Tuesday 2 August 2016

Hàng loạt du khách dùng bản đồ xuyên tạc chủ quyền biển đảo

Chiều qua, ngoài giao diện trang web của Vietnam Airlines bị tấn công, màn hình hiển thị thông tin tại các khu vực làm thủ tục bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều bị thay đổi.
Poster quảng cáo đã thay đổi tên biển Đà Nẵng thành biển China beach. Ảnh: H.L
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật xác nhận, chiều 29.7, một số màn hình hiển thị thông tin chuyến bay, màn hình quảng cáo tại khu vực làm thủ tục chuyến bay của Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã bị chèn hình ảnh và nội dung câu chữ xúc phạm Việt Nam và Philippines. Hình ảnh trên màn hình cũng chính là hình ảnh bị chèn trên giao diện của Vietnam Airlines, có nội dung xuyên tạc về Biển Đông, do nhóm hacker China 1937 tạo ra.
Thời gian qua, công tác kiểm tra việc lưu hành các loại bản đồ, băng rôn tại một số tỉnh miền Trung được cơ quan chức năng liên tục đẩy mạnh, qua đó chính quyền địa phương nhiều tỉnh đã phát hiện hàng loạt trường hợp du khách, người dân và công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch sử dụng trái phép các loại bản đồ, giăng băng rôn có nội dung sai lệch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Biển Đà Nẵng thành “China beach”
Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) Đà Nẵng, từ năm 2011 đến nay, sở đã nhắc nhở bằng văn bản đề nghị các trang thông tin điện tử sử dụng cụm từ “China beach” để chỉ vùng biển Đà Nẵng đối với 7 đơn vị… Trực tiếp làm việc và nhắc nhở 1 đơn vị sử dụng cụm từ “South China Sea” để chỉ vùng biển Việt Nam. Trong năm 2014, Sở TTTT cũng đã thực hiện thẩm định và đề nghị Hải quan sân bay Đà Nẵng đã tịch thu 9 xuất bản phẩm đưa thông tin không chính xác về 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và chủ quyền trên Biển Đông.
Mới đây nhất, tờ quảng cáo của Cty có tên Looking glass jeep tours có nội dung sai lệch khi “hô biến” biển Đà Nẵng thành biển “China beach”. Qua xác minh, cơ quan công an đã đến số nhà 38, đường An Thượng 5 (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) để làm việc. Bà Lê Thị Tâm (52 tuổi) đã thừa nhận việc sử dụng tờ poster quảng cáo các hoạt động của Cty Looking Glass jeep tours cách đây hơn 4 năm trước.
Theo chị H – HDV tiếng Trung tại Đà Nẵng, trong quá trình đào tạo để cấp thẻ hành nghề, chị và nhiều đồng nghiệp chỉ được trang bị những kiến thức chuyên môn để có thể hướng dẫn cho khách. Tuy nhiên, về kiến thức để nhận biết các bản đồ được phép lưu hành tại Việt Nam thì lâu nay, chị H không hề nắm được. “Chính vì thiếu thông tin hướng dẫn nhận biết các loại bản đồ như vậy nên trong quá trình dẫn khách, dù có gặp du khách sử dụng những tấm bản đồ có nội dung sai lệch đi nữa, chúng tôi cũng khó phát hiện được” – chị H nói.
Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TTTT Đà Nẵng – cho hay: “Để quản lý hiệu quả tình trạng người dân sử dụng các loại bản đồ không được phép lưu hành tại Việt Nam, sở sẽ tổ chức đối thoại với các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn và cả người dân để mọi người trở thành “tai mắt” cung cấp nhanh nhất đến cơ quan chức năng những trường hợp sai phạm từ đó sở sẽ có hướng xử lý”.
Giăng băngrôn tiếng Trung Quốc để… chụp ảnh
Tại Nha Trang (Khánh Hòa), tình trạng người Trung Quốc giăng băng rôn tiếng Trung ở công viên bờ biển Nha Trang, chùa Long Sơn để chụp hình. Anh T – HDV du lịch quốc tế tại Nha Trang cho biết, trước đây, tại chùa Long Sơn (đường 23 tháng 10) và bến tàu du lịch Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên), có tình trạng người Trung Quốc tụ tập giăng băng rôn, biểu ngữ. Anh N.T.T – nhân viên bảo vệ chùa Long Sơn tiết lộ: “Cách đây hơn 1 tháng, lực lượng chức năng đã tịch thu một băng rôn của người Trung Quốc. Băng rôn dài hơn 2m, nội dung ghi trên băng rôn toàn tiếng Trung Quốc. Điều lạ nữa là trên băng rôn còn in cả các đảo trên đó”. Theo anh T, thời gian qua, người Trung Quốc mang đến chùa Long Sơn các băng rôn nhưng đa phần là tiếng Trung Quốc. “Chúng tôi không biết các băng rôn đó nói gì, sợ xuyên tạc tào lao nên chúng tôi không cho giăng. Việc làm này của người Trung Quốc rất nguy hiểm” – anh T nói.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang nói “họ căng băng rôn, khẩu hiệu đủ màu xanh, đỏ… khi phát hiện, chúng tôi đã tiến hành thu giữ” – ông Khánh nói và cho rằng: “Nếu thu băng rôn đó về rồi, kiểm tra mà có nội dung không tốt thì rất nguy hiểm”. Ông Khánh đề xuất cần có phiên dịch tiếng Trung đi cùng các lực lượng chức năng khi kiểm tra tình trạng người Trung Quốc giăng băng rôn và cần có chế tài xử lý mạnh hơn thay vì chỉ thu giữ và tiêu hủy như hiện nay. Nói về phản ứng của tỉnh trước tình trạng bất thường trên, ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa – cho biết: “Tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tập trung xử lý mạnh hơn nữa các trường hợp giăng băng rôn theo luật quảng cáo. Nếu băng rôn không có tiếng Việt chữ lớn ở trên, tiếng nước ngoài chữ nhỏ hơn đi kèm ở dưới thì xử phạt ngay theo luật này”.