt trong nước thế nào thì người trong nước cũng có cảm xúc như vậy khi đọc điều anh viết, nhưng họ không phê phán vì họ cho rằng đó là thứ tiếng việt cũ, phát triển chậm v.v.

        Tôi đã trả lời một phần của câu này ở phần trên. Tôi tránh không dùng cảm xúc mà chỉ dùng logic, nêu ra lập luận chi tiết mà không nói bâng quơ khi tranh cãi một vấn đề. Nếu người phản biện cũng như tôi thì cuộc tranh luận sẽ hào hứng vì người ngoại cuộc sẽ thấy rõ quan điểm của đôi bên. Lý do chị đưa ra ở đây "tiếng việt cũ", "phát triển chậm" ,toàn là những lý luận mơ hồ.    

(Anh Ngọc à, anh cứ gạt cộng sản sang một bên đi thì mọi chuyện thấy dễ chấp nhận hơn. Ngôn ngữ trong chế độ nào thì tất nhiên nó bị ảnh hưởng của chế độ đó. Xã hội VN hiện nay vô văn hóa thì tất nhiên tiếng việt hiện nay cũng kém phần văn hóa. Thời thế thay đổi thì ngôn ngữ cũng thay đổi là điều thường tình mà)
        Tôi chỉ trích tiếng Việt dùng trong nước (hay ở hải ngoại) không phải vì lý do chính trị hay vì lý do chính thể Cộng Sản, mà là vì dùng sai nguyên tắc, sai quy luật tiếng Việt. Chị ở trong nước nên biết rõ hơn tôi tình hình thế sự về tình trạng vô văn hóa của xã hội Việt Nam, để rồi kết luận ngôn ngữ cũng phải thay đổi theo xã hội, "tiếng việt hiện nay cũng kém phần văn hóa" .
        Chị phải có lương tâm thức tỉnh nên mới nhận xét được xã hội có sự vô văn hóa. Đã có lương tâm thức tỉnh thì không thể nào không có lý trí phân biệt phải trái: ngôn ngữ thay đổi theo xã hội, nhưng cái nào đúng thì mình dùng, cái nào sai thì mình phải cương quyết nói là sai.

Nguyễn Tài Ngọc
March 2016