Saturday 22 April 2017

“GIÀ KHÚ… ĐẾ!”

Có bạn trách sao thấy cứ viết đề tài trẻ con hoài! Vậy nên, có bài “Già khú… đế” này riêng tặng bạn bè tôi, những người đang hoặc sẽ… “khú đế”. Trên 70 tuổi mới nên đọc…
Đỗ Hồng Ngọc
Related image
1. “Già khú” là giai đoạn một, thêm một bước nữa thì gọi là “già khú… đế”. Khú, Từ diển tiếng Việt bảo là “để thâm lại và có mùi hôi”, thí dụ dưa khú, tức là một thứ dưa để lâu quá, sắp hư. Khú đế là “vua” của khú, hơn hẳn các khú!
Thật là một sai lầm lớn khi ta nghĩ rằng già sẽ đến từ từ, cứ từ từ mà thích nghi, mà giải quyết mọi chuyện lần lượt. Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn nhẫn, tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt. Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen… Còn ta, ta chần chờ, chểnh mãn, làm ngơ… Hãy đợi đấy. Đi đâu mà vội… Không đâu! Một hôm già bỗng chuyển hệ sang già…khú, rồi khú đế đột ngột làm đảo lộn mọi thứ tính toan. Quên tuốt những ký ức, lẫn lộn điều nọ với điều kia, thứ này với thứ khác, tai không nghe rõ, nói không trôi chảy, mắt không nhìn tinh… như làn sóng đã bắt đầu tung tóe!
Già đến đột ngột và tàn bạo. Như một cơn động đất, không cần phải hỏi han, không cần báo trước. Như một cơn bão dữ, thổi ào qua, cuốn tất cả không thương tiếc. Khi nó khú đế, nó sẵn sàng làm ta trở nên lố bịch, buồn cười, ngớ ngẩn, đáng thương. Khi nhìn quanh những người già khú đế mà… còn khỏe, ta nghĩ ta chắc cũng sẽ như họ. Còn lâu. Số người như vậy rất hiếm.
Nhưng, như vậy phải chăng làm ta sẽ nhìn đời bi quan ? Không đâu. Trái lại. Nó làm cho cuộc sống của ta có chất lượng hơn, có ý nghĩa hơn. Người ta không cảm nhận được thời gian vì thực ra chẳng có thời gian.
2. Thỉnh thoảng gặp người bạn thân lâu ngày chưa gặp lại, thấy bạn sao mà nhăn nheo, già khú, hỏi mới biết còn nhỏ hơn mình vài tuổi! Bạn kể cho nghe chuyện đôi khi gặp lại « người xưa » của bạn, tưởng tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng, người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang… Ai dè không vậy. Đôi mắt huyền xưa, chiếc mũi dọc dừa… bây giờ khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang; vai gầy guộc nhỏ, từng ngón xuân nồng bây giờ chuối ngự…. Còn ta thì sao? Nguyên Sa bảo ta chỉ có thể đo đếm tuổi mình qua ánh mắt cố nhân. Thử nhìn vào gương. Có gì khác lạ đâu nào? Ấy là bởi mình quen nhau quá rồi nên chẳng kịp thấy đổi thay. Thế nhưng, đã không còn những dấu chân chim ở khóe mắt mà hằn sâu như vạn lý trường thành… Khóe miệng thì nặng nề trễ xuống như bị sức hút của quả đất. Ở một nơi không có trọng lực chắc không đến nỗi?
Bạn nhắc toàn chuyện nửa thế kỷ trước… Nào đi cắm trại Suối Lồ Ồ với Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, Hồ Xích Tú, Nguyễn Công Thuần, Quách Giao…, nào lang thang chợ sách vỉa hè Saigon, “truy lùng” sách quý, nào cà phê chiều tím, chiều nhớ thương ai… Mấy đứa cháu nội mười bảy mười tám ra vòng tay chào bác, chào bác… Bạn quắc mắt: “Ông” chớ sao lại bác! Thấy chưa, tụi nó gọi ông bằng ông nội mà gọi tui bằng bác, thấy chưa?
Bạn có khoảng đất rộng chơi cây kiểng một thời. Cả một vườn mai vàng rực cho những ngày Tết nay đà xơ xác. Căn nhà rộng đã nhường cho các con, cất một mái nho nhỏ bên cạnh như một cái am cốc, một tủ sách, một cái TV, và nhất định không xài điện thoại di động, vi tính… Đủ rồi đó, nay mai, sẽ dọn dần về những căn nhà nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa. Rồi cùng mà cười. Bạn nói đã làm xong di chúc. Và cũng đã căn dặn, rải xuống sông Soài Rạp, quê nhà.
Phone cho người bạn ở tận miền Trung xem bạn đã khú ra sao. Bạn đi vắng. Không biết đi đâu. Chị càu nhàu. Hỏi “tình hình” sao rồi? Chịu hổng nổi ổng. Chị nói. Tôi chỉ muốn “cắn” ổng mấy cái! Ấy, chớ, đừng. Đừng cắn. Chị mà cắn ổng người ta tưởng chị “mê” ổng lắm đó. Tục ngữ có câu: “Yêu nhau lắm cắn nhau đau” mà, nhớ không? Hồi xưa hai ông bà mê nhau như điếu đổ! Anh bạn làm thầy giáo, một nhà thơ rất dễ thương, lấy bút hiệu con gái để dễ đăng những bài thơ mượt mà trên các báo thời đó. Giờ anh đi lai rai chỗ bạn bè, em cháu, những chốn chùa chiền…
3. Nhân có bác sĩ Thịnh ở Mỹ về , chúng tôi ơi ới gọi nhau rôm rả ở một quán hải sản thành phố. Theo lời một anh bạn, quán hải sản có cấu trúc mỗi phòng như một khoang thuyền để mọi người lắc lư cùng sóng gió.
Thiệt là tay bắt mặt mừng. Nhiều khi ngớ ra. Biết mặt mà quên tên. Biết tên mà quên mặt. Học chung với nhau dưới mái trường y khoa Saigon đằng đẵng bảy năm trời, không thể không quen, vậy mà đôi lúc cũng ngỡ ngàng, chưng hửng! Người thì hom hem… người thì béo ị… người bạc trắng, người cà khêu… Ôi cái thời sinh viên y khoa hào hoa phong nhã, tếu táo vung trời! Có lẽ do cái sự học y dài lâu và nghiệt ngã, tiếp cận bao nỗi con người… nên bọn y khoa nổi tiếng là tiếu lâm hạng nhứt, mặc dù học hành nghiêm túc chẳng ai bằng! Nhớ thời đó, ai vào y khoa cũng bị đặt cho một cái “biệt danh”, cái “hỗn danh”, cái “tục danh” chịu hổng nổi, rồi chết cứng với tên gọi đó suốt đời. Bạn bè gặp nhau chỉ cần kêu một tiếng thì cả một dĩ vãng ùa về…! Tên có thể quên chớ tục danh thì khó mà không nhớ. Thịnh, là Thịnh Văn Chương, “Chương còm”. Qua Mỹ mất tên, còn họ, “Doctor Thịnh”! Tại sao còm? Bởi còn có Chương “chuột”, rồi Cầm “chim”, Sơn “gà”…Tại sao chuột? Nhìn nó… chuột, thế thôi. Còm nay đã hết còm, chuột nay không còn chuột. Thế mà cái “tục danh” còn đeo đẳng mãi làm nhớ cái anh ốm nhom, lòm còm mà nhanh nhẹn, cái anh thấp lùn mà lém lĩnh, thông minh…. Còn anh bạn Mai cao nhòng, ngất ngưỡng, hình như có lúc làm ban đại diện lớp, được gọi là “Mai vói” (phát âm theo giọng Nam bộ!), bởi ai muốn nói chuyện với anh cũng phải vói lên một chút!. Rồi bạn C – có lẽ vì nghiêm trang, ít khi đùa giỡn – nên được gọi là “ C bặt”. Nhưng chuyện của anh bây giờ là một tấm gương luôn được bạn bè nhắc tới. Anh bị đủ thứ bệnh, toàn bệnh nặng, biến chứng tùm lum, mấy phen tưởng đã xong, thế rồi anh quyết định tự xây cho mình một cái kim tĩnh… Từ đó anh khỏe hẳn ra, không thèm bệnh, không thèm chết nữa!
Bỗng có bạn hỏi, Lộc bây giờ ở đâu? Lộc nào? Lộc nào? Nhao nhao lên. Lộc “tr” hả? Đang ở Úc, rồi Q heo, rồi H “nám”, để khác với H “Rhade”, H “mù”, H “con”… Rồi Cường “sùi”, Thăng “lùn”, Bá… kẻ còn người mất. Cả đám bác sĩ vào trường y nửa thế kỷ trước bây giờ đều trên dưới bảy mươi không mấy ai là không bệnh tật! Đã bệnh thì toàn thứ dữ. Bác sĩ mà! Nhồi máu cơ tim, nong, stent, by pass… tai biến mạch máu não, tiểu đường, thận, khớp,…
Nhưng thật lạ lùng, bạn bè cũ cứ ngồi với nhau một lúc nhắc những chuyện xưa bỗng dưng ai nấy đều trẻ lại không ngờ. Trẻ như không hề có thời gian.