Saturday 7 April 2018

Mỹ muốn tiêu diệt kế hoạch chinh phục công nghệ mới của Trung Quốc

media
Công nhân làm việc trong một phân xưởng sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD), tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 8/5/2013.REUTERS/China Daily/File

Dùng vũ khí hạng nặng, nhưng... cuộc chiến chưa khai mào
Báo Le Figaro chạy tựa Trung Quốc tung "vũ khí hạng nặng" đáp trả Hoa Kỳ áp thuế. Chỉ vài giờ sau khi Washington công bố danh sách những sản phẩm của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế, Bắc Kinh đáp trả một cách tương xứng. Mỹ phạt Trung Quốc 60 tỷ đô la, Bắc Kinh phạt lại Washington 50 tỷ, tăng thuế 25 % nhắm vào những lĩnh vực mà thị trường Trung Quốc là khách hàng quan trọng bậc nhất của các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Đậu nành, xe hơi, máy bay ... Bắc Kinh đánh trúng "tâm điểm" của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Trong đợt phản công thứ nhì lần này, những tập đoàn Mỹ làm ăn nhiều nhất với Trung Quốc như Apple và kể cả ông khổng lồ Boeing không còn được bình yên. Theo tính toán của tờ báo, những mặt hàng trong tầm ngắm của cả đôi bên chiếm 17 % tổng trao đổi mậu dịch hai chiều. Căng thẳng thương mại leo thang, nhưng liệu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thực sự "đã mở màn" ?

Les Echos trong bài xã luận nhận định "dao có nhọn, nhưng chích không đau", bởi cả Washington lẫn Bắc Kinh đều mới chỉ trưng ra những vũ khí để dọa nhau, mà tránh tuyên bố là khi nào các biện pháp đó sẽ được áp dụng. Les Echos ví von : chính quyền Trump như thể đã dàn sẵn một loạt máy bay ném bom B52 khi nhắm vào 1.300 mặt hàng của Trung Quốc nhưng "Nhà Trắng chưa ra lệnh cho những chiếc B52 đó cất cánh".

Còn Bắc Kinh thì chắc chắn là sẽ án binh bất động, bởi "Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ số 1 của thế giới, và GDP của Trung Quốc lệ thuộc vào khối lượng hàng hóa bán cho người tiêu dùng ở Mỹ đến gấp 5 lần so với mức độ lệ thuộc của Mỹ vào thị trường Trung Quốc".

Mỹ muốn tiêu diệt kế hoạch chinh phục công nghệ mới của Trung Quốc

Mở ra một cuộc chiến để giảm thâm thủng cán cân thương mại với bạn hàng Trung Quốc thực ra chỉ là một trong hai mục tiêu mà Nhà Trắng hướng tới, như ghi nhận của thông tín viên báo Les Echos tại Bắc Kinh.

Mục tiêu thực sự của tổng thống Trump là "ngăn cản Trung Quốc cất cánh" trở thành nền công nghiệp cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ. Kế hoạch đó mang tên "Made in China 2025" đã được Trung Quốc công bố năm 2015.

Trong báo cáo dài 215 trang của Mỹ về tham vọng của Trung Quốc này, kế hoạch "Made in China 2025" đã được nhắc đến 126 lần.

Bắc Kinh đề rõ mục tiêu từ một "công xưởng của thế giới", nước này phải vươn lên thành "một cường quốc công nghiệp" làm chủ các khâu từ nghiên cứu, đến sản xuất các mặt hàng có trị giá gia tăng cao. Trung Quốc có tham vọng trở thành một "con chim đầu đàn của nền công nghệ mới", nắm giữ chìa khóa công nghệ để không còn cần đến nước ngoài.

Bên cạnh kế hoạch "Made in China 2025", năm ngoái Bắc Kinh khẳng định quyết tâm trở thành nhà vô địch trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Tác giả bài báo cho rằng, tổng thống Trump ít có khả năng phá vỡ kế hoạch đó của Trung Quốc. Nước cờ mà chủ nhân Nhà Trắng đang đi, có nguy cơ càng thúc đẩy Bắc Kinh nhanh chóng thực hiện mục tiêu đầy tham vọng đã đề ra.