Wednesday 3 August 2016

Donald Trump và người Hồi Giáo - Ngô Nhân Dụng

Mười hai năm qua không mấy người biết đến tên Ðại Úy Humayun S.M. Khan, sau khi ông chết, năm 2004. Trong tuần qua, hàng chục triệu người Mỹ nghe tên ông ông lần đầu, do thân phụ ông nhắc đến trong đại hội đảng Dân Chủ. Bây giờ thì câu chuyện ông hy sinh tại chiến trường Iraq được hàng trăm triệu người trên thế giới nghe kể lại.
Humayun Khan đang hỏi han mấy người lính của mình thì họ thấy một chiếc taxi màu da cam từ xa tới, chạy thẳng về phía cổng trại. Khan bảo đám lính lui vào bên trong và nằm xuống; trong khi ông tiến về phía chiếc xe, giang hai cánh tay ra lệnh ngừng lại. Trong khoảng 15 giây đồng hồ, Khan còn đang bước tới thì chiếc taxi nổ tung. Hai người trên xe đã giật ngòi cho bom nổ tự sát, trong khi xe vẫn lao tới. Khan chết cùng với hai thường dân Iraq khác làm việc trong trại.Buổi sáng này 8 Tháng Sáu năm đó, Ðại Úy Humayun Khan đóng tại trại Warhorse trong căn cứ Baqubah, gần thủ đô Baghdad. Một toán quân nhân dưới quyền ông đang việc canh gác ngoài cổng trại. Sáng hôm đó đáng lẽ Humayun Khan được nghỉ, theo lời của Trung Sĩ Crystal Selby, cô thường cùng với Humayun Khan phụ trách phiên trực từ nửa đêm đến trưa. Cô Selby kể rằng cô đã khuyên Khan hãy nghỉ cho khỏe, nhưng Khan nhất định yêu cầu cô lái xe đưa ông ta ra cổng trại, để coi binh sĩ dưới quyền mình ra sao. Selby đưa Khan ra tới cổng rồi lái xe quay vào. Năm phút sau Selby nghe tiếng nổ lớn.
Ðồng đội của viên đại úy 27 tuổi này nói rằng nếu Humayun Khan cũng chỉ lo tìm chỗ an toàn cho riêng mình thì chiếc taxi sẽ tiến vào sâu hơn. Nhiều quân nhân sẽ thiệt mạng, vì hàng trăm người đang ăn sáng trong căn nhà gần cổng trại. Humayun Khan được trao hai huy chương Purple Heart và Bronze Star và được chôn trong Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington vùng thủ đô Washington. Trong đám tang ông, Nghị Sĩ Hillary Clinton của tiểu bang New York tới dự, chia buồn với cha mẹ, Luật Sư Khizr Khan và bà Ghazala Khan.
Năm nay hai ông bà được mời tới đại hội đảng Dân Chủ, để ông Khizr Khan nói những lời phản đối ý kiến của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump, vì ông Trump đã nói sẽ không chấp nhận cho người Hồi Giáo nào nhập cư nước Mỹ. Ông Khizr Khan nói rằng nếu trước đây nước Mỹ đã có lệnh cấm đó thì gia đình ông không thể vào sống ở đất nước này, khi Humayun mới có hai tuổi. Con trai ông sẽ không có dịp hy sinh mạng sống để cứu các đồng đội. Ông Khizr còn khuyên ông Trump hãy đọc bản Hiến Pháp Mỹ, trong đó các tôn giáo và sắc tộc có quyền bình đẳng.
Nếu sau khi nghe những lời khuyên đó, ông Donald Trump nhân cơ hội nói rõ hơn về lập trường của mình về các di dân Hồi Giáo, thì chắc ông sẽ được mọi người hoan nghênh. Ông có thể xác nhận mình luôn kính trọng nguyên tắc bình đẳng trong bản Hiến Pháp Mỹ; không phân biệt chủng tộc và tôn giáo. Chính các phụ tá của ông đã minh xác rằng ông Trump chỉ muốn ngăn những người Hồi Giáo khủng bố mà thôi, không phải tất cả mọi người Hồi Giáo. Nhưng ông Donald Trump đã bỏ lỡ cơ hội. Và những phản ứng của ông sau đó chỉ làm cho câu chuyện bùng lên lớn hơn.
Lần đầu được nhà báo hỏi về những ý kiến của Khizr Khan, ông Trump không trả lời mà lại nói ông muốn nghe ý kiến của cả bà mẹ nữa, vì bà Ghazala Khan chỉ đứng yên lặng bên cạnh trong lúc chồng phát biểu. Câu này ngụ ý chỉ ra rằng một phụ nữ Hồi Giáo thường bị cấm không cho ra trước công chúng bày tỏ ý kiến riêng. Trả lời một nhà báo trên ti vi, ông Trump nhận xét: “Bà ấy không hề nói câu nào. Chắc bả không được phép nói gì cả.” Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình sau đó, ông Trump lại chế nhạo ông Khizr Khan, nghi ngờ rằng “chắc các chuyên viên viết diễn văn của bà Hillary đã viết cho ông ta đọc?”
Những người coi ti vi đều thấy ông Khizr Khan khi phát biểu không cầm giấy để đọc. Và bà Ghazala cũng nói rằng bà không thể nói trước đám đông vì sợ cảm động quá sẽ nghẹn ngào không nói được. Mười bảy gia đình có con em tử trận đã viết một bức thư ngỏ cho ông Trump; họ viết: “Khi ông đặt câu hỏi về nỗi đớn đau của một người mẹ tử sĩ, ám chỉ rằng bà ta không được nói vì bị chồng cấm, ông đang tấn công thẳng vào chúng tôi nữa!”
Trong lịch sử nước Mỹ, người Hồi Giáo đầu tiên được ghi nhận là Bampett Muhammad, trong đạo quân cách mạng dưới quyền George Washington, từ 1775 đến 1783. Nhiều quân nhân Hồi Giáo cũng tham dự cuộc nội chiến, trong phía quân miền Bắc, một người nổi tiếng là Nicholas Said. Có 15,000 người Mỹ gốc Á Rập dự cuộc Thế Chiến Thứ Hai và hơn 3,500 người tham chiến ở chiến trường Afghanistan và Iraq gần đây.
Nhưng hiện nay các thanh niên Mỹ, nhất là những người con cháu của di dân, có thể biết rõ nhiều hơn và phải cảm phục cố Ðại Úy Humayun Khan. Cô Laci Walker, một trung sĩ dưới quyền nhớ lại Humayun là một con người rộng lượng và luôn luôn lo cho người khác. Ông ta hay làm lấy bánh mì ăn với cá thu và thường bảo mọi người cứ việc mở ngăn tủ của ông lấy hộp cá mà ăn. Có lần cô Walker quên khăn tắm, Humayun Khan đã tìm khăn cho mượn. Laci Walker kể lại: “Ông ta không bao giờ đặt cấp bậc của mình lên trên bổn phận đối với binh sĩ và đồng đội.”
Nhưng hành động hy sinh của Humayun Khan trong buổi sáng ngày 8 Tháng Sáu năm 2004 được tất cả mọi người ngưỡng mộ. Hạ Sĩ Vanessa Brenes-Ramirez nhớ lại: “Ông là một anh hùng, nếu không có ông thì bao nhiêu người khác đã chết hôm đó. Hồi đó tôi không hề biết rằng ông ta theo Hồi Giáo. Ông là một người Mỹ. Ông đúng là như vậy. Ông là người tiêu biểu của nước Mỹ. Ông không cần suy nghĩ gì trước khi hành động để cứu mạng người khác. Một trung sĩ khác, cô Marie Legros, nói: “Chỉ có thế thôi! Ông ta phải đi ra coi binh sĩ của mình thế nào.” Tướng Dana Pittard, từng là người chỉ huy trực tiếp, công nhận Humayun là một “người Mỹ yêu nước;” và tuyên bố: “Những lời ông Trump nói chứng tỏ ông không hiểu gì về tình đồng đội của chúng tôi.” Ông nói thêm: “Gia đình Khan cũng là gia đình của chúng tôi.”
Khi Humayun Khan tỏ ý muốn gia nhập quân đội, ông Khizr Khan không đồng ý. Hai bố con trước đó đã tính Humayun sẽ theo nghề luật sư của bố. Trong lúc học ở Ðại Học Virginia vào năm 2000, Humayun chơi thân với nhiều sinh viên là sĩ quan trừ bị đi học cho nên anh cũng ghi tên. Lúc đầu anh tính khi ra trường sẽ xin ra ngoài để theo đuổi nghề luật sư, nhưng vụ khủng bố 11 Tháng Chín năm 2001 đã làm anh thay đổi dự tính. Tốt nghiệp năm 2004, anh được đưa đi chiến trường Iraq. Ngày Của Mẹ (Mother Day) năm đó, anh điện thoại chúc mừng cho bà Ghazala và nghe mẹ dặn dò hãy tự bảo vệ an toàn, đừng xông xáo quá. Một tháng sau Humayun hy sinh.
Ông Khizr Khan, năm nay 65 tuổi, nói hộ hàng triệu di dân ở nước Mỹ: “Như bao nhiêu di dân khác, chúng tôi tới nước này với hai bàn tay trắng. Chúng tôi tin tưởng vào xã hội dân chủ Mỹ – nghĩa là nếu làm việc cật lực và sống trong một đất nước lương hảo, chúng ta có thể chia sẻ và đóng góp cho xứ sở này. Chúng tôi có phước được nuôi dạy ba đứa con trong một quốc gia nơi chúng được sóng tự do theo đuổi mộng ước của mình.”
Trong khi hàng triệu người Mỹ bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước sự hy sinh của gia đình ông Khan, thì tổ chức “Quốc Gia Hồi Giáo” IS, trong bản tin tuyên truyền Dabiq đã lên tiếng đả kích Humayun Khan, in hình bia mộ của ông với lời cảnh cáo: “Ðừng bao giờ chết như một kẻ phản đạo!” Trên bia mộ tại Arlington có vẽ hình mặt trăng lưỡi liềm, biểu tượng của Hồi Giáo. Cũng trong số báo Dabiq này, IS còn đả kích bà Hillary Clinton và khuyên bảo cử tri Mỹ, dẫn lời Tiên tri: “Một dân tộc trao quyền hành cho một người đàn bà thì sẽ không bao giờ thịnh vượng.”
Có lẽ tờ báo Dabiq đang tạo một cơ hội cho ông Donald Trump tự trình bày. Ông có thể lên tiếng công kích nhóm IS quá khích đã xúc phạm Humayun Khan, một quân nhân Mỹ anh hùng. Và ông cũng có thể giải hòa với gia đình Khan, bày tỏ nỗi ân hận đã gây ra những hiểu lầm. Hành động này sẽ chứng tỏ ông không kỳ thị người Hồi Giáo, và tôn trọng quyền bình đẳng của tín đồ mọi tôn giáo, như ông đã đọc trong Hiến Pháp nước Mỹ.