Monday 4 December 2017

TIẾU LÂM TÂN TRUYỆN

Inline image
 
Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, truyện Tiếu lâm có một vị trí đặc biệt. Đó là tiếng cười vượt thời gian của cha ông ta. Truyện cười, truyện tiếu lâm in bằng chữ quốc ngữ thì ta thấy đã nhiều, nhưng ít ai biết người xưa không chỉ kể chuyện tiếu lâm mà còn dùng chữ Nôm chép lại và in để “phát hành” rộng rãi. 

Xin giới thiệu vài mẩu tiếu lâm dịch từ cuốn Tiếu lâm tân truyện (2 quyển) được in vào năm Khải Định 1 (1916), tại nhà in Phúc Yên. Hai cuốn này có mang ký hiệu VNv.269 và VNb.98, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bản do Nguyễn Xuân Diện phiên âm từ bản Nôm. 
Ăn cho ích vào thân
Có hai vợ chồng thầy ký nuôi một thằng ở, ngày nào cũng để nó ăn cơm nguội. Thằng ở tinh quái, nghĩ ra một kế xỏ chủ nhà. Một hôm cô ký đang ngồi ở đằng sau, thằng ở nói rằng: “Mình ở nhà này mới một tháng, chỉ ăn cơm nguội mà dái to như thế này”. Cô ký nghe thấy, cứ lẳng lặng đi ra. Từ đấy, bữa nào cũng bắt chồng ăn cơm nguội, cơm sốt thì cho thằng ở ăn. Chồng lấy làm lạ, hỏi mãi, vợ không nói. Sau tức quá, nói to lên rằng: “Tại làm sao mà cứ bắt người ta ăn cơm nguội mãi thế”. Vợ bất đắc dĩ nói rằng: “Ăn cho ích vào thân, chứ tại làm sao mà căn vặn mãi”.
 
Tằm anh đã đói chưa
Một phú ông có hai con gái xinh lắm. Một hôm thành gia thất chị, bố sai em đi xem người nào may khéo, để may nhiều quần áo lịch sự, mà may trong ba hôm xong. Cô ta đi đến một người bảo như thế. Người thợ thấy cô ta xinh, muốn chim. Khi cô ả đến giục thì anh ta ngẩn mặt ra, không nói đến sự may. Cô ta hỏi rằng: “Sao anh ngẩn mặt thế”. Anh ta nói rằng: “Bây giờ tôi có việc cần, chưa có thể may được”. Cô ta hỏi rằng: “Việc gì”. Anh ta nói rằng: “Bây giờ con tằm tôi nó đói, phải cho nó ăn bồ hôi người mới no được”. Cô ta hỏi: “Thế ăn bồ hôi tôi có được không?”. Anh ta nói rằng: “Tốt quá”, rồi dắt cô ta vào phòng, lấy cái “ấy” ra, di từ trên đến chân, rồi từ chân lại di đến trên, sau anh ta ấn ngay vào. Cô ta về một phút, lại đến hỏi rằng: “Tằm anh đã đói chưa?”.
Úm ba la, ba ta cùng khỏi
Một chị, chồng đi vắng, ở nhà ngồi cắt củ từ, thấy củ hay hay, mới tê mê tẩn mẩn lấy một củ cho vào chốn ấy, không ngờ lấy ra không được, phát sốt điên cuồng cả người lên. Đến lúc chồng về, chị ta giả cách ngộ cảm, lên giường đắp chăn nằm. Anh chồng thấy vậy, ngẩn người ra, vẫn định về làm khoản ấy, ai ngờ về vợ lại như thế, buồn mình mới ra ngoài sân, nghịch chó cái cho đỡ buồn, nghịch thế nào mà tự nhiên anh ta mang con chó lên giường, cũng đắp chiếu kín nằm rên khư khử. Ai hỏi thì nói trá rằng đau bệnh. Kỳ thực cậu ta bị chó cái giữ, lôi ra không được, cho nên phải ôm chó cái lên giường. Thành thế ra chồng nằm rên một giường, vợ nằm rên một giường. Hai vợ chồng cùng bị bệnh cả. Người nhà thấy vậy sợ lắm, chạy đi kể chuyện với ông thầy pháp ở bên cạnh nhà: “Không biết làm sao hai vợ chồng tự nhiên phát bệnh như thế, để thầy xem có phép gì cứu được không”. Ông thầy bảo rằng: “Ma làm đấy, phải cúng thì mới khỏi”. Người nhà mời ngay ông ta đến cúng hộ cho. Ông thầy đến, vào thăm chồng, hỏi bệnh ra làm sao, người chồng nói nhỏ vào tai rằng: “Ông có cúng thì cúng cho nhà tôi, vì không biết làm sao mà tự nhiên nó phát sốt như vậy, còn tôi thì không phải bệnh”, mới nhỏ to kể thật chuyện mình cho thầy nghe. Ông thầy lại vào thăm người vợ, thì người vợ nói sẽ rằng: “Ông có cúng xin ông cúng cho nhà tôi, vì không biết làm sao mà tự nhiên phải đau bão làm vậy, còn như tôi thì không phải gì cả”. Cũng kể thật cả chuyện mình cho ông thầy nghe. Ông thầy biết rõ rằng, hai bên cùng phải một bệnh mà bên nọ giấu bên kia, song cũng cứ làm thinh như không, ra sân đặt đàn để cúng. Nhưng mà chỉ tơ tưởng chuyện hai vợ chồng nhà chủ, cho nên tê tê buồn buồn, sẵn thấy có chai rượu ở trên bàn, đem xuống để ngay cái ấy vào miệng chai, chẳng may không lôi ra được, cứ chịu chết đứng ở ngoài sân, hai tay ôm lấy chai rượu. Chị kia trông thấy bật cười đến nỗi băng cả củ từ ra, con chó cái thấy củ từ, nghĩ là miếng thịt chạy ra đớp. Thầy pháp tưởng chó đến cắn mình, sợ quá sun lại, chai rơi xuống đất. Thế là ba người cùng khỏi cả. Bởi vậy, thầy pháp ra trước đàn bắt quyết mà niệm chú rằng: “úm ba la, ba ta cùng khỏi”.