Tuesday 16 August 2016

Trung Quốc đang trở thành một nhà nước luật rừng - Trọng Thành

media
Nhân viên an ninh lập hàng rào chặn báo chí tiếp cận cuộc hội đàm giữa cố vấn an ninh Mỹ Susan Rice và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 25/07/2016.REUTERS/How Hwee Young/Pool

Xã luận của Le Point tuần thứ hai tháng 8/2016, với tựa đề « Trung Quốc, phường thảo khấu », nhận định: « Siêu cường kinh tế giờ đây chỉ còn tuân theo các quy tắc của riêng mình. Đến mức sẵn sàng chống lại phần còn lại của thế giới ».

Bài xã luận của Le Point mô tả một loạt dấu hiệu cho thấy chế độ Trung Quốc hiện hành dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đang ngày càng trở nên thù địch với thể chế pháp quyền. Cụ thể là tấn công vào giới bảo vệ nhân quyền, vào giới doanh nghiệp, vào nền tự trị của đặc khu Hồng Kông… Gần đây nhất, về mặt quốc tế, Trung Quốc đã « phản ứng một cách hung hăng » chống lại phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện Biển Đông của Philippines (ngày 12/07), với đe dọa đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không và tuyên bố tập trận với Nga vào tháng tới tại Biển Đông.

Về mặt đối nội, « thái độ hung hăng của Bắc Kinh tương ứng với tình trạng suy yếu của đảng Cộng Sản trong bối cảnh kinh tế chững lại, bất bình đẳng xã hội gia tăng, chất lượng cuộc sống và môi trường suy giảm ». « Trong lĩnh vực kinh tế, chủ trương của Bắc Kinh là cố sức dành riêng thị trường nội địa Trung Quốc cho các doanh nghiệp địa phương, bằng cách ngăn cản các đối thủ nước ngoài. Chính quyền Trung Quốc đồng thời lợi dụng cuộc khủng hoảng tài chính của phương Tây để giành được nhiều cổ phần béo bở ». Còn trên trường quốc tế, « Trung Quốc liên tiếp mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra toàn thế giới, từ dự án Con đường Tơ lụa đến triển khai hải quân ở các vùng biển xa », cũng như phát triển một lực lượng « chiến tranh mạng » hùng hậu trong quân đội nước này.

Phương Tây kháng cự, Pháp bị phê phán
Le Point phê phán phản ứng « vô trách nhiệm » của chính phủ Pháp, khi bỏ rơi sân bay Toulouse, trụ sở Airbus và nhiều cơ sở nghiên cứu của Airbus vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ có thái độ « từ chối một cách hệ thống việc nhượng các cơ sở hạ tầng quan trọng cho Trung Quốc ». Và Anh Quốc mới đây đã xét lại hợp đồng đầu tư 21,3 tỷ đô la của Trung Quốc vào một dự án điện hạt nhân của nước mình. Liên Hiệp Châu Âu cũng phải « thức tỉnh» để quyết định không công nhận kinh tế Trung Quốc đủ tiêu chuẩn « quy chế thị trường », trong bối cảnh công nghiệp thép hay pin mặt trời của châu Âu bị hàng trợ giá của Trung Quốc đè bẹp.

Theo Le Point, « chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh… đã kích động một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á ». Một loạt các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đang gia tăng đầu tư cho quân sự để đối phó với Trung Quốc. Úc tăng cường hải quân. Hoa Kỳ cũng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam.

Le Point dự đoán : « Trung Quốc vẫn tiếp tục là quốc gia xuất khẩu số một thế giới… nhưng trong thời gian tới, quốc gia này sẽ không phải là một nhà nước pháp quyền, cũng không phải một nền kinh tế thị trường ». Bởi tại Trung Quốc, một « hợp đồng » không phải là điều « ràng buộc các bên cam kết ». Những nguyên tắc tối cao mà Bắc Kinh tôn trọng là « các lợi ích của đế chế Trung Hoa và của đảng Cộng Sản ». Các lợi ích của chế độ phải được coi là tối cao, bất chấp việc kinh tế Trung Quốc bị ngăn cản trên con đường « chuyển hướng sang một nền kinh tế dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao, với nhiều cách tân ».
Tờ báo kết luận, Trung Quốc đã chọn « một chính sách chỉ dựa vào sức mạnh. Bắc Kinh sẽ cứng rắn với những quốc gia nào có ý định chống lại, đứng đầu là Mỹ, và không thương tiếc với những nước yếu hơn, đứng đầu trong số đó có Pháp và châu Âu ».