Wednesday 3 August 2016

Kỷ Niệm 50 Năm Chiến Thắng Long Tân (1966-2016)

Phỏng vấn Ch/h Huỳnh Bá Phụng
Cựu Chủ Tịch Tổng Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH Úc Châu (2012-2013), Chủ Tịch Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH tiểu bang Queensland (1992-2016)
Tác giả: Trung Kiên
184_AiVNnwsPua
LGT (SGT): Trong những ngày đầu tháng 8 của đúng 50 năm về trước, được lệnh trung ương Cục Miền Nam (bí danh Anh Trọng, Anh Chín Nam hoặc R), Trần Minh Tâm, Sư đoàn phó Sư đoàn 5 bộ binh VC (tức Công Trường 5 VC), đã kết hợp với Đặng Hữu Thuấn, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội VC Bà Rịa, chuẩn bị lực lượng phục kích quân đội Úc từ căn cứ Núi Đất, theo chiến thuật “điệu hổ ly sơn”. Kết quả, chiều ngày 18 tháng 8 năm 1966, một trận đánh ác liệt đã diễn ra tại xã Long Tân,  Bà Rịa, 108 quân của Đại Đội D, thuộc Tiểu Đoàn 6, Chiến Đoàn 1 Úc Đại Lợi, đã đánh bại chiến thuật biển người trên dưới 2000 tay súng VC, khiến VC chết trên 300 tên và trên dưới 500 tên bị thương; trong khi Úc chỉ có 18 người hy sinh và 24 người bị thương. Từ đó, trận đánh Long Tân đã trở thành biểu tượng chiến thắng tuyệt vời của quân đội Úc trong cuộc chiến tranh chống CS xâm lăng, bảo vệ Miền Nam Tự Do; và ngày 18 tháng 8 đã được chính phủ Úc chính thức chọn là ngày Vietnam Veterans Day. Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến Thắng Long Tân, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn Ông Huỳnh Bá Phụng, cựu Chủ tịch Tổng Hội CQNQLVNCH Úc Châu, Chủ tịch Hội CQN/ QLVNCH/QLD, được đăng trong Đặc San Gươm Thiêng (cơ quan ngôn luận chính thức của CQN/QLVNCH Úc Châu) 2016, và được Ông nhuận sắc lại vào ngày 2 tháng 8 năm 2016. Vì bài phỏng vấn quá dài, nên chúng tôi chia làm 3 phần: Phần 1, Chiến thắng Long Tân và Ý nghĩa lịch sử; Phần 2, Chiến Đoàn 1 Úc Đại Lợi tại VN; Phần 3, tình chiến hữu Úc Việt sau 1975.
LGT (Gươm Thiêng): Chiến hữu Huỳnh Bá Phụng là một quân nhân có mối quan hệ vô cùng mật thiết và sâu đậm với quân đội Úc tại Việt Nam trước 1975, cũng như tại Úc sau 1975. Được Thiếu Tướng Trần Thanh Phong, Tham Mưu Trưởng Bộ TTM, bổ nhiệm làm Biệt Đội Trưởng Biệt Đội 10 Quân Báo VNCH từ năm 1968 đến năm 1972, Ch/h Huỳnh Bá Phụng đã thường xuyên và liên tục làm việc với các Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Quân Báo Úc  thuộc Chiến Đoàn 1 Úc Đại Lợi, trong đó có Đại Tá Jack L’Epagniol (1968), Thiếu Tá Alan Cunningham (1969 – 1971), Trung Tá Bryant (1970). Năm 1982, nghe tin Ch/h Huỳnh Bá Phụng vượt biển tỵ nạn thành công, đến định cư tại Brisbane, vợ chồng Đại Tá Jack L’Epagniol, Thiếu Tá Alan Cunningham và Trung Tá Bryant (Tây Úc), cùng đông đảo cựu chiến binh Úc từng tham chiến tại VN, đã vội vã đến thăm Ch/h Huỳnh Bá Phụng tại Brisbane. Từ đó đến nay, trong suốt hơn 30 năm, tình chiến hữu sâu đậm giữa các CQN Việt, Úc tại QLD nói riêng và nước Úc nói chung, đã góp phần quan trọng trong việc xiển dương chính nghĩa của VNCH và các quốc gia Đồng Minh Mỹ, Úc… trong cuộc chiến tranh chống CS xâm lăng, bảo vệ Miền Nam Tự Do.
Nhận thấy chủ đề “Kỷ Niệm 50 Năm Chiến Thắng Long Tân” của Đặc San Gươm Thiêng, cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng Hội CQN/QLVNCH Úc Châu, số ra năm 2016, có một giá trị đặc biệt về tình chiến hữu Úc – Việt, chúng tôi xin gửi tới quý Ch/h và quý Đồng hương, bài phỏng vấn Ch/h Huỳnh Bá Phụng, Cựu CT/TH/CQN/QLVNCH (2012-2013), CT/HCQN/QLVNCH/QLD (1992-2016). Bài phỏng vấn được chia làm 3 phần:Phần 1, Chiến thắng Long Tân và Ý nghĩa lịch sử; Phần 2, Chiến Đoàn 1 Úc Đại Lợi tại VN; Phần 3, tình chiến hữu Úc Việt sau 1975.
PHẦN 1: CHIẾN THẮNG LONG TÂN VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
Quân nhân Úc nghiêm trang tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm trận đánh Long Tân. Từ năm 1962 đến 1972, có hơn 50,000 lính Úc tham chiến tại VN, trong số đó, 521 người hy sinh và hơn 3,000 người bị thương.
Hỏi: Thưa Ch/h Chủ Tịch, được biết năm 2016, nước Úc sẽ long trọng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Long Tân. Nhận thấy đây là một sự kiện vô cùng quan trọng và ý nghĩa, Tổng Hội CQN đã quyết định chọn chủ đề chiến thắng Long Tân cho Đặc San Gươm Thiêng xuất bản vào cuối năm nay. Vậy xin Ch/h cho biết, trận đánh Long Tân đã diễn ra trong hoàn cảnh nào, và có những ý nghĩa quan trọng đặc biệt gì?
Ch/h HBP: Trước hết, nói về hoàn cảnh, như chúng ta đã biết, quân đội Úc đã có mặt tại VN từ năm 1962, nhưng lúc đó chỉ có 30 cố vấn, với trách nhiệm huấn luyện quân đội VNCH chống quân phiến loạn VC. Đến tháng 3 năm 1966, do mức độ xâm lăng của CS Hà Nội gia tăng, Thủ Tướng Úc lúc đó là ông Harold Holt đã quyết định tăng quân tham chiến tại VN. Kết quả, 2 tháng sau, 2 tiểu đoàn mới thành lập của Úc được lệnh đến VN và Chiến Đoàn 1 Úc Đại Lợi (1st Australian Task Force – 1st ATF) bao gồm cả Úc và Tân Tây Lan, được thành lập do tướng Oliver Jackson chỉ huy. Ngoài 2 tiểu đoàn bộ binh mới đến, Chiến Đoàn 1 Úc Đại Lợi còn có 4 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo cơ hữu 105 ly, 1 tiểu đoàn tăng phái 155 ly trên xe tăng M-109 của Mỹ, 1 tiểu đoàn pháo binh Tân Tây Lan, 1 chi đoàn thiết vận xa M-113 và 2 phi đoàn không trợ là Phi đoàn 35 Caribou và Phi đoàn trực thăng UH-1B. Với sự gia tăng về quân số, cùng kinh nghiệm chống chiến tranh du kích CS tại Mã Lai thành công, quân đội Úc  đã được chính phủ VNCH và Mỹ (MACV) đồng ý traotrách nhiệm chống VC tại tỉnh Phước Tuy & Vũng Tàu và Long Khánh. Vùng này xưa nay là vị trí chiến lược nên VC đã quấy nhiễu, đánh phá từ lâu. Vì vậy, trước sự hiện diện vô cùng nguy hiểm của quân đội Úc, VC đã vội vã mở cuộc tấn công phủ đầu vô tổng hành dinh của Chiến Đoàn 1 Úc Đại Lợi tại Núi Đất vào trung tuần tháng 8 năm 1966, và trận đánh quyết liệt nhất đã diễn ra trong ngày 18 tháng 8. Trận đánh quan trọng này đã được tường thuật rất nhiều và chi tiết bằng tiếng Anh, tiếng Việt, trên truyền thanh, truyền hình, báo chí, cũng như internet. Vì vậy, trả lời phỏng vấn ở đây, chúng tôi không muốn tường thuật về trận đánh, mà chỉ muốn nhấn mạnh về mấy ý nghĩa lịch sử của trận đánh Long Tân.Tại Núi Đất, xe tăng của Mỹ được Úc biến chế thành xe quét, phá mìn
Hỏi: Vậy trận đánh Long Tân có mấy ý nghĩa, thưa Ch/h?
Ch/h HBP: Tôi nghĩ trận đánh Long Tân có 5 ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất, Long Tân là một trận đánh quan trọng, một chiến thắng vẻ vang của quân đội Úc. Trong trận này, chỉ có 108 quân của Đại Đội D, thuộc Tiểu Đoàn 6, Chiến Đoàn 1 Úc Đại Lợi, đã đánh bại chiến thuật biển người trên dưới 2000 tay súng VC, khiến VC chết trên 300 tên và trên dưới 500 tên bị thương; trong khi Úc chỉ có 18 người hy sinh và 24 người bị thương.
Hỏi: 24 người bị thương? Nhưng một số tài liệu ghi Úc bị thương 26 người?
Ch/h HBP: Tôi biết có sự khác biệt đó. Nhưng con số 24 tôi đề cập là dựa vào bài diễn văn của Trung Tướng Michael Jeffery, Tổng Toàn Quyền Úc, đọc ngày 18 tháng 8 năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Long Tân.
Hỏi: Còn ý nghĩa thứ hai, thưa Ch/h?
Ch/h HBP: Ý nghĩa thứ hai, trận đánh Long Tân là biểu tượng tuyệt vời về tinh thần chiến đấu quả cảm và khả năng chiến đấu chống cộng hết sức hữu hiệu của quân đội Úc tại VN, cho dù Đại Đội D mới hiện diện tại Phước Tuy có 4 tháng. Chính tướng William Westmoreland, Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV), từ năm 1964 đến năm 1968, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ từ 1968 đến 1972, trong cuốn hồi ký “A Soldier Reports” của ông, được xuất bản không đầy một năm sau khi CS chiếm Saigon, cũng đã viết những lời ca ngợi quân đội Úc trong trận Long Tân: “Đây là trận chiến dữ dội nhất của quân đội Úc [tại VN], vào cuối hè 1966, khi một đại đội Úc đụng độ với một lực lượng địch khoảng 1500 VC, tại một đồn điền cao su. Suốt ba giờ dưới cơn mưa nhiệt đới khiến không yểm bị ngăn cản, hơn 100 binh sĩ Úc đã đánh bại nhiều đợt tấn công biển người của VC. Khi đạn dược gần cạn, các phi công trực thăng Úc đã can đảm vượt qua lưới đạn địch để tiếp tế. Nhờ tiếng mưa rơi át tiếng động cơ, đại đội A với các thiết vận xa có thể tiến đến gần Đại Đội D đang bị bao vây trước khi VC có thể phát giác. Sau đó lực lượng tăng viện đã tấn công khiến quân địch bị tán loạn, bỏ lại 265 xác chết.
Ý nghĩa thứ ba, bên cạnh tinh thần dũng cảm và thiện chiến, qua trận đánh Long Tân, quân đội Úc còn thể hiện một cách rõ ràng họ là những người lính chuyên nghiệp của một đất nước văn minh, thuộc thế giới Tự Do, luôn giầu lòng nhân đạo, có tinh thần tự trọng, chiến đấu chống VC một cách quang minh chính đại, và sau trận chiến, đã đối xử tử tế với tù hàng binh VC. Điều này hết sức có ý nghĩa và vô cùng cần thiết phải được áp dụng trong mọi cuộc chiến tranh; trái hẳn VC, những tên khủng bố gian trá xảo quyệt, chuyên dùng ông già, phụ nữ, trẻ em làm bia đỡ đạn, hoặc đóng giả thường dân, núp bóng chùa chiền, nhà thờ, trường học, bệnh viện…. để gây tội ác.
Ý nghĩa thứ tư, từ những điểm quan trọng vừa nêu, năm 1987, khi chứng kiến 25,000 cựu chiến binh Úc tham chiến chống VC tại VN, tham dự cuộc diễn hành Home Welcome Parade trên đường phố Sydney, Thủ Tướng Bob Hawke đã long trọng tuyên bố: Để mãi mãi ghi nhớ những hy sinh cao quý, của 50,000 quân dân Úc và 3,500 quân dân Tân Tây Lan, trong cuộc chiến đấu chống VC, bảo vệ Tự Do tại VN, đặc biệt tại trận đánh Long Tân, Úc đã chính thức chọn ngày 18 tháng 8 hàng năm làm Vietnam Veterans’ Day.
Ý nghĩa thứ năm, trận đánh Long Tân và sự tham chiến của Úc tại VN, đã giúp các quốc gia Đồng Minh, đặc biệt là Hoa Kỳ, có được những bài học quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq, A Phú Hãn và Syrie hiện nay. Chính Đại Tá Jack L’Epagniol, Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Quân Báo Úc tại VN năm 1968, trong bài viết “VN Trong Trái Tim Tôi”, đăng trên ĐS Gươm Thiêng 2014, đã cho biết, những cuộc hành quân chớp nhoáng “Acorn Ops” do Biệt Đội Quân Báo Úc và Biệt Đội 10 Quân Báo VN phối hợp hành quân tiêu diệt hạ tầng cơ sở VC tại Phước Tuy, được ông trình bầy trong luận án “Not By Arms Alone” và được đăng trong tạp chí quân sự Australian Army Journal, đã được phân phối đến các quốc gia thành viên Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á SEATO, và được Mỹ áp dụng trong cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq, A Phú Hãn, và đặc biệt trong cuộc bố ráp chớp nhoáng hạ sát Bin Laden cách đây không lâu.
Hỏi: Thưa Ch/h, trước những ý nghĩa quan trọng như như Ch/h vừa nói, để kỷ niệm 50 năm trận đánh Long Tân vào ngày 18 tháng 8 năm 2016, cộng đồng Úc, Việt sẽ làm gì?
Ch/h HBP: Về phía VN, như thường lệ hàng năm, chắc chắn anh em CQN chúng tôi sẽ tham dự các buổi lễ kỷ niệm, các cuộc diễn hành cùng với cựu chiến binh Úc trên toàn nước Úc. Chúng tôi hy vọng, cộng đồng NVTD liên bang và các tiểu bang, cũng sẽ có những sinh hoạt đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm này. Về phía Úc, chắc chắn chính phủ liên bang và các tiểu bang, các hội cựu chiến binh Úc (RSL), đặc biệt là Hội Cựu Chiến Binh Úc Tham Chiến tại VN (VVAA), đều có chương trình tổ chức trọng thể, lễ kỷ niệm 50 năm Long Tân, để một lần nữa, nước Úc vinh danh chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống CS xâm lăng, bảo vệ Miền Nam tự do. Riêng tại tiểu bang QLD, chúng tôi được biết, Hội VVAA/QLD sẽ tổ chức rất trọng thể Lễ Kỷ Niệm 50 Long Tân, với sự tham dự của đông đảo quan khách Úc, Việt, và dĩ nhiên, trong số đó sẽ có sự tham dự của đông đảo hội viên Hội CQN/QLD chúng tôi.  Đặc biệt buổi lễ Long Tân năm nay tại Brisbane cờ VNCH sẽ được thượng lên cùng cờ Úc tại ANZAC SQUARE – Brisbane  (Cuối tháng 7 năm 2016, ông Darryl Shipp TTK/VVAA vừa liên lạc nhờ tôi cung cấp cho họ cờ VNCH).
Hỏi: Thưa Ch/h, VVAA là hội gì? Hội được thành lập khi nào?
Ch/h HBP: VVAA là chữ viết tắt của Vietnam Veterans Association of Australia, chúng tôi tạm gọi là Hội Cựu Chiến Binh Úc tham chiến tại Việt Nam. Hội được thành lập vào khoảng năm 1978, nhằm hậu thuẫn và giúp đỡ những cựu chiến binh Úc đã tham chiến tại VN, giải quyết những khó khăn hậu quả của cuộc chiến tranh. Lúc đầu Hội được biết đến qua danh xưng Vietnam Veterans Action Group, sau đổi thành VVAA. Hội có cơ cấu ban chấp hành ở cấp liên bang và các tiểu bang, lãnh thổ trên nước Úc. Nhân đây, chúng tôi cũng xin báo một tin mừng tới quý Chiến hữu và quý Đồng hương, theo thư của cựu Đại Tá Arthur Burke gửi cho chúng tôi vào tháng 9 năm 2015, thì sau 45 năm tranh đấu không ngừng nghỉ, các cựu chiến binh Úc đã thành công trong việc đòi chính phủ Úc, chính thức chấp thuận cho Tiểu Đoàn Pháo 105th thuộc Trung Đoàn Pháo Binh Đệ Nhất Hoàng Gia Úc, được truy lãnh huân huy chương do VNCH trao tặng trong thời chiến tranh VN. Và ngày 6 tháng 10 năm 2015 vừa qua, Tiểu Đoàn Pháo 105th thuộc Trung Đoàn Pháo Binh Đệ Nhất Hoàng Gia Úc, đã chính thức được trao tặng Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu (Vietnam Cross of Gallantry with Palm Unit Citation) mà VNCH đã trao tặng trước 1972, nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của Tiểu Đoàn khi tham chiến tại VN trong thời gian 2 năm (lần đầu 1965-66 và lần 2 từ 4.2.1969), trong đó có trận đánh Long Tân. Lễ trao tặng đã được diễn ra một cách long trọng tại quân trại Gallipoli, Enoggera, Brisbane. Rất tiếc, khi cựu Đại Tá Arthur Burke gửi lời mời chúng tôi tham dự và trao tặng Huy Chương cho Tiểu Đoàn Pháo, chúng tôi đã không thể tham dự. Nhân đây, chúng tôi cũng nói thêm về vấn đề này. Nguyên do, sau trận Long Tân, Tổng Thống Mỹ Johnson và Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định trao tặng bằng tuyên dương và huy chương cho các đơn vị và quân nhân Úc. Tuy nhiên, chính phủ Úc khi đó chỉ chấp thuận sự tưởng thưởng của Mỹ, nhưng từ chối sự tưởng thưởng của VNCH. Mãi đến năm 2004, sau nhiều cuộc vận động, tranh đấu của cựu chiến binh Úc, chính phủ Úc mới ban hành luật công nhận sự tưởng thưởng của ngoại quốc dành cho cá nhân người Úc; và năm 2008 mới công nhận sự tưởng thưởng của ngoại quốc danh cho các đơn vị trong quân đội Úc. Khi đó, Đại Đội D và 13 quân nhân, chiến đấu trong trận Long Tân, mới chính thức nhận sự tưởng thưởng của VNCH. Riêng cựu Trung Tá Harry Smith (Thiếu Tá Đại Đội Trưởng Đại Đội D trong trận Long Tân), được vinh dự lãnh nhận Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng, Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi sao Vàng và Anh Dũng Bội tinh với Nhành Dương Liễu, của chính phủ VNCH.
Hỏi: Được biết, để xoá bỏ tội ác chiến tranh, VC đang có âm mưu lôi kéo một số cựu chiến binh Úc đến Vũng Tàu, tổ chức kỷ niệm 50 năm trận đánh Long Tân. Ch/h nghĩ sao về việc này?
Ch/h HBP: Sự thực, âm mưu núp bóng hoà hợp hoà giải, để xoá bỏ tội ác chiến tranh, VC đã thực hiện suốt mấy chục năm qua, nhưng chúng vẫn thất bại. Điển hình của sự thất bại gần đây nhất, là tổ chức cựu chiến binh Úc RSL đã quyết định huỷ bỏ MOU mà họ đã ký kết với VC. Tuy nhiên, VC vẫn tìm mọi cách thực hiện âm mưu bắt tay với cựu chiến binh Úc trong dịp kỷ niệm 50 năm Long Tân. Cụ thể, VC dự định tổ chức nhiều buổi lễ kỷ niệm tại Vũng Tàu và Bà Rịa; và dạ tiệc tại khách sạn Pullman, Vũng Tàu vào tối 18 tháng 8 năm 2016, với sự tham dự của khoảng 40 tên VC và khoảng chục người Úc trong đó có cựu Trung Tá Harry Smith (Thiếu Tá Đại Đội Trưởng Đại Đội D trong trận Long Tân). Vì vậy, chúng tôi nghĩ, CĐNVTD liên bang và các tiểu bang, cũng như Tổng Hội và các Hội CQN, nên có những biện pháp cần thiết và kịp thời để tố cáo trước công luận âm mưu này của VC.
PHẦN 2: CHIẾN ĐOÀN 1 ÚC ĐẠI LỢI TẠI VN
184_kw1FZpdnPW
Đại Úy Huỳnh Bá Phụng, Biệt Đội Trưởng Biệt Đội 10 Quân Báo VNCH, và Đại Úy Jack L’Epagniol, Biệt Đội Trưởng Quân Báo Chiến Đoàn 1 Úc tại căn cứ Núi Đất 1968.
Hỏi: Trong số những cựu quân nhân QLVNCH định cư tại Úc, Ch/h là người làm việc gần gũi nhất với Chiến Đoàn 1 Hoàng Gia Úc Đại Lợi, khi Chiến Đoàn này tham chiến tại VN. Vậy xin cho biết, Ch/h bắt đầu làm việc với quân đội Úc từ bao giờ, trong hoàn cảnh nào? 
Ch/h HBP: Thưa Chiến Đoàn 1 Hoàng Gia Úc Đại Lợi có căn cứ chính đóng tại Núi Đất -Bà Rịa. Năm 1968, Phòng Nhì /Bộ TTM đề cử, và Thiếu Tướng Trần Thanh Phong, Tham Mưu Trưởng Bộ TTM, đã bổ nhiệm tôi về làm Biệt Đội Trưởng Biệt Đội 10 Quân Báo hoạt động bên cạnh Chiến Đoàn 1 Úc Đại Lợi, để thay thế Trung Tá Lê Bá Trừng đi làm Quận Trưởng tại Huế. Đầu năm 1972 khi Chiến Đoàn 1 chuẩn bị rút về nước, tôi trở về đơn vị gốc là Phòng Nhì Bộ TTM cho đến ngày 30-4-1975.  Tôi cũng nói thêm ở đây, Phòng Nhì /Bộ TTM  có tất cả 15 Biệt Đội Quân Báo, hoạt động bên cạnh quân đội  Đồng Minh như Mỹ, Úc & Tân Tây Lan, Đại Hàn, Phi Luật Tân v.v…
Hỏi: Trong thời gian làm việc với Chiến Đoàn 1 Hoàng Gia Úc Đại Lợi, nhiệm vụ chính của Ch/h và Biệt Đội 10 Quân Báo là gì?
Ch/h HBP: Nhiệm vụ chính của Biệt Đội 10 là cung cấp cho Úc những tin tức Tình Báo về VC đang hoạt động trong  Tỉnh Bà Rịa & Vũng Tàu và Long Khánh để Chiến Đoàn biết được nơi nào có địch quân và kịp thời có kế hoạch hành quân tảo thanh bọn chúng.
Hỏi: Chiến Đoàn 1 Hoàng Gia Úc Đại Lợi có căn cứ chính đóng tại Núi Đất -Bà Rịa. Vùng này địa hình như thế nào?
Ch/h HBP: Núi Đất, cách Thị xã Bà Rịa khoảng 9 km. Đây là một vườn trái cây đủ loại như vú sửa, mãng cầu, mít… nhưng hầu nhưchuối là nhiều nhất. Đặc biệt có cả một vườn tiêu nhưng bị bỏ hoang vì lệnh của Chiến Đoàn làquân nhân Úc không được ăn, lý do là các loại trái cây nầy chưa được khử trùng. Theo chỗ tôi được biết, quân đội Úc phải trả tiền thiệt hại cho người chủ vườn lên đến vài trăm ngàn tiền VN hằng năm.
Phi trường Luscombe tại Núi Đất, căn cứ chính của Chiến Đoàn 1 Úc Đại Lợi
Hỏi: Phải chăng Núi Đất không có đá?
Ch/h HBP: Nói về Núi Đất thì đúng như tên gọi, những núi khác thì có đá và đất, riêng Núi Đất hầu như là đất nhiều hơn đá, là một cao điểm nhưng không cao lắm, Chiến Đoàn Úc dùng làm nơi để đặt Đài quan sát và Tổng đài điện thoại Ebony 199 trên đó. Ngoài ra trong căn cứ còn có 1 sân bay cho phi cơ Caribou và trực thăng với tên gọi là Luscombe Airfield. Phi trường này chính thức đi vào hoạt động ngày 5/12/1966; và Luscombe là tên của đại uý không quân Úc Bryan Luscombe bị tử thương tại chiến trường Cao Ly vào ngày 5/6/1952.
Hỏi: Căn cứ Núi Đất được bố trí như thế nào, và sinh hoạt của quân nhân Úc tại đó ra sao?
Ch/h HBP: Đường xá trong căn cứ đều được tráng nhựa khang trang, dọc theo hai bên đường đa số là chuối. Quân nhân trong căn cứ từ Sĩ quan cho đến HSQ và binh sĩ đều sống trong những lều vải loại lớn dưới những tàng cây cao su và cây ăn trái, chung quanh lều được bao bọc bởi những bao cát chống pháo kích rất an toàn. Những văn phòng làm việc và câu lạc bộ của Chiến Đoàn được xây bằng gỗ, lợp tôn. Bên trong được trang bị đầy đủ tiện nghi như quạt, máy điều hoà.v.v… trông rất sạch sẽ và khang trang. Sĩ quan ăn uống ở CLB dành cho SQ, còn HSQ và binh sĩ ăn ở CLB dành riêng cho họ. Mổi Tiểu Đoàn có riêng một CLB bán đầy đủ từ rượu mạnh cho đến beer, nước ngọt và thuốc lá các loại. Nơi đó cũng có bán đầy đủ máy móc như TV, tủ lạnh v.v… Có thể nói không thiếu một thứ gì mà PX Mỹ có. Hàng tháng có tàu từ Úc chở qua cung cấp cho Chiến Đoàn mọi nhu cầu về đời sống.
Hỏi: Tại sao Chiến Đoàn Úc lại đóng quân ở Bà Rịa?
Ch/h HBP: Bà Rịa là một Tỉnh thường xuyên bị VC khuấy phá vì thế Chiến Đoàn Úc chọn làm nơi đóng quân để làm đầu cầu giữ an ninh cho Thủ Đô Saigon.
Hỏi: VC ở Bà Rịa có đông không, và VC đã khuấy phá ra sao?
Ch/h HBP: Lực lượng VC tại Bà Rịa lúc đó gồm có 2 Tiểu Đoàn cơ động Tỉnh là D.445 và D.440. Ngoài ra, ở mổi Quận, VC có từ 3 đến 5 Đại Đội địa phương, nhưng mỗi đại đội chỉ có từ 60 đến 80 người. Ở đây chúng tôi cũng nói thêm là Tiểu Đoàn D.445 của VC đã chạm súng với Đại Đội Delta/TĐ6 Úc vào ngày 18/8/1966 và VC đã bị thiệt hại nặng, nên sau đó VC mới thành lập thêm 1 Tiểu Đoàn mới mang bí số D.440. Thời đó, VC thường xuyên pháo kích vào Tỉnh lỵ Bà Rịa, Trung Tâm Huấn Luyện quốc gia Vạn Kiếp và thỉnh thoảng vào căn cứ Núi Đất.
Hỏi: Đối phó với sự khuấy phá của VC, Chiến Đoàn Úc đã có những chiến thuật gì?
Ch/h HBP: Để tránh những thiệt hại cho căn cứ Núi Đất, Chiến Đoàn Úc đã áp dụng chiến thuật chủ động mở rộng vòng đai phục kích và tìm diệt (search and destroy) ra ngoài tầm pháo kích, khiến VC không thể đặt pháo, pháo kích vô Núi Đất. Tôi nhớ thời đó, vào mỗi chiều tối, xe GMC chở binh sĩ Úc thả dọc theo các trục lộ chung quanh căn cứ Núi Đất. Những người lính Úc này, mặt mày họ đều bôi lem luốc để ngụy trang và ngồi đó chờ khi trời tối hẳn là tất cả đều biến mất trong màn đêm. Mổi quân nhân được trang bị từ tiểu liên đến trung liên, dây đạn quấn đầy mình. Họ không phục kích tại một địa điểm nào nhất định, và nằm đó nếu không có gì thì sáng hôm sau ra về. Ngược lại, nếu có gì khả nghi, họ sẽ lặng lẽ đi tuần tra suốt đêm. Đụng địch, họ sẽ tấn công chớp nhoáng, và nếu cần, họ sẽ gọi phi pháo yểm trợ. Nếu không gặp địch, sáng hôm sau họ lại tập trung ở một địa điểm khác, chờ xe GMC bốc về. Vì luôn luôn ở thế chủ động và bất ngờ nên họ không bao giờ bị VC phản phục kích. Và nhờ vòng đai phục kích của Úc khá rộng nên VC ít khi pháo kích vô căn cứ Núi Đất là vậy.
Một thiếu nữ Úc vẫy tay tạm biệt người thân trên Hàng không mẫu hạm Sydney đang rời cảng Brisbane, trực chỉ VN vào tháng 5/1967. Trong thời gian từ tháng 5/1965 đến tháng 11/1972, HKMH Sydney đã thực hiện 25 chuyến chở binh lính Úc từ Sydney, Brisbane, Fremantle, Port Adelaide và Townsville đến VN, giúp quân dân Miền Nam chiến đấu chống CS Bắc Việt xâm lăng
Hỏi: Trong cuộc chiến tranh VN, bao nhiêu lính Úc hy sinh, thưa Ch/h?
Ch/h HBP: Về số lượng lính Úc hy sinh tại VN, có nhiều số liệu khác nhau, 504, 508, 520, 521… Theo tài liệu chính thức của chính phủ Úc, được phổ biến trên website Australian War Memorial, cũng như trên website Hồ Sơ Lưu Trữ của chính phủ Úc, thì tổng cộng có 521 lính Úc hy sinh tại VN. Trong đó có 496 người thuộc lục quân, 17 người thuộc không quân, và 8 hải quân. Con số này tính luôn cả 6 lính Úc trước đây được coi là mất tích (MIA), nhưng đến nay, thi hài đã được tìm thấy và được đưa về Úc an táng. Cũng nên nói thêm ở đây, ngoài 521 lính Úc còn có 7 người Úc dân sự hy sinh tại VN.
Hỏi: Qua thời gian dài chiến đấu chung với quân đội Úc, Ch/h có nhận xét gì về tinh thần quân phong, quân kỷ của lính Úc và mối quan hệ giữa họ với quân đội VNCH và người dân VN?
Ch/h HBP: Trong nhiều năm hoạt động sát cánh với Chiến Đoàn Úc tại Núi Đất, chúng tôi phải nhìn nhận một điều là quân nhân Úc rất có tinh thần đồng đội và kỷ luật cao độ, từ cách làm việc, đi đứng hoặc phải giao tiếp bên ngoài với dân chúng. Họ không bao giờ đi riêng rẽ từng người một, và la cà trong các quán ăn vào ban đêm như chúng ta thường thấy ở các quân nhân đồng minh khác. Họ giành được nhiều cảm tình của người dân tại địa phương trong các hoạt động Dân sự vụ. Tôi lấy thí dụ như những lần Biệt Đội 10 Quân Báo chúng tôi và Chiến Đoàn Úc cùng hành quân tình báo để thanh lọc VC tại một xã nào đó. Từ sáng sớm Chiến Đoàn Úc đã cất nhiều lều vải lớn tại một khu đất trong xã, đương nhiên vòng đai bên ngoài đã được Chiến Đoàn bao kín, cùng lúc phi cơ quan sát bay trong vùng dùng loa kêu gọi đồng bào tập trung vào nơi đã dựng lều để được khám bệnh, chữa răng, phát thuốc và quà bánh cho trẻ em. Khi người dân lũ lượt đến khu tập trung, họ sẽ tuần tự đi qua các lều để Biệt Đội 10 Quân Báo thanh lọc, khi qua đến lều cuối cùng, họ sẽ được bác sĩ, nha sĩ khám bệnh, chửa răng và cấp phát thuốc, trẻ em thì được phát bánh kẹo, đồ chơi. Những người tình nghi và có tên trong hồ sơ Trận Liệt của Biệt Đội và bị theo dõi từ trước, đương nhiên bị giữ lại và sẽ được giải quyết sau cùng. Còn những người dân địa phương thật thà chất phác không dính dánh gì tới VC thì họ rất vui vẻ khi được khám bịnh, chửa răng và cấp phát thuốc miễn phí.
PHẦN 3: TÌNH CHIẾN HỮU ÚC VIỆT SAU 1975
Từ trái, Hình 1: Colonel Jack L’Epagniol, Biệt Đội Trưởng Quân Báo Chiến Đoàn 1 Úc (1968) và Ch/h Huỳnh Bá Phụng; Hình 2: Major Alan Cunningham, Biệt Đội Trưởng Quân Báo Chiến Đòan 1 Úc ( thời gian 1969 và 1971 trở lại VN lần hai) và Cj/h Huỳnh Bá Phụng; Hình 3: Colonel Jack L’Epagniol, Alan Cunningham và Ô. Huỳnh Bá Phụng, mừng ngày tái ngộ trên đất Úc.
HUYNH BA PHUNG 11
Hình trên: Ch/h Huỳnh Bá Phụng, Colonel Bryant và Major Alan Cunningham, mừng ngày tái ngộ trên đất Úc.
Hỏi: Sau 1975, tình chiến hữu giữa Ch/h và những chiến binh Úc từng tham chiến tại VN, đã tiếp tục được duy trì và phát triển như thế nào?
Ch/h HBP: Năm 1982 khi đến Úc tôi đã gặp lại những bạn bè từng chiến đấu chung trước 1975 tại Núi Đất, dù họ sống rải rác tại các Tiểu Bang nhưng chỉ trong vòng 1 năm đầu tiên tôi đã gặp lại gần hết. Trong số đó có hai người bạn thân nhất. Người thứ nhất là Đại Tá Jack L‘Epagniol, làm việc tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát ACT. Ông này đã nghỉ hưu và hiện đang sống tại Canberra. Người thứ hai là Thiếu Tá Alan Cunningham. Ông này cũng đã nghỉ hưu hiện đang ở QLD. 
Một người bạn nữa là Trung Tá Bryant sống tận Tây Úc. Khi được bạn bè Úc báo cho biết tôi còn sống và hiện đang sống tại QLD ông nầy đã đến tận nhà thăm tôi. Nói tóm lại, trong suốt thời gian dài sống và sinh hoạt đấu tranh tại đây, những người bạn Úc từng chiến đấu chung với tôi tại VN, vẫn luôn sát cánh và chia sẻ cũng như hết lòng giúp đở, yểm trợ những khi tôi cần đến. Đặc biệt là việc xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Úc Việt, chúng tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của nhiều cựu chiến binh Úc từng tham chiến tại VN cùng với chúng tôi. 
Hỏi: Trước những hy sinh và đóng góp của Úc trong cuộc chiến tranh VN trước 1975 và định cư người Việt tại Úc sau 1975, ông thấy cộng đồng người Việt chúng ta đã tri ân Úc như thế nào?
Ch/h HBP: Trước những hy sinh cao cả của các quân nhân Úc trong cuộc chiến đấu chống CS Miền Bắc xâm lăng, bảo vệ Miền Nam, người Việt yêu tự do chúng ta, nhất là người Việt tỵnạn CS, hiện đang định cư tại Úc, phải luôn luôn có bổn phận tri ân nước Úc, tri ân quân đội Úc, đặc biệt là những quân nhân Úc đã bỏ mình trên chiến trường VN. Chúng ta phải vinh danh họ, khắc ghi tên tuổi họ trên bia đá, trong tâm khảm, để an ủi phần nào những gia đình đã hiến dâng mạng sống của chồng, cha, con, anh, em… trong cuộc chiến VN. Trong nhiều năm qua hầu hết cácTiểu bang trên nước Úc, trong đó có Tiểu Bang QLD, đều xây dựng Tượng Đài Tưởng Niệm chiến sĩ Việt-Úc. Việc xây dựngTượng Đài là để tri ân Chính Phủ Úc và quân đội Úc, đã chiến đấu giúp Miền Nam Tự do chống lại sự xâm lăng của CS. Nhân đây, chúng tôi cũng xin báo một tin mừng, cuối tháng 10 vừa qua, cô Trần Hương Thuỷ, Chủ Tịch CĐNVTD Wollongong đã thông báo, Đài Vinh Danh và Tưởng Niệm cho Quân Cán Chánh Việt Nam Cộng Hoà và Tử sĩ Úc hy sinh trong cuộc chiến Quốc-Cộng tại VN đã được Hội Đồng TP chấp thuận cho xây dựng tại công viên Mac Cabe Park, trung tâm thành phố Wollongong. Ngoài việc xây dựng Tượng Đài, cộng đồng người Việt và Hội CQN/QLVNCH tại các tiểu bang cũng đã tổ chức trọng thể lễ tri ân nước Úc trong suốt năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Úc tham chiến bảo vệ tự do cho Miền Nam.
Tối Thứ Bảy 23 tháng 6 năm 2012, Hội CQN/QLVNCH/QLD đã long trọng tổ chức lễ Vinh Danh và Tri Ân Úc Đại Lợi nhân dịp kỷ niệm 50 năm Úc tham chiến chống CS Hà Nội xâm lăng, bảo vệ Miền Nam Tự Do. Hình trên: 5 bà Quả phụ Úc có chồng hy sinh tại VN, nhận Bằng Tri Ân của Hội CQN/QLVNCH/QLD
Hỏi: Như Ch/h vừa nói, mỗi năm Hội VVAA/QLD đều tổ chức trọng thể Lễ Kỷ Niệm Long Tân, với sự tham dự của đông đảo hội viên Hội CQN/QLD. Như vậy, qua gặp gỡ, trao đổi với những cựu chiến binh Úc, Ch/h thấy họ suy nghĩ gì về cộng đồng người Việt tại Úc, và tương lai tự do, dân chủ tại VN một khi không còn chủ nghĩa CS?
Ch/h HBP: Đây là một câu hỏi khá bao quát, để trả lời đầy đủ chắc phải tốn nhiều thời gian và đòi hỏi kiến thức chuyên môn. Điều đó vượt qúa khả năng của một người lính tác chiến đã lớn tuổi như tôi. Vì vậy tôi chỉ xin vắn tắt trả lời theo suy nghĩ cá nhân. Trước hết, tôi thấy những cựu chiến binh Úc từng tham chiến tại VN đều tự hào vì họ đã được chiến đấu cùng với quân dân VNCH để bảo vệ Miền Nam tự do. Họ cũng thừa nhận, nhờ có sự chiến đấu đó, nên Miền Nam được tự do 20 năm, và sau 1975, cộng đồng người Việt tại Úc mới được hình thành và phát triển như hôm nay. Họ cũng tin tưởng chỉ một vài thập niên nữa sự đóng góp của cộng đồng người Việt đối với xã hội Úc, sẽ không thua sút bất cứ một cộng đồng nào khác, kể cả cộng đồng chính mạch. Còn về “tương lai tự do, dân chủ tại VN một khi không còn chủ nghĩa CS”, nhiều cựu chiến binh Úc cũng tin tưởng, ngày đó không còn xa. Vì vậy, họ cũng mong mỏi chúng ta, những người Việt tỵ nạn CS, đặc biệt là các CQN/QLVNCH, nên giữ vững niềm tin, kiên cường đấu tranh chống CS cho đến ngày chủ nghĩa CS bị sụp đổ hoàn toàn tại VN. Họ cũng khẳng định, nếu trong quá khứ, người lính Úc đã chung vai sát cánh với chúng ta trong cuộc chiến chống CS, thì hiện tại và tương lai, khi nào VN còn CS, ngày đó, họ còn tiếp tục trong tình chiến hữu comrade-in-arms với chúng ta để chống CS.
Trung Kiên