Wednesday 27 July 2016

BÁ QUYỀN TRUNG QUỐC VÀ CÔNG AN VIỆT NAM

Có thể nói, cách cư xử của “anh lớn” Trung Quốc đối với “em nhỏ” Việt Nam cũng hệt như cách nhà nước công an trị Việt Nam đối xử với dân mình.
Trong lịch sử hàng nghìn năm đô hộ, kéo dài sang hàng chục năm khống chế, can thiệp, xung đột vũ trang dưới thời hai chính quyền cộng sản, Trung Quốc chẳng bao giờ xin lỗi Việt Nam một lời.
Tương tự, từ ngày thành lập ngành đến giờ, công an Việt Nam cũng không có tiền lệ xin lỗi dân. Nói cách khác, trong quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc không bao giờ sai, và công an Việt Nam cũng vậy trong quan hệ với nhân dân.
Từng có hàng chục vụ dân thường bị hành hung, đánh đập, thậm chí bị thiệt mạng trong đồn công an. Và đó chỉ là những vụ mà dư luận được biết, thông qua báo chí hoặc truyền thông mạng, rất có thể còn hàng trăm trường hợp bị đòn oan, chết oan, không ai hay. Nhưng cho dù thế nào thì ngành công an đều không bao giờ xin lỗi. Trung tá Vũ Văn Ninh, kẻ gây ra cái chết “vì không đội mũ bảo hiểm” của ông Trịnh Xuân Tùng (tháng 2-3/2011), và cấp trên, đều chưa từng một lần công khai xin lỗi gia đình nạn nhân.
Trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn 5 năm qua, chỉ có những người dân bị bắt, bị bóp cổ, bẻ tay, đưa về đồn, về trại phục hồi nhân phẩm hoặc trung tâm bảo trợ xã hội này nọ, rồi bị xử lý về tội “gây rối trật tự công cộng” mà không cần bằng chứng, thậm chí có thể bị đánh đập, sỉ nhục. Ngược lại, chưa từng có một nhân viên công lực nào bị xử lý hoặc phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra những vụ bạo lực nhằm vào dân thường trong các cuộc biểu tình ở Việt Nam suốt từ năm 2007 đến nay. Đơn giản vì công an không bao giờ sai.
Tương tự như Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam, công an trong quan hệ với người dân cũng mang nặng tư tưởng của kẻ bá quyền, và thực tế là họ cũng có đầy đủ điều kiện để trở thành một dạng “bá quyền”: 1. Công an có sức mạnh; 2. Công an hiện giờ là giới mạnh nhất ở Việt Nam, Bộ Công an là một dạng “siêu Bộ”, ở một đất nước trong tình trạng gần như vô chính phủ; 3. Công an coi sự tồn vong của chế độ là quan trọng nhất.
Còn Trung Quốc có điều kiện trở thành bá quyền vì: 1. Trung Quốc có sức mạnh quân sự; 2. Trung Quốc là nước lớn trong một khu vực châu Á vô chính phủ, không nước nào tin nước nào (cụ thể là Đông Nam Á); 3. Trung Quốc coi sự tồn vong của mình là quan trọng nhất.
Đó là điểm tương đồng thứ nhất, để nói rằng Trung Quốc đối xử với Việt Nam thì cũng như công an Việt Nam hành xử với dân: Đều là bá quyền, kiêu binh, ngang ngược và man rợ (rất kém văn minh).
CÀNG SỢ, CÀNG BỊ ĐÀN ÁP
Điểm tương đồng thứ hai là: Trong quan hệ giữa kẻ bá quyền và nạn nhân, không có chuyện bên yếu cứ nhún nhường, nhịn nhục, thì bên mạnh sẽ buông tha.
Trong chính trị quốc tế, không có sự mặc cả giữa bá quyền và đối tượng của bá quyền. Nói cách khác, tham vọng bá quyền của một nước lớn sẽ không bao giờ dừng lại. Nước nhỏ không thể thỏa thuận với nước lớn rằng sự bành trướng của nước lớn sẽ chỉ giới hạn ở một mức độ nào đó để không ảnh hưởng tới nước nhỏ. Để bá quyền tồn tại, không thể thiếu được cách cư xử mang tính đồng thuận, chấp nhận và góp phần, một phần hoặc toàn thể, của những kẻ bị bá quyền.
Tham chiếu vào quan hệ giữa công an và người dân ở một xứ công an trị, chúng ta sẽ thấy: Người dân ở nước công an trị đừng tưởng rằng cứ chấp nhận “thôi thì nhịn một tí cho nó xong việc” mà những nhân viên công an lạm quyền kia sẽ buông tha cho họ.
Không có sức mạnh, không có khả năng sử dụng vũ lực, người dân thấp cổ bé họng càng phải biết phát triển sự đoàn kết, liên kết với nhau, cũng như phát huy vai trò của truyền thông (không nhất thiết chỉ truyền thông quốc doanh). Điều tối kỵ là vừa nhỏ yếu vừa lẻ loi, cô độc, không được dư luận biết đến. Thực tế cho thấy, các nạn nhân càng im lặng và bị cô lập, thì càng bị đàn áp mạnh, bởi khi đó những kẻ lạm quyền không hề thấy bị đe dọa hay có sức ép phải chịu trách nhiệm nào.
Nói đơn giản là, càng thiếu sức mạnh quân sự, càng phải khôn khéo về ngoại giao - chính trị. Càng yếu về thể chất, càng phải mạnh mẽ về tinh thần. Nếu những việc làm sai trái, lạm quyền của công an bị phơi bày ra dư luận, thậm chí dư luận quốc tế, thì điều đó sẽ khiến công an phải chùn tay, nhất là khi chế độ luôn muốn vẽ mình như một chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Tuy vậy, tất nhiên, sự “to mồm” phải dựa trên nền tảng kiến thức; và ở đây, kiến thức đó là sự hiểu biết về pháp luật, chính trị, ngoại giao v.v. Trung Quốc tuy giữ tham vọng bá quyền, nhưng vẫn còn phải nể nang luật pháp quốc tế chứ không đến mức ngang ngược như thể một mình một cõi. Và công an Việt Nam cũng vậy, luôn muốn dư luận tin rằng họ làm đúng pháp luật – cho dù đó là thứ luật được vẽ ra để phục vụ chế độ đi chăng nữa. Kiến thức, nhất là kiến thức về luật, chính trị, xã hội, luôn là điều tối cần thiết đối với các nạn nhân của kẻ bá quyền.
Giữa một người không hiểu biết về chính trị, pháp luật, do đó yếu thế và run sợ trước bạo quyền, và một người đàng hoàng, hiểu biết, ít nhất là biết quyền của mình khi đối phó với những kẻ ngạo ngược, chúng ta nên chọn là ai hơn? Và kẻ bá quyền/ kiêu binh sẽ thích “bắt nạt” ai hơn? Đố bạn biết đấy.